Fb. Nhân Tuấn Trương|
Hôm qua tôi có ý kiến về phát biểu của thủ tướng Phúc: “đi mãi con đường cũ thì kinh tế không phát triển được”. Sáng nay đọc báo thì thấy phó thủ tướng Phạm Bình Minh tuyên bố “cần quyết liệt đổi mới tư duy hội nhập quốc tế”. Thấy là dường như hai ông thủ – phó, ông này tung ông kia hứng. Ý kiến của thủ tướng Phúc tôi có khai triển hôm qua. Đại khái là thủ tướng đã “thành khẩn khai báo” rằng kinh tế VN không phát triển với đường lối cũ. Còn phát biểu của phó thủ tướng, rõ ràng ông Minh chỉ ra VN không thể hội nhập quốc tế với cái tư duy cũ.
Hai ông tung hứng như vậy mục đích để làm gì ?
Theo tôi, hai ông thủ – phó gởi thông điệp manh mẽ tới ông Trọng: cần phải dẹp bỏ lề lối bắt chước TQ.
Thật vậy, ông Trọng làm cái gì cũng rập khuôn TQ. Vấn đề là TQ họ biết họ làm cái đó vì mục đích gì. Còn ông Trọng bắt chước “nguyên con”, bưng tư tưởng của lãnh tụ TQ áp dụng vào VN mà không biết để làm gì và vì sao phải áp dụng ?
Lý thuyết gia, chiến lược gia TQ nghĩ ra sách lược hành động. Sách lược này có “cao siêu” tới đâu thì cũng chỉ phù hợp cho TQ mà thôi!
Thủ tướng Phúc nói là “đi mãi con đường cũ thì kinh tế không phát triển được”. “Đường cũ” này không hề do các lý thuyết gia, các nhà chiến lược của VN đặt ra. Nó chính là mô hình “xã hội chủ nghĩa với bản sắc TQ” mà nhiều thế hệ lãnh đạo CSVN đã “bưng nguyên con”, áp dụng ở VN với cái tên khác là “kinh tế thị trường định hướng XHCN”.
Dĩ nhiên khi TQ lâm vào khủng hoảng thì VN cũng sẽ khủng hoảng. Ý kiến của ông Phúc như là “phản xạ” theo kiểu “đi trước đón đầu”.
Gia nhập vào WTO nhưng TQ (và VN) không hề tôn trọng “luật chơi”, nếu không nói là chơi “ăn gian” đủ thứ.
Nếu chỉ nói về phương diện hàng xuất khẩu thì chính sách trợ giá và công nhân giá rẻ sao cho giá thành rẻ xuống để cạnh tranh với các nước khác. Đây là một vấn đề “bể đầu” của TQ trước sự “sửa lưng” gay gắt của Mỹ.
Ở cái khoản này thì VN còn tệ hại hơn cả TQ. Lương công nhân VN rẻ như bèo, đời sống công nhân bị áp bức, bị bóc lột một cổ ba bốn tròng. Một tròng tài phiệt quốc tế, một tròng nhà nước ăn chặn tiền lương, một tròng thuế má, phí an sinh xã hội, chi phí sinh hoạt đắt đỏ, một tròng an ninh “kềm kẹp”… Chưa bao giờ trong lịch sử VN tầng lớp công nhân lâm vào hoàn cảnh bi đát như vậy.
Cuộc “chiến tranh thương mãi” giữa Mỹ và TQ, viễn ảnh thất bại của TQ đã khiến thủ tướng Phúc biểu lộ tư tưởng “đi trước đón đầu”. Hôm qua tôi có “thông điệp gởi thủ tướng Phúc” cũng trong nội dung này.
Bây giờ phó thủ tướng Phạm Bình Minh nói về “đổi mới tư duy hội nhập quốc tế”.
Thì phải vậy thôi. Ông Trọng đã rập khuôn TQ ở cái cách “bắt cóc” đảng viên tham nhũng chạy trốn ra nước ngoài đem về lục địa xử tội. Vấn đề là TQ họ làm gì thì cũng “theo luật” mà làm. Không thấy (hay chưa thấy) quốc gia nào lên tiếng phản đối TQ về các vụ bắt cóc này hết cả.
Vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh đã khiến cho VN trở thành một “nhà nước mafia”. Nhân viên ngoại giao VN trở thành “personae non gratae” ở Đức và Châu Âu.
Vụ này ông Minh lãnh đủ. tòa đại sứ Đức (và Pháp cũng như ở Slovaque) trở thành “ổ mafia”, vì ở các nơi này xuất phát nhân sự tham gia vụ bắt cóc TX Thanh.
TQ họ làm khéo léo bao nhiêu thì VN làm như mèo rửa mặt, không ra cái thể thống gì! Lại còn thái độ của bộ ngoại giao qua phát ngôn nhân Thu Hằng, còn thêm những tiếng nói, những bài viết trên báo, viết bênh vực hành vi của mật vụ VN, khiến vấn đề như lửa cháy lại đổ dầu thêm.
Câu hỏi đặt ra (cho phó thủ tướng Phạm Bình Minh) là “tư duy mới” đó là tư duy nào ?
Theo tôi không có tư duy cũ hay mới, mà chỉ có tư duy “làm cái gì cũng phải làm trong vòng luật lệ cho phép”. Luật quốc gia và luật quốc tế.
Vụ bắt cóc TXT nhà nước VN vi phạm luật quốc tế, xâm phạm chủ quyền quốc gia Đức. Nguyên nhân là quyền lực của đảng bao trùm mà không có cái gì chế ngự hay kiểm soát quyền lực này cả.
Vụ TXT theo lẽ ông Trọng phải ra tòa trả lời trước pháp luật.
Luật lệ VN không có khoản nào chế tài tổng bí thư, cũng không có qui định cái gì về hành vi của đảng.
Vì vậy theo tôi, đổi mới tư duy là không phải.
VN phải “pháp trị hóa nhà nước”, phải xây dựng đúng đắn “Etat de Droit” (mà VN gọi là nhà nước pháp quyền) phù hợp với trào lưu quốc tế, trên nền tảng các giá trị phổ cập về nhân quyền. Quyền lực nhà nước phân lập 3 nhánh (độc lập) rõ rệt.
Quyền lực của đảng phải hạn chế và kiểm soát bằng một định chế pháp lý. Quyền hạn của tổng bí thư phải được xác định rõ rệt, bằng luật. TBT phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi của mình.
Thưa ông Phạm Bình Minh, không có tư duy mới nào hết cả. Ra “biển lớn”, “hội nhập quốc tế” thì không có vụ “đi đêm” hay sử dụng tiền bạc mua chuộc người này người nọ./.
No comments:
Post a Comment