Phạm Văn (Danlambao) - Từ khá lâu ở Việt Nam các nghiên cứu về trí thức và cả dư luận nói chung đã gọi theo lối gộp chung giới trí thức trong toàn xã hội là “một đội” (“đội ngũ trí thức”) hoặc là “một nguồn lực” quan trọng của “sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa” đất nước, nghĩa là thống nhất, không thể phân chia. Nếu có những phần tử nào đó bị gọi là “trí ngủ”, “trùm chăn”, “không dấn thân” (“hèn”), “trí mà không thức” v.v..., thì vẫn được hiểu là những yếu kém, tiêu cực thuộc bản thân “đội ngũ”, “nguồn lực” này, hoặc bị loại khỏi “đội ngũ”, và có thể bị xem là “phản quốc”. Nhưng thực tiễn đời sống đã đập vỡ cái nhìn với đầy dụng ý nhằm phục vụ chủ trương, mục đích duy nhất nào đó, khiến người ta buộc phải ra khỏi những cuộc tranh cãi trừu tượng với những “tiêu chí” chung bắt buộc về lập trường, tư tưởng. Thực ra, giới trí thức ở Việt Nam hiện giờ không còn, không phải là “một đội” hay “một khối” như người ta mong muốn hoặc cố tình xuyên tạc, trái lại đang có sự phân hóa mạnh mẽ, sâu sắc, đã và đang chia thành hai lực lượng cơ bản đối lập nhau là trí thức đảng và trí thức nhân dân. Nhiệm vụ cấp bách của chúng ta, những trí thức nhân dân lúc này là phải chỉ rõ bản chất và ý nghĩa của sự khác biệt-đối lập này.
1. Trí thức và nhân dân nói chung
Trí thức nói chung được hiểu là những người được giáo dục-đào tạo hoặc tự giáo dục-đào tạo một cách cơ bản, có sự hiểu biết ít nhất một lĩnh vực nào đó, đồng thời được đào luyện cả về mặt tư cách-phẩm chất, và dựa vào đó, có thể làm một công việc cụ thể tương ứng. Cái đặc trưng của trí thức, nói một cách đơn giản là dùng cái đầu-trí tuệ để làm việc. Tuy nhiên, sự hiểu biết hay cái học thức này có sự thay đổi theo thời gian. Ngày nay trình độ trí thức được thể hiện qua những bậc thang khác nhau như trung cấp, cao đẳng, đại học, sau đại học và làm việc trong các lĩnh vực tương ứng đã được phân công rõ ràng như trong kinh tế, khoa học, chính trị, nghệ thuật, giáo dục, quản lý, báo chí, ngoại giao, y tế, kể cả quân sự, anh ninh v.v..., Về chất lượng, có thể phân chia trí thức theo các mức độ: kém, trung bình, khá, cao (như học giả, bác học).
Trí thức là tầng lớp xã hội được hình thành do phân công lao động, nhất là việc tách lao động trí óc (tinh thần) khỏi lao động chân tay (vật chất). Do đó, hình thành một lớp người chuyên “sản xuất ra” những giá trị tinh thần, những giá trị này thông qua những người (sau này được gọi là kỹ sư, chuyên gia) làm công việc tổ chức quá trình chuyển hóa chúng thành những sản phẩm, giá trị vật chất hoặc tinh thần khác. Dĩ nhiên, cần có công nhân, những người lao động trực tiếp (chân tay) để thực hiện quá trình chuyển hóa này. Như vậy, theo nghĩa chung chân chính của nó, trí thức là đại diện cho con người, xã hội, cho những người lao động trực tiếp về mặt hiểu biết, tư tưởng, tinh thần. Có thể ví họ như “cái đầu” (“bộ não”) của một cơ thể xã hội, của một cộng đồng nhất định.
Nhưng nếu nhìn sâu vào cội nguồn, ta nhận thấy trong các truyền thống văn hóa nổi bật, những cái nôi vĩ đại của nền văn minh như Ấn Độ, Hy Lạp, La Mã, Trung Hoa v.v..., tầng lớp trí thức được hình thành trong một chỉnh thể của nó. Cái quan trọng làm cho trí thức mang ý nghĩa một tầng lớp ở đây chính là sự liên kết-tổng hợp tri thức thành một hệ thống nhất định, trong đó những tri thức triết học đóng vai trò là cơ sở. Chỉ với nghĩa như thế, sự hình thành tầng lớp trí thức mới thực sự có ý nghĩa là sự nhận thức, ý thức của xã hội về sự tồn tại của mình (theo K. Marx:“Ý thức không bao giờ có thể là cái gì khác hơn, ngoài tồn tại được ý thức, còn tồn tại là quá trình đời sống hiện thực của con người”) và với những hệ thống tri thức ấy, con người mới có thể và đã thực sự biến đổi tự nhiên, làm cho tự nhiên mang tính người, thành thế giới văn hóa, trong đó con người là chủ thể.
Trong cuốn tiểu thuyết Suối nguồn nổi tiếng của mình nữ văn sĩ Ayn Rand, một công dân Mỹ gốc Nga đã qua lời nhân vật chính là Howard Roark nói rằng, anh không thiết kế-xây dựng những ngôi nhà theo yêu cầu của người sử dụng, mà làm những ngôi nhà như anh muốn, anh thích. Cho nên, trí thức là gì nếu nó không là những người đại diện cho những giá trị, hơn nữa những giá trị chân-thiện-mỹ cao quý nhất của con người? Và liệu nó có thể có điều ấy không, nếu nó không có hoặc thiếu tri thức triết học? Nói khác đi, nếu không phải là những người đứng đầu một lĩnh vực tri thức với nghĩa là đại diện cho lĩnh vực ấy cả về phẩm chất, hiểu biết và giá trị, và nếu không phải là những người đứng đầu với nghĩa là những tổng công trình sư theo nghĩa rộng, thì không thể nói đến việc tạo ra những chuẩn mực, giá trị mang ý nghĩa định hướng cho toàn bộ xã hội, cộng đồng.
Quan niệm (khái niệm) về trí thức ở trên đương nhiên bao quát được cả trí thức với tư cách triết gia. Triết gia không làm việc với những tri thức chuyên môn của mình như trí thức trong các lĩnh vực cụ thể. Họ “làm việc” một cách gián tiếp, mà có thể là “không làm” (“vô vi” – theo cách nói của Lão Tử). Vì những tri thức triết học sẽ thông qua những lĩnh vực tri thức cụ thể để đi vào những hoạt động, hành động cụ thể của người lao động trực tiếp để tạo ra thế giới sản phẩm. Bởi vậy, văn hóa của một cộng đồng, một dân tộc có trở nên sâu sắc, cao siêu hay không là ở chỗ nó có một hệ thống tri thức, đời sống tinh thần được vật hóa trong đó như thế nào, đến mức độ nào. Một dân tộc có triết học thì văn hóa của nó chắc chắn sẽ thấm đẫm tinh thần triết học và do đó, trở nên có sức mạnh lớn lao.
Khi xã hội loài người phát triển, phân chia thành các đẳng cấp, giai cấp và các tập đoàn người, hình thành nên những phe nhóm xã hội-chính trị với những lợi quyền khác nhau, cùng với sự hình thành, lớn lên, suy thoái và mất đi của chúng, đã phân chia trí thức thành những nhóm phái với những xu hướng khác nhau, thậm chí xung đột rất quyết liệt, một mất một còn. Nói chung người ta chia các phe nhóm trí thức thành những phe phái hoặc có xu hướng tiến bộ, tích cực hoặc có xu hướng bảo thủ, tiêu cực. Thường thường những trí thức có xu hướng tiến bộ, tích cực là đại diện cho các tập đoàn người hoặc triều đại có lợi ích tiến bộ, do đó có thể đại diện cho đông đảo nhân dân, ngược lại những trí thức có xu hướng bảo thủ, tiêu cực thường đại diện cho các tập đoàn người hoặc các triều đại có lợi ích lỗi thời, tiêu cực. Lịch sử các xã hội châu Âu từ thế kỷ XIX trở về trước có sự tồn tại của hai kiểu nhà nước khá phổ biến là quân chủ và dân chủ. Trong chế độ quân chủ hầu hết trí thức là trí thức của chế độ quân chủ, trí thức của nhà vua. Ở đây trí thức của nhân dân chiếm số ít, rất cá biệt. Còn trong chế độ dân chủ nói chung trí thức được hiểu là trí thức của nhân dân, là trí thức nhân dân.
Trong thời cổ đại nhân dân chỉ được hiểu với nghĩa là tầng lớp chủ nô có xu hướng, tinh thần tự do trực tiếp đối lập với nhà nước-chế độ chính trị, còn những người nô lệ không phải là nhân dân, họ không được xem là con người. Vì thế, trí thức của nhân dân là trí thức của những người chủ nô. Trong các xã hội về sau này, bắt đầu là những xã hội hình thành trên cơ sở nền sản xuất đại công nghiệp, chế độ sở hữu tư nhân tư sản, khái niệm nhân dân đã được mở rộng, theo đó nhân dân bao gồm tất cả các tầng lớp xã hội, nhưng lực lượng cơ bản trong nhân dân vẫn là những chủ sở hữu. Chính vì thế, khái niệm “xã hội công dân” theo quan điểm của các nhà tư tưởng thế kỷ XVIII-XIX nói chung chỉ có nghĩa là chỉ tầng lớp thị dân, tức là những người có lợi ích, tài sản. Vì vậy, trí thức của nhân dân được hiểu trước hết là trí thức của tầng lớp có tài sản, của những người sở hữu.
Nhưng khi chế độ sở hữu tư nhân tư sản vượt qua giai đoạn “man rợ”, nó không coi đại bộ phận những người lao động là lực lượng chỉ như những phương tiện cho sự làm giàu của nó, trái lại như một bộ phận hữu cơ của hệ thống sản xuất xã hội trong đó nhà tư bản là người chỉ huy tối cao, lúc đó sự phát ngôn cho nhân dân ngày càng giảm dần khoảng cách giữa người chủ và làm thuê. Khái niệm nhân dân ngày càng được mở rộng, bao gồm mọi tầng lớp xã hội. Do đó, trí thức dần dần trở thành cái đầu của khối nhân dân nói chung ấy. Điều này càng diễn ra mạnh mẽ trong các nước dân chủ văn minh, khi mà bất cứ cá nhân thuộc tầng lớp xã hội nào cũng có cơ hội để trở thành người chủ, còn tư bản không còn là ưu thế riêng của một giai tầng xã hội. Vì thế, trí thức trong các xã hội dân chủ văn minh hầu hết là trí thức nhân dân. Trí thức nhân dân nói chung là trí thức tự do, mang giá trị và tư tưởng lớn lao là tự do, họ kiến tạo và thúc đẩy sự tiến bộ lịch sử.
Vì thế, không thể hình dung được một xã hội, một cộng đồng lại không có hoặc thiếu vắng tầng lớp trí thức, nhưng sẽ là tai họa, thậm chí là khủng khiếp, nếu như một xã hội, cộng đồng lại được dẫn dắt bởi một “đội ngũ” trí thức đông đảo nhưng lại không hiểu hoặc hiểu rất sai về tương lai, tiền đồ của một cộng đồng. “Đội ngũ” ấy không khỏi đưa dân tộc “cả nước xuống hố”.
2. Trí thức đảng và trí thức “trùm chăn”
Trong nhiều bài viết tôi đã chỉ ra, chứng minh rằng chế độ chính trị hiện thời ở Việt Nam là chế độ độc tài-toàn trị, chế độ đảng “cộng sản” trị, một biến thể mới của chế độ quân chủ trong đó vua là “kẻ giấu mặt” hoặc “vua ảo”. Đây là một chế độ quân chủ trái mùa, hết sức lỗi thời, thậm chí trở nên quái dị. Trên thực tế, những cuộc biểu tình-đấu tranh của nhân dân trong những năm tháng kể từ đầu thập kỷ thứ hai của thế kỷ XXI đến nay, nhất là vào 10/ 6/2018, một mặt cho thấy rõ sự thối nát của chế độ quân chủ-đảng trị, mặt khác chỉ ra một cách rõ ràng rằng nhân dân đã tách ra, đứng đối lập với chế độ này (Xem một số bài viết của tác giả Lòng yêu nước mới của nhân dân Việt Nam, Nhân dân và nhà nước, Sự sùng bái những giá trị vật chất trần trụi và cuộc chiến của Tự do-Văn minh chống lại Quái thú-Mọi rợ, đã đăng trên Dân Làm Báo vào các ngày 25/6, 4/7 và 9/7 2018). Bởi vậy, sự hiện diện của hai lực lượng trí thức cơ bản đối lập nhau trong xã hội Việt Nam đã quá rõ: trí thức đảng và trí thức nhân dân. Hai lực lượng này thể hiện tính thống nhất, có tổ chức với đường lối, mục tiêu rõ ràng. Bên cạnh đó còn có những bộ phận trí thức không có tính tổ chức, như bộ phận trí thức (có thể xem là trí thức nhân dân) bị trí thức đảng giam hãm, và một bộ phận hay hiện tượng trí thức “trùm chăn”. Trước hết nói về trí thức đảng và ít nhiều về trí thức “trùm chăn”.
Về trí thức đảng. Với việc biến “sở hữu toàn dân” hay “sở hữu xã hội” thành sở hữu của riêng, đảng “cộng sản” cầm quyền trở thành độc tài-toàn trị. Vì vậy, từ chỗ được coi là những thành phần của giai cấp tiểu tư sản có bản tính là “ngả nghiêng”, “dao động” về tư tưởng, lập trường, nhưng nhờ sự lãnh đạo-cải hóa tài-khéo, có cả sự dối trá-hăm dọa của đảng, một bộ phận khá lớn trí thức ở Việt Nam đã trở thành đội ngũ trung thành với sự nghiệp “quang vinh muôn năm” của đảng, trí thức đảng. Lẽ ra ta nên gọi lực lượng trí thức này với cái tên đầy đủ là “trí thức đảng “cộng sản””. Nhưng để cho khỏi lặp lại nhiều lần từ “cộng sản”, ta gọi là “trí thức đảng”. [Lưu ý: Tôi thường viết cộng sản là “cộng sản”, vì thực tế “người cộng sản” ở Việt Nam nói chung, nhất là cho đến nay chưa bao giờ hoặc không còn tồn tại đúng với nghĩa ban đầu của cái tên này nữa].
Hiểu một cách chung nhất, từ “trí thức đảng” một mặt, có nghĩa chủ yếu là ngoài những nội dung, chức năng của trí thức nói chung, thì tính đảng “cộng sản” là phẩm chất cơ bản của lực lượng trí thức này; mặt khác, trí thức đảng còn có nghĩa, nó là một bộ phận hết sức quan trọng trong tổ chức đảng “cộng sản”, là thành phần lý luận “đầu não” của đảng, nhưng cũng đồng thời là bộ phận chân tay “có trí tuệ” của đảng. Có vẻ như đây là một nghịch lý, nhưng là một sự thật. Trí thức đảng có vai trò rất quan trọng đối với sự hình thành chế độ đảng “cộng sản” trị, theo nghĩa này ta cũng có thể gọi đây là chế độ đảng “cộng sản-trí thức” trị, vì cứ xem cái đám có “bằng cấp”, thậm chí “rất cao” lúc nhúc trong đảng và cách họ hành xử thì thấy. Cần thấy, một đảng cầm quyền với một lực lượng trí thức vốn đã “đầy sức mạnh”, mà trong đó lại có những vua-chúa “giấu mặt” hoặc “ảo” nữa, thì sức mạnh ấy “càng tăng lên gấp bội” bởi tính hư hư thực thực của nó.
Cũng như trí thức nói chung, trí thức đảng trước hết là những người được đào tạo "cơ bản” về phẩm chất và tri thức thuộc những lĩnh vực chuyên môn nào đó. Họ là những kỹ sư, chuyên gia, nhà giáo, nghệ sĩ, chính trị gia, luật sư, quân sự gia, an ninh gia v.v... Nhưng trí thức đảng còn có một mặt quan trọng khác, “cao hơn”, đó là lấy học thuyết, tư tưởng Marx-Lenin, “tư tưởng-đạo đức” Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương và nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt của đảng “cộng sản” làm tôn chỉ. Người ta gọi chung đây là mặt “hồng” bên cạnh mặt “chuyên” của mỗi đảng viên và mỗi trí thức đảng. Trong mặt “hồng” có “đạo đức” (“đạo đức cách mạng”) và “chuyên” (theo nghĩa là hiểu biết về các học thuyết, tư tưởng, đường lối nói trên). Về “đạo đức”, điều chủ yếu là “trung”, “tuyệt đối trung”, còn “chuyên” không quan trọng, chỉ cần những người đứng đầu “hiểu”, thậm chí hiểu một cách giáo điều, hoặc không hiểu nhưng cứ “xướng lên” là được (hầu hết các đảng viên không đọc sách Marx-Lenin, lý luận nói chung, cả ở Trung Quốc cũng thế - theo sách “Cửu bình”). Đối với đảng viên và trí thức đảng, “hồng” mới là mặt cơ bản, không thể thiếu.
Ở trí thức đảng khi “hồng” chi phối thì những phẩm chất và chuyên môn (của một chuyên gia hoặc kỹ sư v.v...,) sẽ ngày càng bị teo tóp-chết đi tỷ lệ nghịch với những chức vụ, quyền hạn được cất nhắc-cơ cấu. Bởi vì, “đảng ta là một đảng cầm quyền”, vì thế còn gì bằng khi trí thức cầm quyền. Nếu đã là trí thức đảng thì hiếm có ai lại không có một chức vụ, quyền hạn nào đó trong bộ máy, nếu như không có chức vụ thì họ cũng là một mắt xích nào đó trong hệ thống cầm quyền-cai trị của đảng. Nhưng ngay khi còn là sinh viên, với việc nuôi sẵn mộng trở thành người đảng viên “cộng sản” cũng có nghĩa là ôm mộng quan trường và cả “đế vương” trong chế độ đảng trị, thì thường phẩm chất và năng lực tri thức chuyên môn cũng trở nên lệch lạc, không đến nơi đến chốn. Đối với những người “Tây học”, tôi nhận thấy thường trước khi du học họ đã là đảng viên, cho nên khi về họ được tạo “nguồn”, rồi được cơ cấu vào một chức vụ nào đó trong hệ thống quyền lực của đảng. Trong khi tôi hiểu Tây học có hai điều rất quý và quan trọng, về nhân cách, đó là tự do, còn về tri thức-tinh thần, đó là triết học. Hai điều này vốn kết hợp chặt chẽ với nhau. Nhưng khi đã ở trong tổ chức đảng “cộng sản” thì làm gì còn, có tự do và triết học!
Hiện giờ, khi chế độ độc tài đảng trị đã trở nên thối nát hơn bao giờ hết, trí thức đảng đã và đang bộc lộ hết sức rõ ràng tất cả những gì xấu xa, tồi tệ của chúng. Đặc biệt, với tư cách một tổ chức, với quyền lực tuyệt đối, chế độ đảng “cộng sản” trị hiện nay đã thực sự trở thành một tổ chức trí thức tham nhũng, hơn thế tham nhũng-bán nước (Xem bài Tham nhũng và “cuộc chiến chống tham nhũng” ở Việt Nam hiện nay trên Dân Làm Báo 22/7/2018). Đây thực sự là một đội ngũ có học mà như vô học. Bởi vì, chúng là những kẻ diễn “trò khỉ-đu dây” xuất sắc mà đứng đầu là kẻ có học hàm, học vị cao nhất là TBT Đảng cộng sản Nguyễn Phú Trọng. Vì trí thức cầm quyền đu dây, nghĩa là xã hội Việt Nam không có giá trị, tư tưởng cơ bản đúng đắn định hướng, mọi lĩnh vực, tổ chức hoạt động không theo nguyên tắc, chuẩn mực nào cả, trừ nguyên tắc tối cao là cái lợi của con người cá nhân hẹp hòi của chúng, cho nên nạn tham nhũng hoành hành, mà kẻ biết rõ và lợi dụng điều đó triệt để nhất chính là những trí thức-quan chức đảng (Xem bài Trò khỉ-đu dây và Tự do trên Dân Làm Báo 11/8/2018).
Với tư cách là những trí thức riêng biệt, hoặc “đội ngũ” chịu sự “lãnh đạo” của đảng, trí thức đảng là những tên tay sai, chỉ điểm rất trung thành. Phẩm chất cơ bản của những trí thức này là tuyệt đối không có tự do, không hiểu hoặc quyết không hiểu gì về nội dung, ý nghĩa của giá trị, tư tưởng tự do. Chúng là những kẻ nô lệ-đầy tớ chính cống cho tổ chức đảng cầm quyền. Đảng xướng-hô thế nào chúng xướng-hô như thế, đảng chỉ tay về đâu chúng cũng chỉ tay về đó, thậm chí còn xung phong lên “hàng đầu”, cho dù chẳng biết “đi đâu”. Nói chung, dựa vào sự cai trị-nuông chiều của đảng, của chế độ đảng trị, trí thức đảng nghiễm nhiên tự xem mình là đại diện cho toàn thể xã hội, nhân dân về những giá trị, chân lý, đạo đức, tư tưởng, lý tưởng, rằng chân lý thuộc về họ, nhưng thực tế họ là lực lượng trực tiếp trói buộc-giam cầm nhân dân trong vòng tăm tối với một bức màn thép tư tưởng, giá trị giả tạo, sai lầm, ảo tưởng, núp dưới một hệ thống bằng cấp gắn với các chức vụ, quyền hạn cao thấp, khiến nhân dân khó có thể ngẩng mặt lên, vượt qua được.
Hơn thế, trong lực lượng này có một bộ phận đặc trách công việc lý luận-tư tưởng. Chúng thực sự là những tên nô lệ-bưng bô cao cấp cho đảng. Trước hết chúng được quyền viết-in để phổ biến tư tưởng-đường lối-chính sách của đảng cho toàn bộ hệ thống, nhất là đối với hệ thống nhà trường. Chúng tiêu biểu cho một chủ thuyết khiếm khuyết, sai lầm, ảo tưởng là chủ nghĩa Marx-Lenin, và cả “tư tưởng”, “đạo đức”, “tác phong” Hồ Chí Minh. Chúng là những kẻ chăm lo và tích cực dựng thần tượng Hồ Chí Minh cho nhân dân, thực chất là để nhân dân đắm đuối với cái thần tượng này, cho chế độ đảng trị thực hiện chính sách ngu dân, để dễ dàng cai trị (Xem bài Thần tượng và sự sụp đổ của thần tượng trên Dân Làm Báo 27/7/2018). Cần nêu ra ở đây cái tên Hoàng Chí Bảo, một kẻ bưng bô cao cấp trong vai trò thần tượng hóa Hồ Chí Minh. Bọn này còn được quyền đi đây đi đó để học tập-tổng kết “lý luận” và “thực tiễn” với các đảng “anh em” ở Trung Quốc, Lào, Cu Ba, Vênêzuêla v.v..., thậm chí sang cả những nước Bắc Âu ngạo mạn “thay mặt” cho nhân dân họ gọi “thật đúng tên” các chế độ của họ là “chủ nghĩa xã hội dân chủ Bắc Âu”. Lưu ý, chúng còn có năng lực đánh hơi rất kỳ diệu, hễ ở đâu có cái gì na ná là chúng vơ vào để khẳng định con đường chúng “chọn” cho Việt Nam là “đúng”!
Một hệ thống các trường lý luận chính trị được dựng lên từ cấp huyện cho đến trung ương, để dạy dỗ-giáo dưỡng những “giáo điều” Marx-Lenin, tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh v.v., cho các đảng viên và trí thức cấp thấp hoặc thuộc các chuyên môn khác, nhằm đào tạo họ thành “đội ngũ” những người kế cận. Nhưng vài chục năm trở lại đây, lũ “chuyên viên” này làm công việc “giáo dưỡng” thì ít mà chủ yếu nhận phong bì của bọn học viên và ăn nhậu, đàn đúm với chúng, cả với những quan chức địa phương. Không cần chỉ ra sự “chiếm đoạt, tham ô, nhận hối lộ” của riêng mỗi cá nhân trong cái “đội ngũ” đông như kiến này, chỉ cần thấy việc hàng chục ngàn người này đang “giảng dạy- áp đặt” những học thuyết, tư tưởng nói trên cho các lớp học sinh, sinh viên và học viên trên đại học rồi nhận lương, thậm chí nhiều kẻ lương rất cao hàng tháng, hàng năm, chỉ như thế thôi, đã đủ thấy sự tham nhũng kinh hoàng của đội ngũ này như thế nào.
Trí thức đảng chính là lực lượng trí thức trực tiếp kìm hãm dân trí Việt Nam, trong đó bộ phận lý luận-đầu não của lực lượng đầu não kiêm tay chân này của đảng, là bộ phận quyết định. Cho nên, không thể tin được những lời lẽ ngụy biện, đấy sự trí trá, tráo trở của chúng cho rằng “dân trí còn thấp cho nên chưa thể thực hiện chế độ dân chủ!”. Giờ đây, khi học thuyết nền tảng đã bị phá sập dưới chân, thì linh hồn của đảng thực sự đã chết, “đội ngũ” trí thức đảng chỉ còn biết bám chặt vào nhau, một mặt cố liều lĩnh biện minh cho học thuyết Marx-Lenin, “tư tưởng HCM”, mặt khác, thậm chí công khai xem đó là phương tiện để kiếm sống. Cho nên, khi việc làm của trí thức đảng là sự mỉa mai chính lý thuyết, lý tưởng của chúng, thì cái còn lại chỉ là những giá trị kinh tế-vật chất trần trụi, tiền bạc, những lợi ích nhóm nhỏ cố kết lại thành lợi ích nhóm lớn, thành những phe cánh trong đảng, trong hệ thống của chúng, để tiếp tục duy trì ách cai trị đối với nhân dân, đặc biệt cúi đầu ngoan ngoãn làm tay sai cho Tàu Cộng cướp nước. Cái “hồng-chuyên” của những trí thức đảng còn trơ ra như thế đấy!
Lúc này trí thức đảng đông nhưng không còn “mạnh”, thậm chí quá yếu. Bộ phận nắm quyền, nhất là đám chóp bu, thì giở đủ những trò mưu ma chước quỷ, thậm chí đã hạ thấp xuống làm cái đầu của những thói du côn-côn đồ. Thật mỉa mai, khi chúng tiếp tục vu cáo nhân dân nhằm lật đổ “chính quyền nhân dân” để chống lại nhân dân? Về nguyên tắc, người ta chỉ có thể bỏ được cái cũ khi có cái mới để thay nó. Nhưng Nguyễn Phú Trọng và cả hệ thống của ông ta đã quá cũ nát và thối tha rồi. Bộ phận còn lại thụ động, tranh thủ kiếm sống, vinh thân phì gia. Họ ngày một thấy rõ cái tổ chức mà mình là thành phần của nó, theo tôn chỉ của nó, đã trở nên lỗi thời và thối nát. Có thể, đôi khi trong họ cái bản năng-chức năng trí thức trỗi dậy, họ muốn là trí thức theo nghĩa chân chính, muốn phục vụ đông đảo người dân, nhưng cái bản năng ấy chỉ như cái gì đó chợt lóe lên, run rẩy rồi ngay lập tức lại bị đè bẹp trong bản chất đảng tính của họ, trong những điều kiện, phương tiện vật chất mà họ đã và vẫn đang có được nhờ phục sự tổ chức.
Nhiều người nói, hầu như trí thức Việt Nam không dám dấn thân! Đây là sự nhận thức rất nhầm lẫn, mơ hồ về hiện trạng trí thức ở Việt Nam. Dấn thân là phẩm chất cao quý của con người. Đừng hy vọng trí thức đảng, có thể dấn thân cho sự nghiệp của nhân dân, đất nước. Vấn đề đặt ra là khắc phục, thái độ của chúng ta đối với lực lượng trí thức đảng như thế nào, chúng ta học được gì ở tấm gương Liên Xô và các nước XHCN ở châu Âu, khi công việc xóa bỏ chế độ đảng trị thành công? Tuy nhiên, ta hy vọng phần đông họ, cụ thể là những người còn chưa hoặc bị nhúng chàm ít, sẽ thức tỉnh khi sự nghiệp của nhân dân ngày càng phát triển.
Về bộ phận hay hiện tượng trí thức “trùm chăn”. Đây là bộ phận trí thức có số lượng không nhiều, họ không hoặc không hoàn toàn đứng về hai lực lượng trí thức đảng hoặc nhân dân và như đã nói, họ không có, không thành một tổ chức độc lập, riêng biệt nào cả. Họ sống dựa vào tri thức và nghề nghiệp mà mình được đào tạo là chính, với mục đích là vì bản thân, gia đình (vợ hoặc chồng và con cái) và người thân của họ. Theo nghĩa bóng của từ “trùm chăn”, thì họ không quan tâm đến sự nghiệp của nhân dân, đất nước, họ sợ mất địa vị, tiền tài và tất nhiên sợ khó khăn, nguy hiểm và nhất là sợ chết. Vì thế, có lẽ cái nghĩa thâm sâu của từ “trùm chăn” là ở chỗ, “suốt ngày”, “mùa đông cũng như mùa hè” họ đều “trùm chăn”, không chỉ vì họ muốn tránh cái thời tiết bên ngoài cóng lạnh hoặc sôi sục bởi cuộc sống lao động, đấu tranh gian khổ, khắc nghiệt của nhân dân, mà chủ yếu vì lòng họ, trái tim họ đã, thậm chí được tôi rèn để trở nên băng giá, nguội lạnh, họ co mình lại, hoặc tim họ đập lạc nhịp, lạc điệu với trái tim nhân dân, với những giai điệu, cung bậc hoặc rất sôi động hoặc rất khắc nghiệt của cuộc sống.
Trí thức “trùm chăn” không hẳn là loại người “mũ ni che tai” hoặc “sớm cắp ô đi, tối cắp ô về”, trái lại, họ có thể biết hết mọi điều xung quanh liên quan, cả sự bất công, thối nát, tàn ác của chế độ, cả những thiệt thòi, đau khổ và những điều tốt đẹp, tích cực của nhân dân, nhưng họ biết để không can dự, để tránh và giữ được mình. Họ có thể là người rất giỏi “chém gió”, xem như “trên thông thiên văn, dưới tường địa lý”, đôi khi còn làm người nghe cảm động rớt nước mắt, nhưng nói chung họ thường thông qua đó để làm người khác ngộ nhận rằng mình “rất có” bản lĩnh, trách nhiệm, nhằm che đậy sự thật là họ hẹp hòi, hèn nhát, vô cảm, hoặc còn một chút lương tâm thoi thóp. Trong trí thức “trùm chăn” cũng có những kẻ Tây học, nhưng như đã nói, họ thiếu hoặc không có được hai điều quan trọng là triết học và tự do, nên cái học ở họ thường không đến nơi đến chốn.
Có những trí thức “trùm chăn” là đảng viên “cộng sản”, ở họ cái danh “đảng viên” chỉ là hình thức, là cái vỏ bọc. Tôi biết có nhiều người bỏ công sức “phấn đấu” để được vào đảng, nhưng khi được rồi thì họ chỉ lợi dụng cái cơ chế đảng trị này mà lo cho cái cá nhân hẹp hòi của họ. Thậm chí hiện giờ khi đảng chủ trương mở rộng “tăng cường” đội ngũ (nhằm tăng cường sức đè nén lên nhân dân, nhưng chủ yếu để cho đông, khi biết uy tín của đảng đang ngày càng suy giảm), kẻ “phấn đấu”, nhất là sinh viên (chưa được đào tạo xong một lĩnh vực nghề nghiệp) công khai việc vào đảng là để lo cho bản thân, để an toàn, để cho dễ xin việc v.v.. Về mặt này, “trí thức trùm chăn” còn là những kẻ cơ hội chủ nghĩa. Họ là loại trí thức hai mặt, trí trá-tráo trở. Bọn chúng chỉ lợi dụng đảng cho mưu đồ cá nhân của mình. Đây là loại “trí thức trùm chăn” rất nguy hiểm. Chúng như những con rùa dưới đáy nước ngụy trang rất tinh vi, chỉ há cái miệng chờ cho con mồi đi qua rồi đớp gọn.
Nói chung, trí thức “trùm chăn” không “thành công” lắm xét theo những mục tiêu cuộc sống mà họ lựa chọn, đặt ra cho mình. Bởi vì, trừ loại “trí trá- tráo trở” ra, vốn bản chất hèn nhát, trí thức “trùm chăn” không muốn hoặc ngại “va chạm” nên chẳng làm nên điều gì “to tát”. Trong cuộc đấu tranh của nhân dân cho chế độ Tự do-Dân chủ ta không hy vọng trí thức “trùm chăn” dấn thân, trừ khi họ thay đổi bản tính của họ, nhưng đó là công việc lâu dài, nhưng ta có thể hy vọng vào những người trẻ tuổi có xu hướng-lý tưởng trở thành trí thức kiểu này, sẽ nhận ra được sự tiêu cực của nó để sớm đứng về phía nhân dân.
Ngày 14 tháng 8 năm 2018
Lưu ý, tiếp theo là Trí thức nhân dân (Phần 2): 1. Dấn thân và dũng cảm; 2. Trí thức nhân dân là dấn thân
No comments:
Post a Comment