Câu chuyện học sinh miền núi lội suối tới trường, ăn cơm trắng hoặc với muối trắng giã gừng, giã ớt, hái lá rừng, củ gừng… xào, luộc… qua ngày đoạn tháng để mong kiếm lấy con chữ không còn mấy xa lạ ở thời đại bùng nổ thông tin qua internet như hiện nay. Mọi chuyện dường như chẳng bao giờ ngã ngũ với cơ chế quản lý như hiện tại, khi các quan không dừng lại ở nhà lầu xe hơi, nhà cao cửa rộng mà là mấy biệt phủ dát vàng, bao nhiêu nhà, tài sản ở nước ngoài… thì đâu đó, chút phần quà cứu trợ của các em cũng bị chén xén chỉ còn nhỏ giọt khi đến được vùng núi cao. Thế nhưng, có một câu chuyện khác cũng đáng bàn không kém khi nhắc đến những phần quà cứu trợ, những bữa ăn từ thiện… đó là “đại nạn một bữa no”.
Những tưởng đó chỉ là câu chuyện trong văn học của nhà văn Nam Cao hơn nửa thế kỷ trước, nhưng không, một bữa no của hiện tại không chỉ là của một nhân vật nào, ở một địa điểm nào. Một bữa no của hiện tại bao phủ lên ba miền đất nước, những nơi núi cao hẻo lánh, nơi đầm sình lầy lội, nơi hun hút những con gió biển thổi tít tận đâu đâu nhưng không lấy đi được cái nghèo của học sinh nơi đó.
Một đoạn clip ghi lại cảnh một bữa ăn của các em học sinh trường tiểu học Keo Lôm xã Keo Lôm huyện Điện Biên Đông tỉnh Điện Biên vào đầu năm học này hay cảnh trẻ em ở một trường miền núi nào đó đang ngồi theo hàng và được ban phát một bữa ăn, các em ăn say sưa mặc cho mọi người đứng quanh hay quay phim, chụp hình, mặc cho nền đất chân trần hay dép lê, dép đứt… đó là một vài ví dụ cho trường hợp một bữa no của các em. Đại nạn một bữa no của các em có thể xuất phát từ sự yêu thương của mọi người, một người nào đó dành cho các em mà đâu đó, nó cũng thể hiện một phần căn cốt của người xem mà người truyền thông điệp muốn chuyển tải.
Hãy bỏ qua vấn đề liên quan đến nạn tham nhũng, cửa công, ăn chặn, sự chậm trễ hay bất lương từ việc ăn trên mồ hôi của người lao động, bòn rút từ những hạt gạo của trẻ em miền núi của các giới chức, cán bộ… Bởi điều đó quá mặc nhiên và miễn bàn ở hệ thống hiện tại. Bới ví như nếu anh chỉ là một anh vận chuyển, một phó thôn, phó xóm… nhìn thấy cảnh cơ cực của những đứa nhỏ bữa đói bữa no với từng lon gạo cha mẹ ki cóp cho con mang tới trường, những búp chuối rừng, cá suối mà các em buộc sống đời sống của Tarzan… không ai có lương tâm dám ăn chặn… nhưng những người ở xa hơn một chút, người ở cao hơn một chút… anh nằm trong một hệ thống được ăn chỉ theo tỷ lệ 4-3-2-1 nghĩa là cứ 10 đồng hỗ trợ cho trẻ em miền núi thì sẽ có 4 đồng được chia cho bậc cao nhất từ quyết định xuất tiền/gạo/vật phẩm… được ký, 3 đồng tiếp theo sẽ nằm trong tay bậc tiếp theo khi số tiền/gạo/vật phẩm ấy được xuất kho và trên đường đến với cơ sở tổng ở địa phương được hỗ trợ, 2 đồng tiếp sẽ nằm ở các viên chức địa phương, nơi trực tiếp nhận số tiền/gạo/vật phẩm đó để đưa về đến tay các em và 1 đồng còn lại chính là những gói mì tôm hết hạn, những đồng tiền nhỏ giọt mà các trường miền núi, vùng sâu vùng xa chờ dài cổ từ năm này qua năm khác… Nếu nhận được một bữa no từ những hệ thống này, e rằng các em đã đến lúc tự bước ra khỏi rừng núi để làm thuê xứ người hoặc lùi sâu hơn vào đại ngàn để kiếm sống như muôn thú.
Tôi còn nhớ vào một chiều mưa rả rích cách đây hai tuần, lang thang cà phê cóc và ngồi bên một nhóm bạn trẻ chừng đôi mươi. Tôi lùi ghế vào góc xa bên gốc cây bông giấy xù xì nở thêm vài bông nhỏ, nhóm trẻ lặng thinh chuyển dần thành xì xùm bàn luận về một câu chuyện mà anh chàng kính cận đi cùng vừa kể: “Hôm rồi tao coi một đoạn phim, kể về việc một chú chim đại bàng ra sức bảo vệ con mình trước một bộ tộc đói khát và xem trứng đại bàng là món bổ. Đại bàng mẹ lượn lờ quanh tổ để bảo vệ trứng chim, thế rồi một ông nọ bày cho những người quấn khố kia cách lấy một chiếc lá thổi, tạo ra một loại âm thanh thu dụ chim mẹ. Lúc âm thanh phát ra cách tổ chim một khoảng đủ xa và không quá gần, chim mẹ bay lại tìm kẻ địch, và kết quả là lúc bay lại về tổ, nguyên một ổ trứng đã bị hốt. Chim mẹ vung cánh tìm đến bên một đống lửa với 2 quả trứng trong xô nước treo lủng lẳng. Nó lao vào đám đông và hất đổ xô nước, nhưng quá muộn màng… những quả trứng đã bị luộc chín… Nó đứng lặng nhìn ổ trứng luộc một lúc rồi bay đi…!”.
Chiều thu trở nên ảm đạm khi tụi trẻ lặng thinh và rồi:
“Thiệt tình, loài này sinh ra là để dưỡng loài khác, bình thường mà.”
“Tao thì thấy thương con đại bàng quá, cái cảnh đó…”
“Thì họ đói quá mà, cần gì nghĩ…”
“Trách thì trách cái thằng nghĩ ra cái âm thanh dẫn dụ đại bàng ấy.”
“Tao thì thấy thường, mà có trách thì hỏi cái thằng đạo diễn đoạn phim ấy…”
Hai từ “đạo diễn” bám chặt lấy đầu óc tôi suốt chiều hôm ấy. Tại sao các mạnh thường quân không phân phát bữa ăn về nhà các em, hoặc giả là để vào bàn ăn trong lớp học? Bởi các em có thể tập trung lại được với nhiều người đứng quanh thì chứng tỏ đó có thể là trước một mái trường hoặc chí ít quanh đó cũng có nhà ai đó, sao không để trẻ vào nhà ngồi ăn. Không múa lân, không phải bánh kẹo, không phải đồ chơi để con trẻ ngồi ngay sân mà chơi… lạy Chúa, đó là một bữa ăn. Người ta đã có thể làm nhiều hơn thế, đã có thể để các em có một bữa no tử tế chỉ với việc thay đổi địa điểm và tư thế ăn của các em, nhưng không, họ đã chọn cách làm như vậy: Những trẻ em nghèo khổ xếp hàng ngồi chồm hỗm ăn một món gì đó có vẻ là bún…
Và một clip khác, cảnh các em học sinh trường tiểu học Keo Lôm xã Keo Lôm huyện Điện Biên Đông tỉnh Điện Biên ngồi trong lớp học có bàn với những hộp nhựa đựng cơm ăn cùng mì tôm. Và mì tôm ở đây là phần quà của một số người thấy thương các em nên tặng gạo, mì tôm… Tác giả của clip lên tiếng rằng các em là học sinh người H.Mong, vì thấy các em thương quá nên anh đã quay lại clip đó.
Tôi một lần nữa ngậm ngùi trước cảnh chẳng mấy lạ ở cái xứ sở này, nhưng một người bạn nữ của tôi thì lại khác. Cô ấy bảo rằng sao người ta phải múc lấy múc để mì tôm để thêm vào tô của các em, sao người ta không chia phần ra và để các em ăn vừa phải… họ không sợ một bữa no sao?
Một bữa no của những học sinh vốn dĩ hiền lành, chân chất, chỉ thấy đói ăn, khát uống… Hình ảnh của các em được lan tỏa khắp địa cầu và vô hình trung, một đám trẻ ngây thơ trở thành nhân vật đang diễn cảnh thật của mình trong một kịch bản ngẫu nhiên tìm tiếng nói, hạt gạo, gói mì tôm để ủng hộ các em.
Từ một góc xa xôi nào đó của địa cầu, trong hình hài một cục đất sét của trẻ con nhào nặn, có người đang tự hỏi rằng phải chăng nếu các em có được một bữa no tử tế theo đúng nghĩa, các em sẽ khó có được một bữa no tiếp theo. Bởi ở cái thời giả giả thật thật, nếu các em ăn theo đúng nghĩa ăn, không lê thê lếch thếch, không tay chân dính đất, không hì hà hì hục… nhiều người không tin các em đói?!
Rõ ràng nhiều người trong chúng ta chọn cách nhanh nhất có thể được để giúp đỡ các em, trong số đó, có nhiều góp nhiều, có ít góp ít, quen nhiều kêu gọi nhiều, quen ít thì tìm cách khác kêu gọi… suy cho cùng ai cũng muốn giúp các em có được bữa no hơn… Nhưng phải thảm khổ, phải phi lý, phải rớt xuống tận cùng của thống khổ kia mới đủ hiệu năng đánh động lòng thương cảm đồng loại mới được chăng?!
Đôi lúc tôi tự hỏi rằng liệu có một nhóm vận động hành lang nào có thể tồn tại ở đất nước này, lúc này không? Những nhóm người dùng tấm lòng của mình, một chút tiền của mình, một chút vị thế của mình… cùng góp lên tiếng nói ủng hộ các em thông qua các đạo luật, thông qua những áp lực buộc hệ thống 4-3-2-1 tan rã, rằng 10 phần gạo sẽ về thẳng nồi cơm của các em?
Đôi khi, mọi mong ước, mọi câu hỏi chỉ dừng lại ở việc mong rằng các em không trở thành nhân vật thật trong cuốn phim đi tìm một bữa no nào đó như các em đã từng và đang tiếp tục chịu sắm vai “một bữa no”!?
No comments:
Post a Comment