TTVN-2018-04-20
Đất đai của những người đi kinh tế mới ngày càng thu hẹp-RFA Xáo động về đất đai
Xáo động về đất đai
Sở dĩ khi nhắc đến ngày 30 tháng 4, ngày mà với người Việt Nam Cộng Hòa ở phía Nam vĩ tuyến 17 là ngày quốc hận, quốc tang thì với người Cộng sản Bắc Việt, đây là ngày chiến thắng, ngày mỹ mãn nhưng với nhân dân Việt Nam, ngày 30 tháng 4 lại là cột mốc lịch sử đóng vai trò xuất phát điểm cho những xáo động về đất đai mãi đến ngày nay. Và càng ngày, sự xáo động về đất đai, về quyền làm chủ trên mảnh đất của người dân đang ngày càng trở nên báo động.
Nói về mức độ an tâm của người dân về nhà ở, đất ở dưới thời Việt nam Cộng Hòa, nhà thơ Đỗ Trung Quân chia sẻ: “Hồi đó là mọi thứ đều giấy tờ rõ ràng, không ai lo sợ về chỗ ở của mình hết vì mình có nhà có cửa là nó thuộc quyền sở hữu của mình rồi, về cảm giác hoang mang thì không có đâu tại vì mọi thứ đều có luật pháp hết, đâu có dễ mà như bây giờ. Nếu ai có gia đình, tài sản dù lớn dù nhỏ gì đều hợp pháp đều có giấy tờ, đều có luật pháp hết. Đơn giản ví dụ như ngày xưa nhà bán nhà này đi nhà khác, tức là bán nhà này rồi đi ở nhà khác, đổi chỗ ở là không bị lo âu là nhà kia có hợp pháp, hợp lệ hay không, có bị treo hay không, không có chuyện đó.”
Nhà thơ Đỗ Trung Quân chia sẻ thêm rằng thời đó, ông vẫn còn là một thiếu niên, dường như ông không để ý gì đến chuyện đất đai hay nhà cửa. Nhưng rõ ràng cảm giác an tâm và ổn định từ gia đình có tác động không nhỏ đến tâm hồn ông. Thời đó, ông chưa bao giờ chứng kiến cảnh người ta bị cưỡng chế nhà cửa hay đất đai như bây giờ.
Hồi đó là mọi thứ đều giấy tờ rõ ràng, không ai lo sợ về chỗ ở của mình hết vì mình có nhà có cửa là nó thuộc quyền sở hữu của mình rồi, về cảm giác hoang mang thì không có đâu tại vì mọi thứ đều có luật pháp hết, đâu có dễ mà như bây giờ. Nếu ai có gia đình, tài sản dù lớn dù nhỏ gì đều hợp pháp đều có giấy tờ, đều có luật pháp hết.
-Đỗ Trung Quân
Và với một thi sĩ, một nghệ sĩ, việc chứng kiến đồng loại bị cưỡng chế, bị đẩy ra đường là một vết thương khó tả. Trừ khi anh ngoảnh mặt làm ngơ hoặc đồng lõa với việc người khác bị hất ra đường như một hiển nhiên trong phép toán tư lợi của anh thì việc ấy bình thường, còn một khi anh còn nghĩ đến con người, anh còn biết rung động thì chắc chắn việc đồng loại bị hất ra đường hay việc lãnh thổ quốc gia bị ngoại bang cắt xén, giày xéo không thể làm anh ăn ngon, ngủ yên được.
Có thể nói rằng vấn đề đất đai hiện nay là một vấn đề nhức nhối của xã hội. Bởi quyền sở hữu đất đai từng có trước 30 tháng 4 năm 1975 đã bị hô biến thành quyền sử dụng đất lâu dài. Mà quyền sử dụng chỉ là một trong các thuộc tính của quyền sở hữu gồm: Chiếm dụng; Sử dụng và; Định đoạt. Một khi không có quyền sỡ hữu thì hai thuộc tính còn lại cũng mất, đây là kẽ hở pháp luật lớn nhất để những tay quan chức địa phương có thể lợi dụng làm càn.
Bởi người dân chỉ có quyền sử dụng lâu dài nhưng bị lấy mất quyền chiếm dụng và định đoạt. Nên mỗi khi có tập đoàn kinh tế hay công ty nào đó muốn chiếm dụng một diện tích đất nào đó mà người dân đã thụ đắc lâu năm, họ chỉ cần làm việc với chính quyền địa phương có tham nhũng để lên dự án có tính xã hội hóa, sau đó mượn tay chính quyền địa phương đó để chiếm dụng trên danh nghĩa thu hồi đền bù. Và người dân cũng không có quyền định đoạt nên giá trị đền bù do chính quyền địa phương định đoạt, áp giá rẻ rúng. Điều này kéo theo hệ lụy oan sai về đất triền miên.
Đòi lại công bằng
Ông Phan Xuân Lương, người đã nỗ lực đấu tranh đòi công bằng về đất đai lâu năm, hiện sống ở Buôn Ma Thuột, Đắc Lắc, chia sẻ: “Thì theo tôi thấy tình hình sử dụng đất đai của Việt Nam mình không ổn định được. Mỗi người dân chỉ có giấy quyền sử dụng đất thôi mặc dù là tùy đất có ghi sử dụng lâu dài nhưng mà điều luật họ ràng buộc lúc nhà nước cần sử dụng đất để làm gì đó theo luật thì người dân phải hiến đất đó cho nhà nước sử dụng. Tất nhiên là sự đền bù một mức độ nào đó nó không được sự thỏa mãn. Quyền sử dụng đất đai thời Việt Nam Cộng Hòa trước năm 1975 là quyền sở hữu cá nhân, quyền định đoạt mảnh đất của mình. Như Mỹ chẳng hạn, ví dụ như có công trình nào đó thì người ta đền cho chủ sở hữu mảnh đất đó gấp 4 lần nhưng nếu họ không chịu thì có thể kiện ra tòa nhưng ở Việt Nam thì khi nhà nước đưa ra rồi làm sao đó 80% người ủng hộ thì 20% còn lại buộc phải theo.”
Ông Lương chia sẻ thêm, hầu hết những oan sai về đất đai ở Tây Nguyên Việt Nam đều có dính đến chương trình kinh tế mới sau 30 tháng 4 năm 1975. Nghĩa là thời đó, những gia đình có nhà cửa ổn định, kinh tế tương đối vững ở đồng bằng đã hưởng ứng lời kêu gọi của nhà nước đi kinh tế mới, khai thác đất hoang ở Tây Nguyên để trồng trọt, tạo ra lương thực.
Các gia đình muốn có được lương thực thì phải phát hoang, tạo ra những nương rẫy rộng lớn trên vùng đất Tây Nguyên để trồng trọt, thu hoạch. Việc khai hoang, trồng trọt và thu hoạch được sự đồng viên, hỗ trợ từ nhà nước và tất cả quĩ đất khai hoang được mặc định là của các ông chủ, bà chủ “kinh tế mới”. Nhưng đùng một cái, chính sách Khoán 10, rồi chính sách thu hồi đất diễn ra liên tục, quĩ đất khai hoang của người dân teo tóp lại còn chưa được 10% so với trước. Bên cạnh đó, có hàng trăm nỗi hoang mang về đất đai đang ngày càng hiện rõ.
Thực tế tôi thấy nhiều cái còn rất bất cập, như tôi và nhiều gia đình ở đây từ khi vào đây theo chương trình kinh tế mới của nhà nước thì họ phát dọn lên nhưng bây giờ theo một hình thức nào đó mà bây giờ người ta đang mất dần quyền sử dụng đất, thì càng ngày càng có nhiều người mang đơn thư, biểu ngữ…
-Phan Xuân Lương
Nói về vấn đề các tập đoàn, công ty toa rập với chính quyền địa phương để lấy đất của dân, ông Lương chia sẻ: “Bây giờ thực tế là cho dù người dân nộp thuế quyền sử dụng đất đai rất cao nhưng không có quyền định đoạt mảnh đất của mình. Thực tế tôi thấy nhiều cái còn rất bất cập, như tôi và nhiều gia đình ở đây từ khi vào đây theo chương trình kinh tế mới của nhà nước thì họ phát dọn lên nhưng bây giờ theo một hình thức nào đó mà bây giờ người ta đang mất dần quyền sử dụng đất, thì càng ngày càng có nhiều người mang đơn thư, biểu ngữ…”
Được và mất
Có thể nói rằng sau cột mốc 30 tháng 4 năm 1975, người Việt Nam bước vào một trang sử mới, trong đó, có những điểm được như người miền Nam có thể bắt xe đò, mua vé máy bay, chạy xe gắn máy hoặc mua vé tàu lửa đi thẳng ra Hà Nội, Lào Cai mà không cần qua một cửa an ninh của chế độ khác, không gặp khó khăn nào. Nhưng, cũng từ sau cột mốc lịch sử này, vấn đề đất đai bị qui vào sở hữu toàn dân đã gây khó khăn không nhỏ cho nhân dân và bên cạnh đó là sự mọc ra ngày càng nhiều các nhóm giới chức địa phương lợi dụng kẽ hở của luật pháp.
Có một điều lấy làm lạ là đất đai qui vào sở hữu toàn dân dựa trên cơ sở kinh tế tập trung bao cấp, hợp tác xã. Và nền kinh tế đó đã chấm dứt trong lịch sử phát triển kinh tế Việt Nam từ năm 1986 của thế kỉ trước, thay vào đó là nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Nhưng cái lõi của kinh tế thị trường lại nằm ở quyền tư hữu và quyền định đoạt cá nhân.
Nhưng ở đây, một nền kinh tế thị trường mà ở đó, quyền lớn nhất trong vấn đề tư hữu là quyền sở hữu đất vẫn còn là điểm mờ và câu chuyện về đất đai vẫn là câu chuyện của thời kinh tế tập trung bao cấp, hợp tác xã. Có thể nói rằng với đà này, Việt Nam khó mà ổn định về kinh tế, chính trị cũng như xã hội. Bởi vấn đề quản lý nhà nước, tự thân nó đã có mâu thuẩn nội tại và hàm chứa những cái ổ gian lận ở cấp quản lý địa phương.
Nghĩa là sau gần 50 năm hai miền Nam – Bắc thống nhất, sự hoang mang trên đất nước hình chữ S này vẫn không hề dừng mà nó chuyển hóa từ hoang mang chiến tranh sang hoang mang chỗ ở.
No comments:
Post a Comment