Saturday, September 15, 2018

Đã đến lúc giới hoạt động tỏa vào lòng dân

Người dân phản đối một nhà máy thép ở Quảng Nam cho là gây ô nhiễm không khí và tiếng ồn ban đêm cư dân không ngủ được, tháng 7/2017. Ảnh: Chân Trời Mới Media
Vũ Thạch – Web Việt Tân
[Ghi chú của tác giả: Bài bạn sắp đọc là suy nghĩ và đề nghị của một nhóm anh chị em đang hoạt động trong nhiều lãnh vực. Để các công việc hiện nay không bị ảnh hưởng hay đứt đoạn bởi nhà cầm quyền, bài viết này được giao cho một người đứng tên đại diện.]
***
Với tất cả lòng khiêm tốn, xin gởi những dòng này đến các anh chị trong giới hoạt động, từ hoạt động từ thiện đến hoạt động đòi các quyền dân sinh, quyền con người.
Trong thời gian qua, chắc các anh chị cũng nghe nhiều những chia sẻ, đắn đo giữa vòng những người hoạt động: “Tại sao chưa thấy quần chúng tham gia? Nhìn chung quanh vẫn chỉ những khuôn mặt quen thuộc năm này qua năm khác?”
Và rồi chúng ta lại cũng nghe tại nhiều cuộc đấu tranh tự phát của bà con chống cưỡng chế nhà đất, chống BOT trấn lột, … những lời than thở, lo âu: “Chúng tôi bị ức chế quá nên đứng lên phản đối thôi chứ không biết đi tới đâu vì có biết luật lệ, tổ chức gì đâu?! Nên cùng lắm cũng mấy bữa rồi đâu lại hoàn đó!”
Nhìn 2 hiện tượng trên, chúng ta thấy ngay có 2 thành phần dân tộc rất có lòng và rất muốn tạo đổi thay tích cực cho đời, cho đất nước, nhưng họ không gặp được nhau. Tại sao vậy?
Có lẽ đã đến lúc chúng ta, những người hoạt động, cần duyệt lại một vòng cách làm việc của mình để tìm cách vươn tay ra đủ xa, đủ để nối với bàn tay của bà con:
1. Điều dễ nhận ra đầu tiên nếu ôn lại thực tế là hình như chúng ta cứ ráng đi thuyết phục những nhóm bà con “chưa” muốn đấu tranh, rồi chúng ta nản lòng, mà quên mất những nơi đang hừng hực ước muốn chận đứng bất công, đòi quyền sống. Đã đến lúc chúng ta nên chủ động tìm đến giúp những bà con đang đấu tranh rồi hoặc muốn đấu tranh mà không biết cách làm. Trong tình cảnh xã hội hiện nay, bạn chỉ cần nhìn quanh vùng mình đang ở đã thấy đầy rẫy các vụ bất công bất chính và những nạn nhân muốn đòi lại những gì họ bị cướp. Vì vậy, hãy bắt đầu đến với những nhóm bà con sôi sục gần nơi mình sinh sống nhất.
2. Để giang tay với đến bà con, chúng ta cũng cần thu hẹp bớt mục tiêu của mình lại, để giúp bà con đòi cái mà bà con cần, bà con muốn. Cụ thể là những mục tiêu sát sườn như đòi lại nhà đất, đòi ngưng ngay những hành vi tàn phá, ô nhiễm môi trường, đòi bỏ thuế phí oằn lưng, v.v… Chúng ta không cần cố gắng thuyết phục bà con phải đồng ý với mục tiêu đấu tranh đòi tự do dân chủ như một lời giải tận gốc rễ cho mọi vấn đề. Lý luận đó rất đúng nhưng chưa phải là nhu cầu bức thiết cho sự sống còn của nhiều bà con chúng ta.
3. Và để tạo bước chuyển tiếp dễ dàng cho nhiều bà con an tâm đứng lên trong tình hình bị trấn áp nặng nề hiện nay, nhiều mặt hoạt động cần được chuyển sang dạng kín đáo, sẵn sàng điều chỉnh tùy theo tình hình thực tế tại từng nơi, từng vụ việc. Đặc biệt quan tâm đến 3 mặt cụ thể: (1) Tránh gắn thêm màu sắc đấu tranh chính trị lên các cuộc đấu tranh đòi quyền sống, đòi đất đai, …; (2) Nếu không thực sự cần thiết, những khuôn mặt quen thuộc trong giới hoạt động không nên đi đầu trong các cuộc xuống đường, đấu tranh của bà con; và (3) Mọi cuộc gặp gỡ bàn thảo cách làm, mọi cách thức giúp đỡ phương tiện cho bà con cần được giữ kín đáo trong vòng một số nhân sự nhỏ mà bà con tin tưởng. Không quảng bá loại việc này lên mạng.
Rồi khi chúng ta với tay được đến những tập thể bà con muốn đấu tranh, câu hỏi hiển nhiên kế tiếp sẽ là: Chúng ta có thể giúp bà con những gì?
Trước hết, có rất nhiều ngõ để đến gặp gỡ, hỗ trợ bà con chứ không chỉ tại các cuộc biểu tình như chúng ta thường nghĩ. Cụ thể như:
– Những nhóm bà con muốn làm các chuyến cứu trợ từ thiện mà không biết cách làm, không rành địa lý, không biết nhu cầu của các nạn nhân.
– Những nhóm công nhân muốn học cách nối kết kín đáo để tranh đấu đòi hỏi quyền lợi chung mà không biết hỏi ai.
– Những nhóm bà con nông dân muốn biết các cách tổ chức tự vệ tập thể để chống cướp nhà cướp đất nhưng không biết làm thế nào mới không vi phạm pháp luật và không tạo cớ cho công an bạo hành.
– Những nhóm nạn nhân khốn khổ vì các công ty tàn phá môi sinh, xả chất thải ra môi trường mà không biết phải bắt đầu từ đâu để chận đứng cái chết từ từ này; không biết làm sao nối kết với các tổ chức bảo vệ môi sinh quốc tế.
– Những nhóm bà con muốn quảng bá các khổ nạn của mình lên truyền thông, lên mạng nhưng không biết nhờ ai hướng dẫn, huấn luyện. Bà con sẵn sàng trả lời nhưng không biết làm sao kéo được báo đài đến phỏng vấn.
Chỉ mới liệt kê vài lãnh vực, chúng ta đã thấy ngay hầu như mọi tài năng của các anh chị trong giới hoạt động đều có chỗ dùng và bà con rất cần; miễn là chúng ta chịu mở rộng ra hơn là chỉ các mục tiêu đấu tranh chính trị; và rộng hơn ra hơn là chỉ hình thức biểu tình.
Xin tạm chia làm 3 cấp giúp đỡ mà giới hoạt động chúng ta có thể làm:
– Cấp dễ nhất: giúp phương tiện tài chính và kỹ thuật, như tặng điện thoại di động, tặng gạo mắm, hướng dẫn bà con cách liên lạc an toàn, cách thu hình bằng điện thoại và gởi lên mạng, v.v…
– Cấp khó hơn: giúp các kiến thức chuyên môn, như một số điều luật để đối đáp với CA địa phương liên quan đến quyền thu hình, quyền đòi giấy tờ chứng minh công an, đặc biệt nếu mặc thường phục, quyền không đi “làm việc” ngoài giờ hành chính, quyền im lặng, quyền có luật sư, … Kiến thức về tác động của từng loại chất ô nhiễm độc hại và cách thu thập chứng cứ để tố cáo trước các diễn đàn quốc tế, tòa án quốc tế, …
– Cấp khó nhất: giúp bà con lên kế hoạch hành động đấu tranh bất bạo động bài bản, không vi phạm pháp luật, có khả năng kéo dài, hội tụ được nhiều người, và khi nào nên tiến lúc nào nên lùi, …
Như các anh chị thấy đó. Chỉ duyệt sơ qua tình hình như trên, chúng ta đã thấy có quá nhiều cơ hội để chúng ta đóng góp phần mình. Không hề có chuyện bí lối.
Hãy lên đường các bạn ơi. Kéo theo nhiều người cùng làm và bắt đầu bằng việc gì dễ nhất trong tầm tay. Để rồi mỗi người chúng ta đều thấy: giúp người chính là giúp mình. Giúp được bà con bớt khổ đau, ta cũng là người cảm thấy hạnh phúc, cảm thấy giá trị đời mình tăng lên. Giúp được đất nước thoát khỏi ô nhiễm, gia đình ta cũng thoát được cái chết đau đớn bên bệnh tật hiểm nghèo.
Và quan trọng hơn cả, chỉ khi đủ số đông dân tộc đoàn kết lại vì những nhu cầu sát sườn, ta mới có lực lượng để tiến hành những việc tạo đổi thay chính trị, xã hội căn bản ở tầm vóc quốc gia. Sự đoàn kết đó phải bắt đầu bằng sự bung ra của giới hoạt động, tỏa vào lòng dân.

No comments:

Post a Comment