Friday, May 18, 2018

Vợ Trịnh Xuân Thanh biết tại sao chồng mình rút kháng cáo

Vietnam – cali Today News – Vì lý do an ninh cũng như vì sự an nguy của ông Trịnh Xuân Thanh trong nhà tù ở Việt Nam, đó là lý do mà Tòa thượng thẩm Berlin tại phiên xử thứ 5 của vụ án xét xử nghi can-mật vụ Nguyễn Hải Long đi đến quyết định lấy lời khai kín của bà Trần Dương Nga và những lời khai này phải giữ bí mật…
Theo nhà báo Lê Trung Khoa- chủ trang Thoibao.de, tại phiên xử thứ 5 diễn ra vào ngày 15/5/2018, của Tòa thượng thẩm Berlin xét xử nghi can-mật vụ Nguyễn Hải Long với cáo buộc có liên can đến vụ bắt cóc Trịnh XuânThanh tại vườn thú Berlin vào ngày 23/7/2017, bà Trần Dương Nga tức là vợ của ông Trịnh Xuân Thanh cho Hội đồng xét xử biết ông Vũ Đình Duy, người có họ hàng với ông Trịnh Xuân Thanh có nói với bà rằng ông Đào Quốc Oai có cổ phần rất lớn tại một khu chợ người Việt ở Praha (thủ đô Cộng hòa Séc), từ đó nghi can-mật vụ Nguyễn Hải Long là chủ một cửa hàng chuyển tiền ở đây đã thuê xe cho những người thực hiện vụ bắt cóc.
Cũng tại phiên xử, bà Nga cho biết là bà cũng biết lý do tại sao ông Trịnh Xuân Thanh đã rút đơn kháng cáo ở hai bản án sơ thẩm kinh tế được xét xử tại Tòa án Hà Nội (Việt Nam) nhưng bà Nga xin từ chối tiết lộ thông tin. Luật sư của Trịnh Xuân Thanh thuê tại Đức là bà Luật sư Schalagenhauf cho biết, ông Thanh hiện đang ở trong nhà giam Công an Việt Nam nếu bà Nga với tư cách người vợ tại phiên xử này có những lời khai bất lợi cho ông Thanh thì ông Thanh rất dễ phải đón nhận hậu quả không lường trước được. Hội đồng xét xử Tòa thượng thẩm Berlin quyết định sẽ lấy lời khai kín đối với bà Nga và tiếp nữa là mọi thông tin trong lời khai này sẽ được bảo mật, không được tiết lộ ra ngoài vì có những lý do an ninh.
Trong khi đó vào ngày 7/5/2018 vừa qua, tại Tòa án Hà Nội ông Trịnh Xuân Thanh đồng loạt rút kháng cáo hai bản án sơ thẩm liên quan đến những sai phạm của ông xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN), Tổng Công ty Xây lắp Dầu khí (PVC) và  công ty PVPLand. Ở hai bản án sơ thẩm của hai vụ án này, ông Thanh đều bị Hội đồng xét xử tuyên tù chung thân.
Động thái rút kháng cáo chấp nhận hai bản án sơ thẩm của Trịnh Xuân Thanh khiến dư luận Việt Nam cho đến nay vẫn đang còn tranh luận sôi nổi, nó đã làm “giảm nhiệt” rất nhiều về sự quan tâm của dư luận nhắm vào phiên xử phúc thẩm vụ án Cựu ủy viên Bộ Chính Trị ông Đinh La Thăng và đồng bọn cũng có liên quan đến Trịnh Xuân Thanh.
Ban đầu động thái rút kháng cáo của Trịnh Xuân Thanh, dư luận đặt nhiều nghi vấn; liệu có sự thoả thuận ngầm nào ở đây bởi Trịnh Xuân Thanh không phải là người kém kiến thức khi đưa ra một quyết định chấp nhận sống chung thân trong nhà tù Việt Nam? Phía Đức hiện đang làm căng vụ án bắt cóc, đây là vụ án liên quan đến an ninh quốc gia nên tính nghiêm trọng và nghiêm túc được đặt lên hàng đầu, yêu cầu phía Việt Nam trả Trịnh Xuân Thanh về lại Đức. Trong khi đó, nếu đặt lên cán cân thì chắc chắn Việt Nam cần Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu ( gọi tắt là EVFTA) hơn là cần Trịnh Xuân Thanh. Tuy nhiên, cũng có khả năng nhỏ xảy ra là Việt Nam kiên quyết giữ Trịnh Xuân Thanh, không cần chọn EVFTA vì sự thể diện.   
Ngoài ra, cũng có quan điểm cá nhân cho rằng, động thái nói trên của Trinh Xuân Thanh là một ngầm ý của ông Thanh muốn cho Chính phủ Đức và quốc tế quan tâm hiểu là ông không thừa nhận bản án ở Việt Nam vì ông từng kháng cáo kêu oan và sự kháng cáo có lẽ cũng vô nghĩa.
Thông tin từ bà Luật sư Schalagenhauf cho báo đài biết là vào cuối năm 2017 ông Thanh đã được chấp nhận cho tị nạn chính trị tại Đức, như vậy ông Thanh bây giờ được coi là người của pháp luật Đức và nước Đức có nhiệm vụ bảo hộ.
Dư luận Việt Nam dự đoán trong những ngày sắp tới, có thể Việt Nam sẽ đi đến quyết định trao trả Trịnh Xuân Thanh về lại Đức, hòng trả lời yêu cầu của Đức vào mấy tháng trước khi vụ bắt cóc mới diễn ra.
Tuy nhiên, hiện tại phía Đức đang đưa vụ án Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc ra xét xử với nghi can là mật vụ Nguyễn Hải Long. Chính phủ Đức đang cho Việt Nam và quốc tế thấy họ sẽ đi đến cùng của vụ bắt cóc để bảo vệ sự tôn nghiêm của pháp luật và sự tôn nghiêm của một quốc gia, dân tộc có chủ quyền là nước Đức. Thời điểm này có lẽ không có gì thích hợp hơn cho Việt Nam là quyết định giữ im lặng và theo dõi động thái từ nước Đức.
“Đường nào cũng về La Mã” và “Đường nào Trịnh Xuân Thanh cũng về Đức” nhưng Việt Nam sẽ phải chọn thời điểm thích hợp và lý do chính đáng để làm xoa dịu “cơn giận” của Đức và làm hài lòng phần nào dư luận quốc tế.
Vẫn phải nói rằng, việc Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc ở Đức cho đến nay vẫn chỉ một phía cáo buộc đến từ nước Đức còn phía Việt Nam vẫn giữ im lặng. Dư luận Việt Nam do bị hạn chế việc truy cập thông tin vụ bắt cóc cũng như vụ án xét xử Nguyễ Hải Long nên đến nay phần nhiều vẫn chưa biết cáo buộc của Đức có đúng hay không? Việt Nam nói Trịnh Xuân Thanh về đầu thú đúng hay là sai? Tuy nhiên, con số dư luận ở Việt Nam cho rằng đây đích thị là một vụ bắt cóc đang ngày một tăng./.
QUÊ HƯƠNG

No comments:

Post a Comment