Saturday, September 15, 2018

Giới trí thức Việt Nam muốn bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ ‘bị miễn nhiệm’

Ông Phùng Xuân Nhạ, bộ trưởng Bộ Giáo Dục và Đào Tạo CSVN. (Hình: Người Lao Động)
HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – “Ông Phùng Xuân Nhạ từ chức bộ trưởng Giáo Dục là cách duy nhất cứu vãn uy tín, vốn đã rách tả tơi, của ngành giáo dục.”
Nhà báo tự do Huy Đức, tức blogger Truong Huy San, viết như vậy trên trang Facebook cá nhân. Cùng thời điểm, Giáo Sư Hoàng Tụy, một trí thức nổi tiếng Việt Nam, cũng kêu gọi: “Thật nhục cho nền giáo dục và khoa học Việt Nam. Một bộ trưởng mà như thế, biết tự trọng thì nên từ chức.”
Đó là hai trong số nhiều ý kiến của giới trí thức, nhà báo trong nước lên tiếng kêu gọi ông Phùng Xuân Nhạ, bộ trưởng Bộ Giáo Dục và Đào Tạo CSVN, từ chức sau các vụ bê bối thi cử và trước đó là cáo buộc đạo văn.
Theo chương trình Kỳ Họp Thứ Sáu dự trù khai mạc vào ngày 22 Tháng Mười tới đây, Quốc Hội CSVN sẽ dành một ngày cho nội dung “lấy phiếu tín nhiệm các chức danh” do cơ quan này bầu hoặc phê chuẩn.
Và ông Nhạ là người đang được dự báo có nguy cơ bị miễn nhiệm giữa kỳ do bị quy trách nhiệm về vụ bê bối thi cử cũng như vụ ồn ào về sách “công nghệ giáo dục.”
Theo Luật Hoạt Động Giám Sát của Quốc Hội và Hội Đồng Nhân Dân năm 2015, người được “lấy phiếu tín nhiệm” mà có quá nửa tổng số “đại biểu Quốc Hội” đánh giá “tín nhiệm thấp” thì “có thể xin từ chức.”
Nếu có từ 2/3 tổng số “đại biểu Quốc Hội” trở lên đánh giá “tín nhiệm thấp” thì Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội trình Quốc Hội bỏ phiếu tín nhiệm làm cơ sở dẫn đến việc miễn nhiệm/ bãi nhiệm chức danh của người đó.
Theo tìm hiểu của nhật báo Người Việt, ông Nhạ đang “tự tin” về tỷ lệ phiếu tín nhiệm mà ông này sẽ nhận được do có sự hậu thuẫn từ phía Phó Thủ Tướng Vũ Đức Đam và Chủ Tịch Quốc Hội Nguyễn Thị Kim Ngân.
Việc “thay ngựa giữa dòng” đối với người đứng đầu Bộ Giáo Dục và Đào Tạo thì chưa có tiền lệ, trừ khi cuộc vận động đi kèm với việc trưng ra chứng cứ về sai phạm/thiếu sót của ông Nhạ tạo được hiệu ứng mạnh trong vòng một tháng trước khi cuộc bỏ phiếu tín nhiệm diễn ra.
Hai ứng viên nhiều khả năng được dự báo thay thế ông Nhạ trong thời điểm hiện tại là ông Phan Thanh Bình (chủ nhiệm Ủy Ban Văn Hóa-Giáo Dục-Thanh Thiếu Niên và Nhi Đồng của Quốc Hội) và bà Nguyễn Thanh Hải (trưởng Ban Dân Nguyện Quốc Hội CSVN).
Hôm 17 Tháng Tám, 2018, nhà báo Huy Đức viết trên trang Facebook cá nhân: “Nếu chính trường không bị tha hóa, ông Phan Thanh Bình làm bộ trưởng từ hai nhiệm kỳ trước thì giáo dục Việt Nam đã khác.”
Ông Nhạ giữ chức chủ tịch Hội Đồng Chức Danh Giáo Sư Nhà Nước từ năm 2016 và bị Giáo Sư Nguyễn Tiến Dũng (Việt kiều Pháp) trưng ra nhiều chứng cứ cáo buộc gian lận, có hành vi đạo văn và đăng bài ở các tạp chí giả khoa học. Tuy vậy, theo “thông lệ” ở Việt Nam, việc tố cáo một quan chức sẽ được xem xét nghiêm túc hơn nếu nhân vật tố cáo là người trong nước chứ không phải Việt kiều.
Từ hơn một năm qua, một số blogger nổi tiếng đã kêu gọi Bộ Trưởng Nhạ từ chức vì để xảy ra các vụ bê bối liên tiếp trong ngành giáo dục nhưng ông này kiên quyết “im lặng là vàng.”
Hoạt động gần đây nhất của Bộ Trưởng Nhạ được truyền thông trong nước ghi nhận là đăng đàn tại Hội Nghị Diễn Đàn Kinh Tế Thế Giới về ASEAN 2018 (WEF ASEAN 2018) tổ chức tại Hà Nội.
Tại sự kiện này, ông Nhạ được báo Dân Trí ghi nhận “đề nghị sáng kiến xây dựng, thống nhất chung trong khối ASEAN một chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin, tạo mặt bằng nhân lực số giữa các nước thành viên giúp triển khai thành công cuộc cách mạnh công nghiệp 4.0 trong khu vực.”
Tuy vậy, trên mạng xã hội, có ý kiến cho rằng chỉ cần ông Nhạ cùng thuộc cấp của ông “ngồi yên và không đưa ra sáng kiến cải cách giáo dục gì hết” thì người dân Việt Nam sẽ phải mang ơn ông rất nhiều. (T.K.)

No comments:

Post a Comment