LONDON, Anh (NV) – Tổ chức bảo vệ nhân quyền Ân Xá Quốc Tế (Amnesty International, AI) vừa thúc giục Quốc Hội CSVN hoãn thi hành Luật An Ninh Mạng – một luật siết chặt các quyền tự do cá nhân của công dân đến không còn gì.
“Chúng tôi đặc biệt lo ngại rằng nếu thực thi Luật An Ninh Mạng như bản hiện hành, thì luật này sẽ dẫn đến những hạn chế và vi phạm quyền tự do ngôn luận, quyền riêng tư, tự do thông tin cũng như những quyền con người khác,” tổ chức Ân Xá Quốc Tế trụ sở chính tại London, Anh, đưa ra lời kêu gọi và bức thư ngỏ gửi nhà cầm quyền CSVN hôm Thứ Ba, 23 Tháng Mười, 2018, khi Quốc Hội CSVN bắt đầu họp khóa cuối năm để “xem xét,” “cho ý kiến” và thông qua một số dự luật.
Ân Xá Quốc Tế nhắc nhở để chế độ Hà Nội biết, “Là một quốc gia ký kết Công Ước Quốc Tế Về Quyền Dân Sự Và Chính Trị, Việt Nam có nghĩa vụ bảo đảm quyền tự do ngôn luận cả trên mạng Internet và xã hội thực, và quyền riêng tư.”
Ngày 11 Tháng Sáu, 2018, Quốc Hội “con dấu cao su” CSVN bỏ phiếu thông qua Luật An Ninh Mạng chỉ một ngày sau khi có các cuộc biểu tình hàng chục ngàn người tại Hà Nội và Sài Gòn cùng nhiều tỉnh thị khác trên cả nước đòi hỏi dẹp cả hai dự luật An Ninh Mạng và Đặc Khu Kinh Tế.
Trước áp lực của quần chúng, Quốc Hội CSVN đã hoãn lại dự luật Đặc Khu Kinh Tế, nhưng thông qua Luật An Ninh Mạng. Hàng trăm người đã bị công an bắt, đánh đập dã man sau các cuộc biểu tình, đến nay đã có hàng chục người bị kết án tù.
Tổ chức Ân Xá Quốc Tế nhìn thấy Luật An Ninh Mạng, bắt đầu có hiệu lực từ đầu năm 2019, của chế độ Hà Nội “không phù hợp với luật quốc tế và Hiến Pháp Việt Nam 2013.” Tổ chức này nhận thấy những điều khoản được sử dụng nhằm hạn chế và hình sự hóa quyền biểu đạt online vốn đã được bảo vệ trong Bộ Luật Hình Sự CSVN 2015.
Dẫn chứng Điều 8 liệt kê những hành vi và hoạt động bị cấm, như “xuyên tạc lịch sự, bác bỏ thành quả cách mạng, phá hoại khối đoàn kết dân tộc,” và “cung cấp thông tin sai, gây hoang mang trong dân chúng, gây hại cho các hoạt động kinh tế xã hội.” Điều khoản dùng từ mơ hồ này cho phép chính quyền các cấp tùy tiện và lạm quyền trong việc quyết định hành vị nào là cấm đoán.
Điều 16 cung cấp một định nghĩa quá sức mơ hồ về hành vị cấu thành tuyên truyền chống nhà nước, đó là “xúc phạm dân tộc, quốc kỳ, quốc huy, quốc ca, vĩ nhân, lãnh tụ, danh nhân, hay anh hùng dân tộc.” Rõ ràng là không đủ để một cá nhân định hình được hành vi của họ cho phù hợp.
Tổ chức này “cũng quan tâm sâu sắc về việc dự thảo Nghị Định Hướng Dẫn Thi Hành Luật An Ninh Mạng sẽ hạn chế xa hơn tự do Internet và có thể gây hại đối với quyền con người. Chúng tôi đặc biệt quan tâm đến Điều 58(5), buộc các công ty Internet hoạt động tại Việt Nam phải lưu và giao thông tin cá nhân người sử dụng mạng cho Cục An Ninh Mạng theo yêu cầu. Các công ty Internet chắc chắn sẽ bị phạt nếu họ không đáp ứng yêu cầu đó của chính quyền, và chẳng ai biết hồ sơ cá nhân người sử dụng mạng sẽ được chính quyền sự dụng như thế nào nếu giao cho họ.”
Tuần trước, người ta thấy trên hệ thống truyền thông toàn cầu rất nhiều lời bình luận về những quy định chi tiết của Bộ Công An CSVN buộc người sử dụng Internet tại Việt Nam, coi như chế độ Hà Nội đòi kiểm soát hết các thông tin cá nhân kể cả số thẻ tín dụng, hồ sơ y tế, hồ sơ tài chính, quan điểm chính trị; dữ liệu do cá nhân tạo ra như nội dung tương tác, thông tin tải lên; và dữ liệu về mối quan hệ của cá nhân.
Đối với doanh nghiệp kinh doanh Internet thì phải lưu trữ thông tin trong suốt thời gian hoạt động hoặc đến khi không còn cung cấp dịch vụ với mục đích không ngoài kiểm soát người dân như những con tin trong tay Cục An Ninh Mạng của Bộ Công An CSVN.
Khi Luật An Ninh Mạng vừa được thông qua, Ủy Ban Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc ngày 14 Tháng Sáu, 2018, cũng đã đả kích CSVN là Luật An Ninh Mạng “chứa đựng những điều khoản đi ngược lại với những cam kết của Công Ước Quốc Tế Về Các Quyền Dân Sự Và Chính Trị (ICCPR) mà Việt Nam đã ký.”
Ủy Ban Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc nói rằng: “Luật An Ninh Mạng có thể được chính quyền sử dụng để đàn áp những tiếng nói bất đồng” nên đòi hỏi chế độ Hà Nội “cung cấp môi trường thuận lợi cho tự do ngôn luận cả trên mạng và ngoài đời ở Việt Nam.”
Cho đến nay đã có hơn 70,000 người Việt Nam ký kiến nghị qua tổ chức change.org chống Luật An Ninh Mạng “xâm phạm không gian riêng tư” của người dân. (TN)
No comments:
Post a Comment