Friday, June 29, 2018

Có một loại “tin giả” được ‘cấp phép’


Hiểu một cách đơn giản, tin giả là đối lập của tin thật: tin tức sai sự thật thì có thể coi là tin giả.
Khi tin giả là… định hướng của tuyên truyền
Định nghĩa “tin giả” là gì vẫn tiếp tục gây tranh cãi trong giới nghiên cứu. Đây là định nghĩa có thể là mới nhất từ Viện Nghiên cứu báo chí Reuters, Đại học Oxford: “Tin giả” là: 1) Tin được “sáng tác” để kiếm tiền hay hạ thấp uy tín người hoặc tổ chức khác; 2) Tin có dựa vào dữ kiện cơ bản, nhưng được “cắt gọt” để phù hợp với một mục đích; 3) Những tin tức khiến mọi người không thấy thoải mái, và/ hoặc không đồng ý. (Báo cáo Tin tức Kỹ thuật số 2017, Viện Nghiên cứu Báo chí Reuters, Đại học Oxford –http://www.digitalnewsreport.org/).
Theo cách hiểu này thì rất nhiều bản tin trên báo chí của Việt Nam đang sản xuất “tin giả” để phục vụ công tác tuyên truyền theo định hướng của cơ quan Tuyên giáo.
Hôm 11-06-2018, báo chí đưa tin có cùng nội dung: “Sáng nay, 11-6, phát biểu ý kiến sau khi Quốc hội (QH) biểu quyết điều chỉnh thời gian xem xét, thông qua dự án Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt (gọi tắt là Luật Đặc khu), Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân lưu ý thêm một số thông tin liên quan đến việc ngày 10-6, tại nhiều nơi, người dân tụ tập đông người, gây ách tắc giao thông, làm ảnh hưởng đến đời sống nhân dân”.
Trong các bản tin đều không sử dụng cụm từ “biểu tình”, do đó có thể thấy rất rõ rằng việc tường thuật lời của bà chủ tịch QH là một “tin giả”, vì ở đây người dân tụ tập nhằm để biểu tình phản đối dự Luật Đặc khu và dự Luật An ninh mạng. Hành vi biểu tình được Điều 25 của Hiến pháp bảo hộ. Ngăn cản người dân thực hiện quyền biểu tình là vi phạm Điều 167, Bộ Luật Hình sự 2015.
Việc để bà chủ tịch QH sử dụng cụm từ “tụ tập đông người” là để giúp tránh cho bà chủ tịch QH trước cáo buộc vi phạm pháp luật hình sự.
Khi “tin giả” được dàn dựng từ “tin thật”
“Tin giả” nhiều khi vốn là “tin thật” được cắt gọn nhằm phục vụ ý đồ tuyên truyền nào đó của báo chí.
“Tôi không còn là tôi!”. Giáo sư Nguyễn Đức Dân chua chát thốt lên như vậy, khi ông bị chính những học trò của mình ‘biên tập’ phát biểu của ông để đưa lên sóng truyền hình. Ông kể: “Xem lại chương trình “Ghế nóng” tôi trả lời nhà đài HTV9 ngày 06-6-2018, tôi thấy lời lẽ và ý kiến của mình bị cắt bỏ, gọt nhẵn trơn tru đến mức tôi không còn là tôi nữa. Vậy, xin có đôi lời giải thích lại là điều cần thiết. Có hai khái niệm cần nói rõ lại.
Thứ nhất, HTV9 hỏi tôi về chuyện “trạm thu giá”, “giá dịch vụ đào tạo”… là “cách dùng từ trong ngôn ngữ hành chính nghe trúc trắc quá”? Tôi đáp, cách nói này mọi người nghe đều thấy kỳ cục, lạ tai vì nó không tồn tại trong tiếng Việt. Đây là cách nói do những người có quyền đặt ra, bịa ra rồi áp đặt vào tiếng Việt, nên “đây không phải là ngôn ngữ hành chính mà là thứ ngôn ngữ quan quyền; dân gian có câu “muốn nói oan làm quan mà nói”!
Tôi nêu ví dụ, trước đây ngành công an (hay ngành giao thông vận tải?) có đưa ra chỉ thị xe phân khối lớn thì phải làm thủ tục đăng ký và lấy bằng xe máy. Phân khối là một đơn vị đo thể tích hay dung tích. Trong hình học và trong vật lý làm gì có khái niệm phân khối lớn và phân khối nhỏ? Thuật ngữ này là sự áp đặt từ ngôn ngữ quan quyền. Nếu có trình độ trung học cơ sở người ta đã không ra một chỉ thị như vậy.
Ví dụ thứ hai, “diễn biến hòa bình” là một thuật ngữ trung tính, không tích cực mà cũng chẳng tiêu cực, nhưng trong ngôn từ chính trị chúng ta đã áp đặt ra một thuật ngữ quan quyền “âm mưu diễn biến hòa bình” để chỉ khái niệm âm mưu lật đổ một chế độ bằng con đường diễn biến hòa bình. Dịch nguyên văn “âm mưu diễn biến hòa bình” sang tiếng Anh, Pháp hay Nga thì phải để trong ngoặc kép cụm từ “diễn biến hòa bình” người ta mới có thể hiểu được.
Trong tiếng Việt hiện nay nhiều khái niệm quan trọng vẫn phải để trong ngoặc kép là một minh chứng cho sự tồn tại của những thuật ngữ quan quyền nhưng không được xã hội chấp nhận. HTV9 đã gọt đi thuật ngữ “quan quyền” của tôi và thay bằng thuật ngữ ngôn ngữ hành chính rất chung chung.
Thứ hai, nếu như tôi gọi “trạm thu giá”, “giá dịch vụ đào tạo”… là loại thuật ngữ quan quyền, thì cách dùng thuật ngữ “tụ nước” thay cho “nước ngập” lại là một xảo thuật ngôn từ trong phép ngụy biện. Đó là sự ngụy biện bằng đánh tráo từ ngữ. Dùng những từ ngữ giảm nhẹ tạo ra sự thay đổi nhận thức xã hội nhẹ nhàng đi. Đây là những xảo thuật thường gặp trong chính trị, quân sự, ngoại giao và làm ăn kinh tế. Trong những ví dụ tôi nêu bị cắt bỏ có đoạn sau: Trong chuyến thăm Việt Nam, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đã phát biểu trước Quốc hội Việt Nam như sau: “Láng giềng thì khó tránh xảy ra va chạm, […] hai bên cần kiên trì, lấy đại cục quan hệ hai nước làm trọng để xử lý bất đồng; khi đại sự đã được coi trọng thì tiểu sự sẽ không khó giải quyết” – trích báo Tuổi Trẻ, số phát hành ngày 7-11-2015.
Đây là những xảo ngôn đánh tráo thuật ngữ. Những hành động như đánh chiếm đảo Gạc Ma; đưa giàn khoan HD981 vào thềm lục địa Việt Nam; lập ra tấm bản đồ đường lưỡi bò 9 đoạn trên Biển Đông; bồi đắp, xây dựng những hòn đảo chiếm đóng trái phép thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam thành những sân bay-căn cứ quân sự… được gọi là những chuyện đại sự mù mờ.
Gây xung đột căng thẳng, xâm lấn chủ quyền lãnh thổ Việt Nam, phá tàu đánh cá, xua đuổi ngư dân Việt Nam khỏi vùng biển Việt Nam… đã được chuyển thành xảo ngôn “va chạm”, nghĩa đã giảm nhẹ hẳn đi và ám chỉ rằng đó là “chuyện nhỏ”, tiểu sự.
Đáng tiếc là hai khái niệm cốt lõi ngôn ngữ quan quyền và phép ngụy biện bằng xảo thuật đánh tráo từ ngữ đã bị cắt bỏ”.
Xem ra chỉ khi báo chí được tự do đưa tin, không chịu sự lệ thuộc vào ý kiến của Tuyên giáo Đảng, thì mới hy vọng giảm thiểu những “tin giả” nói trên, trả lại cho người dân quyền tự do ngôn luận, quyền biết được sự thật ngay trên đất nước của mình./.

No comments:

Post a Comment