Hòa Ái, phóng viên RFA-2018-08-13
Nhà báo Đỗ Cao Cường bị dọa giết do đăng tải các phóng sự không qua kiểm duyệt trên mạng xã hội.Courtesy: Facebook Đỗ Cao Cường.
Đài RFA ghi nhận ngày càng có nhiều nhà báo ở Việt Nam sử dụng mạng xã hội để chuyển tải các thông tin trung thực hay những tiếng nói độc lập của họ. Tuy nhiên, các nhà báo này cũng gặp phải rất nhiều rủi ro.
Hòa Ái có cuộc trao đổi với nhà báo Lê Trung Khoa, Chủ bút của tờ Thoibao.de ở Đức, Blogger Nguyễn Ngọc Già và nhà báo Đỗ Cao Cường ở Việt Nam.
Hòa Ái: Hòa Ái được biết nhà báo Đỗ Cao Cường chọn mạng xã hội để đưa các thông tin trung thực, không qua kiểm duyệt, đặc biệt về môi trường Việt Nam và mới đây nhất là phóng sự “Chết khi đang còn sống” gây chú ý và quan tâm trong cộng đồng cư dân mạng tại Việt Nam. Sau khi phóng sự “Chết khi đang còn sống” được phổ biến, anh và gia đình nhận được những lời hăm dọa, thậm chí đe dọa đến cả mạng sống của anh. Anh có suy đoán được sự hăm dọa này đến từ đâu không?
Nhà báo Đỗ Cao Cường: Khó khăn của một phóng viên điều tra rất là nhiều, đến từ nhiều phía từ lãnh đạo tòa soạn, chính quyền và doanh nghiệp. Mình phải đấu tranh với cả chính nơi mình làm việc. Khi ở trong Nam, tôi gặp rất nhiều nguy hiểm. Tôi ra Bắc và thực hiện một số phóng sự điều tra độc lập. Thực sự thì có vô vàn mối nguy hiểm và những lời đe dọa vì mình không còn mang tính chất pháp lý đối với các toàn soạn mà mình làm việc nữa mà mình tác nghiệp độc lập, với Điều 25 trong Hiến pháp, đó là công dân có quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận.
Phó Chủ tịch huyện Kim Môn gọi điện nói rằng người dân tố cáo tôi đã kích động người dân, rồi bắt tôi gỡ bài. Tổng thư ký Tạp chí Thương Trường nói rằng cái mạng của tôi đáng giá vài chục triệu thôi, và họ tự tiện gỡ bài “Tại Hải Dương: Thép Hoàng Phát đánh đổi môi trường đổi lấy kinh tế”. Và lãnh đạo Báo Pháp Luật cũng gọi điện cho tôi hỏi rằng “em dừng có được không?” Sau đó tôi nhận các cuộc điện thoại đe dọa
-Nhà báo Đỗ Cao Cường
Tôi mới ra Bắc thôi. Một trong những phóng sự đầu tiên của tôi là về Hoàng Phát. Rất nhiều đồng nghiệp của tôi ở các báo như Báo Giáo Dục, Đài VTC và nhiều báo đài khác sau đó mới vào cuộc điều tra. Phó Chủ tịch huyện Kim Môn gọi điện nói rằng người dân tố cáo tôi đã kích động người dân, rồi bắt tôi gỡ bài. Tổng thư ký Tạp chí Thương Trường nói rằng cái mạng của tôi đáng giá vài chục triệu thôi, và họ tự tiện gỡ bài “Tại Hải Dương: Thép Hoàng Phát đánh đổi môi trường đổi lấy kinh tế”. Lãnh đạo Báo Pháp Luật cũng gọi điện cho tôi hỏi rằng “em dừng có được không?”. Sau đó tôi nhận các cuộc điện thoại đe dọa. Rất nhiều sự đe dọa như vậy.
Hòa Ái: Và bây giờ xin được thưa chuyện với Blogger Nguyễn Ngọc Già. Xin hỏi Blogger Nguyễn Ngọc Già về riêng cá nhân ông, kể từ khi ông bắt đầu viết blog, thể hiện tiếng nói chính kiến của mình về chính trị, xã hội Việt Nam, ông có gặp phải sự đe dọa nào trước khi bị bắt, với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước”, theo điều 88 Bộ luật Hình sự và cả sau khi mãn án 3 năm tù giam, vào cuối năm ngoái, thưa ông?
Blogger Nguyễn Ngọc Già: Khi bắt đầu viết, tôi suy nghĩ rất nhiều và tôi đã quyết định chọn “con đường cô đơn trong tự do tư tưởng” nên hầu như không ai biết gì về tôi. Do đó, tôi không bị đe dọa gì cả. Nhân dây, tôi muốn nhắc lại việc tôi bị bắt, nói thật là tôi tự khai lý lịch qua các bài viết mà tôi đã trình bày ở trên mạng, chủ yếu 3 bài “Tôi biết ơn Việt Nam Cộng Hòa”, “Bàn về câu chuyện lá cờ” và “Hội Nhà báo Độc lập mất đoàn kết”, chứ không phải do phía an ninh tìm ra tôi đâu.
Họ bắt tôi là có công văn của Công ty SPT, gọi là tố cáo tôi với PA 92, thì công văn đó là nhà cầm quyền Việt Nam làm theo quy trình ngược; tức là khi bắt tôi rồi thì họ mới kêu SPT làm công văn để nhằm cho ra vẻ hợp pháp và đúng quy trình.
Từ ngày ra tù đến nay, tôi ra phường nhiều lần theo án quản chế. Cấp phường và cấp quận cũng hỏi tôi về các bài báo và những cuộc phỏng vấn sau này thì tôi nói rằng không nhớ gì hết và tôi chỉ làm đúng theo nguyên tắc người dân có quyền làm tất cả những gì pháp luật không cấm, và tôi luôn thực hiện đúng khẩu hiệu “Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật” của nhà cầm quyền Việt Nam.
Tuy nhiên, tôi nghĩ việc nhà cầm quyền Việt Nam bắt hay không bắt bất cứ ai dù đã đi tù hay trở về, hoặc chưa đi tù cũng vậy thì đó là sự tính toán thiệt hơn của nhà cầm quyền trong giai đoạn hiện nay, chứ thực ra chẳng có luật pháp nào cả.
Hòa Ái: Thưa nhà báo Lê Trung Khoa, Hòa Ái đọc được thông tin cuối tháng 6 vừa qua, Cảnh sát Berlin đã gặp gỡ với ông và thông báo cho ông biết để cảnh giác vì có sự đe dọa giết chết ông. Thực hư về thông tin đó như thế nào?
Nhà báo Lê Trung Khoa: Quả thật vào cuối tháng 6 vừa qua, cụ thể vào đầu tháng 7, tôi được Sở Cảnh sát Berlin mời lên làm việc hơn 1 giờ đồng hồ. Trong thời gian làm việc đó, họ đã hỏi rất nhiều về những người xung quanh, có những hiện tượng gì, có ai theo dõi hay không, có ai dọa gì không thì thông báo với họ để họ có thể có biện pháp bảo vệ phù hợp. Và cuối cùng, họ nói rằng tôi mời anh đến đây vì có một lý do quan trọng nhất, đó là trong hồ sơ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh có tên tôi - Lê Trung Khoa. Tôi rất ngạc nhiên vì điều này, bởi vì tôi cũng chỉ là một phóng viên để dưa tin về vụ việc này từ đầu đến cuối. Tôi có yêu cầu giải thích và cảnh sát Berlin nói rằng nội dung trong đó gồm có nhiều việc, nhưng đối với tôi thì có dòng chữ “Cần phải ám sát ông Lê Trung Khoa bằng hình thức gây tai nạn hoặc là tạo ngộ độc…”. Chính vì vậy, họ gọi tôi lên hỏi xem vụ việc thế nào, và tất nhiên, sau cuộc gặp, họ nâng biện pháp bảo vệ hơn đối với cá nhân tôi, bằng cách nào thì tôi không biết vì ở Đức họ có thể bảo vệ từ xa hay bảo vệ vòng ngoài thế nào đó.
Tôi lập tức bị đối tượng rất thân cận với mật vụ của Đại sứ quán Việt Nam ở Berlin dọa, nhắn tin giết với từ ngữ “cho ăn tiết canh ngan”, mà tiết canh ngan không bao giờ được bán ở Đức. Đây là một từ lóng. Và cảnh sát Đức cũng giải thích đây là một từ lóng, dành cho việc cắt cổ một người
-Nhà báo Lê Trung Khoa
Hòa Ái: Qua tờ TAZ, phát hành hồi hạ tuần tháng 7, Hòa Ái cũng được biết vào khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến Đức để tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20, ông cũng bị dọa giết. Ông có thể cho biết chi tiết về vụ việc này?
Nhà báo Lê Trung Khoa: Vụ việc đó xảy ra trước khi ông Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến Đức vào đầu tháng 7 năm 2017. Cuối tháng 6 năm 2017, tôi có đăng một bản tin “Vì sao bà Thủ tướng Đức không tiếp chính thức ông Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc?” và tôi nhận được thông tin từ Đại sứ Việt Nam tại Berlin nói rằng điều đó có thể không đúng và đề nghị điều chỉnh lại bằng cách gỡ bỏ bản tin hoặc thay đổi nội dung bản tin. Tất nhiên là tôi đã không gỡ bỏ và giữ nguyên bản tin.
Sau khi vụ việc xảy ra, tôi lập tức bị đối tượng rất thân cận với mật vụ của Đại sứ quán Việt Nam ở Berlin dọa, nhắn tin giết với từ ngữ “cho ăn tiết canh ngan”, mà tiết canh ngan không bao giờ được bán ở Đức. Đây là một từ lóng. Và cảnh sát Đức cũng giải thích đây là một từ lóng, dành cho việc cắt cổ một người. Việc dọa đó không phải chỉ một lần, mà họ nhắn tin đến hai lần. Người nhắn tin dọa tôi là ông Sơn Điền. Tôi đã thưa cảnh sát và họ đã mời ông ta lên để hỏi. Thời gian gần đây, cảnh sát đặc nhiệm Đức đã đến nhà ông ta đọc lệnh khám nhà và họ đã tìm thấy rất nhiều tài liệu và máy tính. Họ đã thu điện thoại của ông ta. Tôi nghĩ rằng đó là những bằng chứng để họ tiếp tục tìm hiểu xem những ai đã liên hệ với ông ta và ai đã ra lệnh cho ông ta dọa nhà báo ở Đức, cụ thể dọa tôi và việc điều tra này vẫn đang tiếp tục, chưa kết thúc.
Hòa Ái: Xin được chân thành cảm ơn Blogger Nguyễn Ngọc Già, Nhà báo Lê Trung Khoa và Nhà báo Đỗ Cao Cường chia sẻ với Đài RFA.
No comments:
Post a Comment