Theo VOA-Trân Văn/25/05/2018
Một chiếc tàu chở công nhân Trung Quốc rời cảng Vũng Áng, tháng Năm 2014.
Tuy các đại biểu của Quốc hội Việt Nam khóa 14 chưa bỏ phiếu nhưng gần như chắc chắn dự luật về “Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt” (gọi tắt là Luật Đặc khu) sẽ được họ thông qua ở kỳ họp lần thứ năm này.
Ngay sau đó, Luật Đặc khu sẽ được dùng để khai sinh cho ba đặc khu đầu tiên của Việt Nam là: Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa), Phú Quốc (Kiên Giang).
Theo dự trù, từ nay đến 2030, chi phí xây dựng ba đặc khu vừa kể sẽ ngốn…. 1.570.000 tỉ đồng (Vân Đồn 270.000 tỉ đồng, Bắc Vân Phong 400.000 tỉ đồng, Phú Quốc 900.000 tỉ đồng) (1).
***
Đặc khu (Special Economic Zone) là cách gọi những khu vực mà việc quản lý - điều hành được thực hiện theo phương thức ưu đãi đặc biệt, khác hẳn lệ thường nhằm thu hút đầu tư ở cả bên trong lẫn bên ngoài lãnh thổ của một quốc gia, tạo thêm việc làm, tăng nguồn thu cho công quỹ. Tùy nơi, tùy hoàn cảnh mà những quốc gia quyết định thành lập các đặc khu, quyết định gọi các đặc khu của họ là gì (Khu Kinh tế, Khu Kinh tế Đặc biệt, Khu Thương mại tự do,…).
Xét về cả thông lệ quốc tế lẫn bản chất, không cần khai trương Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc thì ít nhất, Việt Nam cũng đã có 18 đặc khu, trong số này có 15 được gọi là Khu Kinh tế ven biển và ba được gọi là Khu Kinh tế (Thái Bình, Ninh Cơ, Đông Nam Quảng Trị). 18 đặc khu ấy đang chiếm 730.553 héc ta mặt đất và mặt biển. Chỉ mới tính đến cuối năm 2010, tổng vốn đầu tư cho các Khu kinh tế ở Việt Nam đã xấp xỉ 170.000 tỉ đồng (2). Chưa tìm thấy số liệu để xác định từ 2010 đến nay, chính quyền Việt Nam đã rót thêm bao nhiêu tiền cho 18 đặc khu ấy, song có thể đoan chắc, con số đó không nhỏ, không thể dưới mức hàng trăm ngàn tỉ đồng nữa.
18 đặc khu hiện có đã tạo ra những hiệu ứng tích cực nào cho kinh tế - xã hội Việt Nam? Tại sao miền Trung - khu vực có đặc khu đầu tiên (Khu Kinh tế Chu Lai - Quảng Nam, 2003), sau này có thêm hàng loạt đặc khu nữa: Khu Kinh tế Dung Quất (QuảngNgãi, 2005), Khu Kinh tế Nhơn Hội (Bình Định, 2005), Khu Kinh tế Chân Mây – Lăng Cô (Thừa Thiên – Huế, 2006), Khu Kinh tế Vân Phong (Khánh Hòa, 2006), Khu Kinh tế Nam Phú Yên (Phú Yên, 2008) vẫn nghèo? Cho tới năm ngoái, trừ Đà Nẵng, Khánh Hòa có thể đóng góp cho ngân khố quốc gia, chính quyền các tỉnh còn lại đều ngửa tay xin chính quyền trung ương trợ giúp (3).
Với thực tế như vừa kể, “kỳ vọng” từ 2020 trở đi, ba đặc khu mới là Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc sẽ giúp GDP địa phương (GRDP) tăng hàng tỉ Mỹ kim mỗi năm, từ 2030, nhờ các đặc khu này, thu nhập trung bình của dân chúng cư trú ở ba đặc khu mới sẽ đạt từ 12.000 Mỹ kim đến 13.000 Mỹ kim/người/năm… có phải là ngoa ngôn không (4)?
Những viên chức hữu trách đang tô vẽ viễn cảnh xán lạn của ba đặc khu mới, liệu có nhớ hệ thống công quyền đã từng tuyên bố những gì khi công bố chủ trương thành lập các khu kinh tế hồi đầu thập niên 2000 không? Nếu ba đặc khu mới cũng không như “kỳ vọng” sẽ có những ai sẽ chịu trách nhiệm? Chịu trách nhiệm như thế nào?
***
Giữa thập niên 1990, Ban Chấp hành Trung ương Đảng CSVN đề ra chủ trương phát triển các Khu Công nghiệp để “hiện đại hóa đất nước”. Đến nay, toàn Việt Nam có 324 khu công nghiệp, chiếm 92.000 héc ta đất nhưng hiện có khoảng 4/5 diện tích các khu công nghiệp trên toàn Việt Nam đang bỏ hoang. Ngoài thiệt hại tài chính, chủ trương phát triển các Khu Công nghiệp còn là sự lãng phí nghiêm trọng tài nguyên quốc gia (5).
Đầu thập niên 2000, Ban Chấp hành Trung ương Đảng CSVN tiếp tục đề ra chủ trương phát triển các Khu Kinh tế (Khu Kinh tế ven biển, Khu Kinh tế cửa khẩu, Cụm công nghiệp, Khu Công nghệ cao, Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ). Dẫu các số liệu liên quan đến đầu tư không được bạch hóa nhưng người ta tin rằng, hệ thống công quyền Việt Nam đã rót vào các Khu Kinh tế chừng vài trăm ngàn tỉ đồng. Nếu đã từng đọc các báo cáo, nghe các cảnh báo, phân tích, nhận định về thu – chi ngân sách hàng năm, ai cũng có thể thấy mục tiêu đến năm 2020, các Khu Kinh tế sẽ đóng góp từ… 53% đến 55% GDP là vô vọng. Dấu ấn đậm nhất mà các Khu Kinh tế tạo ra là đã trải thảm, rước các dự án lọc dầu, cơ khí nặng, nhiệt điện, luyện thép,… - vốn được xem là những tác nhân hủy diệt môi trường – vào Việt Nam, chia nhau những vị trí tốt nhất, đẹp nhất dọc bờ biển (6).
Đầu thập niên 2010, dưới sự dẫn dắt của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng CSVN quyết định xây dựng các đặc khu. Giống như các Khu Công nghiệp, Khu Kinh tế, xây dựng các đặc khu là một “chủ trương lớn” nữa của giới lãnh đạo Đảng CSVN.
Tháng 10 năm ngoái, ở kỳ họp lần thứ 4, các đại biểu của Quốc hội khóa 14 nghe chính phủ Việt Nam giới thiệu dự luật về “Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt”. Giờ, ở kỳ họp lần thứ 5, theo tường thuật của báo giới Việt Nam, dự luật về “Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt” chỉ còn chờ các đại biểu “bấm nút” biến dự luật thành luật.
Các đặc khu có phải là chiếc đũa thần, biến kinh tế - xã hội Việt Nam từ Lọ Lem thành công chúa? Câu trả lời là không.
Ngày 18 tháng 5, tham gia hội thảo về “Đặc khu - Thể chế, Chính sách và Kỳ vọng thành công”, một số chuyên gia ngoại quốc khuyến cáo, trên thế giới có hàng chục ngàn đặc khu nhưng chỉ có vài trường hợp thành công. Khi tường thuật về hội thảo này, một số tờ báo nhấn mạnh cảnh báo của ông Sebastian Eckardt, Trưởng nhóm chuyên gia kinh tế làm việc tại Chi nhánh Việt Nam của Ngân hàng Thế giới: Coi chừng ba đặc khu mà Việt Nam đang hăm hở thành lập sẽ tạo ra một cuộc đua lao xuống đáy (7)!
Một số chuyên gia kinh tế Việt Nam cũng không giấu diếm băn khoăn khi con đường mà Việt Nam chọn để gầy dựng đặc khu lệch hướng (đem các đặc quyền về sử dụng đất và ưu đãi về thuế để mời gọi đầu tư). Trong số này có bà Phạm Chi Lan. Bà Lan nhắc rằng, nếu ba đặc khu mới cùng hướng đến công nghệ cao, tại sao không chọn những nơi như Sài Gòn, Hà Nội vốn đang sẵn có nguồn nhân lực với kỹ năng cao, hạ tầng tốt mà lại chọn Quảng Ninh, Khánh Hòa, Kiên Giang? Nếu thật tâm hướng đến công nghệ cao, tại sao không cải sửa các qui định để những Khu Công nghệ cao vốn đã có sẵn ở Sài Gòn, Hà Nội phát triển như mong muốn? Không phải là đặc khu thì du lịch ở Vân Đồn (Quảng Ninh) và Phú Quốc (Kiên Giang) đã phát triển, chuyển cả hai thành đặc khu, cho thêm hàng loạt ưu đãi về đất đai, thuế khóa liệu có thừa hay không? Chưa kể tạo lập các casino ở đó – chọn casino như đột phá, vận động công nhận mại dâm là hoạt động hợp pháp, xem cờ bạc, mại dâm như đôi cánh để nâng du lịch Việt Nam lên thì có nên hay không (8)?..
Đáng ngạc nhiên là đại diện cho toàn dân để “quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của nhà nước” nhưng khi thảo luận về dự luật “Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt”, không thấy đại biểu nào ở Quốc hội trăn trở trước những khuyến cáo, cảnh báo, gợi ý của các chuyên gia. Thảo luận về về dự luật “Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt” ở Quốc hội giống như thủ tục không thể không thực hiện trước khi “bấm nút”, giống như các đại biểu tiền nhiệm đã từng “bấm nút” hỗ trợ cho các “chủ trương lớn” trong quá khứ: Bơm tối đa nguồn lực quốc gia cho các tập đoàn, tổng công ty nhà nước để tạo dựng nền tảng của “kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Khai thác bauxite ở Tây Nguyên. Chi hàng trăm ngàn tỉ để “xây dựng nông thôn mới”…
***
Tuần vừa qua, ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Kế hoạch – Đầu tư, liên tục khẳng định với báo giới trong nước và quốc tế rằng, ba đặc khu kinh tế đang chờ các đại biểu Quốc hội “bấm nút”, cấp khai sinh sẽ là “sân chơi mới”. Tại đó, doanh giới sẽ được “ưu đãi mọi khía cạnh”: Miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 4 năm, giảm 50% số thuế phải nộp trong chín năm tiếp theo kể từ khi có thu nhập chịu thuế. Được hưởng thuế suất 10% trong 30 năm. Riêng thu nhập từ đầu tư - kinh doanh bất động sản sẽ được áp dụng thuế suất ưu đãi 17%...
Thật ra, những ưu đãi ấy đâu có mới. Có thể ông Dũng mắc chứng “suy giảm trí nhớ” nên quên là hệ thống công quyền Việt Nam từng dành những ưu đãi y hệt như thế cho… Formosa: Luật chỉ cho phép cho thuê đất 50 năm nhưng Formosa được thuê đất tới 70 năm. Từ năm thứ 16 Formosa mới phải trả tiền thuê đất. Chỉ tính thuế thu nhập doanh nghiệp khi có thu nhập chịu thuế và tỷ lệ chỉ là 10% thay vì phải 25% như thông lệ. Chưa kể khi có thu nhập chịu thuế còn được miễn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp trong 4 năm và trong 9 năm sau đó được giảm 50% tính trên tổng số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp (9).
Tháng 6 năm 2014, Formosa đề nghị cho phép lập “Đặc khu kinh tế gang thép Vũng Áng” với Ban Quản lý “trực thuộc Văn phòng Chính phủ” (10). Formosa còn đề nghị: Thiết lập cơ chế bảo hộ ngành thép. Ưu đãi cân đối ngoại tệ trong phạm vi hạng mục kinh doanh. Trực tiếp vay vốn từ các tổ chức tài chính nước ngoài. Miễn thu thuế khấu trừ tại nguồn. Miễn thuế nhập khẩu máy móc, thiết bị và nguyên vật liệu... Thậm chí “được cắt đất để bán cho khoảng 15.000 nhân viên mà nếu tính cả thân nhân thì khoảng 60.000 người nhằm xây dựng một thị trấn”.
Bởi dân chúng, báo giới Việt Nam sôi lên vì giận, nhiều chuyên gia tại Việt Nam xúm vào phân tích – chứng minh các đề nghị của Formosa “không bình thường” và “không phù hợp với khung pháp luật của Việt Nam hiện nay”, nên cuối cùng, chính phủ Việt Nam bác bỏ ý tưởng thành lập“Đặc khu kinh tế gang thép Vũng Áng” của Formosa.
Formosa nâng kinh tế - xã hội Việt Nam lên hay nhận kinh tế - xã hội Việt Nam chìm xuống sâu hơn thì câu trả lời đã có và còn ai không thấy, không biết?
Chỉ cần vài ngày nữa, sau khi Quốc hội “bấm nút”, dự luật về “Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt” sẽ trở thành luật, những “nhà đầu tư” giống như Formosa có thể hiên ngang bước tới vì “khung pháp luật của Việt Nam hiện nay” đã “phù hợp”. Thảm họa cho an ninh kinh tế, an ninh tài chính, môi trường mà nhiều chuyên gia cả trong lẫn ngoài Việt Nam âu lo vì khó tránh đâu có xảy ra lúc này. Đó là chuyện vài năm nữa. Lúc đó các viên chức lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Nhà nước, Chính phủ đều đã nghỉ hưu. Hơi đâu mà lo.
Chú thích
No comments:
Post a Comment