Theo VOA-Phạm Chí Dũng/20/06/2018
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Hội nghị Trung ương 7, tháng 5/2018.
13 tháng sau khi chủ trương về kiểm tra tài sản của 1.000 cán bộ cao cấp thuộc diện Bộ Chính trị và Ban bí thư quản lý được chính thức phát ra, chủ trương này cũng gần như chính thức thất bại.
‘Rất khó’ và ‘nhạy cảm’
Tháng Năm 2017 rúng động ở Việt Nam. Không phải ngẫu nhiên mà quy định về kiểm tra tài sản 1.000 quan chức được Tổng bí thư Trọng tung ra ngay sau khi xử lý kỷ luật một ủy viên bộ chính trị là Đinh La Thăng, bí thư thành ủy TP.HCM. Với quy định này, ông Nguyễn Phú Trọng đã tiến thêm một bước dài và mạo hiểm trong chiến dịch mang hai mục tiêu vừa “chống tham nhũng” vừa kiểm soát quyền lực - hành động tương tự như “cuộc cách mạng long trời lở đất” mà ông Tập Cận Bình và Ủy Ban Kiểm Tra Kỷ Luật Trung Ương (CCDI) đã tung ra từ năm 2012 đến nay.
Nhưng thực tế chiến dịch ‘chống tham nhũng’ ở Việt Nam là còn xa mới với tới cái lai quần của Tập Cận Bình. Chưa đầy một năm sau xúc cảm xuất thần ‘lò đã nóng lên rồi thì củi tươi đưa vào cũng phải cháy’, ‘lò’ của Nguyễn Phú Trọng chỉ còn lép bép củi nhỏ.
Vào buổi chiều 17/6/2018 khi tiếp xúc cử tri tại quận Cầu Giấy (Hà Nội), ông Nguyễn Phú Trọng không còn đề cập một cách mạnh mẽ cùng những ngôn từ bóng bẩy và ẩn dụ về công cuộc ‘đốt lò’ của ông, trong khi lại cho rằng ‘vấn đề kê khai tài sản cán bộ là vấn đề rất khó, nhạy cảm bởi nó liên quan đến quyền đời tư, quyền bí mật cá nhân’, và ‘mong muốn cử tri tiếp tục tham gia đóng góp ý kiến để có thể hoàn thiện được luật này và sớm được Quốc hội thông qua’.
Có thể cho rằng phát ngôn trên của ông Trọng là một sự thừa nhận gián tiếp thất bại về chủ trương kê khai tài sản cán bộ và cao hơn nữa là ‘kiểm tra tài sản 1.000 quan chức’.
Từ ồn ào khoa trương…
13 tháng trước, quy định về kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản của khoảng 1.000 quan chức cao cấp được đã được Ban Tuyên giáo trung ương chỉ đạo báo chí nhà nước tuyên truyền ồn ào và không kém khoa trương. Theo đó, có những điểm tương đồng rất đáng lưu ý giữa Trung Quốc và Việt Nam trong kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản quan chức như:
- Chủ thể của chiến dịch kiểm tra tài sản quan chức ở Trung Quốc là CCDI, còn ở Việt Nam là Ủy Ban Kiểm Tra Trung Ương.
- Hoạt động kiểm tra tài sản được tiến hành khi cơ quan tổ chức có thẩm quyền yêu cầu cần phải kiểm tra, giám sát tài sản của cán bộ; khi có kiến nghị, phản ánh, đơn thư tố cáo có việc kê khai tài sản không trung thực; và khi có dấu hiệu vi phạm quy định của nhà nước về kê khai tài sản.
- Sau khi “làm” xong, cơ quan kiểm tra trung ương “sẽ có thông cáo và công khai đầy đủ đến các cơ quan báo chí và nhân dân.”
Riêng với Việt Nam, sau khi có quy định của Bộ Chính Trị, Ban Bí Thư, Ủy Ban Kiểm Tra Trung Ương Việt Nam hứa hẹn sẽ có văn bản hướng dẫn việc xây dựng kế hoạch, việc thực hiện yêu cầu của cơ quan tổ chức có thẩm quyền, việc xử lý đơn thư kiến nghị phản ánh như thế nào; cũng sẽ có một hướng dẫn cụ thể, trên cơ sở đó hàng năm xây dựng kế hoạch để tiến hành kiểm tra, giám sát bao nhiêu cuộc và như nào…
Tuy nhiên, đã hơn một năm trôi qua mà vẫn không có bất kỳ động tác được hứa hẹn nào được thực hiện. Trong khi đó, các tỉnh thành ủy và khối chính quyền vẫn đều đặn và thản nhiên báo cáo về trung ương ‘không phát hiện trường hợp cán bộ kê khai tài sản không trung thực’, hoặc cả nước chỉ phát hiện 5 hay 6 trường hợp cán bộ kê khai tài sản không trung thực trong tổng số… gần 1 triệu cán bộ.
Đến bãi lầy mênh mông
Sau hai thắng lợi giòn giã trước Nguyễn Tấn Dũng tại Đại hội 12 và trước Đinh La Thăng tại Hội nghị trung ương 5, Tổng bí thư Trọng đã biểu cảm trước cử tri Hà Nội vào năm 2017: “các bác cứ chờ đấy, sẽ còn nữa…”. Dường như khi đó ông Trọng hưng phấn đến độ muốn “thừa thắng xông lên”.
Nhưng làm thế nào để xông lên?
Cho dù ông Trọng mơ màng về “mô hình Tập Cận Bình”, chính một cựu phó chủ nhiệm Văn Phòng Quốc Hội Việt Nam đã nhắc nhở ông Trọng về những thách thức rất lớn dành cho ý tưởng kiểm tra tài sản quan chức: tính khả thi của quy định này phụ thuộc nhiều vào việc “ai kiểm tra ai, ai có quyền kiểm tra ai, ai dám kiểm tra ai, và ai để cho người ta kiểm tra.”
Rốt cuộc, té ra cái triết lý trên lại là bài học cay đắng và nhớ đời cho ông Trọng khi muốn làm một việc lớn.
Trong thực tế, ông Trọng chẳng thể mong mỏi gì vào ‘trình độ nghiệp vụ’ của các cơ quan đảng từ trung ương xuống địa phương để có thể lần mò phát hiện được tài sản nổi chìm của giới quan chức ‘ăn của dân không chừa thứ gì’. Mà chỉ có hai cơ quan có thể nắm được cơ bản hồ sơ tài sản quan chức: Bộ Công an và Bộ Quốc phòng. Hai cơ quan này có sẵn những cục, vụ nghiệp vụ để làm chuyện đó.
Nhưng làm thế nào để hai cơ quan trên tự nguyện ‘vạch áo cho người xem lưng’ khi cả hai ngành này đều nổi tiếng không chỉ bởi ‘dịch lạm phát tướng’ trên 200 cho Bộ Công an và trên 400 cho Bộ Quốc phòng, mà còn mang nhiều tai tiếng bởi các vụ bê bối tham nhũng và làm ăn phi pháp?
Hiển nhiên là trong giấc mơ kéo dài được hơn một năm qua, chiến dịch kiểm tra tài sản 1.000 quan chức của ông Trọng đã bị “đụng tường” - một bức tường lớn, rất cao và còn “khó nhằn” hơn cả sự chống đối quyết liệt đang diễn ra trong nội bộ đảng Trung Quốc.
Cũng hiển nhiên là mặc dù không thiếu tham vọng để làm một cuộc cách mạng long trời lở đất như Tập Cận Bình ở Trung Quốc, Nguyễn Phú Trọng lại quá thiếu chân đứng cho chiến dịch tìm ra núi tài sản bất minh của giới quan chức Việt Nam.
Sự hỗng hụt chân đứng ấy nằm ngay trong hệ thống cơ quan kiểm tra đảng, nội chính đảng của ông Trọng, nếu chưa nói tới các cơ quan khối chính quyền mà vẫn đang ‘mắt trước mắt sau’ khi nghe lệnh cấp trên.
Thái độ và phát ngôn đượm vẻ xuôi xị mới đây của Nguyễn Phú Trọng về kê khai tài sản quan chức cũng tiếp dẫn thêm một biểu hiện của mạch logic nguội lạnh ‘đốt lò’ từ trước Hội nghị trung ương 7 vào tháng Năm năm 2018 cho tới nay.
‘Ai đã trót nhúng chàm thì sớm tự giác gột rửa’ và ‘mở đường cho người ta tiến’ là những phát ngôn đượm nét xuôi xị của Tổng bí thư Trọng trong một cuộc tiếp xúc với cử tri Hà Nội sau Hội nghị trung ương 7, cho dù ông Trọng vẫn không quên dùng bổ túc từ ‘lò đã nóng rực’.
Dường như ngay trước Hội nghị trung ương 7 đã xảy đến một bí mật cung đình nào đó mà đã khiến ông Trọng im lìm hẳn.
Phía trước của Tổng bí thư Trọng là gì? Khó mà biết được tương lai.
Nhưng nếu ‘đốt lò’ mất dạng, ông Trọng sẽ chính thức rơi vào một bãi lầy thụt mênh mông. Thậm chí cá nhân ông có thể bị trả giá bằng cả sinh mạng chính trị.
No comments:
Post a Comment