Diễm Thi, RFA-2018-11-15
Các vị lãnh đạo đảng và Nhà nước bỏ phiếu bầu Chủ tịch nước tại hội trường Quốc hội ngày 23 tháng 10 năm 2018-Photo: RFA
Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước được Quốc hội chính thức thông qua hôm 15/11/2018 với gần 92% đại biểu tán thành. Luật mới quy định các bí mật trong 15 lĩnh vực. Đáng chú ý trong danh mục được đưa vào bí mật quốc gia có những thông tin về thân thế và bảo vệ sức khỏe lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước, Chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về đối nội, đối ngoại.
Bí mật sức khỏe lãnh đạo cao cấp
Từ xưa đến nay, tình hình sức khỏe lãnh đạo cao cấp ở Việt Nam vẫn là điều bí mật dù chưa được luật hóa. Mỗi khi có vị lãnh đạo nào vắng mặt ở các sự kiện cấp quốc gia, hay có vị nào ra nước ngoài thì lập tức người dân bàn tán về tình hình sức khỏe của họ, chẳng hạn như cựu Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh hay gần đây nhất là cố Chủ tịch nước Trần Đại Quang.
Bác sĩ Đinh Đức Long, một Trung tá quân đội đã từ bỏ đảng cho RFA biết:
“Thực ra bây giờ họ mới công khai nói về điều đó chứ từ xưa đến nay họ vẫn giữ bí mật. Họ có lý do của họ là công dân có quyền bí mật riêng tư, nhưng công dân này là của công chúng, lẽ ra người dân phải có quyền giám sát cả về hành vi và sức khỏe. Các nước dân chủ thì công chúng có quyền giám sát nhưng ở Việt Nam thì ngược lại. Ngay cả những cái gọi là công khai vẫn là bí mật, ví dụ như những phiên tòa gọi là công khai nhưng có ai được vào đâu. Cho nên ở Việt Nam thì ngay khi chưa có luật họ đã giữ bí mật sức khỏe lãnh đạo rồi.”
Họ có lý do của họ là công dân có quyền bí mật riêng tư, nhưng công dân này là của công chúng, lẽ ra người dân phải có quyền giám sát cả về hành vi và sức khỏe.- Bác sĩ Đinh Đức Long
Ông Lê Văn Cuông, nguyên Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa thì cho rằng vai trò của lãnh đạo hay nguyên thủ quốc gia hết sức quan trọng, khi tình hình sức khỏe chưa có kết luận rõ ràng mà tung tin không tốt sẽ ảnh hưởng đến vai trò, vị trí của người lãnh đạo, cho nên vấn đề này cũng cần phải đưa vào diện bí mật để đảm bảo cho lãnh đạo yên tâm. Không những lãnh đạo mà người dân cũng vậy thôi. Đó là những vấn đề cá nhân thì không nên công khai. Ông cho biết thêm:
“Cái này thì đã có quy định của hiến pháp pháp luật, bây giờ chỉ vận dụng vào luật này thôi. Sức khỏe của các nhà lãnh đạo được nằm trong phạm vi phải giữ bí mật vì theo tôi nghĩ, nếu như công khai cũng không có lợi cho việc điều hành hay dư luận. ”
Bí mật chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước
Phạm vi bí mật nhà nước trong lĩnh vực chính trị được quy định trong luật mới bao gồm chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về đối nội, đối ngoại; Hoạt động của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
Cựu đại biểu quốc hội Lê Văn Cuông nhận định rằng không phải là tất cả các chủ trương, đường lối của đảng hay chính sách của Nhà nước là đều bí mật. Quốc hội cũng đã cân nhắc để giới hạn những gì thuộc về phạm vi bí mật, những gì có thể công khai.
“Vấn đề này nó liên quan đến thể chế của nước Việt Nam vì những vấn đề, chủ trương đang nghiên cứu có ảnh hưởng đến an ninh, lợi ích quốc gia. Nếu công khai, lộ ra ngoài sẽ ảnh hưởng đến an ninh và lợi ích quốc gia, nên phải giữ trong phạm vi bí mật.
Tôi có suy nghĩ là các nước trên thế giới cũng thế thôi bởi vì không phải vấn đề gì của đất nước liên quan đến an ninh hay lợi ích quốc gia hoặc đang trong quá trình nghiên cứu trong phạm vi hẹp mà công khai ra thì nó không có lợi.”
Bác sĩ Đinh Đức Long cho rằng luật này được thông qua có nhiều mục đích:
“Thứ nhất là họ che giấu hành động khuất tất của họ. Ví dụ hiệp định biên giới trên biển, trên bộ với Trung Quốc hay Hiệp định Geneve đến bây giờ có công khai cho dân biết đâu. Thứ hai họ dùng luật này để bỏ tù những ai lộ bí mật theo tiêu chí của họ.”
Hiệp định biên giới trên biển, trên bộ với Trung Quốc hay Hiệp định Geneve đến bây giờ có công khai cho dân biết đâu. - Bác sĩ Đinh Đức Long
Là một Trung tá quân đội, ông hiểu rằng trong chiến tranh thì các chiến dịch quân sự phải bí mật, thế nhưng tiêu chí bí mật không thể áp dụng trong lĩnh vực khác, chẳng hạn như dự án kinh tế hay điện hạt nhân. Những điều đó phải công khai cho dân biết để phản biện vì lợi ích của quốc gia, dân tộc. Ông cho rằng hiện ở Việt Nam không có tam quyền phân lập nên không ai giám sát ai và mọi thứ rất nhập nhằng. Ông nói:
“Họ có danh mục cái nào bí mật cái nào không. Lẽ ra họ phải luật hóa cụ thể, chứ họ lợi dụng bí mật này để che giấu những chính sách mờ ám khác để phục vụ lợi ích nhóm chứ không phải lợi ích dân tộc. Cái gì có lợi cho họ thì họ che. Cái gì có hại cho người khác, thậm chí cho dân mà họ có lợi thì họ vẫn làm. Tôi nghĩ là phải có cơ chế nào kiểm soát họ, chứ thực tế bây giờ rất nhập nhằng, rất khó biết cái nào thật sự bí mật.”
Cho đến hôm nay người dân Việt Nam vẫn mong chờ Nhà nước công khai hóa nội dung và các thỏa thuận của Hội Nghị Thành Đô - cuộc họp thượng đỉnh giữa lãnh đạo cao cấp nhất hai Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam - Trung Quốc trong hai ngày 3 và 4 tháng 9 năm 1990, tại Thành Đô, Trung Quốc. Phái đoàn Việt Nam do Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam lúc đó là ông Nguyễn Văn Linh dẫn đầu.
Vì không công khai nên có nhiều thông tin chưa rõ ràng và có những nghi ngờ từ người dân về những thỏa thuận không có lợi cho phía Việt Nam.
Theo luật mới, thông tin thuộc phạm vi bí mật nhà nước phải là thông tin quan trọng, chưa được công khai, nếu bị lộ, bị mất có thể gây nguy hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc.
No comments:
Post a Comment