Ls Nguyễn Văn Thân (Danlambao) - Theo kinh nghiệm của Cam Bốt và Thái Lan, đa đảng chỉ là một điều kiện cần thiết nhưng chưa đủ để xây dựng một thể chế dân chủ văn minh, tiến bộ và lành mạnh. Bên cạnh các cơ chế căn bản như tam quyền phân lập cùng với một hệ thống truyền thông tự do và độc lập thì cũng cần các thành phần trong cuộc gồm có chính đảng và chính khách hành xử trong tinh thần và văn hóa dân chủ. Thế thì văn hóa dân chủ là gì? Văn hóa phương Đông nói chung và Việt Nam nói riêng có phù hợp với văn hóa dân chủ hay không?
Kết quả bầu cử vào ngày 29/7 tại Cam Bốt xác nhận bản chất độc tài của Hunsen với Đảng cầm quyền CPP thắng 125/125 ghế Quốc Hội. Thật ra dân chủ Cam Bốt từ nhiều năm qua chỉ mang tính hình thức. Sai lầm lớn nhất của cộng đồng quốc tế sau Hiệp định Hòa bình Paris 1993 là khi đầu tư vào công tác xây dựng một xã hội Cam Bốt dân chủ là chỉ chú trọng vào cơ chế mà quên hẳn về mặt xây dựng văn hóa và ý thức về quyền hạn cũng như trách nhiệm dân chủ. Không phải chỉ xây một tòa nhà đại học cao ốc là đương nhiên đẻ ra những học giả hoặc khoa học gia xuất sắc. Có nghĩa là phải có cả phần cứng lẫn phần mềm. Hàng chục tỷ Mỹ kim bỏ ra coi như hoang phí. Chỉ một mình nước Nhật cũng đã chi hơn 2 tỷ viện trợ cho chính quyền Hunsen qua nhiều dự án khác nhau. Tệ hại nhất là thất bại của cộng đồng quốc tế lại là một trong những nguyên nhân chính biến Phnom Penh thành một chư hầu đắc lực của Bắc Kinh trở thành mối đe dọa an ninh và chiến lược cho nhiều quốc gia trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Trở lại với thuật ngữ văn hóa dân chủ là gì thì thật sự không dễ dàng định nghĩa hoặc ấn định phạm trù của nó. Dân chủ là một thể chế mà quyền lực trực thuộc về người dân. Có nghĩa là cử tri quyết định và bầu chọn lãnh đạo. Hay nói một cách khác, văn hóa dân chủ dựa vào nền tảng giá trị bình đẳng giữa tất cả mọi người và mọi giới trong xã hội. Quyền lực không lệ thuộc vào giai cấp, huyết thống hoặc địa vị mà là do sự lựa chọn của những người dân bình thường. Có lẽ vì vậy mà thể chế dân chủ tây phương gắn liền với nhân quyền mà trong đó, quyền bình đẳng không phân biệt màu da, giới tính, giai cấp hoặc địa vị trong xã hội là nền tảng của quyền công dân đối với chính quyền và hệ thống cai trị. Trong một thể chế dân chủ thật sự thì quyền bình đẳng được thể hiện tiêu biểu nhất khi lãnh tụ và đảng cầm quyền có thể bị truy tố trước luật pháp như mọi cá nhân hoặc chủ thể khác trong xã hội.
Hiển nhiên đối nghịch với dân chủ là độc tài. Chủ nghĩa độc tài dựa trên nguyên tắc bất bình đẳng vì quyền lực thuộc về một người hoặc nhóm người của một giai cấp hoặc tầng lớp nào đó. Trong thời đại phong kiến thì giai cấp cai trị thuộc về huyết thống. Dưới chế độ cộng sản thì là thành phần Bộ Chính trị. Không có tòa nào có thể xử tội vua hoặc truy tố Đảng Cộng sản.
Lúc sinh thời, ông Lý Quang Diệu Thủ Tướng Singapore thường hay nhấn mạnh "giá trị Á đông’’ (Asian values) và cho rằng dân chủ phương tây không phù hợp với văn hóa Á đông. Thủ Tướng Mã Lai Mahathir cũng vậy. Nhưng văn hóa Á đông tự nó cũng rất đa dạng trải dài từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc xuống tới Mã Lai, Ấn độ và Ba tư với nhiều tập tục, tôn giáo và truyền thống khác nhau. Hai tôn giáo lớn tại Ấn độ là Ấn giáo (Hindu) và Phật giáo. Pakistan thì theo Hồi Giáo. Cả hai nước này là thuộc địa của Anh và sau khi giành độc lập đều áp dụng thể chế dân chủ đại nghị theo mô hình Westminter của Anh Quốc. Singapore của ông Lý Quang Diệu và Mã Lai của Mahathir cũng vậy. Có điều là một vài nhà lãnh đạo vẫn còn giữ đầu óc giai cấp "quan chi phụ mẫu" của thời phong kiến. Chỉ khi đứng về phía người dân chỉ trích "quan Najib" lạm quyền thì Mahathir mới ngộ ra. Khi bất cứ người dân đen nào cũng được quyền phê bình lãnh tụ và nhà nước thì đó là lúc tinh hoa của dân chủ và nhân quyền kết tụ.
Trong khu vực châu Á thì có văn hóa đông Á (East Asia). Có thể nói, văn hóa đông Á xuất phát từ văn hóa Trung Hoa mà cụ thể nhất là ảnh hưởng của Khổng giáo từ Trung Quốc lan truyền sang Hàn Quốc, Nhật Bản, Việt Nam và Đài Loan đều là những quốc gia đã hoặc đang sử dụng chữ Hán để làm công cụ truyền tải văn hóa.
Khổng Tử sinh vào năm 551 TCN tại nước Lỗ và mất vào năm 479 TCN (tức thọ 72 tuổi). Trước đó, dân tộc Trung Hoa đã trải qua một thời đại lịch sử đẫm máu của chiến tranh triền miên kéo dài hơn 250 năm và do đó, triết lý của Khổng Tử mang ảnh hưởng nặng nề của thời Chiến Quốc. Theo Khổng Tử, một xã hội lý tưởng đã hiện hữu dưới triều đại nhà Chu khi các vị Hoàng đế Minh quân thống trị một lãnh thổ thống nhất, không có chiến tranh ly loạn và người dân có một cuộc sống hạnh phúc và an hưởng thái bình. Triết lý chính trị của Khổng Tử gồm có 3 khái niệm chính là trật tự xã hội, thứ bậc hỗ tương và tập thể hài hòa. Dưới sự nhận xét của Khổng Tử, vua nhà Chu chỉ là bù nhìn. Quyền lực phân chia giữa các nước chư hầu là Tề, Sở, Yên,Hàn, Triệu, Ngụy và Tần. Bảy nước này liên tục đánh nhau để giành quyền thâu tóm giang sơn về một mối. Do đó, muốn duy trì thái bình và trật tự xã hội thì cần có một nhà vua hoặc chính quyền trung ương hùng mạnh áp dụng kỷ luật sắt đá răn đe các thành phần phản loạn. Một chính quyền tốt gồm có vua đóng đúng vai vua, quan đóng vai quan và dân đóng vai dân. Mọi người phải giữ đúng vai trò đã định được gọi là ''hồn ai nấy giữ".
Để đạt được trật tự xã hội thì mỗi người dân phải hiểu và đóng đúng vai trò của họ. Từ đó, khái niệm thứ bậc hỗ tương ra đời áp dụng cho 5 mối quan hệ trong xã hội đó là vua/quan và dân, cha và con, chồng và vợ, anh và em, trưởng bối và hậu bối. Từ đó mới có câu quân xử thần tử thần bất tử bất trung, phụ xử tử vong tử bất vong bất hiếu. Ngay trong các mối quan hệ này cũng có thứ bậc. "Trung" với vua đứng trên hết, rồi mới tới hiếu đạo với cha mẹ và tình nghĩa vợ chồng, anh em và bạn bè. Bậc dưới phải tuân phục bậc trên. Ngược lại, bậc trên có trách nhiệm hành xử nhân từ với kẻ dưới. Có điều là khi bề trên quá gian ác (ví dụ như Lê Long Đĩnh) thì không có giải pháp gì ngoài việc than thở với trời.
Thứ ba là quyền lợi tập thể đứng trên quyền lợi cá nhân. Có lẽ vì vậy mà khái niệm nhân quyền của dân chủ tây phương chưa có sức thuyết phục trong văn hóa và xã hội mang nặng ảnh hưởng Khổng giáo. Theo Khổng Tử, chủ nghĩa tự do cá nhân sẽ dẫn đến một cộng đồng và xã hội rối loạn. Môi trường sống của Trung Quốc cổ đại phù hợp với chủ nghĩa vị lợi vì mọi người trong gia đình sống chung với nhau trong một ngôi làng nhỏ hẹp. Từng hành động sẽ có tác động ảnh hưởng đến nhiều người khác.
Ngày nay Trung Quốc không chỉ là những ngôi làng nhỏ mà có nhiều tòa nhà chọc trời như tại Bắc Kinh và Thượng Hải. Nhưng văn hóa Khổng tử vẫn hiện hữu khắp nơi. Thậm chí Bắc Kinh còn xuất khẩu ‘’Viện Khổng Tử’’ theo nhật báo Nhân dân Trung Quốc, đến 142 quốc gia trên toàn thế giới.
Tuy nhiên, ba quốc gia đông Á mang nặng ảnh hưởng Khổng giáo là Nhật, Hàn quốc và Đài Loan đã áp dụng thành công và hài hòa thể chế dân chủ, tôn trọng nhân quyền trong một nền văn hóa Khổng giáo. Không ai có thể nói các giá trị mà Khổng giáo đề cao như Nhân, Lễ Nghĩa Trí, Tín không thịnh hành tại các nước này. Hơn nữa, môi trường dân chủ còn giúp cho các giá trị đó có cơ hội phát huy tột bực. Có thể nói đây là một sự kết hợp độc đáo các giá trị tinh hoa của tây phương và đông phương đưa đến một xã hội văn minh, thịnh vượng và và tân tiến.
Việt nam dưới sự độc quyền cai trị của Đảng Cộng sản đã và sẽ luôn bắt chước mô hình của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Hãy thử tưởng tượng một ngày nào đó Việt Nam quyết định trưởng thành theo đuổi dân chủ và nâng GDP mỗi đầu người từ trên dưới 2,000 Mỹ kim lên bằng 26,000 Mỹ kim của Đài Loan hoặc 30,000 Mỹ kim của Hàn Quốc hoặc 40,000 Mỹ kim của Nhật bản. Chừng đó Việt Nam mới thật sự có cơ hội thoát Trung và giữ được chủ quyền biển đảo.
No comments:
Post a Comment