QUẢNG TRỊ, Việt Nam (NV) – Tuy Bộ Y Tế CSVN công bố thủy hải sản ở bốn tỉnh miền Trung “đã an toàn” sau vụ Formosa nhưng cơ quan này không hề công bố bất kỳ tiêu chuẩn an toàn hoặc kết quả xét nghiệm nào, mà chỉ “dựa vào sự đối chiếu với các tỉnh khác.” Điều này khiến mạng xã hội ngờ vực.
Hôm 16 Tháng Năm, truyền thông trong nước đồng loạt đăng hình Thủ Tướng CSVN Nguyễn Xuân Phúc với chú thích rằng ông này “đã mua hơn 10 kg cá của ngư dân Quảng Trị để nấu bữa tối cho đoàn công tác.”
Đây là động thái của lãnh đạo CSVN nhằm tăng cường trấn an dân chúng diễn ra trong bối cảnh tròn hai năm vụ cá chết do công ty Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh gây ra tại bốn tỉnh miền Trung gồm Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, và Thừa Thiên-Huế.
Theo báo Tuổi Trẻ, Bộ Y Tế khẳng định rằng thủy hải sản, bao gồm cả hải sản tầng đáy “hiện đã bảo đảm an toàn.” Tờ báo cũng cho biết bộ này “lấy mẫu hải sản thường xuyên ở các vùng biển Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế để kiểm nghiệm” và “hàm lượng các chất hóa học trong các mẫu hải sản hiện tại đã ở dưới mức cho phép.”
Cùng thời điểm, báo Infonet cho hay: “Tại thị trấn biển Thuận An, huyện Phú Vang, Thừa Thiên-Huế, các hoạt động sản xuất, kinh doanh thủy sản, kinh doanh dịch vụ du lịch đã được khôi phục, ổn định và có bước phát triển tích cực, khách du lịch tăng trở lại. Các khu du lịch ven biển trở lại hoạt động bình thường. Năm qua, lượng khách đến tắm biển và ăn hải sản ở bãi tắm Thuận An tăng 90%.”
Hồi Tháng Sáu, 2017, báo Thanh Niên dẫn lời ông Hoàng Văn Thức, phó tổng cục trưởng Tổng Cục Môi Trường, Bộ Tài Nguyên-Môi Trường, nói: “Biển miền Trung đã an toàn tuyệt đối. Kết quả quan trắc và phân tích mẫu nước biển, trầm tích đáy biển đều đáp ứng các quy chuẩn về môi trường nước biển sử dụng cho vui chơi, giải trí, du lịch, nuôi trồng thủy sản.”
Tuy vậy, người ta có lý do để nghi ngờ các tuyên bố nêu trên vì hồi cuối Tháng Tư, 2016, thời điểm thảm họa cá chết vừa xảy ra, Bộ Trưởng Thông Tin-Truyền Thông Trương Minh Tuấn đã “trấn an dư luận” bằng cách phát lệnh cho truyền thông trong nước đồng loạt đăng hình ông “ăn hải sản Quảng Bình.”
Trong nhiều tháng sau đó, chính quyền không cho phép các chuyên gia khoa học, tổ chức môi trường độc lập vào cuộc điều tra mức độ ô nhiễm của vùng biển bốn tỉnh miền Trung. Toàn bộ việc lấy mẫu nghiên cứu, công bố biển và hải sản “an toàn” đều do chính quyền thực hiện mà không có tổ chức độc lập phối kiểm.
Báo Kinh Tế Sài Gòn hôm 22 Tháng Tư, 2017, cho biết: “Trong năm 2017, số lô hàng thủy sản Việt Nam bị cơ quan chức năng ở nước nhập khẩu cảnh báo, phát hiện chất ô nhiễm (kim loại nặng như thủy ngân, cadmium) vượt mức giới hạn tối đa cho phép đã gia tăng đột biến, đặc biệt là Liên Hiệp Châu Âu (EU) tăng gấp hai lần so với năm 2016, tăng gấp sáu lần so với năm 2015. Kết quả điều tra của các doanh nghiệp cho thấy nguyên nhân chủ yếu là do cá thể hải sản khai thác có kích cỡ lớn bị nhiễm kim loại nặng.” (T.K.)
No comments:
Post a Comment