Tuesday, October 23, 2018

Hiểm họa ‘nhất thể hóa’ khi Nguyễn Phú Trọng ‘hốt liền’ chức chủ tịch nước

 Hữu Nguyên/Người Việt
Nguyễn Phú Trọng có quyền lực gần như tuyệt đối sau khi Trần Đại Quang qua đời. (Hình: Getty Images)
Tuần lễ đầu tiên của Tháng Mười, năm 2018, khi hai mẫu xe hơi có xuất xứ phụ tùng hầm bà lằng nhưng gắn bảng “made in Vietnam” ra mắt ở “Paris Motor Show 2018,” thì cơ cấu quyền lực tưởng như bất di bất dịch cả đảng Cộng Sản cầm quyền ở Việt Nam phát tín hiệu thay đổi theo mô hình nhất thể hóa của Trung Cộng.
Dù chỉ mang tính thủ tục là qua Quốc Hội CSVN bầu, nhưng chắc chắn ông Nguyễn Phú Trọng sẽ đoạt được “vương miện kiểu mới” từ đảng cầm quyền chuyên chế.
Dư luận mạng xã hội ồn ào về việc ông Nguyễn Phú Trọng với tuổi 74 lên ngôi chủ tịch nước ngay sau hai cái quốc tang của Chủ Tịch Trần Đại Quang và cựu Tổng Bí Thư Đỗ Mười, điều đó không có nghĩa là toàn bộ đời sống của người Việt qua được căn bệnh lãnh cảm chính trị.
Cũng chính nhờ căn bệnh cam chịu của dân chúng nên dù có thêm quốc tang hay việc ông Trọng thâu tóm thêm đặc quyền ngồi ở ngai vàng suốt đời như Tập Cận Bình, thì hàng triệu người ở Việt Nam cứ lầm lũi câm lặng kiếm sống để đóng thuế nuôi bộ máy quyền lực tham nhũng không từ thứ gì của đảng.
Ngày nay ở Việt Nam, đa phần dựa vào mạng xã hội với số lượng hàng chục triệu người tham gia để cân đo phản ứng người dân trước các sự kiện lớn của quốc gia, nhưng hẳn nhiên các căn cứ đó không thể gọi là phản ảnh toàn phần dư luận, nhất là với các sự kiện có đụng chạm đến nền chính trị chuyên chế.
Từ bến xe trung chuyển Phương Trang, đường Lê Hồng Phong, quận 5. Người đàn ông trung niên chạy xe ôm sau ít phút ngần gại, đã nói: “Ông Trọng đã có quyền tuyệt đối rồi giờ chẳng qua là ổng muốn hưởng nghi lễ chủ tịch nước để sướng hơn thôi, chớ chức chủ tịch sao bằng chức tổng bí thư.”
Khi chúng tôi gợi ý ông nói thêm, ông lấy giọng đường phố cho biết: “Công ổng bắt bỏ tù cả đống cán bộ tham nhũng thì ổng tự thưởng ổng cái ghế chủ tịch cha nội nào dám cản. Họ bày vẽ Quốc Hội bầu cũng là tuồng hát dở ẹt, không coi cũng biết mà.”
Bất ngờ với ý từ một thanh niên công nhân làm việc ở khu công nghiệp Tân Bình. Anh nói: “Cũng là người Bắc có lý luận, ngày xưa ông Trịnh Kiểm còn biết hỏi ý ông Trạng Trình, để rồi không đoạt ngôi vua Lê mà chỉ ‘Giữ chùa thờ phật thì ăn oản’. Ổng Trọng đúng là gian hùng hơn chúa Trịnh!”
Hiện trạng giới trẻ ngày nay lơ mơ với lịch sử, thì ý này của người thanh niên công nhân thế hệ 8x cũng thú vị hơn nhiều status trên Facebook. Nhưng khi được hỏi anh có lo khi ông Trọng có toàn quyền thì không ai ngăn được ông ta dâng nước cho Tàu không? Anh nói, giọng nghiêm trang hơn: “Đêm nay cháu viết điều này lên phây. Ai chớ ông Trọng cháu đ… tin, mà ông này có làm hay nói gì chống Tàu đâu mà mình tin.”
Qua việc đảng chuyên chế Hà Nội học tập và làm theo tấm gương nhất thể hóa của chế độ Bắc Kinh, cho thấy cơ chế chuyên chế phân quyền của chóp bu Cộng Sản Việt Nam tồn tại hàng chục năm đang phân rã. Nhưng dư luận vốn theo phe đảng Cộng Sản lại không đồng ý gọi là phân rã, họ cho nhất thể hóa hai chức chủ tịch và bí thư là sự thay đổi cần thiết để tạo hiệu quả cho bộ máy cai trị chuyên chế bạo ngược. Cho dù dùng từ phân rã quyền lực hay thay đổi quyền lực thì cũng không che dấu được một điều mà dư luận công dân am tường: Chóp bu trong đảng đang mất đoàn kết nghiêm trọng, nói trắng ra là cái vỏ đồng chí với nhau của họ đã rách nát và đã phơi bày nhiều thứ vũ khí sẵn sàng thanh toán nhau vì quyền và lợi.
Một thầy giáo trung học, từng là đảng viên nay lặng lẽ bỏ đảng, hiện đang làm việc cho một nhà sách tư nhân, cho biết. Những đảng viên từng sinh hoạt với ông đều có chung nhận định. Vấn đề nhất thể hóa này đã cho thấy trước chuyện tranh đoạt quyền lực tối cao, gây ra cảnh gió tanh mưa máu trong đảng vào thời hậu Nguyễn Phú Trọng. Khi được hỏi thêm về vai trò của Bắc Kinh nếu có loạn cung đình ở Hà Nội. Ông nói: “Với tuổi đó ông Trọng ngồi ngai vàng chắc chẳng bao lâu, vậy coi như Bắc Kinh dùng chuyện nhất thể hóa là một cách gài mìn tạo loạn có lợi cho họ.”
Nhưng một nhà thơ người Bắc, sống ở Sài Gòn, ông có đôi dòng status trên “phây” của mình vận động dư luận dọn đường cho ông Trọng thì lạc quan hơn với chuyện đảng từ phân quyền chuyển qua tập quyền. Ông cho biết: “Dù ít hy vọng nhưng cũng nên tính tới khả năng ông Trọng hoặc người thay ông Trọng sau này có đủ quyền lực để thành một Mikhail Gorbachev-Việt Nam.”
Dù rất ít người trong giới văn nghệ đồng tình với ông nhà thơ, nhưng giới văn nghệ sĩ đều đang có tâm trạng chung là riêng năm nay, sau cái chết của ông Phan Văn Khải, ông Trần Đại Quang, rồi ông Đỗ Mười và chắc rằng từ nay đến hết năm sẽ có thêm các lãnh tụ Cộng Sản Việt Nam qua đời, dù không muốn nhận định bi quan cũng phải thừa nhận việc ông Nguyễn Phú Trọng hốt liền thành công thêm chức chủ tịch nước, cũng là sự kiện biến động chưa từng thấy có tiền lệ của hệ thống đảng trị Cộng Sản Việt Nam. (Hữu Nguyên)

No comments:

Post a Comment