HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Tổng số tiền mà những người đi xuất cảng lao động làm việc ở ngoại quốc gửi về Việt Nam hàng năm khoảng $3 tỷ, tương đương hơn 76,000 tỷ đồng. Nhưng theo nhà cầm quyền Việt Nam, số người đi xuất cảng lao động bỏ trốn ở lại các nước sở tại ngày càng tăng.
Báo Người Lao Động ngày 20 Tháng Sáu, dẫn thông tin từ Bộ Lao Động-Thương Binh-Xã Hội cho hay tính đến nay, có khoảng nửa triệu người Việt Nam đang “lao động hợp tác” làm việc tại nước ngoài. Số người này gần đây có tăng lên, đặc biệt năm 2017 đã có hơn 134,000 người đi làm việc ở nhiều nước khác nhau “bằng 128% chỉ tiêu đặt ra.”
Mỗi năm, tổng số ngoại tệ mà các lao động ở ngoại quốc gửi về cho gia đình ở Việt Nam khá lớn và đã giúp chính quyền CSVN tăng thêm nguồn thu đáng kể.
Tờ Người Lao Động trích lời ông Đào Ngọc Dung, bộ trưởng Bộ Lao Động-Thương Binh-Xã Hội nói tại phiên chất vấn ngày 5 Tháng Sáu tại Quốc Hội cho hay, việc xuất cảng lao động “đã đem lại lợi ích lớn, trong một năm giải quyết hơn 100,000 lao động và bình quân thu về khoảng hơn 76,000 tỷ đồng xấp xỉ $3 tỷ.”
Ông Dung cho biết thêm, “Tỉnh có số lao động gửi về nhiều nhất hiện nay là $250 triệu/năm, tương đương 5,000 tỷ đồng đó là tỉnh Nghệ An.”
Tình trạng lao động Việt Nam bỏ trốn ở nước ngoài đã khiến cho nhà chức tránh “đau đầu.”
Bộ Lao Động-Thương Binh-Xã Hội, thừa nhận rằng, tỷ lệ người lao động bỏ trốn, kết thúc hợp đồng không về nước, ở lại lao động bất hợp pháp vẫn xảy ra ở một số quốc gia. “Đặc biệt là Hàn Quốc có lúc tỉ lệ bỏ trốn lên đến 50% khiến việc ký kết tiếp nhận lao động giữa hai nước gặp nhiều khó khăn.”
Tin cho hay, tình trạng cò mồi, môi giới, thu phí, trốn tránh trách nhiệm… của một số doanh nghiệp xuất cảng lao động cũng xảy ra khá phức tạp.
“Trước khi tham gia xuất khẩu lao động, phía chủ sử dụng chi $4,000, nhưng người lao động chỉ nhận $2,000 và doanh nghiệp đưa đi tự cắt $2,000,” ông Dung cho biết. (Tr.N)
No comments:
Post a Comment