Hôm 17/10 tại phiên họp của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho biết trong năm 2017 có tới 5.639 văn bản trái pháp luật do các bộ ngành địa phương ban hành. Tính trung bình mỗi ngày có 23,6 văn bản trái pháp luật.
Thống kê cũng cho thấy giai đoạn 1995 - 2015, Cục Kiểm tra văn bản của Bộ Tư pháp kiểm tra 3,6 triệu văn bản, phát hiện hơn 90.000 văn bản trái pháp luật được ban hành.
Những văn bản này gây tác hại rất xấu tới hoạt động bình thường của người dân và doanh nghiệp, và làm hư hoại hình ảnh về một nhà nước pháp quyền thượng tôn pháp luật.
Theo ý kiến từ Ban dân nguyện Quốc hội thì đây là vấn đề đã tồn tại lâu, cử tri kiến nghị rất nhiều nhưng tình hình vẫn chưa được cải thiện.
Vai trò của tòa án
Các văn bản ban hành trái pháp luật có thể là nghị định, thông tư của các cơ quan chính phủ, nghị quyết của hội đồng nhân dân và quyết định của ủy ban nhân dân các cấp.
Nhưng trái với một hệ thống hành pháp quá lớn quyền có thể ban hành cả văn bản quy phạm pháp luật thuộc về lập pháp, thì hiện tại ở Việt Nam bộ máy nhà nước duy trì một hệ thống tư pháp quá yếu quyền.
Tòa án hành chính hiện nay chỉ được quyền xét xử đối với quyết định hành chính của từ bộ trưởng trở xuống, mà không được quyền phán xét đối với nghị định của Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng và thông tư của các bộ.
Không chỉ thế, với các quy định hiện nay về văn bản quy phạm pháp luật là quy tắc xử sự chung, được áp dụng lặp đi lặp lại nhiều lần đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Và quyết định hành chính là văn bản do cơ quan hành chính nhà nước ban hành quyết định về một vấn đề cụ thể trong hoạt động quản lý hành chính được áp dụng một lần đối với đối tượng cụ thể.
Tòa án hành chính hiện nay cũng không được quyền xét xử đối với những văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có các văn bản của hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân các cấp tỉnh, huyện, xã.
Từ đó dẫn đến một số lượng rất lớn các cơ quan trên phạm vi cả nước được ban hành các văn bản có khả năng tác động lớn tới đời sống kinh tế xã hội, nhưng lại thoát khỏi chế tài của tòa án về sự sai trái của nó so với quy định của Luật do Quốc hội ban hành.
Tòa án hành chính như thế là quá yếu kém, không đảm bảo được cơ chế ngăn chặn giúp ích cho quản trị quốc gia.
Nhưng không chỉ có thế, ở Việt Nam cũng không có một Tòa án Hiến pháp hoặc cơ chế tương đương để xét xử đối với những việc làm trái với quy định của Hiến pháp.
Theo đó toàn bộ hệ thống văn bản quy phạm pháp luật dù là trái với quy định của Hiến pháp cũng không ai làm gì được.
Do vậy, trên thực tế có những hành vi xâm phạm quyền của công dân như cản trở quyền lập hội, quyền biểu tình, cản trở quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí của công dân song vẫn ngang nhiên tồn tại.
Kinh nghiệm bản thân
Mới đây, tôi trải qua hai sự việc cho thấy về một văn bản quy phạm ban hành có nội dung trái pháp luật và một sự việc về sự yếu quyền của tòa án.
Việc thứ nhất, một lần tôi vào Trại tạm giam số 2 Công an thành phố Hà Nội để gặp bị can nhưng nhân viên quản giáo không cho gặp. Họ trình ra một công văn của cơ quan điều tra đề nghị khi luật sư vào gặp thì phải báo cho cơ quan điều tra biết để họ cử người tham gia giám sát.
Việc làm này rõ ràng là trái pháp luật vì Bộ luật Tố tụng Hình sự quy định luật sư bào chữa được quyền gặp bị can.
Họ đã căn cứ vào nội dung của Thông tư liên tịch số 01/2018/TTLT của liên ngành Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao và Tòa án Nhân dân Tối cao hướng dẫn phối hợp giữa cơ sở giam giữ và cơ quan điều tra.
Văn bản này đưa ra thêm nội dung quy định về giám sát gặp gỡ giữa luật sư bào chữa và bị can trong khi Bộ luật Tố tụng Hình sự không hề quy định.
Đây là một ví dụ về văn bản được ban hành trái pháp luật.
Việc thứ hai liên quan đến ông Trần Huỳnh Duy Thức, người đang thụ án 16 năm tù về tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân.
Căn cứ vào quy định mới của Bộ luật Hình sự về sự phân biệt giữa hành vi phạm tội và hành vi chuẩn bị phạm tội, và mức hình phạt nhẹ cho hành vi chuẩn bị chỉ từ 1 đến 5 năm tù, ông Thức đòi hỏi các cơ quan áp dụng để trả tự do cho mình.
Luật sư đã giúp ông gửi văn bản đến các cơ quan tư pháp đề nghị xem xét đặc xá trả tự do.
Chúng tôi đã gửi 12 lá thư tới Chủ tịch nước, là người có thẩm quyền trong việc này, nhưng không nhận được phản hồi và lâm vào tình trạng bế tắc vì theo quy định hiện nay thì cũng không thể khởi kiện Chủ tịch nước.
Trong khi cũng văn bản đó chúng tôi gửi đến các cơ quan có trách nhiệm liên quan trong hoạt động đặc xá là Chính phủ, Bộ Công an và Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, thì các cơ quan này đều có phúc đáp cho chúng tôi.
Các cơ quan tuy không trả lời chấp nhận giải quyết việc đặc xá nhưng bộ phận văn phòng của họ cũng cho biết là đơn thư đã được xem xét xử lý.
Như vậy đáng ra Văn phòng Chủ tịch nước cũng cần phản hồi là đơn đang được xem xét, để chúng tôi khỏi phải chời đợi thấp thỏm và phải gửi đến 12 lượt thư đi trong khoảng thời gian 6 tháng.
Theo quy định hiện tại thì Văn phòng Chủ tịch nước có thể bị khởi kiện.
Nhận thấy sự im lặng của Văn phòng Chủ tịch nước đã vi phạm nghĩa vụ của họ được quy định tại Quyết định số 585-QĐ/CTN ngày 16 tháng 4 năm 2018 của Chủ tịch nước về chức năng nhiệm vụ quyền hạn của Văn phòng Chủ tịch nước, chúng tôi đã tiến hành khởi kiện Văn phòng Chủ tịch nước về hành vi hành chính thiếu trách nhiệm, như là cách tạo ra một kênh gặp gỡ đối thoại về việc xử lý đơn thư cũng như giải quyết đặc xá cho khách hàng.
Tuy vậy, Tòa án thành phố Hà Nội lại không thụ lý giải quyết.
Điều này gây thất vọng về năng lực của ngành Tòa, và cho thấy quyền lợi của người dân và doanh nghiệp sẽ kém được bảo vệ bởi một cơ chế tư pháp yếu quyền.
Bài viết thể hiện quan điểm và văn phong của tác giả, trưởng một văn phòng luật sư ở Hà Nội.
No comments:
Post a Comment