Tuesday, October 23, 2018

Nhà hát huyện hơn 100 tỷ đồng ở Hà Nội 'đắp chiếu'

Nhà hát cấp huyện quy mô nhất thành phố Hà Nội hoàn thành hơn một năm nay, nhưng chưa thể hoạt động.

Cách trung tâm Hà Nội khoảng 20 km về phía tây, nhà hát huyện Đan Phượng được xây dựng trên mảnh đất 10.500 m2, tổng số vốn đầu tư 117,4 tỷ đồng từ ngân sách huyện. Công trình có diện tích mặt sàn 7.100 m2, gồm một khán phòng 700 chỗ ngồi cùng 20 phòng chức năng. Đến nay, nhà hát huyện Đan Phượng là thiết chế văn hóa cấp huyện lớn nhất Hà Nội.
Nhà hát huyện Đan Phượng (Hà Nội), cách trung tâm Hà Nội 20km. Ảnh: Tất Định
Nhà hát huyện Đan Phượng (Hà Nội), cách trung tâm Hà Nội 20 km. Ảnh: Tất Định
Được bàn giao cho Trung tâm Văn hóa Thể thao huyện quản lý từ tháng 4/2017, hơn một năm qua nhà hát vẫn chưa hoạt động chính thức. Xung quanh cỏ mọc um tùm, cổng phụ bên hông cây gai leo kín. Cầu thang ốp đá hoa cương dẫn lên sảnh chính lấm lem bùn đất, mạch giữa các phiến đá chồi lên cây dại. Cánh cửa kính ở sảnh chính khóa chặt, tấm ốp phía ngoài bắt đầu han gỉ.
Bên trong nhà hát, sân khấu lát sàn bằng gỗ tự nhiên phủ bụi, khu vực khán giả là bậc thang trống trơn, chưa lắp ghế. Dãy phòng chức năng phía sau có 4 lớp dạy năng khiếu dành cho thiếu nhi mở vào dịp cuối tuần.
Nhà hát chưa hoạt động vì không đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy theo quy định. "Hiện chúng tôi chỉ tổ chức các lớp năng khiếu thiếu nhi và cho mượn phòng để tập văn nghệ. Nhà hát chưa có lao công, việc dọn dẹp do nhân viên văn phòng Trung tâm làm không thường xuyên”, ông Nguyễn Văn Vĩnh, Giám đốc Trung tâm Văn hóa Thể thao huyện Đan Phượng giải thích.
Ông Vĩnh cho biết, mỗi năm huyện Đan Phượng tổ chức hai sự kiện lớn là Ngày văn hóa huyện (19/5) và Lễ kỷ niệm ngày giải phóng huyện Đan Phượng (21/8). Ngoài ra, còn khoảng 20 chương trình giao lưu văn nghệ, biểu diễn ca nhạc, hội thi như tuyên truyền kể chuyện chính sách, thi tiếng hát người cao tuổi, thi ứng xử của cán bộ, công chức..., hầu hết được tổ chức tại nhà thi đấu huyện, nằm đối diện với nhà hát, được xây dựng từ năm 2005 với 900 ghế ngồi. Một số sự kiện khác tổ chức ở sân vận động hoặc hội trưởng của UBND huyện.
Sân khấu nhà hát Đan Phượng sức chứa 700 chỗ ngồi vẫn chưa lắp ghế. Ảnh: Tất Định
Sân khấu nhà hát Đan Phượng sức chứa 700 chỗ ngồi vẫn chưa lắp ghế. Ảnh: Tất Định
Tháng 6/2019 mới có thể hoàn thiện phòng cháy chữa cháy
Theo Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy Hà Nội, nhà hát huyện Đan Phượng không có hệ thống chữa cháy tự động, họng nước cứu hóa bố trí chưa hợp lý. Bể nước cứu hỏa của tòa nhà chỉ 70 m3, trong khi quy định phải 400 m3. 
Phụ trách Ban quản lý dự án huyện Đan Phượng, ông Nguyễn Viết Thái khẳng định “bàn giao theo đúng dự án được duyệt, đã thanh tra, quyết toán xong”. “Khi lập dự án, xây dựng nhà hát chưa có Luật Phòng cháy chữa cháy sửa đổi 2013. Sau khi thẩm định, dự án cần bổ sung một số hạng mục đảm bảo phòng cháy chữa cháy theo quy định. Khi nào tiếp tục bổ sung thì tôi chưa rõ”, ông Thái nói.
Khởi công từ tháng 2/2012, dự kiến hoàn thành 2014, nhưng đến tháng 4/2017, nhà hát mới được bàn giao, ông Thái giải thích do phải giãn tiến độ theo Chỉ thị 1792 của Thủ tướng về tăng cường quản lý đầu tư từ vốn ngân sách Nhà nước và vốn trái phiếu Chính phủ và chỉ đạo của UBNTP Hà Nội.
Ba cánh cửa sảnh chính của nhà hát luôn đóng kín. Ảnh: Tất Định
Ba cánh cửa sảnh chính của nhà hát luôn đóng kín. Ảnh: Tất Định
Theo Phó chủ tịch huyện Đào Thị Hồng, việc đầu tư hoàn thiện phòng cháy chữa cháy nhà hát sẽ được trình HĐND huyện Đan Phượng thông qua vào tháng 6/2019. Huyện đồng thời đang điều chỉnh công năng nhà hát.
Ngoài mục đích tổ chức biểu diễn ca nhạc, đây sẽ là trung tâm văn hóa đa chức năng, tổ chức hội nghị, sinh hoạt văn hóa của người dân. “Chúng tôi đặt tên là nhà hát nhưng thực chất công trình được coi như trung tâm văn hóa đa chức năng”, bà Hồng nói.
Đánh giá về việc lãng phí khi xây nhà hát rồi đóng cửa, bà Đào Thị Hồng nói: “Khi nhà hát chính thức hoạt động, chúng tôi sẽ đưa các thiết chế văn hóa khác vào, tổ chức quản lý sao cho đạt hiệu quả nhất”.
Còn ông Nguyễn Văn Vĩnh, Giám đốc Trung tâm Văn hóa Thể thao huyện, bày tỏ sự lạc quan: “Năm rồi, hai ông bầu show đến hỏi thuê sân khấu để biểu diễn ca nhạc, nhưng tôi phải từ chối hết. Người dân Đan Phượng giờ kinh tế khá giả hơn trước nhiều, nhu cầu thưởng thức văn hóa nghệ thuật cũng cao. Tôi tin rằng khi hoạt động chính thức, nhà hát sẽ đem lại hiệu quả tốt”.
Trước đó tháng 1/2015, Thanh tra TP Hà Nội kết luận công trình nhà hát Đan Phượng có nhiều sai phạm. UBND huyện Đan Phượng phê duyệt dự án khi chưa có nguồn vốn, không thực hiện quy trình thẩm định vốn. Dự án không tuân thủ chỉ thị 1792 của Thủ tướng về tăng cường quản lý đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước, vốn trái phiếu Chính phủ và không thuộc dự án cấp bách, cho phép nhà thầu ứng vốn thi công xây dựng.
Khi hoàn thành các hạng mục xây lắp, UBND huyện chưa có nguồn vốn thanh toán cho gói thầu thiết bị (trị giá 5,9 tỷ đồng) và các khối lượng xây lắp hoàn thành năm 2014. Điều đó dẫn đến việc công trình hoàn thành cũng không thể sử dụng vì không có thiết bị, gây lãng phí nguồn vốn ngân sách Nhà nước.
Thanh tra thành phố chỉ rõ, sai phạm này trách nhiệm thuộc về Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Đan Phượng.










Tất Định

No comments:

Post a Comment