Kính Hòa RFA-2018-06-20
Phiên họp của Quốc Hội Việt Nam, 6/2018, đưa ra hai dự luật Đặc khu và An ninh mạng, làm bùng phát những cuộc biểu tình hàng ngàn người trong cả nước.AFP
Thêm một viên chức cao cấp của nhà nước Việt Nam bị cáo buộc có hai quốc tịch trong khi luật pháp của Việt Nam chỉ công nhận có một quốc tịch. Đó là ông Nguyễn Văn Thân, đại biểu Quốc hội Việt Nam, tỉnh Thái Bình, được cho là có quốc tịch Ba Lan cũng như làm ăn sinh sống tại quốc gia Đông Âu này.
Hai đại biểu Quốc hội
Thông tin về việc ông Nguyễn Văn Thân có hai quốc tịch được tờ báo tiếng Việt ở Ba Lan, Đàn Chim Việt đưa ra vào ngày 17/6/2018, sau khi nhiều người Việt ở đây biểu tình trước ngôi nhà của ông Thân ở thủ đô Warsaw, với lý do là ông Thân là người ủng hộ mạnh mẽ dự luật đặc khu cho nước ngoài thuê đất 99 năm.
Báo Đàn Chim Việt trích dẫn một nguồn tin cho rằng ông Thân có quốc tịch Ba Lan vào cuối năm 2014 trước khi ông trở thành đại biểu Quốc hội Việt Nam hiện hành. Báo Đàn Chim Việt cũng nói rằng ông Nguyễn Văn Thân, một trong vài ngàn người Việt đi du học hoặc hợp tác lao động ở Ba Lan thời kỳ chế độ cộng sản còn cai trị đất nước này, và khi chế độ này sụp đổ, ông Thân đã nắm được cơ hội buôn bán giữa Việt nam và Đông Âu, rồi trở nên giàu có, sau đó trở về Việt Nam làm ăn từ rất sớm.
Theo những thông tin chính thức từ phía nhà nước Việt Nam thì ông Nguyễn Văn Thân năm nay 63 tuổi, cư trú tại Hà Nội, có bằng Tiến sĩ khoa học tự nhiên, và được “Trung ương” đề cử ra ứng cử đại biểu quốc hội tỉnh Thái Bình. Trong những thông tin chính thức này không có chi tiết nào cho biết ông là một người đang sinh sinh sống và làm ăn ở nước ngoài cả.
Điều đặc biệt trong hệ thống của Việt Nam là có những ứng cử viên gọi là được “Trung ương” giới thiệu, như trường hợp ông Nguyễn Văn Thân. Điều này được giải thích là để thực hiện tính dân chủ tập trung. Thậm chí có những người không hề có quê quán, cũng như cư trú tại địa phương mà họ đại diện, như trường hợp ông Đinh Thế Huynh, một viên chức cao cấp của Đảng Cộng sản, là đại diện cho thành phố Đà Nẵng mặt dù không có gì liên quan đến thành phố này cả.
Trong nhiều lần hỏi ý kiến các cử tri tại Việt Nam về việc bầu cử, đa số họ không quan tâm ứng cử viên là ai, lý lịch ra sao, có thành tích gì, và chuyện đi bầu cử hộ cũng không phải là hiếm.
Một người Việt đang sống tại Ba Lan là bà Tôn Vân Anh xác nhận với chúng tôi những thông tin mà báo Đàn Chim Việt đã loan tải, bà nói thêm với chúng tôi về ông Nguyễn Văn Thân, quan hệ của ông với người Việt tại Ba Lan:
“Theo một số thông tin riêng, và theo bình luận của một số người có quen ông ta thì ông ấy là một người mà nói nặng thì là trơ trẽn, còn nói nhẹ thì là quá là tự tin, về cái địa vị của ông ấy, là một người kinh doanh thành đạt và là một chính trị gia.”
Không thấy Quốc hội, Chính phủ Việt Nam cũng như cá nhân ông Nguyễn Văn Thân lên tiếng bình luận về những thông tin về ông. Chúng tôi cũng đã nhiều lần gọi điện thoại đến ông Thân nhưng không có người bắt máy.
Nếu thông tin về quốc tịch Ba Lan của ông Nguyễn Văn Thân là đúng thì đây là trường hợp thứ hai một thành viên Quốc hội Việt Nam có hai quốc tịch mà không khai báo. Trường hợp thứ nhất là bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường, một doanh nhân, và đại biểu quốc hội Hà Nội bị bãi chức vào năm 2017, vì có quốc tịch Malta, một đảo quốc nhỏ ở châu Âu.
Từ quan hệ làm ăn kinh doanh với Đảng Cộng sản, họ còn góp mặt cho một màn diễn về sự cởi mở của Đảng Cộng sản.
-Bà Tôn Vân Anh.
Khi bà Nguyệt Hường bị bãi chức, ông Nguyễn Hạnh Phúc, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho báo chí trong nước biết rằng Việt Nam chỉ công nhận có một quốc tịch, việc công nhận hai quốc tịch chỉ áp dụng với một số ngoại lệ, trong đó chủ yếu là áp dụng với người Việt Nam định cư ở nước ngoài mà chưa mất quốc tịch Việt Nam. Các trường hợp này phải đăng ký với cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để giữ quốc tịch Việt Nam.
Còn có ai khác không?
Như vậy có các câu hỏi được đặt ra là liệu những trường hợp đặc biệt có nhiều quốc tịch theo luật Việt Nam có được phép trở thành đại biểu quốc hội hay không? Và trường hợp cụ thể của ông Nguyễn Văn Thân là như thế nào?
Chúng tôi có liên lạc với ông Nguyễn Hạnh Phúc, Chủ nhiệm văn phòng Quốc hội Việt Nam, Tòa Đại sứ Việt Nam tại Ba Lan để tìm câu trả lời nhưng không liên lạc được.
Chúng tôi có liên lạc được với ông Thân Đức Nam, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Việt Nam, nhưng điều đáng ngạc nhiên là ông nói rằng ông không biết gì vì ông đã về hưu (?)
Trở lại câu chuyện ông Nguyễn Văn Thân và tư cách doanh nhân quốc tịch Ba Lan của ông, thì theo nhà quan sát Phạm Chí Dũng hiện sống ở Sài Gòn, thì những người Việt sống ở nước ngoài có gốc gác tương tự ông Thân, tức là học hành là làm ăn ở Đông Âu thời cộng sản, về Việt Nam làm ăn nhiều hơn người Việt ở các quốc gia khác, và điều đặc biệt là còn tham gia chính trị nữa.
“Từ trong nước ra đi thì có nhiều người trong số đó đã làm trong nhà nước, rồi sau đó rời nhà nước ra đi nước ngoài lao động hoặc làm ăn. Và đặc biệt đa phần những người đó gốc miền Bắc chứ không phải miền Trung hay miền Nam, họ rành hệ thống hành chính cũng như sự đi đêm trong hệ thống chính quyền. Khi họ về Việt Nam thì họ móc ráp với các quan chức Việt Nam để làm ăn.”
Hiện nay tại Berlin đang diễn ra một phiên tòa xử vụ án công an Việt Nam bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh trên đất Đức vào năm 2017. Tại phiên tòa này, các nhân chứng đã khai ra một nhân vật được cho là giúp đỡ công an Việt Nam thực hiện vụ bắt cóc là ông Đào Quốc Oai, một người giàu có sống tại Cộng hòa Séc, và có quan hệ rất thân tình với các giới chức Việt Nam. Ông Oai cũng được cho là có những cơ sở làm ăn rất lớn tại thành phố Hải Phòng.
Bà Tôn Vân Anh nhận xét về sự xuất hiện những nhân vật người Việt sống tại Đông Âu trong chính trường Việt Nam:
Đặc biệt tâm lý của các quan chức sợ bị trả thù rất là phổ biến. Họ sợ Việt Nam biến loạn.
-Ông Phạm Chí Dũng.
“Từ quan hệ làm ăn kinh doanh với Đảng Cộng sản, họ còn góp mặt cho một màn diễn về sự cởi mở của Đảng Cộng sản. Đảng Cộng sản muốn có những Việt kiều có chân trong Quốc hội, để mà thể hiện ra rằng Đảng Cộng sản Việt Nam cũng cởi mở với các kiều bào, nhưng hóa ra đó chính là các kiều bào mà họ đào tạo ra.”
Câu chuyện các viên chức Việt Nam có hai quốc tịch đã được đồn đãi từ lâu nay, tuy nhiên trừ trường hợp bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường, thì chưa có một trường hợp nào khác được chính thức xác nhận. Theo ông Phạm Chí Dũng, lý do quan trọng nhất thúc đẩy các viên chức Việt Nam tìm cách có hai quốc tịch là sự an toàn cho bản thân:
“Họ sợ môi trường Việt Nam là bất an, mà quả thật môi trường kinh tế xã hội chính trị Việt Nam bây giờ hết sức là bất an, ngày càng bất an. Đặc biệt tâm lý của các quan chức sợ bị trả thù rất là phổ biến. Họ sợ Việt Nam biến loạn, thay đổi chế độ, mà thay đổi chế độ thì họ sẽ bị người dân trả thù.”
Theo ông Dũng, các viên chức Việt Nam có một nhân sinh quan, cách hành xử rất giống các viên chức của Đảng Cộng sản Trung Quốc, trong việc tìm kiếm một quốc tịch thứ hai, trong việc tìm nơi sinh sống có an sinh xã hội, môi trường trong lành, để có thể bảo đảm số của cải mà họ có được, và tương lai cho con cháu họ.
No comments:
Post a Comment