Friday, April 20, 2018

Giáo dục Việt Nam… “10 năm tới sẽ khác”! Khác ở chỗ nào vậy hở ông Nguyễn Thiện Nhân?

Lê Thiên (Danlambao) - Đầu Tháng Tư 2018, Dân Làm Báo có giới thiệu đến độc giả bài “Thấy gì từ chuyện cô giáo không giảng bài suốt học kỳ?”, trong đó tác giả minh xác “không lên tiếng cho một cá nhân, kể cả cô giáo trong cuộc, mà chỉ nói tới cơ chế trong chế độ CSVN” và đã không ngại chỉ thẳng ra: “Tất cả những hỗn loạn trong phạm vi học đường ngày nay tại Việt Nam xin đừng trút lên đầu các thầy cô, đừng đổ lỗi cho phụ huynh, đừng gán tội cho học sinh! Cũng xin đừng bất nhẫn đổ lỗi cho cô giáo ‘quyền lực’!... Lỗi ấy chính là lỗi hệ thống! Lỗi cơ chế! Hệ thống đảng trị! Cơ chế đảng quyền! Chính sách bịt miệng!””….

Những hỗn tạp và rối loạn hiện nay trong môi trường giáo dục tại Việt Nam ngày càng gia tăng chứng minh điều xác quyết trên. Bởi lẽ bao lâu Việt Nam còn tồn tại hai chứng bệnh nan y nguy hại cho sự ổn định và thăng tiến của nền giáo dục là bệnh dối trá và bệnh đảo ngược tôn ti thầy-trò, rối loạn quan hệ thầy cô/phụ huynh, thì bấy lâu giáo dục VN còn dừng chân tai chỗ hoặc thụt lùi (tụt hậu), kho mà mong đạt tới một nền giáo dục văn minh tiến bộ, một nền giáo dục nhân bản, một nền giáo dục khai phóng, như giáo dục thời VNCH trước năm 1975. 

Cả các báo chí CSVN hiện vẫn tràn ngập những bằng chứng về sự gian dối và rối loạn tôn ti trong giáo dục tại Việt Nam hiện nay, mà nguyên nhân chính vẫn là bệnh thành tích, bệnh dối trá vì háo danh, háo chức. 

Bệnh thành tích.

Trước tiên, có lẽ chúng ta hãy cùng nhìn lại cái bệnh trầm kha trong nền giáo dục CSVN hôm nay: Bệnh thành tích! Thành tích là gì? Vì sao nó trở thành chứng bệnh?

Theo định nghĩa thông thường, thành tích là kết quả được đánh giá tốt do nỗ lực mà đạt được. Dầu vậy, bên cạnh những thành tích tốt, thành tích xuất sắc… người ta cũng thấy có những thành tích xấu gọi là thành tích bất hảo!

Còn cái bệnh thành tích nó nằm ở trong khung nào đây? Nó có thật sự tồn tại không? Hay đó là bệnh chỉ tiêu thành tích, mà cả bộ phận đưa ra chỉ tiêu lẫn cấp thừa hành phải “đạt” hay “vượt” cái thứ chỉ tiêu máy móc tai hại này mới là những kẻ mắc bệnh và truyền bệnh cho học sinh. Nói thẳng là bệnh giả dối trong giáo dục! 

Từ cuối thế kỷ 20 đến đầu thế kỷ 21, cái gọi là “bệnh thành tích” – bệnh dối trá trong giáo dục tại Việt Nam ngày càng phình to và lây lan trầm trọng hết thuốc chữa. 

Hiện tượng Nguyễn Thiện Nhân và lời cam kết 10 năm tới…!

Ngày 28/6/2006, Nguyễn Thiện Nhân từ Phó Chủ tịch UBND Thành phố Sài Gòn được đôn lên làm Bộ Trưởng Bộ Giáo Dục và Đào Tạo. Không ít người tỏ ra hoài nghi khả năng “giáo dục” của tân Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo này. Dầu vậy, đến ngày 02/8/2007, Nguyễn Thiện Nhân càng củng cố được vị trí của mình sau khi ông dược Quốc Hội CSVN phê chuẩn làm Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Bộ Trưởng Giáo dục và Đào Tạo của nước CH/XHCN Việt Nam!

Năm 2006, khi Nguyễn Thiện Nhân (NTN) vừa đăng quang Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo (GD & ĐT), thì báo chí CSVN đã ồn ào đánh trống khua chiêng tâng bốc ông ta, một phương thức tuyền truyền quen thuộc mà chế độ đảng trị tận dụng để nâng người của đảng lên tận “đỉnh cao trí tuệ loài người”. 

Thế nên ngay trong năm 2006 trong nước xuất hiện cuốn sách “GIÁO DỤC, Những Lời Tâm Huyết” mà ai đọc lên cũng thấy ý đồ đằng sau cuốn sách là nâng bi thiên tài NTN!

Trang đầu của cuốn sách là trích đoạn bức thư của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết ủng hộ việc “quyết tâm thực hiện cuộc vận động ‘nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục’”. Sau đó là lời mở đầu của Nhà xuất bản Thông tấn với ý kiến vận động và hiến kế cho cuộc vận động trên. Kế đó, bức thư dài chỉ hơn hai trang sách của vị phụ huynh tên Quỳnh Anh ở Đà Nẵng gửi tân Bộ Trưởng GD &ĐT được diễm phúc “đăng đàn”, chỉ ra vài điều “trái tai gai mắt trong ngành giáo dục…chung qui cũng chỉ vì căn bệnh thành tích mà ra.” 

Bức thư Quỳnh Anh chỉ là bài giáo đầu cho thư hồi âm phân trần của Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân (NTN) gửi bạn đọc báo Tuổi Trẻ với lời quả quyết chắc nịch: “10 năm tới, Giáo dục Việt Nam sẽ khác” (trang 10-16). NTN viết: “Cứ giả sử bệnh thành tích khá phổ biến ở nhiều địa phương, xu hướng không thấy giảm từ nhiều năm nay thì phải chăng chỉ có các thầy cô và hệ thống giáo dục là nguyên nhân, có lỗi?” Đáp lại câu hỏi này, là lời đổ lỗi cho “hàng triệu gia đình, hàng triệu người dân là ‘đồng tác giả’”. 


NTN quả quyết: “Chính vì có hàng triệu gia đình muốn con em mình có điểm cao (hơn thực chất), sẵn sàng đó tiền ‘bồi dưỡng’ các thầy cô để các em thi được điểm cao bằng mọi cách thì mới có bệnh thành tích ở qui mô lớn và ‘bền vững’”… 

Ông cũng đã không quên nại ra cái cớ cũ rích “1000 ngàn năm bị phương Bắc đô hộ và 100 năm xâm lược của phương Tây” làm cho nền giáo dục CS nên trì trệ và đổ đốn! Nhưng người dân trong nước, ai mà không nhận ra sự đổ vỡ của giáo dục bắt nguồn từ những đạp đổ phá bỏ những cơ sở, cơ chế giáo dục, đường hướng giáo dục của Việt Nam Cộng Hòa, bắt bớ, giam cầm, hành hạ trí thức, các nhà giáo dục chế độ “cũ” vào tạo cho giáo dục sau 1975 thành một nền giáo dục nhồi nhét chính trị CS độc hại cùng vô số những hình thức đầu độc khác vào đầu óc con em VN… trong chính sách đảng trị độc quyền giáo dục. Đến giờ vẫn còn tiếp tục cấm cản hoặc hạn chế tôn giáo tham gia vào lãnh vực giáo dục đào tạo về mặt tri thức/kiến thức. Các đại học gọi là “tư thục” hiện nay thực chất chỉ là những ổ kinh doanh trá hình mà người được quyền khai thác mang danh nghĩa tư nhân, song đó là tư nhân… con nhà đảng, hay những tư nhân quan hệ “tốt” về mặt tiền bạc chạy chọt!

Mặt khác, để củng cố cho lập luận của ông Nhân về “những đóng góp to lớn mà nền giáo dục xhcn đóng góp cho xã hội mà dư luận xã hội không nhìn nhận bởi đã không ‘chịu’ nhìn thấy,” ông phô trương hàng loạt những thành tựu về kinh tế, xã hội mà ông quả quyết chỉ do những “sản phẩm của nền giáo dục CSVN” mới là những người tạo nên “kỳ tích kinh tế VN mà thế giới đang thừa nhận!” 

Rõ ràng, trong khi cố gắng đánh bóng “kỳ tích kinh tế” từ nền giáo dục xhcn, NTN đánh lạc hướng công luận trong nước bằng cách tung hỏa mù, ngầm phủ nhận sự viện trợ, tài trợ và sức đầu tư lớn lao mà thế giới tư bản Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Ý, đã mang tới cho Việt Nam, đặc biệt là vốn vay ưu đãi ODA cho việc phát triển các hạ tầng cơ sở, hạ tầng kiến trúc xã hội Việt Nam, mà một phần không nhỏ của vốn ODA đã bị đám quan chức CSVN đánh cắp chia nhau làm giàu vô tội vạ, điển hình là vụ PMU 18, vụ Xa lộ đông tây ở Sài Gòn…. 

Ông NTN kết thúc thư trả lời của ông với lời đoan chắc “trong 10 năm tới nền giáo dục VN sẽ có những bước phát triển mới, xứng đáng với đòi hỏi của sự nghiệp hiện đại hóa – công nghiệp hóa của đất nước, với mong muốn và tin cậy của nhân dân cả nước…” Láo khoét lộ liễu chưa? 

Năm 2018, đã qua hơn 10 năm kể từ năm 2006.

Giờ thì 10 năm đã trôi qua (tính ra đã 12 năm tính tới năm 2018 này), Giáo dục Việt Nam khác ở chỗ nào so với trước?

Vẫn những cảnh học sinh đâm chém nhau, nữ sinh đánh nhau giữa phố, xé áo, lột quần của nhau cho thiên hạ “chiêm ngưỡng” sau đó đưa clip lên mạng phô diễn sự đời, vẫn cảnh đánh nhau giữa các thầy cô, vẫn cảnh thầy đánh trò tàn nhẫn, trò đánh thầy tàn bạo, thầy ép trò uống nước giẻ lau, phụ huynh đánh sẩy thai cô giáo hay bắt cô giáo quỳ, cùng vô số những kiểu cách giáo dục vô giáo dục nhan nhản hàng ngày khắp nơi trong nước.

Chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư trước 2006.

Đáng kể nhất là sự gian lận dối trá gia tăng lộ liễu trong hàng ngũ bậc thầy… với mấy chức danh ảo, hữu danh vô thực - chức danh giáo sư, phó giáo sư… 

Từ năm 2006, trong cuốn Giáo dục những lời tâm huyết dẫn trên đã thấy có bài của Giáo sư Hoàng Tụy “Cần thay đổi cách nhìn đối với Giáo dục” (trang 219-228), Ông Tụy mạnh mẽ cảnh báo “sự mê hoặc của những chức danh ảo.” Theo ông, “số GS, PGS của ta nhiều hơn một số nước khác có trình độ giáo dục hơn ta, nhưng thật ra trong số đó nhiều người chỉ là hữu danh vô thực, trình độ quá thấp so với chức danh.” 

Ông Hoàng Tụy còn tiết lộ: Một quan chức trong Hội đồng chức danh GS, PGS đã thừa nhận “không phải chỉ 30% mà đến 80% GS, PGS của ta chưa xứng đáng theo tiêu chuẩn quốc tế.” Nhưng rồi chính quan chức ấy đã vội phân bua: “Tuy nhiên, ta xét GS, PGS theo tiêu chuẩn của ta.” Lời phân giải của quan chức này đã khiến Hoàng Tụy phải thốt lên lời mai mỉa: “Nghĩa là GS, PGS của ta là GS, PGS của Việt Nam thôi, xin đừng so với quốc tế, đừng so với ngay cả những nước láng giềng! Trách gì đại học của ta không tụt hậu, đứng áp chót trong khu vực.” (Sđd, trang 223).

Chức danh GS, PGS năm 2018.

VNExpress ngày 04/4/2018, có bài “Một số ứng viên giáo sư, phó giáo sư gian dối trong kê khai hồ sơ.” Bài báo nêu rõ: “Ngày 4/4, ông Nguyễn Huy Bằng, Chánh thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết sau chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ đã thành lập đoàn thanh tra rà soát 95 hồ sơ ứng viên giáo sư, phó giáo sư… Kết quả thanh tra cho thấy có sự gian dối trong hồ sơ của một số ứng viên.” 

Theo ông Bằng, việc xét duyệt chức danh giáo sư, phó giáo sư phải trải qua tới ba cấp: Hội đồng chức danh giáo sư cấp cơ sở, Hội đồng chức danh giáo sư cấp ngành/liên ngành và Hội đồng chức danh giáo sư cấp nhà nước…Vậy mà sự gian dối vẫn cứ trót lọt qua cả ba cửa ải! Cụ thể, kết quả cuối cùng ngày 15/4/2018 cho biết trong số 95 hồ sơ chức danh GS-PGS duyệt xét lại, có tới 41 ông bà hoặc bị loại, hoặc tự nguyện rút lui! (Gần phân nửa).

Trò chức danh Giáo sư/Phó Giáo sư (GS/PGS)… dưới chế độ CSVN trước sau như một là vậy. Ông Nhân ăn nói làm sao đây với người dân VN, ít ra với người dân Sài Gòn về điều ông huênh hoang? “10 năm tới, Giáo dục Việt Nam sẽ khác”? “Sẽ có những bước phát triển mới, xứng đáng với đòi hỏi của sự nghiệp hiện đại hóa – công nghiệp hóa của đất nước, với mong muốn và tin cậy của nhân dân cả nước…” là vậy đó, phải không ông Nhân?

Thạc sĩ, tiến sĩ… bỉ mặt chưa?

Nói chi tới chuyện Tiến sĩ, Thạc sĩ? Dối trá chất chồng dối trá, liên tục! Năm 2006 khi ông Nhân hùng hồn “10 năm tới, Giáo dục VN sẽ khác” thì chuyện “dốt như chuyên tu, ngu như tại chức” đã là câu cửa miệng của người dân bên cạnh là những hiện tượng học giả bằng giả nhan nhản đến nỗi có người lên tiếng trên báo chí mà quyển Giáo Dục Những Lời Tâm Huyết tập hợp sao in lại: “Trong lịch sử giáo dục nước nhà, chưa bao giờ các dịch vụ làm luận văn, luận án lại được quảng cáo công khai quanh các trường đại học như hiện nay” (Sđd, trang 61), khiến “tình hình học giả bằng thật, hiện tượng sao chép luận văn thạc sĩ tiến sĩ xảy ra không phải ít” (61). 

Không phải chỉ trong giới quan chức ngồi ở những bục ghế cao cai trị dân đen, mà cả những giới chức trong ngành giáo dục với cương vị lẽ ra phải “mô phạm”… thì lại chỉ chuyên tính toán làm chuyện mờ ám, miễn sao đạt được mục đích: mảnh bằng, cái thế Ts, Ths để đạt cái ghế trong đảng và đoạt tiền của dân! Cho nên người ta ham bằng cấp, hám chức danh, nhưng lại dị ứng với danh hiệu hay tư cách “mô phạm”.

Bây giờ, đã hơn 10 năm sau lời phán chắc nịch của NTN, chúng ta hãy vào đọc Lao Động Online ngày 13 /4/2018 ắt thấy ngay: “Làm cử nhân, tiến sĩ không cần... ‘chất xám’” là như thế nào! “Thuê viết luận văn điểm cao”, “hoàn tiền nếu không đạt”, “bài viết chất lượng, không đạo văn”, “bảo mật thông tin khách hàng”… Đó“là những lời giới thiệu vô cùng hấp dẫn được các trang web cũng như các cơ sở viết thuê luận văn tốt nghiệp, luận văn thạc sĩ, tiến sĩ đưa ra để chào mời khách hàng.” Người đọc hiểu ngay vì sao những lời chào mời trên thu hút khách! 

Thế nên Lê Học Lãnh Vân, qua bài “Ngành giáo dục cần lắm một cuộc chấn hưng toàn diện” trên báo Một Thế giới ngày 15/4/2018 cũng kêu lên: “Bằng giả, bằng gian, vài mươi năm trước xuất hiện lén lút, giờ thì tràn lan! Hãy hòa vào đám đông xã hội để nghe những thông tin rao bán bằng cử nhân, tiến sĩ với đủ mức giá. Con số giáo sư được phong cùng với trình độ giáo sư được phong khiến người ta ngao ngán.”

“Bệnh” thành tích dứt chưa?

Năm 2006, trong bối cảnh chống bệnh thành tích, khi ông NTN tuyên bố “10 năm tới, Giáo dục Việt Nam sẽ khác”, ai cũng hiểu cái khác mà ông NTN bảo đảm chắc nịch trên đây là lời cam kết chấm dứt vĩnh viễn bệnh thành tích trong giáo dục!

Nhưng cho tới năm 2018 này, bệnh ấy có chút gì thuyên giảm chưa? Báo Dân Trí ngày 15/01/2018 có câu trả lời qua bài “Tiếng nói người trong cuộc: Giáo dục bao giờ hết bệnh thành tích?” Tác giả bài báo “là một giáo viên trực tiếp đứng lớp nên tôi luôn nhận thấy những bất cập trong ngành giáo dục.”

Vị nhà giáo kể lại: “Hàng năm, chỉ tiêu giao xuống trường luôn cao. Nhiều khi giáo viên bức xúc phản đối thì ban giám hiệu lại ‘đổ thừa’ cho cấp trên giao thế. Cuối cùng thì giáo viên phải nhận thôi. Giáo viên thường đùa nhau mình bây giờ chẳng có quyền gì, phận là thiên lôi chỉ đâu thì đánh đó.” Theo vị giáo viên ấy,“trong các trường học thì lúc nào cũng có những khẩu hiệu ‘Tiếp tục thực hiện cuộc vận động Hai không’ của Bộ với 4 nội dung nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích. Nói không với vi phạm đạo dức nhà giáo và việc học sinh không đạt chuẩn lên lớp”. Tuy nhiên, thực tế thì ta đang làm hoàn toàn trái ngược với khẩu hiệu này.”

Tác giả bài báo than thở: “Đi dạy bây giờ, vì chỉ tiêu mà giáo viên luôn cảm thấy áp lực. Chúng tôi không hiểu sao học sinh điểm kém mà giáo viên phải chịu trách nhiệm? Các em điểm kém vì nhiều nguyên nhân. Vậy thì cứ để vậy rồi chúng ta uốn nắn, phụ đạo thêm. Đằng ngày, ta cứ đẩy các em lên cho đủ chỉ tiêu.”

Từ các nhận định trên, vị giáo viên chỉ ra hậu quả của chỉ tiêu cứng nhắc và thành tích ảo: “Đây là một trong những lí do góp phần cho học sinh thêm hư. Những thầy cô dạy ở trường điểm thì áp lực chỉ tiêu càng lớn. Có những trường đầu năm Phòng giao chỉ tiêu là 60% học sinh khá giỏi. Vì vậy mà thành tích ngày càng ảo. Nhiều em bây giờ tỏ ra coi thường giáo viên, đôi khi các em cứ nghĩ thầy cô sợ mình.”

Giáo dục VN, khuôn mặt nhem nhuốc.

Cách đây 8 năm, vào ngày 09/4/2010, nhà báo Trương Duy Nhất đã ghi nhận NTN cổ võ “cuộc vận động hai không: ‘Nói không với tiêu cực trong thi cử và nói không với việc chạy theo thành tích’; rồi sau thêm mấy không nữa như: ‘nói không với vi phạm đạo đức nhà giáo và việc ‘ngồi nhầm lớp’ (cho học sinh không đạt chuẩn lên lớp), và ‘nói không với đào tạo không theo nhu cầu xã hội’. 

Trương Duy Nhất vạch rõ: “Càng nói ‘không’ thì nó càng nhan nhản, càng hò hét chống bệnh hình thức thì những chủ trương, chính sách và ý tưởng kia càng hình thức hơn lúc nào hết.” Rồi ông bực bội nặng lời: “Chưa thấy thời nào, triều đại nào mà ngành giáo dục lại phơi bày một khuôn diện nhem nhuốc, bầm vấy như thời ông Nhân. Học sinh đâm chém nhau, đâm trọng thương cả thầy cô giáo, nữ sinh cũng bè hội đồng đánh nhau để… quay clip chơi, bỏ học dắt nhau vào nhà trọ “thí nghiệm” như người lớn, cô giáo thì dán băng keo bịt miệng đến chết con trẻ, thầy giáo thì bán điểm gạ tình, mua trinh, hiếp dâm học trò…” (Trương Duy Nhất - Giáo dục thời bất … Nhân, Dân Luận 09/4/2010). 

Nhưng chuyện thời 2010 vẫn chưa bằng chuyện hôm nay 15/4/2018 theo phản ánh của Lê Học Lãnh Vân: “Các vụ bạo hành học đường liên tiếp xảy ra. Cô giáo nhà trẻ đánh đập trẻ, thầy đánh trò, trò đánh thầy, thầy đâm trò, trò đâm thầy... Chuyện phụ huynh vào trường bắt cô giáo quỳ xin lỗi thì thật đã khiến người ta kinh sợ cho tương lai giáo dục nước nhà. Vài tuần sau đó lại thêm phụ huynh vào trường đánh vào bụng cô giáo đang mang thai... Nền Giáo Dục Việt Nam đã giận dữ được chưa?” (Một Thế giới, 15/4/2018: Ngành giáo dục cần lắm một cuộc chấn hưng toàn diện).

Lê Học Lãnh Vân vạch tiếp: “Các đây hai năm, những cô giáo ở Hà Tĩnh bị điều đi ngoài giờ để “phục vụ lễ tân cho Liên hoan Dân ca ví dặm Nghệ Tĩnh” và sau đó “còn phải đi cùng quan khách tới một nhà hàng ở TX. Hồng Lĩnh ăn uống, tiếp bia rượu và hát hò” mà nhiều người nhận xét rằng có tính cách “bia ôm”! Nhiều người nghĩ rằng đây chỉ là một trong nhiều sự việc tương tự hay tệ hơn đã xảy ra.”(Lê Học Lãnh Vân – Một Thế giới, 15/4/2018: Ngành giáo dục cần lắm một cuộc chấn hưng toàn diện). Oái oăm thay, tác giả than thở: Chính “Bộ trưởng bộ Giáo dục Đào tạo, người lãnh đạo cao nhất ngành giáo dục quốc gia cho rằng việc những cô giáo ở Hà Tĩnh bị điều đi ngoài giờ để ‘phục vụ lễ tân ăn uống, tiếp bia rượu và hát hò’ chỉ là ‘chuyện vui vẻ thôi’”.

Loạn giáo dục tiếp diễn không ngừng. Do đâu?

Sau năm 2010 cho đến nay (2018), khẩu hiệu vẫn cứ là khẩu hiệu. Còn thực chất như thế nào, báo chí, cả các báo chính lề Cộng sản, cụ thể là tờ Giáo Dục Việt Nam không ngày nào không có những tin tức loạn giáo dục, loạn học đường, loạn quan hệ giữa phụ huynh với thầy cô giáo, loạn tương quan giữa thầy với trò, giữa trò và trò với nhau, thậm chí giữa nữ sinh với nhau… Loạn không phải chỉ gây chóng mặt, mà còn làm phát ói đến mật xanh!

Nguyên nhân từ đâu? Trong bài “Thấy gì từ chuyện cô giáo không giảng bài suốt học kỳ?” chúng tôi đã thẳng thừng chỉ ra rằng lỗi là lỗi cơ chế, cơ chế đảng trị! Chúng tôi vẫn bảo lưu quan điểm của mình: Bao lâu Việt Nam còn bị siết chặt, đè bẹp dưới chế độ đảng trị, bấy lâu nền giáo dục còn chịu những áp lực chính trị sắt máu không thể vươn lên theo kịp ai. Trừ khi thế hệ trẻ hiện nay được đào tạo ở các quốc gia văn minh tiến bộ như Anh, Mỹ, Pháp Đức, Úc, Nhật…. sớm tỉnh ngộ, mang sở học của mình, văn minh dân chủ của xứ người về áp dụng tại Việt Nam và có can đảm làm một cuộc cách mạng, ít nhất là cách mạng giáo dục, thì may ra! Không có cơ chế đảng trị, làm gì có chuyện tràn lan hỗn loạn học đường “thời đại HCM”. 

Trước khi giới thiệu bài viết của tác giả Bùi Nam ngày 13/4/2018, báo Giáo dục Việt Nam đưa ra Lời Tòa Soạn: “Nếu trong quan niệm của xã hội trước đây thì nghề giáo là một nghề cao quý và đáng được tôn trọng nhất thì ngày nay giá trị đó đang bị đảo chiều.”

Tác giả Bùi Nam nhận xét: “Qua các sự việc gây xôn xao dư luận về nghề giáo trong thời gian vừa qua, trong đó có các vụ bạo hành xâm phạm thân thể, nhân phẩm giáo viên như vụ phụ huynh dùng lời nói ép cô giáo trẻ phải quỳ gối ở Long An; vụ phụ huynh xông vào trường ép cô giáo quỳ xin lỗi và hành hung cô giáo đang mang thai dẫn đến dọa sẩy thai ở Nghệ An; hay vụ thầy giáo bị học sinh đâm trọng thương khi ra khỏi trường ở Quảng Bình, học sinh bóp cổ cô giáo ở Bến Tre,…” 

Tác giả than thở: “Đó thật sự là một bức tranh đầy đắng cay, tủi nhục và chua xót cho nghề giáo là nghề mà cả xã hội coi là nghề cao quý nhất trong các nghề thì giờ đây đã trở thành nghề nguy hiểm nhất trong tất cả các nghề.”

Không phải chỉ mỗi Bùi Nam hay báo GDVN mà hầu như mọi người Việt Nam đều nhận thấy rõ những hiện tượng quái gở trên đây hàng ngày khắp nơi trong nước. Do vậy, chúng tôi vẫn không ngại xác quyết: Để nền giáo dục nhân bản, khai phóng, đạo đức, tiến bộ của VNCH vốn đã bị CSVN đánh sập, được vực dậy hầu có đủ khả năng và bản lãnh sánh vai cùng các nền giáo dục tân tiến thế giới, chúng ta hãy cấp thời triệt tiêu chế độ CS toàn trị trên quê hương ta!

Sự lạ! Báo lề đảng ca ngợi GD/VNCH trước 1975.

Không phải chỉ một thiểu số trong đó có chúng tôi nhiễm bệnh “hoài cổ”, mà hầu hết những ai đã sống và lớn lên tại Miền Nam Việt Nam trước 1975 đều nhìn nhận giá trị đáng trân trọng của nền giáo dục VNCH. Do sợ “mở miệng mắc quai”, người dân trong nước đành im lặng. Dầu vậy, đây đó ở trong nước, cả trên báo chí lề đảng, vẫn còn những dư âm trung thực.

Cụ thể, trên báo Một Thế Giới (ngày 13/3/2018), người ta đọc thấy bài “Thầy ơi là thầy” của Nguyễn Vũ Mộc Thiêng công khai tôn vinh xã hội cùng nền giáo dục Việt Nam trước 1975 ở Miền Nam: “Xã hội Việt Nam trước 1975, dù không còn vua nhưng người Thầy ở miền Nam vẫn giữ vị trí cực kỳ quan trọng, ảnh hưởng đến sự trưởng thành của mỗi người vì ‘Lương Sư Hưng Quốc’. Người Việt bảo nhau ‘Muốn sang thì bắc cầu kiều…’ và dạy con cháu ‘Nhất tự vi sư, bán tự vi sư’. Cha mẹ có công sinh thành, nuôi dưỡng; thầy cô có công dưỡng dục, dạy dỗ ta nên người. Thầy cô chỉ đứng sau cha mẹ ‘Mồng 1 tết cha, mồng 3 tết thầy…’ ‘Trời cao, biển rộng, đất dầy. Công cha, nghĩa mẹ, ơn thầy khắc ghi’”.

Nguyễn Vũ Mộc Thiêng tiếp tục tuyên dương Miền Nam Việt Nam thời trước 1975: “Trước 1975, ở miền Nam, Sư Phạm song hành với Y Khoa, là hai ngành khó vào nhất. Còn bây giờ, người ta bảo nhau: “Chuột chạy cùng sào mới vào Sư Phạm”. Thầy dốt, nên khó có trò giỏi. Trò không giỏi vào Sư Phạm… Cứ một vòng luẩn quẩn và giáo dục ngày càng xuống cấp. Khi máy cái của xã hội lạc hậu và hỏng hóc thì cuộc sống đảo điên là tất yếu.”

Một nhân vật khác, ông Nguyễn Trần Bạt thì lại cổ võ một “nền giáo dục tự do, tự lập, tự trọng”, một nền giáo dục hoàn toàn xa lạ và có thể bị coi là thù địch với nền giáo dục xã hội chủ nghĩa hôm nay, nhưng đó lại là một nền giáo dục được phát huy và phát triển thành công tuyệt vời tại Miền Nam Việt Nam trước năm 1975. 

Dường như tâm đắc với nền giáo dục tự do, tự lập, tự trọng và tự cường của Miền Nam Việt Nam, qua bài Tiến tới một nền giáo dục hiện đại, (trong cuốn Giáo Dục Những lời tâm huyết, trang 339), Nguyễn Trần Bạt hô hào: “Đối với cuộc đời một con người, tự do là điểm khởi đầu, tự lập là điểm tiếp theo, và tự trọng là điểm cuối cùng.” Ông Bạt lập luận: “Nếu không tự do, chúng ta sẽ không thể tự lập, và nếu không tự lập, chúng ta sẽ không thể tự trọng.” Từ đó, ông kết luận: “Linh hồn chính trị của đời sống giáo dục cũng là tự do.” 

Ông Bạt xác quyết: “Tự do chính trị nghĩa là không bị áp đặt bởi định kiến chính trị để có khả năng tiếp cận và xử lý uyển chuyển trước những khác biệt của đời sống”– Nguyễn Trần Bạt).

Sự tự do mà Nguyễn Trần Bạt mong mỏi cho cả Việt Nam hay chỉ cho cái phạm vi giáo dục mà thôi đang khi đất nước vẫn cứ bị siết chặt trong bàn tay sắt máu của chủ nghĩa cộng sản độc tài đảng trị, chắc chắn đó chỉ là sự tự do của một giấc mơ hão huyền… bao lâu người Việt mình chưa cùng đứng lên đòi cho bằng được quyền tự do đích thực và chính đáng ấy. 

(18/4/2018)

No comments:

Post a Comment