Chu Chi Nam và Vũ Văn Lâm (Danlambao) - Một nhà đấu tranh cách mạng có nói: Trong một xã hội, khi mà giai cấp thượng tầng xào xáo, đấm đá lẫn nhau, khi mà giai tầng trung lưu mất định hướng, giai tầng bình dân bất mãn, thì đó là thời điểm thích hợp nhất để khởi xướng cách mạng.
Ở đây chúng ta định nghĩa một cách đơn giản cách mạng là một cuộc thay đổi lớn về lịch sử, chính trị của một xã hội, nhằm thay đổi luật lệ, bắt đầu bằng hiến pháp, sau đó là giai tầng lãnh đạo, rồi đến trật tự xã hội, khi mà xã hội đó quá bất công, lòng dân căm phẫn.
Tuy nhiên chính trị, lịch sử, xã hội thuộc về khoa học nhân văn, không phải là khoa học chính xác, chúng ta không có thể đo lường được: Ở mức độ nào thì người ta có thể nói là thượng tầng xào xáo, giai tầng trung lưu mất định hướng, giai tầng bình dân bất mãn, bao nhiêu cuộc biểu tính chống đối giới cầm quyền xảy ra thì mới đủ.
Đây là một bài toán khó giải, không biết bao nhiêu trăm ẩn số. Chúng ta chỉ còn cách nhìn về quá khứ để rút tỉa kinh nghiệm, mang lại một vài soi sáng cho hiện tại và tương lai.
Trong lịch sử nhân loại, có rất nhiều cuộc cách mạng, từ cuộc cách mạng giành độc lập của Hoa Kỳ 1776, cách mạng dân chủ, nhân quyền của Pháp năm 1789, tới cuộc cách mạng Tân hợi của Tầu năm 1911 và cuộc cách mạng cộng sản của Lénine tháng 10 năm 1917. Rồi nhiều cuộc cách mạng gần đây.
Tuy nhiên, trong khuôn khổ bài này, chúng ta không thể đi quá xa về quá khứ. Chúng ta chỉ xét sơ về cuộc cách mạng mà người ta gọi là cuộc cách mạng thất bại, hoài thai, Biến cố Thiên an môn 1989 của Tàu.
Từ đó, chúng ta đặt câu hỏi: Tình thế hiện nay của Tàu đã thuận lợi cho cách mạng chưa.
Sơ qua về lịch sư Tàu và Biến cố Thiên an môn 1989
Biến cố Thiên an môn 1989, còn được gọi là Phong trào dân chủ 89 hay cuộc Cách mạng thất bại, hoài thai 1989, xảy ra vào ngày 4/6/1989, sau cái chết của Hồ Diệu Bang ngày 15/4/1989, là một loạt những vụ biểu tình bởi sinh viên học sinh, rồi tới công nhân, thợ thuyền, lúc đầu ở Bắc Kinh, sau đó lan ra tới 400 tỉnh, toàn nước Tàu.
Để hiểu rõ cuộc Cách mạng thất bại hoài thai này, chúng ta cũng cần phải có một cái nhìn sơ lược về nội tình chính trị Tàu, ít nhất là từ ngày Đảng Cộng sản cướp được chính quyền vào năm 1949.
Ở đây chúng ta chỉ nhắc sơ lược đến những biến cố quan trong của nước Tàu từ năm 1949 đến 1989, là đúng 40 năm. Sự cướp được chính quyền trên toàn cõi nước Tàu của Đảng Cộng sản quả là một điều ngạc nhiên cho toàn thế giới, ngay cả với đồng minh của mình là Liên sô. Liên sô ngạc nhiên vì vừa kính phục, vừa sợ. Sợ vì nghĩ rằng thế giới cộng sản sẽ xẩy ra cảnh lưỡng đầu chế như chúng ta đã chứng kiến sau này.
Ngày hôm nay đế quốc Liên sô sụp đổ, phần lớn những người cộng sản của đảng này vẫn cho rằng lỗi chính là tại đảng cộng sản Tàu đâm đằng sau lưng, nhưng không bao giời nghĩ là lỗi chính là tại lý thuyết Mác Lê, nền tảng của mọi chế độ cộng sản. Và trong tương lai sẽ đến cộng sản Tàu và Việt Nam.
Tuy nhiên phải công nhận rằng đế quốc cộng sản Liên sô sụp đổ cũng có một phần trách nhiệm của cộng sản Tàu. Sự tranh chấp biên giới Nga-Tàu suốt những năm 60, 70 và 80 đã làm cho Liên sô chi phí đến 2 000 tỷ $, theo đánh giá của những nhà chuyên viên quân sự Nga và cả thế giới.
Sau khi cướp được chính quyền, Mao đã làm một cuộc duyệt binh hùng hậu, với tất cả những vũ khí cướp được của Tưởng giới Thạch, từ xe tăng, đại bác, máy bay, làm cho lãnh đạo Liên sô lúc bấy giờ không yên lòng. Cộng thêm cuộc chiến tranh Triều tiên liền xẩy ra liền sau đó vào năm 1950. Cuộc chiến này có nhiều người cho là do Tàu cộng xúi dục Kim nhật Thành, ông nội của Kim chánh Nhất hiện nay. Nhưng theo nhiều nhà nghiên cứu và sử gia thì chính là do Staline xúi dục Kim nhật Thành. Staline muốn Trung cộng lao đầu vào chiến tranh Triều tiên đề trì hoãn sự phát triển của Tàu, để cảnh lưỡng đầu chế không sớm xẩy ra.
Có thể nói, Đảng Cộng sản Tàu là do Liên sô lập ra. Nhưng từ lúc đầu Liên sô đã có một cái nhìn không mấy thiện cảm với đảng cộng sản này, ngay với những người Tổng bí thư, những lãnh đạo đầu tiên như Trần độc Tú, Lý đại Siêu, Vương Minh v.v…
Chúng ta cứ theo dõi những bài diễn văn vào những kỳ Đại hội thuở ban đầu của Đệ Tam Quốc tế Cộng sản, thời Lénine còn sống: Trotsky thì cho rằng "Đảng cộng sản Tàu mang mùi quốc gia chủ nghĩa và tư tưởng Khổng Tử." Staline thì chê bai: "Đảng cộng sản Tàu chỉ là một loại bơ rẻ tiền" (Margarine).
Vì vậy sự tranh chấp Nga-Hoa không phải đến một ngày một buổi, mà còn có nguyên do sâu xa. Nhất là từ ngày Mao Trạch Đông, trên đường Vạn Lý Trường Chinh, lên chức Tổng bí thư năm 1934. Mặc dù Mao đã nhiều lần bị trục xuất khỏi đảng cộng sản bởi phe thân Liên sô, vì chiến lược "Nông thôn bao vây thành thị" của ông, chủ trương dựa vào nông dân để làm cách mạng cộng sản, điều này hoàn toàn trái ngược với kinh điển cộng sản Liên sô cho rằng cách mạng cộng sản chỉ có thể làm được ở thành thị, nơi có giai cấp vô sản.
Chính vì vậy mà cuộc thành công của Mao năm 1949 không những là một điều ngạc nhiên của Liên sô, mà còn là một điều lo ngại. Liền sau đó xẩy ra cuộc chiến tranh Triều tiên do Staline xúi dục như vừa nói ở trên. Mặc dù cuộc chiến này chỉ kéo dài 3 năm, giữa Mỹ và Trung cộng, nhưng cũng làm cho Trung cộng mất mặt và rối rắm trong nội bộ.
Từ năm 1953 tới năm 1958, cộng sản Tàu bận rộn lo tiếp thu một đất nước rộng lớn với một dân số đông. Nhưng từ năm 1958 thì bắt đầu kế hoạch "Bước tiến đại nhảy vọt", đi từ một ý tưởng điên rồ, không có một tý gì là sự hiểu biết căn bản về kinh tế của Mao. Người ta có thể nói giới lãnh đạo cộng sản có thể rất giỏi về đánh đấm, chiến tranh, nhưng chẳng hiểu gì về kinh tế.
Mao đi từ một ý tưởng đơn giản rằng một nước kỹ nghệ là một nước có một trình độ sản xuất sắt thép cao. Bước "Đại nhảy vọt" chính là làm cho nước Tàu sản xuất sắt thép thật nhiều. Đảng và chính quyền bắt dân phải sản xuất sắt thép, làm những lò luyện kim bỏ túi, mang nồi niêu xong chảo ra luyện thành thép, không làm công việc canh nông. Cũng như Mao bị ám ảnh bởi một ý tưởng đơn giản khác "là một cường quốc thì phải có bom nguyên tử", đã nhiều lần yêu cầu Liên sô giúp chế tạo nhưng đều bị từ chối.
Đây cũng là một trong những nguyên do chính cho mối bất hòa Nga Hoa.
Sau này Mao bắt tay với Mỹ, đi đến cuộc gặp gỡ Mao- Nixon năm 1972. Có nhiều giả thuyết cho rằng Mỹ đã gián tiếp giúp Trung cộng có bom nguyên tử, bằng cách để 2 nhà bác học nguyên tử Mỹ, gốc Tàu, trốn về lục địa. Giả thuyết này không phải là không có lý.
Trở về với "Bước tiến đại nhảy vọt" về sắt thép:
Kết quả là sắt thép chế tạo ra chẳng để làm gì, ngược lại công việc đồng áng thì lãng quên, đưa đến nạn chết đói, chỉ trong 2 năm, từ năm 1958 đến năm 1960, làm cho khoảng 40 triệu người chết đói. Tất nhiên đây là một thất bại. Nhưng Mao vẫn không chịu nhận sự sai lầm của mình. Những ai can đảm, dám đứng ra chỉ trích, như tướng Bành Đức Hoài, Chủ tịch nước Lưu Thiếu Kỳ v.v..., thì bị trù dập đến chết vào thời Cách mạng Hồng vệ binh.
Người ta có thể nói, từ năm 1960 đến năm 1966 quyền hành bị vuột khỏi tay Mao, vào trong tay 3 người, đó là Lưu Thiếu Kỳ, Chu Ân Lai và Đặng Tiểu Bình. Nạn nhân của cuộc "Cách mạng" này cũng làm đến hai ba chục triệu người chết, không thua gì "Bước đại nhảy vọt".
Để giành lại quyền hành, Mao phát động Cách mạng Hồng vệ Binh vào năm 1966. Cuộc Cách mạng này kéo dài 10 năm cho tới khi Mao chết, 1976, đã gây ra biết bao tang thương cho dân tộc Tàu, biết bao nhiêu người chết hay bị bỏ tù oan uổng, ngay cả những đại lãnh tụ như Lưu thiếu kỳ, bị bỏ tù, rồi chết mất xác, Bành Đức Hoài, cũng chết trong tù, vì bị bệnh hoạn, không được chăm sóc chỉ vì một câu nói "vụ chết đói không phải chỉ tại thiên tai, mà trong đó có lỗi của con người", muốn ám chỉ lỗi tại Mao, rồi bị trù dập, mặc dầu 2 người trước kia là bạn rất thân ở Diên An, ăn cùng mâm, ngủ cùng giường.
Quả thật người cộng sản không có một chút tình nghĩa gì cả, luôn chơi kiểu vắt chanh bỏ vỏ, còn Đặng Tiểu Bình thì phải sống chốn chui, chốn nhủi ở Quảng Đông, cùng biết bao nhiêu lãnh tụ khác, như Tập Trọng Huân, thân sinh của Tập Cận Bình ngày hôm nay, lúc đó là Phó Thủ tướng đặc trách về ý thức hệ của Mao, cũng phải đi tù. Chu Ân Lai chết vào ngày 8/01/1976. Chỉ 3 tháng sau, Đặng Tiểu Bình, người được Chu Ân Lai yêu cầu trở lại chính quyền, bị tước hết quyền lực vào ngày 7/04. Nhưng không bao lâu Mao cũng chết vào ngày 9/09/1976 và chỉ một tháng sau, bà Giang Thanh, vợ Mao và 3 người đồng bọn, bị bắt ngày 8/10/1976.
Từ ngày 16 đến ngày 21/07/1977, trong cuộc Họp Trung ương Đảng khóa 10, Đặng Tiểu Bình được phục tất cả các chức, từ Ủy viên Trung ương đảng, Ủy viên Bộ Chính trị và Ban Thường Vụ Bộ chính trị, Phó Thủ tướng, Tham mưu trưởng quân đội, do lời yêu cầu của tướng Diệp Kiếm Anh, người giữ vai trò chính trong việc bắt giữ bà Giang Thanh và bè lũ.
Từ đó, họ Đặng tìm cách loại bỏ Hoa Quốc Phong, người được Mao đề nghị thay thế mình. Và cũng từ đó bắt đầu chính sách cải tổ và thân Hoa kỳ. Từ năm 1978, qua câu nói của họ Đặng "Mèo trắng hay mèo đen không quan trọng. Quan trọng chính là mèo biết bắt chuột", đi theo chính sách "Kinh tế thị trường theo định hướng chủ nghĩa xã hội", hô hào dân chúng làm giầu và mở ra những đặc khu kinh tế mới ở ven biển, như khu Thẩm quyến ở Quảng Đông, cứ địa của tướng Diệp Kiếm Anh.
Dân Tàu, sau 2 nạn vừa đói và bị trù dập thanh trừng oan uổng dưới thời Mao, nay kinh tế đã một phần trở về kinh tế tư nhân, ngoại quốc đã bắt đầu đầu tư. Kinh tế Tàu đã trở nên phát triển, với một tốc độ chóng mặt, nhưng không biết đi về đâu, như nhà văn Mạc Ngôn, giải Nobel văn học năm 2012 nói. Từ đó bất công tham nhũng lan tràn. Người ta làm tiền bằng bất cứ giá nào, không kể đạo đức luật lệ, quan quyền thì tham nhũng, ác ôn.
Chính nhà văn trên viết:
"...Ông độc ác quá, ông nhỏ nhen quá. Còn đâu là một quan phụ mẫu nổi tiếng khoan dung, nhân hậu. Hai năm rõ mười là một tên phỉ tàn ác! Ông hại tôi đến nỗi ma chẳng ra ma, người chẳng ra người, cũng tại tôi tử tế thái quá, ông lại còn hạ độc thủ với người đã từng hàng phục ông. Ông là tên súc sanh, mặt người dạ thú." (Mạc Ngôn - Đàn hương hình - Chương 2 - Dịch giả Trần Đình Hiệu – Internet).
Trong hoàn cảnh xã hội đó, việc Hồ Diệu Bang, đại diện cho nhóm cải cách, bị bắt buộc từ chức năm 1987, rồi đột ngột ngã quỵ vào ngày 15/04/1989, đã là nguyên nhân xảy ra Biến cố Thiên An Môn. Giới thợ thuyền, sinh viên, học sinh không còn biết tin tưởng vào đâu, vào ai, vì họ Hồ gần như là người đại diện cuối cùng cho niềm hy vọng của họ, để có một thể chế dân chủ, dễ thở hơn.
Hồ Diệu Bang chết như một tiếng sét đánh trên đầu phe cải cách. Phe này đã mất một lãnh tụ cải cách vào năm 1986 với cái chết của tướng Diệp Kiếm Anh, nay lại đến Hồ Diệu Bang chết, nguyên nhân gần của Biến cố Thiên An Môn. Tất nhiên còn nhiều nguyên nhân sâu xa khác.
Chúng ta hãy xét mục đích của giai cấp thượng tầng, trung tầng và hạ tầng trước, trong và sau biến cố Thiên An Môn.
Về mục đích, chúng ta không cần tìm hiểu sâu xa, chỉ nhìn biểu tượng sinh viên, học sinh, thợ thuyền tụ họp cả trăm ngàn người ở quảng trường Thiên an môn, rồi dựng lên tượng Nữ thần Tự do. Điều này đã chứng tỏ quá rõ ràng niềm ước vọng của họ là làm một cuộc cách mạng tự do, dân chủ, thoát khỏi chế độ độc tài, đàn áp của cộng sản đương thời.
Về giai tầng, chúng ta hãy bắt đầu bằng thượng tầng:
Thượng tầng đây không ai hơn là giới lãnh đạo chóp bu của Đảng công sản: Từ ngày 27 đến ngày 29 tháng 6 năm 1981, họp Trung ương đảng lần thứ 6 của Đại hội thứ 12, kết án vĩnh viễn Cách mạng Hồng vệ binh, Hoa Quốc Phong, người được Mao chỉ định chính thức kế vị, phải từ chức Chủ tịch Trung Ương đảng và Chủ tịch Ủy ban Quân sự. Hồ Diệu Bang trở thành Chủ tịch Ủy ban Trung Ương đảng. Đặng Tiểu Bình trở thành Chủ tịch Quân Ủy Trung ương. Ban thường vụ Bộ Chính gồm có Hồ Diệu Bang là Chủ tịch và những Phó Chủ tịch gồm có: Diệp Kiếm Anh, Đặng Tiểu Bình, Triệu Tử Dương, Lý Tiên Niệm, Trần Vân và Hoa Quốc Phong. Lúc này phe cải cách gồm có Diệp Kiếm Anh, Hồ Diệu Bang, Triệu Tử Dương và phe bảo thủ gồm có Lý Tiên Niệm, Trần Vân và Hoa Quốc Phong. Đặng Tiểu Bình đứng trung lập ở giữa.
Ngày 25/10 đến ngày 1/11/1987, họp đại hội đảng thứ 13, chủ trì bởi Đặng Tiểu Bình, Triệu Tử Dương đọc bản báo cáo chính trị, mang tựa đề "Tiến bước trên con đường xã hội chủ nghĩa mang màu sắc Trung quốc", Ban Thường vụ Bộ Chính trị được bầu ra, trong đó có Triệu Tử Dương, Lý Bằng, Kiều Thạch, Hồ Khải Lập, Diêu Y Lâm. Triệu Tử Dương được bầu làm Tổng thư ký Ban chấp hanh Trung Ương. Đặng Tiểu Bình vẫn giữ chức Chủ tịch Quân Ủy Trung ương, Triệu Tử Dương là Đệ Nhất Phó Chủ tịch và Dương Thượng Côn là Đệ Nhị Phó Chủ tịch. Về thượng tầng, chúng ta có thể nói phe bảo thủ đã thắng thế, sau 2 cái chết của họ Diệp và họ Hồ.
Chính vì vậy mà xảy ra biến cố Thiên an môn và vào ngày 19/5 /1989 thiết quân luật ở thành phố Bắc kinh. Biến cố này xẩy ra từ trong ra ngoài và từ trên xuống dưới qua nhân vật Triệu tử Dương, từ trong Bộ Chính trị và từ thượng tầng xuống hạ tầng. Nhưng họ Triệu bị lâm vào tình huống thiểu số, không đủ mạnh để lật ngược thế cờ.
Lúc đầu Đặng Tiểu Bình đứng trung lập giữa phe cải cách và bảo thủ, đây là lập trường từ xưa đến giờ của họ Đặng nên đã giúp ông tai qua nạn khỏi qua bao kỳ đại biến thời Mao. Nhưng Triệu Tử Dương đã không kiềm chế được đoàn biểu tình, có những biểu ngữ chống con họ Đặng là Đặng Phú Phong, người đã bị tàn tật suốt đời vì nhảy lầu, khi Hồng vệ binh tới cư xá để tìm bắt ông. Việc Đặng Tiểu Bình đứng về phe bảo thủ, việc đầu tiên có tính cách cá nhân, gia đình, rồi sau mới tới quốc gia, đại sự. Ông đã triệu tập Bát Đại gia, những người có quyền hành thực tế lúc bấy giờ, gồm có gia đình Đặng Tiểu Bình, tướng Vương Chấn, chủ tịch nước Dương Thượng Côn, Chủ tịch Quốc hội Lý Tiên Niệm, người đặc trách về kỷ luật đảng, kiêm kinh tế Trần Vân, rồi Tống Niệm Cùng, đặc trách về vấn đề an ninh, Bành Chân, đặc trách về vấn đề luật lệ, và Bạc nhất Ba, đặc trách về vấn đề cố vấn. Phần lớn những người này đã trải qua tù đày, hoặc bị trù dập trong cuộc cách mạng văn hóa của Mao, nên rất sợ sự kiện Thiện an môn đi ra ngoài vòng kiểm soát của chính quyền nên đều quyết định thiết quân luật, sau đó đàn áp đẫm máu cuộc biểu tình.
Ở đây chúng ta phải nói đến một người phụ nữ, tuy không có chức vụ chính thức quan trọng nào, nhưng có ảnh hưởng rất lớn đối với giới chính trị, cầm quyền lúc bấy giờ, ngay cả với họ Đặng, bà là Đặng Vĩnh Siêu, vợ của cố Thủ tướng Chu ân Lai, mẹ nuôi của đương kim Thủ tướng Lý Bằng. Ông bà Chu Ân Lai không có con, nhưng có rất nhiều con nuôi, trong đó có Lý Bằng và một người con gái, được gửi qua Liên sô học vũ ballett, sau về làm ở Opéra Bắc kinh. Vào thời Cách mạng Hồng vệ Binh (1966-1976), chính Chu Ân Lai đã ký trát bắt con mình đi học tập cải tạo. Nhưng Hồng vệ binh đã biết cô là con của họ Chu, lúc đó phong trao đang hướng về "Bài Khổng", thực sự là bài Chu, nên đã đóng một chiếc đinh dài trên đầu cô. Tất nhiên cô chết và đây là một nỗi ám ảnh của vợ chồng Chu Ân Lai sau này. Vì vậy mà bà Đặng Vĩnh Siêu và con nuôi của bà, đương kim Thủ tướng Lý Bằng, rất sợ nước Tàu lại xảy ra hiện tượng Hồng vệ Binh.
Một nhà sử học, khi nghiên cứu về những cuộc cách mạng trên thế giới, đặc biệt là 4 cuộc cách mạng lớn: Cách mạng Hoa Kỳ 1776, cách mạng Pháp 1789, cách mạng Tàu 1911, cách mạng Nga 1917, đã đi đến kết luận: Cách mạng có thể xảy ra vì từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài, từ dưới lên trên, và từ ngoài vào trong, hay nhiều khi cả 3 yếu tố cùng một lúc.
Xét cách mạng Hoa Kỳ thì là từ dưới lên trên, dân bất mãn chế độ thuế khóa của Anh, nổi lên, sau đó có sự giúp đỡ của nước ngoài là Pháp, với đoàn quân tình nguyện của Lafayette, và đoàn quân chính thức của triều đình Pháp, dẫn đầu bởi Rochammbeau, đó là từ ngoài vào trong.
Cách mạng Pháp là từ dưới lên trên, nông dân mất mùa, đói khổ, nổi lên, sau đó có sự tiếp tay của giai tầng trung lưu, những người buôn bán, trở thành giai tầng "Bourgeois". Không có yếu tố từ ngoài vào trong, với sự giúp đỡ của nước ngoài.
Cách mạng cộng sản Nga 1917 cũng là từ dưới lên trên, dân bất mãn triều đình vua Nicolas II, chán chiến tranh. Thời điểm lúc đó là gần cuối Đệ nhất thế chiến (1914-1917), gồm có Đế Quốc Đức, Đế quốc Áo Hung và đế quốc Thổ Nhĩ Kỳ, một bên, bên kia gồm Đế quốc Pháp, Đế quốc Anh, Đế quốc Nga của Nga Hoàng Nicolas II. Đế quốc Đức phải dương đầu cùng một lúc với 2 mặt trận, mặt trận phía đông bắc với Nga, mặt trận tây nam với Pháp nên muốn dồn lực lượng vào phía tây nam. Lợi dụng tình thê, Lénine lúc đó đang tỵ nạn ở Thụy Sỹ, đã đưa ra khẩu hiệu "Hòa bình bằng bất cứ giá nào", đã được Bộ tham mưu Đức đưa từ Thụy sỹ về để cướp chính quyền. Có thể nói đây cũng là một cuộc cách mạng từ dưới lên trên, từ ngoài vào trong với sự giúp đỡ của ngoại quốc.
Cách mạng Tân hợi Tàu cũng từ dưới lên trên, vì dân bất mãn với sự cai trị của nhà Mãn Thanh, nó còn có tính chất một cuộc giành độc lập của dân tộc Hán, chống lại Mãn Thanh và những liệt cường xâu xé nước Tàu lúc bấy giờ, không có sự giúp đỡ của nước ngoài nhưng có sự tiếp tay của những Hoa kiều và Tôn Dật Tiên là từ ngoại quốc trở về.
Cuộc Cách mạng Thiên an môn 1989 bất thành, hoài thai. Nó là cuộc cách mạng thế nào? Từ dưới lên trên, từ trong ra ngoài, từ ngoài vào trong? Với những giai tầng nào?
Nó có đủ 3 yếu tố, với sự có mặt của 3 giai tầng. Thượng tầng, như trên đã nói là có sự tiếp tay của Triệu Tử Dương, đương kim Tổng bí thư đảng Cộng sản lúc bấy giờ; trung tầng tiêu biểu là trí thức và sinh viên học sinh, hạ tầng là những thợ thuyền nông dân, và đã lan tràn ra đến 400 thành phố.
Nó có từ ngoài vào trong hay không? Hay nói một cách chính xác, nó có được sự yểm trợ của nước ngoài không? Lúc biến cố Thiên an môn 1989 đang ở cao điểm, thì có sự viếng thăm của Gorbatchev. Ông này đã nhẫn nhục đi cửa sau, mà nhiều nhà bình luận cho rằng ông nhẫn nhục như vậy là muốn mang đến cho dân Tàu và giới sinh viên một thông điệp. Ở nước ông, ông đang thi hành chính sách "Pérestroika", có nghĩa là tái cấu trúc, ông đang tái cấu trúc lại đảng cộng sản Liên sô; và chính sách "Glasnost", có nghĩa là ông muốn đời sống chính trị phải trong sáng, chứ không phải giấu diếm, làm thì láo, báo cáo thì hay như những người cộng sản. Chỉ tiếc rằng thông điệp này đã bị dân Tàu, và nhất là giới lãnh đạo chính trị lúc đó hiểu lầm, vì tính tự ái, tự kiêu, cho rằng minh là trung tâm của văn minh, của vũ trụ (Trung Hoa), không cần học hỏi ai. Chính vì vậy mà có người cho rằng giới lãnh đạo Tàu, đã cứng rắn lại càng cứng rắn thêm.
Nước mà có thể can thiệp, lật ngược thế cờ lúc đó không ai hơn là nước Hoa Kỳ. Sinh viên học sinh dựng tượng Nữ thần Tự do là muốn gửi một thông điệp tới Hoa Kỳ. Nhưng thông điệp này đã không được hồi âm.
Theo tiết lộ của báo Bloomberg, thì: "Vào đêm trước của vụ biểu tình Thiên an môn, Trần Nguyên (con trai của đại nguyên lão Trần Vân), lúc đó là phó Thống đốc Ngân hang Trung ương Trung quốc và bây giờ là Chủ tịch Ngân hàng chính sách của Trung cộng, sử dụng mối quan hệ với Nhà Trắng (White House) để giúp con trai ông có được một visa mong muốn và một chỗ trong một trường tư nội trú có uy tín tại Mỹ, vào thời điểm mà hầu hết người dân Trung cộng không được phép rời khỏi nước này." Người mà ông Nguyên tiếp xúc, Douglas Paal, Chuyên gia châu Á trong Hội đồng an ninh quốc gia của Tông thống G. W. Bush, cho biết: ông sẽ giúp đỡ và đã liên hệ với Đại sứ lúc đó là James Lilley, nay đã mất . Vì vật mà có những nhà bình luận đã trách Hoa Kỳ, vì nếu Hoa Kỳ ngả về sinh viên, học sinh, thì có lẽ cuộc cách mạng Thiên an môn đã thành công.
Dựng tượng đài Nữ thần tự do ở quảng trường Thiên an môn, điều này nói lên nguyện vọng của họ là muốn sống dưới một chế độ dân chủ, theo mô hình Hoa kỳ, khác với chế độ họ đang sống là một chế độ độc tài, cộng sản.
Một chế độ, một cách đơn giản, dễ hiểu, có thể ví như một cái nhà, phần chính đó là nền móng, những cột chính, dui, kèo, sau mới tới mái và 4 bức tường. Căn nhà cộng sản, ở bất cứ chế độ cộng sản nào, nền móng là lý thuyết Mác-Lê. Nền móng này đã sai lầm ngay từ lúc đầu, từ lúc Lénine dựng lên chế độ cộng sản đầu tiên.
Sự sai lầm này, chúng ta chỉ nói giản lược, gồm những điểm chính sau đây: Lý thuyết của Mác, mặc dầu ông nhấn mạnh về kinh tế, cho rằng hạ tầng kinh tế, gồm có sức sản xuất (forces productives) và tương quan sản xuất (rapports de production) quyết định thượng tầng gồm chính trị, luật lệ, tôn giáo, triết học v.v... Tuy nhiên lý thuyết của Mác lại chính là một lý thuyết phản kinh tế nhất, không cần chứng minh dài dòng, nguyên quan niệm bãi bỏ quyền tư hữu, một nguyên động lực thúc đẩy kinh tế, đã làm cho tất cả những nước cộng sản lâm vào cảnh "cha chung không ai khóc, nhà chung không người chăm sóc, ruộng chung không ai cày", hay quan niệm "Làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu", là vô cùng hoang tưởng.
Mác đã bỏ 1/3 của quyển sách Tuyên ngôn thư cộng sản chỉ trích những người theo chủ nghĩa xã hội trước Mác là không tưởng, nhưng ngày hôm nay người ta mới nghiệm ra rằng Mác còn không tưởng gấp trăm lần họ.
Hơn thế nữa, quan niệm duy vật làm cho những người cộng sản hiểu theo nghĩa thấp nhất, cho rằng con người đến từ con vật, đã chạy theo vật chất, bỏ tất cả những giá trị tinh thần, đạo đức, đưa đến cảnh trật tự xã hội bị đảo lộn, con giết cha, vợ chém chồng, chỉ vì một vài đô la, như cảnh ở Việt Nam và Trung cộng hiện nay. Bằng chứng là việc sản xuất sữa Mélanine trước đây và việc sản xuất thuốc chủng đậu hiện nay ở Tàu, làm cho cả trăm ngàn đứa bé bị trúng độc hay bị tàn tật suốt đời.
Còn lý thuyết của Lénine là như thế nào? Đứng về phương diện tư tưởng, triết học, Lénine không có một đóng góp gì cho Marx, ngoài việc tổ chức một đảng độc tài, với kỷ luật sắt, sẵn sàng thanh trừng bất cứ một ai nếu không nghe lời, để cướp chính quyền, rồi lập lên một nhà nước cũng độc đoán, độc tài. Bà Rosa Luxembourg, bạn thân của Lénine, cùng đấu tranh với ông này trong Đệ Nhị Quốc tế Cộng sản, có theo dõi sát việc làm của Lénine, vào cuối đời của bà ở trong tù, có viết cho Lénine một bức thư, trong đó có câu: "Cái đảng và nhà nước độc tài mà anh lập nên, anh bảo là để phục vụ thợ thuyền và nhân dân nhưng trên thực tế nó chẳng phục vụ một ai cả, vì nó đã đi ngược lại nguyên tắc căn bản của chủ nghĩa xã hội: đó là tôn trọng tự do và dân chủ." (Theo Nhật ký của bà Rosa Luxembourg).
Dân chủ đây chúng ta hiểu nghĩa một cách đơn giản là người dân làm chủ. Có nghĩa là dân có quyền quyết định số phận của mình qua lá phiếu, với những cuộc bầu cử tự do, với sự tham dự đông đảo, tự do của dân, được tổ chức một cách công bằng, tất cả những lực lượng chính trị đều có quyền tham dự, được tổ chức trong sáng, minh bạch, chứ không phải chỉ có độc đảng, tổ chức kiểu "nội bất xuất, ngoại bất nhập" dùng công an, quân đội canh gác, để đấm đá, giết nhau, sau đó ra ngoài tuyên bố "Dân chủ đến thế là cùng", kiểu tổ chức Đại hội thứ 12 Đảng cộng sản Việt Nam, qua lời tuyên bố của Nguyễn Phú Trọng.
Hay hiện nay, với cuộc họp tại Bắc Đới Hà của Đảng cộng sản Tàu, không ai biết nội dung là gì, chỉ có những tin rò rỉ ra ngoài, rằng những phe phái, phe Giang Trạch Dân đánh với phe Tập Cận Bình, phe Trường đảng đánh với phe Thái tử đảng; và những sự thất sủng về chính trị như Vương Hộ Ninh, người đặc trách về ý thức hệ, tác giả "Giấc mơ Trung quốc" "Một vòng đai, một con đường" của Tập Cận Bình, bị mất chức; Lưu Hạc, người đặc trách về kinh tế bị hạ tầng công tác.
Chính cái đảng và nhà nước độc tài đó là nguồn gốc của mọi sự tham nhũng, hối lộ, đàn áp dân và thợ thuyền.
Xét kinh nghiệm gần 100 năm qua, không một chế độ cộng sản nào mà không tranh chấp nội bộ, không tham nhũng, hối lộ và đàn áp dân. Hơn thế nữa, chủ trương độc đảng là đi ngược lại tư tưởng của Marx, vì trong Tuyên ngôn thư Đảng Cộng sản, có nguyên một chương, mang tiêu đề: "Lập trường của những người cộng sản đối với những đảng đối lập khác" (Karl Marx - Le manifeste du Parti communiste - trang 59 - Union générale d’ Editions - Paris 1962).
Một nhà đấu tranh, bình luận đã ví chính thể, chế độ như một dòng sông. Chế độ dân chủ như một dòng sông sạch, vì có sự lưu thông những dòng nước, có sự đối thoại, trao đổi những tư tưởng qua lại, vì vậy nên một người dù dơ bẩn, nhưng qua một dòng sông sạch, tức sống dưới một chế độ dân chủ, thì dần dần họ trở nên sạch sẽ. Ngược lại một chế độ xấu, độc tài, thì như một dòng sông dơ, dù chúng ta có sạch sẽ chăng nửa, nhưng chúng ta đi qua dòng sông này, cũng trở thành dơ. Chúng ta hãy xét tham nhũng, hối lộ và trình độ phạm pháp, ở bất cứ một chế độ độc tài nào, dù là hữu hay tả, dù là độc tài quân phiệt hay độc tài cộng sản, tình trạng tham những, hối lộ, phạm pháp vẫn cao hơn ở những nước dân chủ.
Chế độ dân chủ không phải là một chế độ tốt đẹp, hoàn hảo nhất, nhưng cho tới nay, nó vẫn là một chế độ giúp tránh đi những xấu xa, tệ hại nhất.
Từ cái nhìn về giai cấp: thượng tầng, trung tầng, hạ tầng; và câu hỏi: cách mạng từ trên xuống dưới hay từ trong ra ngoài, hoặc từ dưới lên trên, từ ngoài vào trong, chúng ta dặt câu hỏi: nước Tàu hiện nay đã chín mùi cho một biến cố Thiên an môn thứ hai hay chưa? Và nếu có thì biến cố này có thể thành công và trở thành một cuộc cách mạng hay không?
Nhìn vào tình thế nước Tàu hiện nay, thì quả thật đã chín mùi. Về thượng tầng, thì tranh chấp nội bộ khốc liệt. Phe Giang Trạch Dân đấm đá với phe Tập Cận Bình. Ngày xưa vào nhiệm kỳ đầu của họ Tập, thì phe Trường đảng đại diện bởi Hồ Cẩm Đào và đương kim Thủ tướng Lý Khắc Cường, ngả về Tập Cận Bình. Hiện nay thì phe Trường đảng liên kết với phe Giang Trạch Dân chống lại phe Tập Cận Bình. Bằng chứng rõ là người thân cận của họ Tập là Vương Kỳ Sơn, người đặc trách về chiến dịch "Đả hổ, đập ruồi" không còn ở trong Bộ Chính trị; người đặc trách về ý thức hệ, với "Giấc Mơ Trung quốc", "Một con đường và một vòng đai", ông Vương Hộ Ninh, bị mất quyền trong ban tuyên truyền của đảng cũng như bị giảm công tác ngoại giao. Người nắm giữ toàn bộ Ban kinh tế cho họ Tập, ông Lưu Hạc, cũng phải rời chức trao lại quyền cho Lý Khắc Cường.
Về quân đội, thì Diệp Tuyển Ninh, con của tướng Diệp Kiếm Anh, đặc trách về tình báo quân đội, người ủng hộ họ Tập, vừa mới chết. Lưu Nguyễn, con của Lưu Thiếu Kỳ, đặc trách về quân nhu quân cụ, tướng Lưu Á Châu, con rể của cố Chủ tịch Lý Tiên Niệm, hiện là Giám đốc trường Cao đẳng quốc phòng, 2 người này không còn nhiệt tình ủng hộ họ Tập như nhiệm kỳ đầu. Đó là chưa kể những cựu quân nhân, và 300 000 người quân nhân bị bắt buộc giải ngũ trong kế hoạch hiện đại hóa quân đội, tất cả những người này đều bất mãn, vì tiền an sinh xã hội, hưu bổng không được trả hay bị cắt xén bởi quan tham địa phương. Họ đã nổi lên biểu tình ở nhiều tỉnh.
Đó là thượng tầng, nhưng trung tầng thế nào? Trong 6 năm cầm quyền của họ Tập, nhiều cuộc khủng hoảng tài chánh đã xảy ra, như cuộc khủng hoảng về thị trường chứng khoán năm 2015, làm mất đi 3600 tỷ $, làm cho nhiều triệu người thuộc giới trung lưu trắng tay. Hiện nay cuộc khủng hoảng tài chánh lại tiếp diễn, đồng Nhân dân tệ bị tụt giá, thị trường chứng khoán mất cả ngàn tỷ $. Thị trường chứng khoán Thượng hải, đang ở địa vị thứ nhì, phải tụt xuống thứ 3, nhường chỗ cho Tokyo.
Giai tầng trung lưu chính là xương sống của một xã hội. Vào đầu những năm 20, tướng Tưởng Giới Thạch, tay em của Tôn Dật Tiên, được ông này gửi sang Liên sô học. Nhưng ông chỉ ở mấy tháng rồi về. Người ta hỏi ông tại sao vậy, thì ông trả lời: "Tôi không có cái gì để học ở bên đó". Một lúc sau, ông nói tiếp: "Giai tầng trung lưu, trí thức là xương sống của một xã hội. Cộng sản chủ trương tiêu diệt giai tầng này; nên xã hội cộng sản như một con người không có xương sống, chỉ có thể nằm và bò!"
Cộng sản Việt Nam, khi nổi lên ở Nghệ An, Hà Tĩnh năm 1930, cũng mang những khẩu hiệu: "Trí phú địa hào, đào tận gốc, trốc tận rễ." Giai tầng trung lưu hiện nay rất bất mãn ở Trung cộng chỉ chờ thời cơ sẽ nổi lên làm cách mạng.
Còn giai tầng bình dân thì thế nào? Cả trăm triệu người đi từ nông thôn ra thành thị để kiếm sống, không có hộ khẩu, phải lưu lạc từ tỉnh này sang tỉnh khác để kiếm việc. Thêm vào đó, những dân tộc thiểu số, Mãn Tạng Mông Hồi, ở những vùng Tân Cương, Tây tạng v.v..., vì bị đàn áp, bị nạn diệt chủng, diệt văn hóa, họ cũng rất căm ghét chế độ cộng sản đương thời, cũng chỉ đợi cơ hội rồi nổi lên.
Trở về với đề tài: Đâu là thời điểm thích hợp để khởi xướng cách mạng tại Tàu. Câu trả lời: Hiện nay là thời điểm thích hợp nhất. Vì: căn nhà Trung cộng được xây lên dựa trên mô hình Liên sô, theo lý thuyết sai lầm Mác-Lê. Căn nhà này còn tồn tại kéo dài cho tới ngày hôm nay là nhờ sự chống đỡ của Đặng Tiểu Bình qua 2 câu nói, "Kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa" và "Mèo trắng hay mèo đen không quan trọng, miễn là nó bắt chuột".
Nhưng sự chống đỡ này đã trở nên hết hiệu nghiệm. Thực tế kinh tế Trung cộng ngày hôm nay vẫn còn là kinh tế quốc doanh, nhà nước vẫn đứng đằng sau những hãng xưởng tư để yểm trợ. Thêm vào đó, lại thêm bệnh dối trá, sao chép trái phép, làm hàng giả, không tôn trọng bản quyền.
Câu "Mèo trắng hay mèo đen…" làm cho dân Tàu chạy đua làm giàu bằng bất cứ giá nào, không coi luật lệ, đạo đức vào đâu cả, bằng chứng là vụ sữa Mélanine trước đây, hiện nay là vụ thuốc chủng ngừa làm uy tín của đảng càng lung lay. Trong khi đó, giai tầng thượng lưu thì tham nhũng hối lộ, đấm đá lẫn nhau, giai tầng trung lưu thì mất định hướng, giai tầng bình dân thì bất mãn.
Thêm vào đó lại có chiến tranh thương mại, không phải chỉ với Hoa Kỳ, mà cả với Âu châu, nên nền kinh tế Tàu đã bấp bênh nay thêm khó khăn; ngoài ra những chương trình đầu tư về sáng kiến "Vành đai và Con đường" trải dài từ Trung Quốc đến các lục địa khác bắt đầu gặp khó khăn, chính quyền Trung cộng nay gặp khó khăn tài chánh nên phải giảm vốn đầu tư; song song nhiều nước đối tác như Mã Lai, Thái Lan,... cũng xét lại những khoản đầu tư của Trung cộng vì phần đông các hợp đồng được thông qua bởi tham nhũng hối lộ nên mang nhiều điều khoản bất công. Đồng thời dân chúng trong nước cũng bất mãn, trong khi cả 200 triệu còn sống khó khăn với mỗi ngày hơn 1 US đô la, còn chính quyền thì thất thoát hàng trăm tỷ đô la tại Venezuela, Trung Đông hay châu Phi.
Nước Tàu hiện tại không khác gì thùng thuốc nổ, chỉ cần một biến cố nhỏ cũng có thể là nguyên nhân tạo nên những bất ổn mang tính dây chuyền đưa đến xáo trộn toàn bộ xã hội, nền kinh tế đang khó khăn sẽ càng khó khăn hơn, thậm chí có thể sụp đổ và chính quyền phản động, tham nhũng, tàn ác chưa từng có trong lịch sử nhân loại tất yếu sẽ bị cáo chung. Cách mạng Tàu xảy ra sớm hay muộn chỉ còn tùy thuộc vào giai tầng sĩ phu, trí thức, công thương Tầu cũng như thành phần quân cán chính, còn liêm sỉ, lương tâm và dũng khí trong đảng cộng sản, dám vượt qua sự sợ hãi, quyết tâm đứng lên giành lại quyền Tự Do Dân Chủ cho nhân dân và cho chính mình. (1 )
Paris ngày 09/09/2018
(1) Xin xem thêm những bài về Tàu, trên http://perso.orange.fr/chuchinam
No comments:
Post a Comment