QUẢNG BÌNH, Việt Nam (NV) – Tổ chức Theo Dõi Nhân Quyền (Human Rights Watch, HRW) kêu gọi nhà cầm quyền CSVN hủy bỏ mọi cáo buộc đối với ông Nguyễn Trung Trực và phóng thích ông ngay lập tức.
Ông Nguyễn Trung Trực, 44 tuổi, cư dân tỉnh Quảng Bình, bị nhà cầm quyền CSVN bắt giam hồi Tháng Tám, 2017, và vu cho ông tội “Hoạt động nhằm lật đổ…” chế độ độc tài đảng trị và cực kỳ tham nhũng tại Việt Nam.
Ông là thành viên trụ cột trong ban chấp hành của Hội Anh Em Dân Chủ, một tổ chức dân sự độc lập.
Sau khi bắt Luật Sư Nguyễn Văn Đài, sáng lập viên Hội Anh Em Dân Chủ, cuối năm 2015, công an liên tiếp bắt tất cả các thành viên trụ cột của Hội Anh Em Dân Chủ từ Bắc chí Nam, rồi bỏ tù họ với các bản án thật nặng.
Ông Nguyễn Trung Trực là người sau cùng trong số gần 10 thành viên Hội Anh Em Dân Chủ bị bắt tù.
Chính quyền Quảng Bình sẽ lôi ông ra tòa ngày 12 Tháng Chín, 2018. Ông có thể khó tránh khỏi bản án tương tự như các bạn thành viên khác của hội.
“Nguyễn Trung Trực lại là một nạn nhân nữa trong chiến dịch của chính quyền Việt Nam chống lại những người vận động cho nhân quyền và dân chủ,” ông Phil Robertson, phó giám đốc Ban Á Châu của tổ chức Theo Dõi Nhân Quyền, tuyên bố trong bản lên tiếng trên trang mạng của HRW. “Đất nước Việt Nam giờ đây đang trở thành một nhà tù khổng lồ cho bất kỳ người nào lên tiếng phản đối chính quyền hay hoạt động nhằm thúc đẩy các quyền con người cơ bản.”
Theo tổ chức HRW ghi nhận, ông Nguyễn Trung Trực đã có quá trình tham gia các hoạt động ủng hộ dân chủ lâu dài. Ông từng là thuyền nhân trong trại tị nạn ở Hồng Kông hơn bảy năm vào thập niên 1990, sau đó bị trục xuất về Việt Nam vào năm 1997.
Năm 2003, ông đi làm ở Malaysia, nơi ông tham gia Phong Trào Chấn Hưng Nước Việt do các nhà hoạt động nhân quyền Vũ Quang Thuận và Lê Thăng Long thành lập. Phong trào này vận động cho một nước Việt Nam có hệ thống chính trị dân chủ, đa đảng.
Theo ông Lê Thăng Long, mục tiêu của phong trào là thúc đẩy “hợp tác, cải tiến, bất bạo động, đối thoại, lắng nghe, vì quyền lợi chung lâu dài của dân tộc.”
Báo Công An hồi Tháng Chín, 2017, đưa tin rằng ông Nguyễn Trung Trực từng “rất tích cực viết các tài liệu phản động có nội dung tuyên truyền, xuyên tạc về Việt Nam; trả lời phỏng vấn và tham gia các cuộc biểu tình bất hợp pháp tại Malaysia.” Chính quyền Malaysia trục xuất ông về Việt Nam hồi Tháng Chín, 2012.
Tháng Tám, 2015, ông Nguyễn Trung Trực gia nhập Hội Anh Em Dân Chủ, do luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài và các nhà hoạt động bạn bè của ông thành lập từ Tháng Tư, 2013. Với mục tiêu được ghi rõ là “bảo vệ các quyền con người đã được Hiến Pháp Việt Nam và các công ước quốc tế thừa nhận” và “vận động xây dựng một xã hội dân chủ tiến bộ, công bằng và văn minh tại Việt Nam,” Hội Anh Em Dân Chủ cung cấp một mạng lưới cho các nhà hoạt động cả trong và ngoài nước, những người muốn vận động cho dân chủ và nhân quyền ở Việt Nam.
Ông Nguyễn Trung Trực được cử làm người đại diện của Hội Anh Em Dân Chủ ở miền Trung Việt Nam, có lúc là phát ngôn viên của hội. Ông tham gia các cuộc biểu tình chống Formosa, một công ty thép Đài Loan đã xả chất thải độc xuống biển gây ra thảm họa môi trường lan rộng dọc bờ biển miền trung Việt Nam vào Tháng Tư, 2016.
Cũng trong năm 2016, ông Nguyễn Trung Trực đã bị công an giả dạng côn đồ phục kích, đánh hội đồng rất dã man khiến ông bị thâm tím ở lưng, chảy máu ở miệng, mũi và tai, và sau đó phải đi khâu chỗ rách ở tai.
“Hội Anh Em Dân Chủ đang bị đàn áp liên tục, chính quyền Việt Nam tìm cách trừng phạt những người lãnh đạo hội vì dám vận động cho các quyền tự do cơ bản để cất lên tiếng nói, tham gia một tổ chức và biểu tình ôn hòa,” ông Robertson nói. “Các nhà tài trợ và đối tác thương mại quốc tế của Việt Nam cần yêu cầu Hà Nội tôn trọng các quyền tự do cơ bản và chấm dứt việc biến những phê phán chính quyền thành tội hình sự.”
Nhà cầm quyền lôi ông Nguyễn Trung Trực ra tòa kết án tù vào lúc họ tổ chức hội nghị “Diễn Đàn Kinh Tế Thế Giới.” Đại diện của hai tổ chức nhân quyền quốc tế Ân Xá Quốc Tế (AI) và Liên Đoàn Quốc Tế về Nhân Quyền (FIDH) bị CSVN “cấm cửa” không cho dự hội nghị dù được ban tổ chức mời tham dự và phát biểu. (TN)
No comments:
Post a Comment