“…Không như phần đông các ông các bà trong các chuyến du lịch ra nước ngoài mà tôi đã gặp, đã lên giọng khoe khoang là mình từng đi ra nước ngoài nhiều lần, nhưng vẫn có lối hành xử hết sức “Vô Văn Hóa” chẳng thua bọn Tàu là mấy…”
Hình ảnh người Nhật, đội mưa, xếp hàng trong trật tự,
để chờ tới phiên mình mua đồ ăn ở một trung tâm mua sắm ở Osaka.
(Người viết bài chỉ muốn đóng góp. Chủ đích không phải là đả phá, hay bôi nhọ ai cả. Thấy sao viết vậy. Ai thấy hay thì học. Thấy chướng tai, thì bỏ đi, không nên bận tâm làm gì.)
Những năm gần đây, dân Việt mình có tiền, cũng như dân Trung Quốc, dân mình bắt đầu có mặt trên các chuyến du lịch xa xôi khắp năm châu bốn biển. Tôi đã gặp những đoàn khách du lịch mà người hướng dẫn viên giương cao ngọn cờ Việt Travel, Sai Gon Tour, TIBI Tour, từ Âu sang Mỹ, qua luôn cả Trung Đông. Ngày nay, việc đi Đài Loan, HongKong, Thailand, Korea hay Nhật Bản thì dường như trong tầm tay của khá nhiều người Việt, nhưng đau buồn mà nói, đây là những thành phần mà số đông, cho dù có mặt trong những đoàn du khách hàng năm, nhưng họ lại, không thể nào, không cách gì hấp thụ được cái hay cái đẹp của xứ người.
Dường như phần đông người Việt ngày nay chỉ thích nói, họ nói liên tục không ngưng nghỉ, toàn những chuyện tào lao, mà hễ cứ nói suốt như vậy, thì hai lỗ tai đã đóng lại để không còn thu thập, hai con mắt đã không thể nhìn nhận, và lẽ đương nhiên, trí óc quá bận rộn cho những câu chuyện rôm rả, thì còn đâu thời giờ để phân tích, để nhận xét và để gom góp những điều hay cần học hỏi ở xứ người.
Đàn ông thì nhặng xị với chuyện chính trị của thế giới, chuyện Kim-jong Un đi gặp Donald Trump, chuyện bóng đá đang diễn ra, chuyện làm ăn, chuyện chạy mánh lấy hợp đồng, chuyện ăn, chuyện nhậu và đôi khi cũng có đề cập đến chuyện Đặc Khu Kinh Tế, đến chuyện ANM nhưng lại chẳng bàn một tí gì về sự tai hại của các vấn nạn này, nhưng lại bàn về sự nóng hổi của thị trường địa ốc ở 3 Đặc Khu, ai thua lỗ, ai lời khẩm, và các chủ đầu tư ở những vị trí đó sẽ còn phải ôm đất trong bao lâu nữa!
Đàn bà thì say sưa bàn chuyện mua sắm, nói về những mode thời trang hiện tại. Họ có thể nói chính xác về giá cả cũng như những mặt hàng đang nóng trên thị trường mua sắm hiện nay, những cái bóp xách tay thời trang, những kiểu váy mà cô ca sĩ này, cô người mẫu kia đang sở hữu. Chỉ với một kiểu giày, một cái bóp, một mùi nước hoa nào đó thôi cũng đủ khiến họ bàn tán xôn xao như một cái chợ cho cả nhiều tiếng đồng hồ.
*****
Mỗi lần họ vào khách sạn, thì mặc kệ bất cứ ai đã đứng trước, chờ đợi từ lâu cho thang máy, họ mặc sức luồn lách, xô đẩy, chen nhau lên trước, đứng chặn cả ở cửa thang không chừa lối cho người trong thang máy đi ra. Họ chẳng cần biết là nếu không ra được thì chỗ đâu để mình vào! Thế là chen lấn, thế là ùn tắc y hệt như nạn ùn tắc giao thông ở Sài Gòn.
Lên xuống, ra vào những chỗ công cộng như xe buýt, máy bay, và các cửa hàng buôn bán thì ôi thôi, một toán hơn hai chục người mà nó loạn lên không khác gì một trận chiến ngoài chiến trường. Việc giành giựt thật như chuyện thời tiết nắng mưa, là nó phải như thế. Người Việt không biết nhường nhịn, vì với “tinh thần thép” một centi mét cũng không nhường. Họ luôn chiến đấu kịch liệt để về trước, cũng chẳng khác gì ở những ngã tư đèn xanh đèn đỏ, mọi loại xe máy chen chúc lên phía trước mà khoảng cách các chiếc xe ở đây, không cách nhau được ba gang tay. Rồi mạnh ai nấy vọt về phía trước, có khi cả 5-7 giây đồng hồ trước khi đèn đổi màu. Thế là dồn nhau lại một cục ngay giữa ngã tư, ai nấy lại phải phí cả mấy phút đồng hồ để thoát ra được.
Người Nhật giống người Mỹ ở việc xếp hàng.
Á mà chẳng biết việc xếp hàng đã được dân Việt nâng cấp lên thành “Phong Tục Xếp Hàng”, “Văn Hóa Xếp Hàng” từ khi nào!
Người ta xếp hàng để có được trật tự cho xã hội và công bằng cho mọi người. Đơn giản chỉ có thế, chẳng có cái Phong Tục hay cái Văn Hóa con mẹ gì ráo, đừng quan trọng hóa, đừng thi vị hóa hoặc thần thánh hóa những chuyện nhỏ nhặt như thế, để bao che cho những cái vi phạm, cái sai trái của mình.
Ai đến trước, có quyền đi trước, làm trước, đơn giản là vì họ đã đến đó trước mình, thế nhưng ở bất cứ đám đông nào cũng vậy, hung hãn thì thắng, hiền lành phải thua, việc xếp hàng không có trong tự điển của dân Việt.
*****
Cái “Phong Tục La Hét”, cái “Văn Hóa Ồn Ào” ở đám đông của du khách người Việt lại càng đáng nể. Ai cũng tranh nói, ai cũng tranh kể, chẳng ai nghe ai nói, thế là tất cả cùng nói, bởi vậy cứ thấy một đám vài người Việt Nam đi với nhau, là chỗ đó dậy lên như cái chợ. Hai dân tộc anh em Trung Quốc và Việt Nam rất giống nhau ở điểm này, mặc dù tiếng Việt có phần thanh thoát dễ nghe hơn, nên nó không quá để thiên hạ phải giựt mình mỗi khi có vài người tiến đến như người Tàu, nhưng cũng chẳng thua kém bao nhiêu. Ấy thế mà dân mình lại thường hay chê bọn Tàu là bọn ăn lông ở lỗ, bọn thiếu văn minh, bọn vô văn hóa mới ghê.
Người sống ở các quốc gia văn mình thường tôn trọng và không bao giờ xâm phạm đến những quyền lợi, những khoảng cách không gian phải có của người bên cạnh, của những người chung quanh, và việc ồn ào nơi công cộng, chính là việc xâm phạm đến cái khoảng không gian yên tĩnh của người khác. Bên cạnh đó, không thể không nói đến cái khoảng không gian bao bọc chung quanh một người đứng xếp hàng trước mình.
Người Việt nói riêng và người dân Châu Á nói chung, có cái thói quen khá sỗ sàng mà họ không biết, vì chung quanh mình ai cũng thế mà, là việc đứng quá sát vào người xếp hàng ở phía trước, nhiều khi quay qua quay lại là đụng “đến cả chỗ hiểm” của nhau. Hoặc người đàn ông “vô tình dí sát cái đó” vào đít người đàn bà đứng trước. Nếu bạn ngửi được mùi nước hoa, mùi hương phụ nữ, hoặc mùi mổ hôi thoang thoảng của người đứng trước mình, thì bạn đã đứng quá sát vào họ rồi đấy. Cứ nên xem như … ai cũng là người hôi nách, cần phải đứng xa ra một tí là được.
Việc trông trước coi sau ở đám đông cũng vậy. Chỉ khi nào ngưng nói, chăm chú để mắt ở mọi việc xảy ra chung quanh, ta mới có thể thấy được là ngay cả cái vỉa hè để đi bộ ở nước ngoài, đều phải có hai làn đường vô hình, một cho nhóm đi cùng chiều và một cho nhóm người đi ngược chiều với mình. Nếu một đám đông người Việt đi chung với nhau, ta sẽ thấy họ dàn hàng ngang hàng 3 hàng 4 vai sát vai chiếm hết cái vỉa hè đi bộ, mặc cho những người dân bản xứ nhìn bằng những cặp mắt … khó chịu, vì không muốn “gậy chuyện”, thế là họ phải … bước xuống lòng đường. Và dân ta thì, đường ta ta cứ đi, hiên ngang dưới ngọn cờ … giải phóng. Thứ nhất, đó là lối hành xử hết sức mất lịch sự, thứ hai, trong cái nhìn của một số người bản xứ, thì đó là lối hành xử côn đồ, hung hăng và mất dậy.
Lên xuống máy bay hay xe buýt cũng thế, dân Việt mình luôn hối hả, với châm ngôn “phải nhanh chân tiến lên phía trước, toàn thắng ắt về ta”, bởi vậy, xe chưa kịp dừng, máy bay chưa kịp đến bãi đậu, là đã thấy dân ta, bao gói, bị gậy tranh nhau tiến cả về phía … khán đài. Đi xa, chẳng lẽ họ không hiểu rằng, những kiện hàng ký gửi, những thủ tục hải quan, không thể nào nhanh hơn thế được? Mà cho dù đi gần mấy đi chăng nữa, họ cũng chẳng thể hơn người khác được dăm ba phút. Chẳng lẽ đây cũng lại là một thứ “Văn Hóa” cần phải được đặt tên? Văn Hóa Chậm Lại? Văn Hóa Đâu Còn Có Đó?
*****
Đi ăn buffet ở nước ngoài, thì mặc dầu dân Ta hơn dân Tàu một bậc, nhưng cả hai đều đứng cuối sổ, cũng với cái “Văn Hóa Chen Ngang”, du khách người Việt mình chen vào bất cứ chỗ nào họ muốn. Họ đi xuôi, rồi đi ngược. Họ chen ngang, rồi chen dọc, nhất định không chịu theo bất cứ thứ tự nào. Thông thường thì người ta xếp các món ăn theo dẫy, hàng phải được sắp từ một đầu, nơi đó người ta thường để chén dĩa. Mọi người phải bắt đầu từ đó, đi chầm chậm tới, không ai thúc đẩy mình, và mình cũng không được thúc đẩy ai. Gắp những thứ mình muốn vào đĩa nhưng nên lịch sự đừng đứng nguyên tại vị trí để suy nghĩ xem, tối qua ta đã ăn gì, sáng nay ta đã uống gì, và phải cần bao lâu để đi đến quyết định lấy thức ăn vào dĩa, kệ mẹ một dãy xe bị kẹt phía sau.
Cứ thế tiến tới cho đến khi chọn đã xong, gắp đã đủ. Nếu sơ sót chưa gắp món gì ở dẫy bàn đó, thì cũng đừng chen ngang vào hàng trở lại, mà nên lại bắt đầu từ cuối hàng. Tôi bảo đảm với quý ông quý bà, là thời gian sẽ không mất quá một phút. Cũng đừng nên cắt Ngang Xẻ dọc, đánh Nam phạt Bắc, chạy xuyên lục địa, và nhất là cũng đừng bao giờ chất đồ ăn cao như núi … Hành Sơn, nhìn kỳ cục lắm, nhất là khi mình đổ tháo, vương vãi đồ ăn trên đường đi về bàn mình, y như Mỵ Nương rải lông ngỗng thì thật là xấu hổ. Ở nước ngoài, không như ở Việt Nam, cứ thủng thẳng, đâu còn có đó, hễ hết thì người ta sẽ mau mắn mang cái mới ra, nhưng nếu ăn không hết, để dư bỏ phí lại, thì có khi lại có chuyện không hay xảy ra ngay đấy. Bởi có nhiều món ăn, nhìn tuy ngon mắt nhưng chưa chắc đã hợp khẩu vị. Hốt về một dĩa khổng lồ, ăn thử một miếng, nuốt không vô, thế thì giải quyết nguyên cái dĩa tổ bà nái đó đi đâu bây giờ? Cứ chỉ lấy mỗi thứ một tí thôi, nhất là những món ăn lạ của dân bản xứ, về bàn ăn thử, nếu vừa miệng, ta vòng trở lại, hốt … nguyên ổ cũng đâu có trễ!
*****
Chuyện lên xuống máy bay cũng cần phải học hỏi nhiều. Khi lên máy bay, trước tiên là hãy mau mắn bỏ những cái túi xách lên kệ khoang, nhưng đừng loay hoay ở đó cả 5-10 phút lấy cái này ra, xếp cái kia vào, dẫn đến việc “ùn tắc giao thông” ở phía sau. Ngồi vào ghế trước tiên cái đã, sau khi mọi người lên hết, thì máy bay cũng vẫn còn nằm ỳ ở đó một thời gian khá lâu, hai ba chục phút là chuyện thường. Đây là lúc mình có giờ để “sắp xếp lại đồ đạc”, lấy cái gì cần lấy, cất đi cái gì không cần.
Khi máy bay dừng hẳn và khi phi hành đoàn báo cho biết là đã được cởi bỏ giây an toàn, thì mới bắt đầu tháo giây an toàn. Tuy nhiên, PHẢI CỐ TRẤN TĨNH ĐỪNG XÔNG LÊN PHÍA TRƯỚC NHƯ KHI ĐI ĂN BUFFETS, hãy can đảm, bình tĩnh đứng yên tại chỗ, ai ở phía trước ra trước, ai ở phía sau ra sau. Thế mới là con người có bản sắc trật tự của một “Quốc Gia Văn Hóa”. Thế mới đích thực là có lối hành xử theo đà tiến hóa của xã hội. Thế mới đủ tư cách để lên án thằng Tàu là dân mọi, là quân ăn lông ở lỗ.
Chuyện các bạn đi du lịch ra nước ngoài với chủ đích mua sắm là chuyện và quyền của các bạn, nhưng PHẢI BIẾT TÔN TRỌNG NGƯỜI ĐI CHUNG ĐOÀN, vì giờ giấc eo hẹp đã được ấn định bởi công ty du lịch và xe khách của địa phương. Hễ cứ trễ 15-20 hay 30 phút ở một cái Mall nào đó, hoặc ngay cả khi kéo dài việc trang điểm, thay đổi xiêm y, thì nguyên cả đoàn 2-3 chục người còn lại phải chờ mình. Đây là một lối hành xử phải đáng lên án. Nếu các bạn đi chung đoàn với những người như thế, đừng ngại ngùng, đừng sợ sệt, vì quyền lợi, phải lên án và chấm dứt việc làm đó ngay tại chỗ. Nghĩ lại đi, nếu bạn giành giựt từng giây ở ngã tư đèn xanh đèn đỏ, mà lại cắn rang chịu đựng không lên tiếng trong việc này, thì bạn rất … (không dám nói) …
*****
Không gì khó chịu bằng, trên một chuyến xe của một chuyến du lịch, trong khi người HDV địa phương khản cổ ra giảng giải về nơi chốn mình đang đi qua, lịch sử của nó, những kỳ quan của nó, những phong tục, tập quán của dân địa phương ở đó, thì ở dưới nhao nhao bàn về chuyện mua sắm, bàn về những chốn ăn chơi mà mình nghe nói đến, ồn ào như cái chợ, rồi chỉ mấy phút sau, giơ tay lên hỏi người HDV du lịch:
“Đây là địa danh nào hả chị?”,
“Ồ, cái tòa nhà đó là gì vậy chị?”, hoặc
“Đặc sản ở đây là gì chị hả?”.
“Ồ, cái tòa nhà đó là gì vậy chị?”, hoặc
“Đặc sản ở đây là gì chị hả?”.
Lúc đó chỉ muốn thay mặt HDV trả lời:
“Thưa má, đây là Vũng tàu, và đặc sản ở đây là … Mắm Ruốc Bà Giáo Thảo ạ!”
“Thưa má, đây là Vũng tàu, và đặc sản ở đây là … Mắm Ruốc Bà Giáo Thảo ạ!”
Nhiều khi nóng máu, thiệt tình chỉ muốn … chửi thề hoặc gây lộn …
Tất cả những gì tôi viết đây, chỉ cần người ta chăm chú khảo sát, cho dù thực sự mình từ trong Hóc Bà Tó mới ra hay mới lần đầu tiên có cơ hội đi ra nước ngoài, cũng vẫn có thể thấy được, nhận thức được, thu thập cũng như học hỏi được trong một ngày. Không như phần đông các ông các bà trong các chuyến du lịch ra nước ngoài mà tôi đã gặp, đã lên giọng khoe khoang là mình từng đi ra nước ngoài nhiều lần, nhưng vẫn có lối hành xử hết sức “Vô Văn Hóa” chẳng thua bọn Tàu là mấy.
NÓI ÍT, NGHE NHIỀU, NHÌN KỸ, VẬN DỤNG ĐẦU ÓC ĐỂ THẤY CÂU TRẢ LỜI, VẬY MỚI ĐÁNG GỌI LÀ ĐI DU LỊCH.
Giao Thanh Pham
No comments:
Post a Comment