Theo BBC-27 tháng 10 2018
"Tối hôm đó, tôi xem ti-vi thấy đưa tin về tuyên bố kỷ luật, tôi rất bức xúc, suốt đêm không ngủ được," Phó giáo sư, Tiến sỹ Mạc Văn Trang nói với BBC Tiếng Việt về chuyện ông Chu Hảo bị đề nghị kỷ luật.
"Tôi suy nghĩ trong đêm, rồi sáng dậy [26/10] tôi viết tuyên bố ra khỏi Đảng, đăng trên Facebook và gửi cho anh Chu Hảo và một vài người bạn."
Ủy ban Kiểm tra Trung ương của Đảng Cộng sản hôm 25/10 ra thông cáo nói ông Chu Hảo, Giám đốc kiêm Tổng biên tập Nhà xuất bản Tri thức bị "đề nghị xem xét, thi hành kỷ luật" vì những 'vi phạm nghiêm trọng'.
Kết luận của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương hôm 25/10 viết: "Với cương vị là Giám đốc - Tổng biên tập, đồng chí Chu Hảo chịu trách nhiệm chính về việc Nhà xuất bản Tri thức xuất bản một số cuốn sách có nội dung trái với quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, vi phạm Luật Xuất bản, bị cơ quan chức năng xử lý, thu hồi và tiêu hủy".
Quyết định 'rất trớ trêu'
Tuy nhiên, ông Mạc Văn Trang cho rằng quyết định kỷ luật ông Chu Hảo là nhằm "trừng trị, triệt tiêu những đóng góp của giới tinh hoa, trí thức, đối với các đường lối sai lầm của Đảng".
Vị nguyên Tổng biên tập Tạp chí Phát triển Giáo dục nhận xét ông Chu Hảo là người "chống tham nhũng, chống độc tài", và là "một trí thức luôn muốn làm mọi việc để khai dân trí, chấn hưng dân khí, cải tiến xã hội tiến bộ".
Ông nói việc Đảng muốn kỷ luật một con người như vậy là một điều "rất trớ trêu", và ông muốn tỏ thái độ về việc này.
"Tôi có phản ứng là tuyên bố tự ra khỏi Đảng Cộng sản Việt Nam."
Ông cũng nhận xét rằng việc ra quyết định kỷ luật ông Chu Hảo, người hiện đang là Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt - Pháp, vào thời điểm này là một quyết định rất "thiếu tế nhị".
"Ban Kỷ luật Trung ương một khi đã họp báo, thông báo như thế là người ta đã có kết luận rồi. Có lẽ họ sẽ 'dẹp' những chức mà ông Chu Hảo đang làm hiện nay, chức Giám đốc Nhà xuất bản Tri thức, và chức Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Pháp."
"Mà Thủ tướng Pháp thì sắp sang thăm Việt Nam. Tôi không hiểu sao họ lại có quyết định thiếu tế nhị tới vậy."
Việc "đề nghị xem xét, thi hành kỷ luật" đối với ông Chu Hảo chỉ được công khai 6 ngày sau khi kỳ họp lần thứ 30 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết thúc là điều khiến một số người cho là bất thường.
Thông thường, sau mỗi kỳ họp, cơ quan này sẽ ra thông cáo trong vòng 1 đến 2 ngày.
Kỳ họp của Ban Kỷ luật Trung ương diễn ra trong các ngày 17-19/10, chỉ ít hôm trước ngày Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chính thức tuyên thệ nhậm chức Chủ tịch nước, 23/10/2018.
Kỳ họp vừa rồi cũng đề nghị xem xét kỷ luật đối với một số cựu quan chức cao cấp trong ngành công an như Tướng Phan Văn Vĩnh, Tướng Nguyễn Thanh Hóa, liên quan tới vụ đánh bạc online; và Tướng Phan Tấn Tài bên quân đội, liên quan tới việc chuyển nhượng đất quốc phòng.
'Trăn trở từ lâu'
Đây không phải là lần đầu tiên ông Mạc Văn Trang suy nghĩ về việc từ bỏ Đảng Cộng sản.
Ông nói rằng từ năm 2000 ông đã nhận ra "những sai lầm về đường lối cũng như thể chế" mang tính "kìm hãm xã hội" mà Đảng Cộng sản Việt Nam áp dụng để lãnh đạo đất nước.
"Lúc đó, tôi đã thấy băn khoăn chuyện có nên ở trong Đảng hay không, bởi mình góp ý rất nhiều nhưng không thấy tác dụng gì."
Ông nhận thấy trước đây ông vào Đảng để theo đuổi lý tưởng giành độc lập tự do cho tổ quốc, hạnh phúc cho nhân dân, nhưng mục tiêu, lý tưởng của Đảng vào thời điểm này "đã khác đi rồi".
"Sự độc lập của Tổ quốc đang bị Trung Quốc đe dọa, nhưng Đảng lại liên kết với Trung Quốc, không dám lên án. Hạnh phúc của nhân dân thì với đường lối hiện nay, nhân dân đang bị mất đất, bị nhiều oan khuất. Trong khi đó, các trí thức góp ý kiến thì Đảng không nghe," ông nói.
"Tôi đã suy nghĩ từ lâu, nhưng chuyện kỷ luật ông Chu Hảo giống như giọt nước tràn ly, khiến tôi quyết định bỏ Đảng vào thời điểm này."
Nói về quá trình vào Đảng từ năm 1964 và là một đảng viên trong suốt hơn 50 năm qua của mình, ông cho biết:
"Những năm 1945-50, tới thập niên 1960 là lúc lý tưởng của Đảng trùng hợp với lý tưởng dân tộc. Đó là giành độc lập, đem lại tự do hạnh phúc cho nhân dân. Lý tưởng đó đẹp lắm."
"Lý tưởng, mục tiêu đó ai mà không thích? Đó là khát vọng của bao thế hệ thanh niên, trí thức, dấn thân cho lý tưởng đó. Điều đó không sai."
"Thế hệ thanh niên chúng tôi cũng như đảng viên lúc đó không nhận thức được là Đảng sẽ đi đến chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản để rồi đem lại bất hạnh cho nhân dân, kìm hãm sự phát triển của xã hội."
"Vấn đề là chủ thuyết sai, và về sau này, đường lối thực hiện của Đảng sai, Đảng đã trở nên độc quyền lãnh đạo, đàn áp những người tiến bộ. Điều đó đưa ra những hậu quả tai hại."
"Bây giờ, tôi ra khỏi Đảng nhưng tôi vẫn theo đuổi mục tiêu đấu tranh cho độc lập của tổ quốc và tự do hạnh phúc của nhân dân."
Rời bỏ hay ở lại?
Trước câu hỏi liệu những đảng viên kỳ cựu như ông có nên ở trong Đảng để có cơ hội đấu tranh, góp ý sửa chữa những điều mà ông cho là "sai lầm" của Đảng Cộng sản hay không, thay vì ra khỏi Đảng và trở thành "người ngoài", không còn tiếng nói trong Đảng nữa, ông Mạc Văn Trang cho rằng điều quan trọng là mỗi cá nhân có thể làm gì, chứ không phải là ở việc họ còn ở trong hay ở ngoài Đảng.
"Tôi tin là có nhiều đảng viên, trong đó có những người nắm hoặc từng nắm giữ vị trí nhất định trong Đảng, cũng thấy đường lối sai lầm của đảng nhưng họ vẫn ở trong Đảng, hoặc về hưu rồi nhưng họ vẫn không ra khỏi Đảng."
"Ví dụ như Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh có rất nhiều bài phản biện với Đảng rất hay, có uy tín xã hội nhưng cụ vẫn ở trong Đảng, vẫn có danh nghĩa cựu ủy viên trung ương đảng. Tiếng nói của cụ góp ý với Đảng, với xã hội là có tác dụng."
"Điều này tùy người, tùy hoàn cảnh, tùy tính cách mỗi người."
"Không nên đặt vấn đề là những người trí thức, những người đấu tranh cho tiến bộ xã hội thì phải ở trong hay phải ra khỏi Đảng. Điều quan trọng là họ làm gì."
Việc Phó giáo sư, Tiến sỹ Chu Hảo bị đề nghị kỷ luật đã khiến nhiều giới trí thức, văn sĩ đồng loạt tuyên bố rời khỏi Đảng Cộng sản.
Cũng hôm 26/10, nhà văn Nguyên Ngọc tuyên bố trên trang Facebook cá nhân rằng ông đã suy nghĩ và định rời bỏ Đảng từ lâu nhưng sau sự việc của PGS. TS. Chu Hảo, ông quyết định "chính thức từ bỏ Đảng Cộng sản Việt Nam kể từ hôm nay… để tỏ rõ thái độ đối với thông báo của UBKTTW Đảng."
Đến sáng 27/10, một số tài khoản Facebook được cho là của Trung tá Trần Nam, Tiến sĩ Trần Thanh Tuấn và Kỹ sư Hoàng Tiến Cường, đăng hình thẻ Đảng và cũng tuyên bố rời khỏi Đảng để ủng hộ PGS. TS. Chu Hảo.
Trong những năm trước đây, đã từng có một số trí thức có tiếng, cựu quan chức, đảng viên kỳ cựu tuyên bố ra ra khỏi Đảng.
Đáng chú ý là một số trường hợp Giáo sư Tương Lai (9/2017) và Giáo sư Nguyễn Đình Cống (2/2016), nguyên phó chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Thành phố Hồ Chí Minh Lê Hiếu Đằng (12/2013).
No comments:
Post a Comment