Tuesday, October 23, 2018

Nợ công tăng: Thêm gánh nặng cho dân

Diễm Thi, RFA-2018-10-23 
Nhân viên tại một ngân hàng ở Hà Nội đếm tiền đô la Mỹ
  Nhân viên tại một ngân hàng ở Hà Nội đếm tiền đô la Mỹ-AFP
Theo Báo cáo thẩm tra về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2018, dự toán và phân bổ ngân sách nhà nước năm 2019 do Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách, ông Nguyễn Đức Hải trình bày tại Hà Nội hôm 22/10, thì mỗi người dân Việt Nam gánh hơn 34 triệu đồng nợ công, tăng gần 3 triệu đồng mỗi người so với năm 2017.
Người dân nói gì
Sau khi biết thông tin mình đang gánh trên vai món nợ lớn đến thế, một người dân hiện ở Sài Gòn có tài khoản facebook tên Vô Thường nói với RFA qua điện thoại rằng người dân luôn luôn nghe về tăng trưởng kinh tế, GDP cao, nhà nước được vay vốn ODA rồi nhận viện trợ không hoàn lại; chính phủ còn muốn xây nhà hát giao hưởng 1.500 tỷ, xây quảng trường Hồ Chí Minh, mà tại sao nợ công ngày càng nhiều như vậy. Người này bức xúc nói thêm rằng “Rốt cuộc thì thế hệ tương lai, thế hệ con cháu mình phải gánh nợ, phải trả nợ quá nhiều, mà không biết bao giờ mới trả hết cái nợ do thế hệ lãnh đạo hiện tại gây ra.”
Thầy Thích Ngộ Chánh ở Lâm Đồng, một người rất quan tâm đến những bất công trong xã hội cũng tỏ rõ thái độ không đồng tình khi nhiều cán bộ thì ngày càng giàu, người dân thì ngày càng nghèo.
“Chúng tôi thấy rất bất bình khi nghe tin này tại vì từ tài nguyên, môi trường cho đến an sinh xã hội hiện nay rất tệ. Trong khi đó thuế người dân phải đóng rất là cao mà bây giờ mỗi người dân phải gánh nợ công một cách khủng khiếp như vậy. Tất cả những việc nhà nước làm, quyết sách của nhà nước thì người dân không được có ý kiến, trong khi những tai họa xảy ra thì đảng không chịu trách nhiệm mà người dân phải chịu hết những tai hại do sự lãnh đạo thiếu sáng suốt hoặc sự tham nhũng của các cấp lãnh đạo.”
Cũng trong bản báo cáo chiều ngày 22/10, Uỷ ban Tài chính Ngân sách cho biết, Chính phủ dự ước bội chi ngân sách Nhà nước bằng dự toán, nợ công/GDP có xu hướng giảm, tuy nhiên, số tuyệt đối về nợ công tiếp tục đà tăng. Cụ thể, dư nợ công ước thực hiện năm 2017 là 3.128 nghìn tỷ đồng; ước năm 2018 là 3.409 nghìn tỷ đồng.
Trong khi đó, vay để trả nợ gốc hàng năm có xu hướng tăng nhanh. Nợ chính phủ ước thực hiện năm 2017 là 2.590 nghìn tỷ đồng, ước năm 2018 là 2.892 nghìn tỷ đồng. Vay để trả nợ gốc năm 2017 là 150,7 nghìn tỷ đồng; năm 2018 là 157,13 nghìn tỷ đồng; năm 2019 là 201,21 nghìn tỷ đồng.
Tiến sĩ Vũ Quang Việt, từng là Vụ trưởng Vụ Tài khoản Quốc gia thuộc Cục Thống kê Liên Hợp Quốc trong một bài viết đăng trên tạp chí Thời Đại Mới tháng 8/2018 có thống kê từ năm 2011 đến 2016 cho thấy nợ của chính phủ Việt Nam năm 2016 là 2.4 triệu tỷ đồng, năm 2017 tăng lên 3.1 triệu tỷ và năm 2018 tăng lên 3.4 triệu tỷ. Như vậy có nghĩa là năm 2017 tăng 29%, năm 2018 tăng 9.7% trong khi GDP chỉ tăng khoảng trên 6%.
Nhưng theo ông thì đây chưa phải là nợ công. Nợ công bao gồm nợ của chính phủ và nợ của doanh nghiệp nhà nước. Nợ công năm 2011 là 4.8 triệu tỷ đồng nhưng đến năm 2016 lên đến 8.6 triệu tỷ đồng, gấp 3.5 lần con số nợ chính phủ lúc đó.
Nguyên nhân
Với suy nghĩ của một người dân, facebooker Vô Thường cho rằng nguyên nhân nợ ngày càng cao như vậy do lỗi của cả chính quyền lẫn người dân. Cô cho rằng chính quyền hiện nay là một chính quyền không chính danh bởi không được bầu từ lá phiếu của người dân qua các cuộc bầu cử tự do, cho nên chính quyền hoạt động không minh bạch, không có sự giám sát của người dân nên làm việc không hiệu quả và để lại một núi nợ như hiện nay.  Và cô trình bày tiếp:
Tiền đồng Việt Nam tại một ngân hàng ở Hà Nội.
Tiền đồng Việt Nam tại một ngân hàng ở Hà Nội. AFP
“Còn lỗi từ phía người dân là do người dân không nhận thức được quyền lợi của mình, không nhận thức được mình là chủ đất nước và có trách nhiệm với đất nước, không quan tâm đến chính trị và coi mình như người ngoài cuộc.”
Tháng 3/2018, Kiểm toán Nhà nước đưa ra bản Báo cáo kiểm toán chuyên đề công tác quản lý nợ công năm 2016 cho thấy hàng loạt thiếu sót của Bộ Tài chính chẳng hạn như không cập nhật số liệu rút vốn các năm trước, chưa điều chỉnh số liệu sau khi đối chiếu với chủ nợ, theo dõi và tổng hợp thiếu nợ nước ngoài của chính phủ.
Có dự án tính toán sai tiến độ thực hiện nên dự án đã được ký hiệp định vay với chính phủ nước ngoài nhưng không thực hiện giải ngân, vẫn phải trả khoản phí cam kết cho nhà tài trợ.
Còn rất nhiều nguyên nhân dẫn đến nợ công cao như bội chi ngân sách, đầu tư không hiệu quả, tiền lãi vay quá cao…, nhưng một nguyên nhân dễ thấy là bộ máy nhân sự quá cồng kềnh mà ngân sách nhà nước phải nuôi bằng thuế của dân. Theo thống kê của World Bank năm 2016 thì Việt Nam là nước có đông công chức, viên chức nhất Đông Nam Á.
Bộ máy nhà nước có khoảng 2.8 triệu cán bộ, công chức, viên chức. Nếu cộng toàn bộ số người hưởng lương và mang tính chất lương thì con số này lên tới 11 triệu người. Chính phủ hiện nay hàng năm phải chi trả 14% trên tổng nợ chính phủ vay và chính phủ bảo lãnh.
Nghịch lý trong thực tế là Việt Nam đang cần vay vốn để phát triển nhưng do sử dụng vốn không hiệu quả nên nợ công tăng nhanh. Nhưng nếu không tiếp tục vay thì cũng không có vốn để phát triển và để trả nợ.
Nan giải hướng ra
Một trong những hướng để có nguồn vốn phát triển kinh tế được Nhà nước tính tới là huy động vàng trong dân với số lượng được Hiệp hội kinh doanh vàng thống kê là khoảng 500 tấn.
Tiến sĩ kinh tế Phạm Chí Dũng hiện ở Sài Gòn tỏ ra nghi ngờ về biện pháp đó. Ông đặt câu hỏi là huy động 500 tấn vàng của dân để phát triển kinh tế hay để trả nợ nước ngoài, tại vì hiện nay Việt Nam nợ nước ngoài rất nhiều. Ông cho biết mỗi năm nhà nước phải có trách nhiệm trả nợ quốc tế từ 6 đến 8 tỷ đô la, đặc biệt có những năm lên tới 10 hoặc 12 tỷ đô la một năm. Từ nhiều năm qua Việt Nam không có tiền tự làm ra để trả nợ mà phải vay để đảo nợ.
Tiến sĩ Vũ Quang Việt trong một bài viết đăng trên tạp chí Thời Đại Mới tháng 8/2018 viết rằng “Việt Nam có thu nhập đầu người trung bình vượt ngưỡng chậm phát triển nên các tổ chức quốc tế kể từ tháng 7 năm 2017 đã đưa Việt Nam ra khỏi danh sách các nước hưởng ưu đãi với lãi suất 0 hay rất thấp và với thời gian trả dài 35-40 năm. Như thế Việt Nam từ nay sẽ phải mượn với lãi suất thị trường và thời gian phải trả ngắn hơn.”
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa hiện ở Hoa Kỳ từng nói với RFA về vấn đề nợ công rằng “chuyện dễ mà ai cũng tính ra hay nghĩ tới là tăng thuế để giảm mức bội chi và đi vay. Đấy là kịch bản gọi là “giết con gà đẻ trứng vàng” vì tăng thuế sẽ cản trở sản xuất và còn đánh hụt số thu. Kịch bản thứ hai là “xin vỡ nợ từng phần” như ta đang chứng kiến tại xứ Venezuela sau khi xây dựng xã hội chủ nghĩa.”

No comments:

Post a Comment