Các nhà hoạt động nhân quyền trong nước đang hình thành một phong trào bất tuân nhằm vào luật an ninh mạng, một đạo luật bị chỉ trích mạnh mẽ trong và ngoài nước vừa được quốc hội bù nhìn của CSVN thông qua hôm 12 tháng 6 và được chủ tịch nước Trần Đại Quang ký ban hành hôm 28 tháng 6.
Đài VOA hôm Thứ Bảy 30/06 dẫn lời luật sư Lê Công Định từ Sài Gòn cho biết, từ việc người dân phản đối luật an ninh mạng sẽ tiến tới phong trào bất tuân luật này, khi đạo luật có hiệu lực vào ngày 1 tháng 1 năm 2019. Luật sư Định, một cựu tù nhân chính trị, cho rằng luật an ninh mạnh ra đời khiến công dân thấy các quyền hiến định của mình bị hạn chế, thậm chí bị tước đoạt. Ông nhận xét, vừa qua toàn xã hội dấy lên một phong trào phản đối luật an ninh mạng, và nay khi luật an ninh mạng sắp có hiệu lực thì sẽ có một phong trào bất tuân luật an ninh mạng.
Từ Berlin, luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài, người vừa được nhà cầm quyền CSVN phóng thích và trục xuất sang Đức, nhận định rằng, “có hay không có luật an ninh mạng, thì đối với người cộng sản cũng chẳng quan trọng nhiều, vì họ bất chất pháp luật. Khi họ cần đàn áp thì vẫn có thể đàn áp được. Người dân nếu sợ luật an ninh mạng mà không dám bày tỏ quan điểm thì chỉ có lợi cho chính quyền cộng sản”.
Từ Hà Nội, nhà hoạt động Nguyễn Chí Tuyến nói với VOA rằng, vì Việt Nam đã từng ký vào các công ước quốc tế về quyền con người, ông sẽ vẫn thực thi các quyền tự do được ghi nhận trong Hiến Pháp của Việt Nam.
Bà Trần Thu Nguyệt, một nhà hoạt động ở Sài Gòn, thì cho rằng “…Họ ngăn chặn như vậy, nhưng chúng ta có các nhà hoạt động trẻ hướng về hiện tình đất nước và đang tìm hiểu rõ sự thật… Nhà cầm quyền có thể đưa ra bất cứ luật gì họ muốn, nhưng các nhà hoạt động trẻ có cách riêng của họ”.
Huy Lam / SBTN
No comments:
Post a Comment