THANH HÓA, Việt Nam (NV) – Người dân xã Thiệu Dương, thành phố Thanh Hóa, tức giận khi chính quyền địa phương cho thu cả “phí gặm cỏ” của trâu, bò. Theo đó, mỗi con trâu, bò muốn ra đồng gặm cỏ phải đóng phí cả trăm ngàn đồng.
Báo Người Lao Động cho hay, người dân xã Thiệu Dương đang bất bình trước việc bị Hợp Tác Xã Minh Anh, xã Thiệu Dương ép những hộ dân có trâu, bò khi chăn thả ngoài đồng phải nộp phí và tiền thế chấp cho hợp tác xã.
Cụ thể, ngoài 300,000 đồng tiền thế chấp việc chăn thả gia súc, gia cầm ra đồng, hợp tác xã này đã đưa ra mức thu phí đồng cỏ 100,000 đồng/1 con (trâu, bò)/năm; từ 3 đến 5 con, mức thu 500,000 đồng; từ 5 đến 9 con thu 1 triệu đồng và từ 10 con trở lên thu 2 triệu đồng.
Tin cho biết, việc áp dụng thuế phí “có một không hai này” xuất hiện từ khi Hợp Tác Xã Minh Anh ra đời. “Theo hợp tác xã này thì đây là tiền được thực hiện theo ‘quy ước đồng điền’ do hợp tác xã tự lập ra. Nếu gia đình nào không tuân thủ thì họ không cho thả trâu, bò ra đồng gặm cỏ,” một người dân tức giận nói.
Chưa hết, ngoài thu phí trâu bò ra đồng gặm cỏ, Hợp Tác Xã Minh Anh còn thu cả tiền “đặt cọc” khi mà những hộ dân nào ở xã mua máy móc phục vụ nông nghiệp như máy cày, máy gặt lúa… Nếu đầu tư máy móc sẽ phải đóng 5 triệu đồng tiền thế chấp và 10% phí đầu vào.
“Quy ước đồng điền là do hợp tác xã đặt ra, người dân không biết có đúng luật không nhưng thấy rất vô lý, vì tiền chúng tôi tự bỏ ra mua máy móc về phục vụ sản xuất sao phải đóng tiền đặt cọc để làm gì? Biết là vô lý nhưng vẫn phải ‘cắn răng’ chấp nhận vì nếu không đóng họ sẽ làm khó, không cho làm ăn,” ông N.V.T, cho biết.
Nói về việc này với báo Người Lao Động, ông Dương Đình Minh, giám đốc Hợp Tác Xã Minh Anh, thừa nhận hợp tác xã có thu những khoản tiền nói trên. Tuy nhiên, theo ông Minh,việc thu phí chăn thả trâu, bò là “trên tinh thần tự nguyện” nhằm tránh việc trâu, bò của người nuôi phá hoại hoa màu.
Khi được hỏi về khoản thu “lạ đời” trâu bò ra đồng gặm cỏ phải nộp phí, ông Minh cho biết, hợp tác xã dựa trên quy ước đồng điền do ủy ban xã Thiệu Dương ban hành từ lâu rồi, hợp tác xã chỉ kế thừa.
“Đối với các hộ có máy gặt, máy lồng thì bắt buộc phải nộp tiền thế chấp 5 triệu đồng, vì chủ máy mỗi khi đưa máy ra đồng sẽ làm ảnh hưởng đến bờ ruộng và kênh mương thủy lợi. Nếu ai làm hỏng thì bị trừ tiền đã đặt cọc để sửa chữa,” ông Minh viện dẫn.
Theo lời ông Minh nói với báo Người Lao Động thì những việc làm trên của hợp tác xã đều có họp bàn và có văn bản cụ thể, song văn bản mà ông này cung cấp cho báo chí không có số lượng người tham gia, đồng thuận. Bên cạnh đó, “quy ước đồng điền” cũng chỉ là một văn bản do hợp tác xã tự lập nên từ Tháng Giêng, 2018. (Tr.N)
No comments:
Post a Comment