HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Luật Đơn Vị Hành Chính-Kinh Tế Đặc Biệt (gọi tắt là Luật Đặc Khu) mở đường cho việc hình thành các đặc khu Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc dự trù được Quốc Hội CSVN thông qua ngày 15 Tháng Sáu tới.
Tuy vậy, công luận và mạng xã hội đã dấy lên nhiều quan ngại xoay quanh quy định “có thể giao đất đến 99 năm ở đặc khu” của dự luật này.
“Chúng ta đang sống ở đương đại, có thể đại diện cho thế hệ cách chúng ta 100 năm nữa không? Các đặc khu này có địa điểm rất nhạy cảm, đặc biệt là Vân Đồn, nếu không cẩn thận thì nó sẽ trở thành địa điểm di dân,” đại biểu Dương Trung Quốc được báo Tuổi Trẻ dẫn lời.
Theo quy định trong dự án Luật Đặc Khu, thời hạn sử dụng đất để sản xuất, kinh doanh tại đặc khu “không quá 70 năm, tùy quy mô, tính chất của dự án đầu tư và đề xuất của nhà đầu tư” nhưng lại nêu ngoại lệ do thủ tướng quyết định với “thời hạn sử dụng đất dài hơn, nhưng không quá 99 năm.”
Trong khi đó, đại biểu Trương Trọng Nghĩa được báo Pháp Luật ở Sài Gòn dẫn lời: “Tôi đề nghị bỏ hẳn thời hạn giao đất 99 năm, vì không có dự án đầu tư nào hiện nay cần đến 99 năm. Thời hạn này thực chất là ưu đãi bổ sung để nhà đầu tư có thể được chuyển nhượng sau khi khai thác xong hoặc là thay đổi dự án giữa chừng mà không phải trả lại đất.”
“Theo tôi, thời hạn này ngang với ba, bốn thế hệ con người, thực chất là hình thức nhượng địa mà hiện nay chỉ những đất nước nghèo đói lạc hậu và hoang sơ mới cần đến.”
Nhiều ý kiến trên mạng xã hội bày tỏ quan ngại rủi ro của việc giao đất đến 99 năm ở đặc khu sẽ tăng hơn nhiều nếu rơi vào tay nhà đầu tư Trung Quốc. Vì cả ba nơi dự trù trở thành các đặc khu đầu tiên của Việt Nam đều nằm ở những vị trí chiến lược.
Vân Đồn nằm ở vị trí cửa ngõ tiền tiêu, án ngữ vùng biển Đông Bắc của Việt Nam, trong khi vịnh Vân Phong là nơi rất gần các căn cứ quân sự của Trung Quốc tại Biển Đông. Phú Quốc chỉ cách bờ biển Cambodia 26km, trong lúc Phnom Penh ngày càng bị Bắc Kinh gia tăng ảnh hưởng.
Không phải ngẫu nhiên mà trong bối cảnh Quốc Hội đang bàn Luật Đặc Khu, truyền thông “lề phải” được lệnh tuyên truyền về hiệu ứng của việc hình thành đặc khu.
Trung Tâm Tin Tức VTV24 của Đài Truyền Hình Quốc Gia Việt Nam hôm 18 Tháng Năm phát đi bản tin, “Đặc khu kinh tế đã biến Singapore từ một quốc gia không có tài nguyên, thậm chí là phải nhập khẩu cả nước ngọt trở thành một con rồng Châu Á.” Tuy vậy, bản tin này cố tình lờ đi chi tiết Singapore không phải là quốc gia có “kinh tế thị trường theo định hướng XHCN.”
Dù đang có nhiều ý kiến phản biện trên mặt báo và mạng xã hội, nhưng nhiều phần trăm Quốc Hội vẫn nhất định bấm nút thông qua Luật Đặc Khu theo chỉ đạo của Bộ Chính Trị đảng CSVN.
Luật Sư Trương Thanh Đức ở Hà Nội bình luận trên trang Facebook cá nhân: “Cái cần là tạo ra môi trường kinh doanh thật sự hấp dẫn, chứ không phải là phát huy ba thế mạnh casino, mại dâm và chủ yếu là giảm thuế má để gia tăng thu nhập cho doanh nghiệp. Luật Đặc Khu vắng cái gốc, thiếu chất và mất hồn. Ba đặc khu thất bại hay thành công, không phải tại luật. Chỉ là sự dịch chuyển tiền nong từ biển vào sông, chứ không thấy có gì đột phá vượt trội tạo cơ hội mới phát triển kinh tế thế hệ 4.0.” (T.K.)
No comments:
Post a Comment