Friday, June 29, 2018

Tỷ giá đô la tăng liên tiếp, CSVN sẽ tăng thuế?

Các ngân hàng đồng loạt niêm yết giá bán đô la vượt mức 23,000 đồng/đô la. (Hình: Tuổi Trẻ)
SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Hôm 29 Tháng Sáu, 2018, tỷ giá đô la tại các ngân hàng Việt Nam được ghi nhận bán ra thiết lập kỷ lục mới: 23,018 đồng/đô la. Động thái này gây quan ngại cho doanh nghiệp nhập cảng hoặc vay đô la phục vụ cho hoạt động nhập cảng hàng hóa, nguyên liệu.
Truyền thông trong nước đồng loạt trấn an người dân bằng những phát ngôn của giới chức. Báo Tuổi Trẻ dẫn lời ông Phạm Thanh Hà, vụ trưởng Vụ Chính Sách Tiền Tệ, Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam, rằng: “Lý do khiến giá đô la tăng vọt thời gian gần đây là do ảnh hưởng từ việc đô la lên giá trên toàn cầu.”

“Nhu cầu ngoại tệ tiền mặt vẫn được đáp ứng đủ, không để xảy ra tình trạng khoại khan hiếm ngoại tệ,” báo này cho hay.
Trong khi đó, bản tin kinh tế của Thông Tấn Xã Việt Nam viết: “Theo nhận định của giới chuyên gia, đây là mức tăng không đáng ngại. Cơ chế điều hành tỷ giá trung tâm của Ngân Hàng Nhà Nước thời gian qua luôn được đánh giá là linh hoạt nên sẽ không có biến động sốc đối với thị trường.”
Tuy vậy, mạng xã hội hôm 29 Tháng Sáu ghi nhận nhiều ý kiến bi quan về việc tỷ giá tăng. Có lo ngại cho rằng việc tỷ giá đô la đang trong chiều hướng tăng từng ngày sẽ kéo theo việc in thêm tiền đồng để hút đô la và vàng để trả nợ lãi quốc tế.
Bên cạnh đó là chỉ dấu báo hiệu một đợt tăng giá hàng hóa, dịch vụ mới. Ngoài ra, việc tỷ giá tăng có thể dẫn đến hệ lụy là tăng thuế và chính phủ tìm cách “dòm ngó” đến vàng trong dân.
Hồi Tháng Năm, 2018, tại buổi họp báo chính phủ thường kỳ, Bộ Trưởng Mai Tiến Dũng, chủ nhiệm Văn Phòng Chính Phủ, công bố dự trữ ngoại hối của Việt Nam “đạt gần $63 tỷ” và Ngân Hàng Nhà Nước “vẫn tiếp tục đều đặn mua vào để gia tăng nguồn lực quốc gia.”
Tuy vậy, nhiều blogger hoài nghi vào con số “chín nút” này là “đòn gió nhằm trấn an dư luận” vì bản đồ “các quốc gia có nhiều dự trữ ngoại tệ nhất” được công bố trên website VisualCapitalist.com hôm 24 Tháng Năm, 2018, hoàn toàn không có tên Việt Nam.
Công luận càng có lý do để nghi ngờ vì Ngân Hàng Nhà Nước CSVN là cơ quan ngang bộ trực thuộc chính phủ. Cơ quan này lâu nay hoạt động theo kiểu “vừa đá bóng vừa thổi còi,” với chiêu thức thường thấy là bơm thêm tiền ra thị trường để trang trải khi gặp khó khăn.
Luật Sư Lê Văn Luân đưa ra dự báo trên trang Facebook cá nhân: “Khi tỷ giá hối đoái tăng và lãi suất đồng đô la cũng tăng lên, ngân khố quốc gia sẽ giảm nhanh chóng vì tiền (đô la) trả nợ nước ngoài sẽ tăng theo kiểu lũy tiến kép. Nhà đầu tư rút vốn, điều này thể hiện rõ nét trên thị trường chứng khoán bằng các lệnh bán tháo khối lượng lớn đối với các khối ngoại.”
“Và để kiểm soát tỷ giá hối đoái, Ngân Hàng Nhà Nước sẽ liên tiếp phải bơm những khoản tiền lớn vào thị trường để ổn định và giữ vững được biên độ tỷ giá trong một thời hạn nào đó. Nhưng đó chính là sự lạm phát, tức đồng tiền ngày càng mất đi giá trị và mức sản xuất (hàng hóa) thực tế thấp hơn hẳn với lượng tiền đang lưu thông trên thị trường tại cùng thời điểm,” luật sư viết. (T.K.)

No comments:

Post a Comment