Saturday, June 30, 2018

Trung Quốc chiếm đất nước chúng tôi

“…Ở tại nơi mà bản đồ Trung Quốc phô bày “Đường Chín Đoạn”, người nhân viên hải quan Việt nam đã viết chồng lên hai lần; “F… you!”…
Ở Việt Nam, phong trào đối lập chống chính sách bành trướng và ảnh hưởng kinh tế ngày một lớn của Trung Quốc đang tăng lên. Và người dân còn muốn nhiều hơn thế nữa.
Hà Nội- Nhóm người Trung Quốc đáp xuống thành phố Cam Ranh trong tháng Năm chắc hẳn đã tưởng tượng khác đi về lần bắt đầu chuyến du lịch Việt Nam của họ. Trước khi được phép nhập cảnh, các nhân viên biên phòng Việt Nam đã tịch thu áo thun của họ.
Biên giới Trung Quốc được in trên những chiếc áo thun đó. Thêm vào đó là “Đường chín đoạn” được in trong màu đỏ – bao bọc lấy vùng biển mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông. Người Việt không thông cảm cho sự khiêu khích này.
bieutinh11
Biểu tình chống luật Đặc khu và An ninh mạng
Các quốc gia quanh đó như Việt Nam và Philippines đã to tiếng chống lại tham muốn bành trướng này của Trung Quốc từ nhiều năm nay. Một trong những tuyến chuyên chở hàng hóa quan trọng nhất của thế giới với khối lượng giao dịch hàng năm tròn 5 ngàn tỉ dollar chạy xuyên qua vùng biển đó. Thêm nữa, Biển Đông rộng 3,6 triệu km2 mang tầm quan trọng chiến lược quyết định – cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng cũng là cho Hoa Kỳ và đồng minh.
Trung Quốc và Việt Nam tuy có chung một đường biên giới dài 1281 km. Nhưng hai láng giềng này hoàn toàn không gắn bó với nhau trong tình huynh đệ cộng sản. Tuy sự gần kề trực tiếp của Trung Quốc có thể được cảm nhận nhiều nhất là ở miền bắc Việt Nam, trong vùng núi non Sapa – trên gương mặt của những con người thuộc các dân tộc thiểu số trước đây đã di dân ra khỏi Trung Quốc.
Cũng chính ở vùng này, quá khứ chung cũng mang dấu ấn của xung đột: Việt Nam đã từng là thuộc địa của Trung Quốc. Và cũng chỉ mới 40 năm nay thôi, kể từ khi hai đất nước này có một cuộc chiến tranh biên giới ác liệt.
Nhưng về mặt kinh tế thì dường như hai láng giềng này đã hòa giải. Thương mại song phương giữa Hà Nội và Bắc Kinh đi từ kỷ lục này sang kỷ lục khác. Trong năm nay, tổng giá trị trao đổi hàng hóa và dịch vụ sẽ leo lên một điểm cao mới là 100 tỉ dollar, theo như các chuyên gia tính toán. Năm ngoái đã hơn năm 2016 22 tỉ. Bốn triệu người Trung Quốc sang Việt Nam hàng năm để nghỉ mát.
Trong năm ngoái, giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang nước láng giềng đã tăng 61,5% lên tới 35,46 tỉ. Hiện nay, thương mại với Trung Quốc chiếm 22% giá trị tất cả các hàng nhập và xuất khẩu, theo các con số chính thức. Điện thoại thông minh là sản phẩm xuất khẩu quan trọng nhất. Cả hàng tấn tôm và các loại hải sản khác cũng được chở bằng tàu thủy sang nước láng giềng mỗi ngày. Và lợn con: hàng ngàn con heo sữa đi qua biên giới mỗi tuần trên xe tải.
Mặc dầu thương mại phát triển tốt đẹp, người Việt Nam vẫn nghi ngại người Trung Quốc. Từ khi Trung Quốc bắt đầu xây dựng hạ tầng cơ sở quân sự trên một vài hòn đảo ở Biển Đông thì tâm trạng thất vọng ở Việt Nam về người láng giềng hùng mạnh ngày càng có thể cảm nhận được mạnh hơn trong đời sống hàng ngày.
Cả ông tài xế taxi Duong cũng “phẫn nộ” về các động thái của Bắc Kinh tại Biển Đông, nhưng ông nói không úp mở. Người Trung Quốc cũng là khách của ông, “nhưng tôi thích người Hàn hơn”. Con người 49 tuổi này chờ khách ở bãi biển Đà Nẵng, một trong những địa điểm du lịch quan trọng nhất ở bờ biển Việt Nam.
Hàng ngàn người khách du lịch từ Hàn Quốc, Thái Lan và Trung Quốc nằm dài trên cát của bãi biển cùng với người dân trong nước. Các khách sạn đồ sộ mới xây thống lĩnh con đường dọc theo bãi biển. Nhưng nhiều ngôi nhà này hầu như là trống vắng. Chỉ có những hàng chữ tiếng Trung màu đỏ chói là nhấp nháy trong màn đêm, giống như những biểu tượng của niềm hy vọng cho một “Chinaboom”.
Điều này chỉ mới bắt đầu cho Việt Nam thôi, ông Hung, người đổi tiền và môi giới bất động sản không chuyên, dây chuyền vàng quanh cổ và điếu thuốc lá trên môi, tin là như vậy. Giới trung lưu trong nước láng giềng tăng thêm mỗi năm hàng triệu người. Hàng triệu người mà lần đầu tiên có khả năng đi du lịch lần đầu tiên. “Đến bãi biển Đà Nẵng chỗ chúng tôi”, Hung cười to.
Cô nhân viên khách sạn Kim-Ly ít hăng hái hơn thấy rõ. Cứ theo ý cô thì tất cả người Trung Quốc đừng nên sang đây. “Họ chiếm đất nước chúng tôi”, cô than phiền. Tuy là cô không muốn phê phán khách du lịch “mà tôi cũng hưởng lợi từ đó”.
Cô “bực tức, vâng rất tức giận” về các kế hoạch của chính phủ Việt Nam, thiết lập thêm ba “đặc khu kinh tế” ở ba địa phương trong nước. Theo thông tin chính thức, Hà Nội muốn tạo nên một “Singapore nhỏ” từ mỗi một đặc khu này: các nhà đầu tư không chỉ có những chính sách khuyến khích hấp dẫn và các điều kiện quan thuế và thương mại thuận lợi.
Họ có thể thuê đất cho tới 99 năm, thay vì 70 năm như ở 18 đặc khu kinh tế cho tới nay trong Việt Nam. “Rõ ràng là những vùng đó chỉ được xây dựng cho người Trung Quốc”, Kim-Ly nói. Vì Hà Nội sẽ ưu tiên cho Trung Quốc như là đối tác thương mại. Hiện nay, Bắc Kinh với tổng giá trị đầu tư trực tiếp hơn 21 tỉ dollar đã là một trong những nhà đầu tư nước ngoài quan trọng nhất ở Việt Nam. “Chính phủ chúng tôi bán đất giá rẻ mạt cho người mua với giá thấp nhất. Điều đó là không thể chấp nhận được”, Kim-Ly than phiền. Sự thất vọng đã khiến cho mắt cô đẫm lệ.
Người phụ nữ này không cô đơn với sự tức giận của mình. Từ tháng 6 đã xảy ra nhiều vụ biểu tình trong nhiều thành phố để chống lại các kế hoạch này – thật là bất thường trong một đất nước mà hầu như không xảy ra phản kháng và chính phủ khoan dung cho điều đó lại còn hiếm hơn nữa. Hàng trăm người biểu tình đã bị bắt, nhiều người khác bị cảnh sát đánh đập tàn nhẫn, tổ chức Human Rights Watch báo cáo.
Nhưng những cuộc phản kháng đó đã có hiệu quả. Quốc Hội đã tạm thời hoãn thông qua đạo luật về đặc khu kinh tế. Để xoa dịu tâm trạng, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã hứa sẽ giảm thời gian 99 năm cho thuê đất. Tuy vậy ông không nói là sẽ giảm xuống còn bao nhiêu.
Đối với các nhà bình luận, mục đích của những cuộc biểu tình này đi xa hơn lần thâu tóm đất của Trung Quốc. Nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng so sánh các cuộc biểu tình này với “Mùa Xuân Ả Rập” – một dấu hiệu của lòng khát khao dân chủ cao độ. Cả nhà phân tích chính trị Nguyễn Phương Linh cũng không tin rằng người biểu tình trước hết là muốn chống lại sự bành trướng của Trung Quốc. “Đó là một dấu hiệu của sự thất vọng và bất mãn sâu sắc về sự kiểm soát toàn diện của nhà cầm quyền”, theo chuyên gia này.
Hiện Hà Nội đang tiếp tục thắt chặt những khả năng để cho người dân có thể huy động sự phản kháng và bày tỏ sự phê phán. Một đạo luật mới có nhiệm vụ giới hạn thật nghiêm ngặt việc sử dụng truyền thông kỹ thuật số và cho phép giám sát gần như không có giới hạn người dân. Tất cả những lời bình luận trong các mạng xã hội đều sẽ bị kiểm duyệt, truyền thông nói.
Đặc biệt đáng lo ngại cho doanh nghiệp nước ngoài: dữ liệu sẽ phải được lưu trữ ở Việt Nam. “Mục đích của những luật lệ mới này không chỉ là bảo vệ tính an toàn của những mạng lưới dữ liệu, mà còn bảo vệ cả sự độc quyền quyền lực của Đảng Cộng sản”, Brad Adams, Giám đốc châu Á của Human Rights Watch nói.
Chỉ có ở các cảng hàng không thì việc phát biểu ý kiến dường như là không bị hạn chế quá nghiêm ngặt – ít nhất là khi chúng xuất phát từ nhân viên nhà nước. Một bản tin của thông tấn xã AP đã khiến cho người ta phỏng đoán như vậy. Khi hộ chiếu của một nhóm người Trung Quốc được trao trả lại tại cửa nhập cảnh ở Thành phố Hồ Chí Minh sau khi được đóng dấu thì một trong số những người khách đã bị bất ngờ một cách khó chịu. Ở tại nơi mà bản đồ Trung Quốc phô bày “Đường Chín Đoạn”, người nhân viên hải quan Việt nam đã viết chồng lên hai lần; “F… you!”
Urs Wälterlin
Phan Ba dịch

No comments:

Post a Comment