WESTMINSTER, California (NV) – Ngày 8 Tháng Chín, 2018, hãng thông tấn Tass của Nga cho hay, Việt Nam ký hợp đồng mua võ khí và dịch vụ quân sự của Nga trị giá hơn $1 tỷ. Nguồn tin dẫn lời ông Dmitry Shugayev, người đứng đầu Cục Hợp Tác Quân Sự-Kỹ Thuật Liên Bang Nga, hai ngày trước đó, nói: “Chúng tôi có một danh sách đơn đặt hàng trị giá hơn $1 tỷ” của Việt Nam.
Bản tin vắn tắt chỉ có một lời loan báo ngắn ngủi và không có bất cứ một chi tiết nào khác. Vào dịp này, đang có chuyến thăm Nga của Tổng Bí Thư đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng. Có phải ông Trọng sang Nga gặp Tống Thống Vladimir Putin về chuyện này là chính hay không? Hoặc hãng thông tấn Tass chỉ kể một chuyện mua bán gần đây được bật mí nhân có mặt của ông Trọng?
Bản tin của Tass xuất hiện chỉ khoảng hai tuần lễ sau khi Tổng Thống Donald Trump ký ban hành đạo luật cấm vận bán võ khí cho nước ngoài nếu nước đó mua võ khí của Nga.
Sau khi Tổng Thống Barack Obama đến Hà Nội loan báo bãi bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận võ khí với Việt Nam cuối Tháng Năm, 2016, nhiều đoàn doanh nghiệp quốc phòng nổi tiếng ở Mỹ đến Hà Nội chào hàng. Võ khí tối tân hàng đầu thế giới của Mỹ nước nào cũng muốn mua sắm hầu tăng cường sức mạnh quân sự.
Dù vậy, cho đến nay, và đến gầy đây, người mới chỉ thấy Hà Nội đặt mua một số lượng nhỏ trị giá gần $100 triệu, con số rất nhỏ so với số lượng và trị giá võ khí CSVN mua của Nga.
Liệu thương vụ mà Tass loan báo sẽ dẫn đến việc Hà Nội bị Washington cấm vận võ khí trở lại hay không? Nhật báo Người Việt đem vấn đề này phỏng vấn Giáo Sư Carl Thayer, chuyên viên về các vấn đề Việt Nam và Á Châu của Học Viện Quốc Phòng Hoàng Gia Úc.
Ông Thayer là một chuyên viên hàng đầu về Á Châu và các vấn đề Việt Nam nên ông rất hay được các tờ báo, hãng thông tấn lớn trên thế giới tìm đến phỏng vấn. Ông cũng lập một công ty tư vấn Thayer Consultancy, cũng như được mời đi dự các hội nghị về an ninh, quốc phòng nhiều nơi trên thế giới.
Người Việt: Thông tấn Tass loan tin Việt Nam đặt mua của Nga một số lượng võ khí trị giá hơn $1 tỷ nhưng không cho biết chi tiết nào khác, ông có thông tin chi tiết gì rõ hơn không, như mua tàu chiến, máy bay chiến đấu hay xe tăng, hỏa tiễn phòng không?
Giáo Sư Carl Thayer: Thông tấn xã Tass của Nga thuật lại lời của người đứng đầu Cục Hợp Tác Quân Sự-Kỹ Thuật Liên Bang Nga khi cho hay “chúng tôi có một danh sách những đơn đặt hàng trị giá hơn $1 tỷ.” Lời phát biểu không cho biết rõ rệt con số $1 tỷ tượng trưng các đơn mua đã được đặt trước chuyến viếng thăm Nga của Tổng Bí Thư CSVN Nguyễn Phú Trọng hay là những đơn mua được đặt trong chuyến thăm của ông. Trường hợp sau có vẻ không đúng vì Bộ Trưởng Quốc Phòng CSVN Ngô Xuân Lịch không có trong phái đoàn chính thức thăm Nga (của ông Trọng).
Tướng Lịch đã thăm Nga hồi Tháng Tư năm nay và đã gặp người đồng cấp của Nga là Tướng Sergey Shoygu. Họ đã thỏa thuận một kế hoạch hợp tác quốc phòng giai đoạn 2018-2020 bao gồm các cuộc thăm viếng cấp cao, huấn luyện, hợp tác hải quân và kỹ thuật quân sự. Tuy nhiên không thấy báo chí nói gì đến vụ bán võ khí nào mới.
Cho tới khi có thêm các tin tức cập nhật được phổ biến, có vẻ như con số $1 tỷ đề cập đến những hợp đồng đang được thực hiện, chẳng hạn như Việt Nam đặt mua 64 xe tăng T-90S/SK từ hơn một năm nay, các hợp đồng dịch vụ về tiếp tục bảo trì và hỗ trợ kỹ thuật, các khoản mua bộ phận thay thế và dụng cụ, cùng với giáo dục và huấn luyện quân sự chuyên nghiệp.
Người Việt: Hồi Tháng Tám, Tổng Thống Donald Trump ký ban hành đạo luật cấm vận mua bán võ khí của Mỹ với nước nào mua bán võ khí của Nga. Như vậy, việc Việt Nam ký hợp đồng mua võ khí của Nga có ảnh hưởng gì đến viện Việt Nam đàm phán mua võ khí của Mỹ mà Việt Nam rất muốn như máy bay tuần tra biển Orion P-3, radar, UAV, và các loại võ khí tối tân khác?
Giáo Sư Carl Thayer: Khi Tổng Thống Trump ký đạo luật “Chống lại kẻ thù của nước Mỹ qua cấm vận” (Countering America’s Adversaries Through Sanctions Act), ông có phổ biến hai lời tuyên bố bày tỏ sự dè dặt về đạo luật này. Ông gọi đạo luật “sai sót nghiêm trọng” và “rõ ràng trái hiến pháp.” Đạo luật bao gồm cả điều khoản tổng thống có thể ban hành sự miễn trừ áp dụng đạo luật (đối với một trường hợp nào đó) nếu ông thông báo cho Quốc Hội.
Ảnh hưởng nhiều nhất Mỹ trong việc cấm vận Nga là nhắm trực tiếp đến các công ty bán trang bị quốc phòng của Nga như Rosoboronexport, tức nhà xuất cảng quốc doanh mọi loại võ khí và trang bị quân sự. Nếu Việt Nam ký hợp đồng thương mại với Rosoboronexport hoặc công ty quốc phòng nào khác nằm trong danh sách bị cấm vận, Việt Nam sẽ bị Mỹ cấm vận luôn. Điều này có thể là một lý do tại sao các chi tiết về những hợp đồng đang diễn ra và những hợp đồng quốc phòng mới giữa Việt Nam và Nga bị che đậy và mơ hồ.
Người Việt: Liệu số lượng võ khí trị giá hơn $100 triệu mà Việt Nam đặt mua của Mỹ thời gian gần đây thấy nói đến, sẽ bị ảnh hưởng không?
Giáo Sư Carl Thayer: Việt Nam chưa mua một lượng võ khí hay trang bị quân sự nào đáng kể từ Hoa Kỳ kể từ khi Tổng Thống Barack Obama gỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán võ khí hồi Tháng Năm, 2016. Tháng Tám năm nay, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ cho hay Việt Nam đã ký một số hợp đồng mua một số trang bị quân sự trị giá $94.7 triệu qua chương trình “Doanh Vụ Thương Mại Trực Tiếp và Tài Trợ Quân Sự Cho Nước Ngoài.” Đây là số tiền nhỏ. Việt Nam được biết muốn mua thêm một chiếc tàu lớp Hamilton (tàu lực lượng tuần duyên Mỹ cho nghỉ hưu) nữa (cho cảnh sát biển) và một số máy bay không người lái cỡ nhỏ ScanEagle do hai hãng Boeing-Insitu hợp tác sản xuất.
Chính phủ Trump nhiều phần sẽ không cấm cản Việt Nam mua võ khí cũng như các trang bị quân sự của Hoa Kỳ vì hai lý do. Thứ nhất, họ quan niệm bán võ khí là một cách làm giảm thâm thủng mậu dịch giữa Mỹ với Việt Nam. Thứ hai, vì các giới chức quốc phòng Mỹ đã vận động Việt Nam mua võ khí của Mỹ để Việt Nam bớt phụ thuộc vào võ khí của Nga.
Cho tới thời điểm hiện tại, chưa thấy có dấu hiệu nào Việt Nam có kế hoạch mua sắm võ khí lớn đáng kể của Hoa Kỳ.
Người Việt: Xin cảm ơn giáo sư. (Nguyễn Tuyển)
No comments:
Post a Comment