Theo BBC- 9 giờ trước
Luật sư Nguyễn Văn Đài và nhà báo tự do Phạm Đoan Trang chia sẻ những trải nghiệm cá nhân đưa đến quyết định ra đi, hoặc ở lại Việt Nam trên hành trình đấu tranh đòi dân chủ.
Trường hợp Trần Huỳnh Duy Thức
Mới đây, tù nhân chính trị Trần Huỳnh Duy Thức công bố bức thư viết trong tù dài hơn 3.500 chữ, trong đó, lần đầu ông chính thức khẳng định lựa chọn ở lại Việt Nam, từ chối tỵ nạn nước ngoài.
Trong lá thư số 115 gửi gia đình, ông Thức viết: ""Và con biết, dân tộc cần con vào thời khắc quan trọng này. Vì vậy con sẽ ở lại trên mảnh đất này. Dù chỉ là một thường dân hay một tù nhân, con vẫn luôn nỗ lực không tiếc sức bằng mọi cách để dân tộc hoàn thành kịp sứ mệnh lịch sử nói trên. Đó chính là mục tiêu tối thượng của con bao nhiêu năm nay."
Bình luận về lựa chọn này, luật sư Nguyễn Văn Đài nói đây "là một điều rất đáng tiếc".
"Tôi biết anh Thức là một người rất có trình độ, năng lực. Anh từng là nhà đầu tư Việt Nam đầu tiên ở Singapore và đã rất thành công. Sau đó anh mới trở về Việt Nam nên anh có sự nhìn nhận, đánh giá và tầm nhìn không chỉ trong một năm, một tháng hay một hai năm mà rất xa cho môi trường chính trị Việt Nam. Nhưng hiện nay sự đóng góp của anh bị hạn hẹp," ông Đài nói.
Theo ý kiến của luật sư Đài, "ngoài việc một tháng viết một lá thư về gia đình" để truyền tải thông điệp ra ngoài thì ông Thức "không thể đóng góp được gì hơn" trong điều kiện bị tù đày.
Trong khi đó, với "tầm nhìn và khả năng ngoại ngữ thông thạo, anh có thể tư vấn cho các tổ chức nhân quyền quốc tế, cho chính phủ các nước, cho tổ chức người Việt trong và ngoài nước trong vấn đề vận động đấu tranh cho nhân quyền Việt Nam"... "hiệu quả hơn nhiều so với việc anh tiếp tục kiên định ở trong tù".
Quyết định của ông Thức, theo ông Đài, có thể "gây một nguồn cảm hứng trong một giai đoạn nhất định cho những người đấu tranh trong nước nhưng về mặt tác động trực tiếp lâu dài để khơi dậy một phong trào" thì "không được nhiều."
"Ví dụ như khi ra bên ngoài, với vị thế, trình độ và kiến thức của anh, anh có thể thành lập những tổ chức chính trị hay kêu gọi vận động ở trong và ngoài nước hướng đến một công việc nào đó lớn hơn", luật sư Đài nói từ Đức.
Vì sao ra đi?
Luật sư Nguyễn Văn Đài mới sang Đức ngày 7/6, sau khi chính quyền Việt Nam thả ông khỏi nhà tù nơi ông chịu mức án 15 năm với tội danh 'hoạt động nhằm lật đổ chính quyền'. Bản án được đưa ra tại phiên phúc thẩm hồi tháng 4/2018.
Giải thích lý do gia đi, ông Đài nhắc lại lần đầu ông đi tù năm 2007. Thời điểm đó an ninh Việt Nam thường xuyên hỏi ông 'một là đi nước ngoài, hi là viết bản nhận tội'. Ông đã từ chối cả hai yêu cầu này và ngồi tù trọn vẹn 4 năm, không giảm án.
Vì thế khi bị bắt tù lần hai năm 2015, biết rằng mình sẽ chịu án tù rất nặng, ông đã "suy nghĩ đến việc mình cần phải ra đi từ khi họ chưa kết án". Vì với ông, nếu ngồi tù dài như vậy, kinh nghiệm đấu tranh dân chủ 10 năm của ông sẽ bị lãng phí, Hội Anh Em Dân Chủ (HAEDC) do ông sáng lập sẽ tan rã, do các thành viên lãnh đạo đã bị bắt.
"Việc khôi phục lại hoạt động của hội để củng cố, tiếp tục công cuộc đấu tranh cho quyền con người, cho dân chủ là cần thiết. Cho nên tôi lựa chọn ra đi", luật sư Đài nói với BBC.
Trước câu hỏi vì sao năm 2012, trong bài trả lời phỏng vấn RFA, ông từng quả quyết "người đấu tranh dân chủ cần ở lại Việt Nam", rằng "ra đi là chứng tỏ sự thành công của chính quyền cộng sản Việt Nam", nay ông lại có quyết định trái ngược, ông Đài nói:
"Năm 2012, tôi hoạt động với tư cách là một nhà hoạt động nhân quyền, nhà đấu tranh dân chủ độc lập. Tôi chưa có tổ chức của mình. Đến đầu tháng 4/2013 tôi mới thành lập HAEDC. Thời điểm 2012, những người đi khỏi Việt Nam sẽ mất đi môi trường hoạt động ở trong nước bởi vì không có tổ chức."
Nhắc lại trường hợp luật sư Cù Huy Hà Vũ chấp nhận tỵ nạn ở Hoa Kỳ năm 2012, ông Đài nói thời điểm đó ông nói ông Vũ "nên ở lại Việt Nam" là do bối cảnh của giới đấu tranh dân chủ lúc đó "không có tổ chức, không có đầu mối dể hoạt động". Nên việc ông Vũ ra đi "sẽ mất đi mối liên hệ của mình, mất đi động lực hay động lực trong nước."
Ông Đài nói trường hợp của bản thân ông "thay đổi vào năm 2018" vì bối cảnh "đã khác rồi", với "công nghệ thông tin đã phát triển mạnh" và đã có "tổ chức, anh em ở trong nước".
"Lúc này khi tôi ngồi ở Berlin, Frankfurt, Washington hay Hà Nội thì sức ảnh hưởng của tôi đến truyền thông so với việc ở trong nước là như nhau.... Hai nữa, tôi có thể vận động được các tổ chức quốc tế của các nước một cách có hiệu quả hơn. Bởi vì tất cả những gì mình làm ở bên ngoài, đều là tập trung cho anh em ở trong nước. Cho nên đến thời điểm tôi lựa chọn ra đi thì có sự thay đổi hoàn cảnh đã khác rất nhiều so với thời điểm năm 2012".
Vì sao ở lại?
Bà Phạm Đoan Trang từng chối cơ hội sống ở Mỹ, trở về Việt Nam đấu tranh dân chủ, đương đầu với nhiều khó khăn, như bị chính quyền Việt Nam bắt giữ, thẩm vấn, nhất là sau khi bà viết cuốn sách Chính Trị Bình Dân,
Bà Trang nói bà từng sống ở nước ngoài, dù không dài nhưng đủ để nhận ra người Việt thường có "tâm lý bỏ cuộc, rã đám", "thay vì tìm cách đấu tranh cho thế hệ tương lai" khi "tình hình đất nước trở nên tồi tệ về mọi mặt", thì "nếu có điều kiện đều tìm đường đi nước ngoài", mà không hiểu ở đó họ mãi mãi chỉ là "công dân hạng ba".
"Họ không bao giờ vươn lên cao trong xã hội, nhất là trong xã hội phương tây. Nó có thể xuất phát từ những định kiến, từ những phân biệt về chủng tộc, văn hóa hay về quốc tịch… nhưng tôi cảm thấy một điều chắc chắn là cho dù ở một quốc gia văn minh đến đâu, phát triển đến đâu thì sự phân biệt gốc gác vẫn còn..."
Vì vậy, bà Trang cho rằng tốt hơn là ở lại đấu tranh để thay đổi xã hội Việt Nam. "Nó giống như kiểu bạn thấy một đống rác, bạn không dọn mà bạn tìm cách bỏ đi."
Trước câu hỏi trong những thời gian khó khăn, như phải lang bạt khắp Việt Nam để trốn chính quyền, nếu được lựa chọn lại, có bao giờ bà chọn ra đi. Vì với tài năng của mình, bà hoàn toàn có thể đấu tranh cho dân chủ Việt Nam, từ Mỹ, một cách 'nhẹ nhàng hơn"? Bà Trang nói "chưa bao giờ ân hận vì đã về Việt Nam".
"Tôi chỉ tin chắc là tôi rất hối hận nếu tôi không về Việt Nam. Bởi tôi là người Việt Nam, và cụ thể hơn, tôi là một người viết. Mà một người viết thì phải có trải nghiệm và phải có cảm nhận, sống trong môi trường đó, hoàn cảnh đó nên đối với tôi những gì trải qua cho mình thêm vốn sống và sự trải nghiệm chứ không có gì là bi kịch, khủng khiếp hay đau khổ cả."
"Thậm chí có lần tôi cũng nói với các bạn của tôi là nếu biết đi hoạt động vui như thế này thì tôi còn hoạt động sớm hơn từ hồi sinh viên, thậm chí sớm hơn nữa."
Bình luận về lựa chọn 'ra đi' của luật sư Đài, bà Trang cho rằng do "tùy tính chất công việc".
"Nếu công việc đòi hỏi phải trực nghiệm thực tế ở Việt Nam thì nên ở Việt Nam. Công việc mà làm ở nước ngoài tốt hơn thì nên ở nước ngoài, ví dụ việc vận động quốc tế. Như chúng tôi ở trong nước, đi lại gặp gỡ với các cơ quan ngoại giao quốc tế là vô cùng khó khăn. Thậm chí đến một đại sứ quán thôi đã phải "trốn nhà trốn cửa", đi khỏi nhà từ hai hay ba ngày trước. Thậm chí là đến hai hay ba ngày trước như trường hợp của tôi cũng không thoát được. Có nhiều lần công an họ giữ trong nhà đến cả tháng. Rõ ràng là việc vận động quốc tế phải là người Việt Nam ở nước ngoài làm thì hiệu quả hơn hẳn ở trong nước."
Tuy nhiên về mặt tổng thể, bà Trang nói "người Việt Nam muốn thay đổi đất nước thì phải ở trong nước. Đất nước này có thể thay đổi chính là nhờ người dân Việt Nam chứ không phải là phương tây hay cộng đồng quốc tế hay bất cứ lực lượng nào ở bên ngoài".
"Internet đúng là rất tốt, nó xoá nhoà khoảng cách giữa Việt Nam và phần còn lại của thế giới. Nhưng xoá nhoà chứ không phải là hết hẳn."
"Nên nếu bạn ở nước ngoài, muốn thay đổi Việt Nam mà không phải làm công việc vận động quốc tế hay những việc người trong nước không thể làm được, thì bạn phải tìm người ở trong nước để làm. Riêng việc tìm người đủ năng lực, độ tín nhiệm để bạn đặt niềm tin, trở thành cộng sự của bạn, trong khi bạn không thể kết nối được trực tiếp, không tiếp nhận thông tin trực tiếp để đưa quyết định đúng đắn nhất, sáng suốt nhất, là rất khó khăn," bà Trang nói với BBC.
Đấu tranh cho VN ở nước ngoài
Dù chỉ vừa đặt chân sang Đức không lâu, luật sư Nguyễn Văn Đài cho hay ông đã gặp bộ ngoại giao Đức và một số tổ chức phi chính phủ để "vận động, hướng sự chú ý của họ vào tình trạng vi phạm nhân quyền ở Việt Nam", đồng thời "kêu gọi họ gây áp lực để chính quyền Việt Nam trả tự do cho những tù nhân lương tâm đang bị giam giữ".
Ngoài ra, ông Đài cũng có các buổi nói chuyện với cộng đồng người Việt tại Đức để kêu gọi đóng góp, giúp đỡ gia đình những tù nhân lương tâm tại Việt Nam và hỗ trợ cho hoạt động của HAEDC.
Ông cũng liên lạc với HAEDC tại Việt Nam để hướng dẫn, tư vấn cách thức đấu tranh "hiệu quả" và "an toàn cho cá nhân", sau hàng loạt vụ bắt bớ vừa qua với các thành viên của hội.
Bên cạnh đó, luật sư Nguyễn Văn Đài tiếp tục đăng tải trên trang cá nhân những "bài viết bày tỏ quan điểm của mình về những sự kiện diễn ra ở trong nước". ̣(Còn tiếp)
No comments:
Post a Comment