QUẢNG NGÃI, Việt Nam (NV) – Suốt ba năm qua, cứ 3 giờ chiều hằng ngày, hàng ngàn ngư dân miền Trung đánh bắt xa bờ lại “hóng” tin thời tiết từ “đài bà Diệp” được phát thanh tại một ngôi nhà bên sông Trà Bồng, xã Bình Chánh, huyện Bình Sơn, do “tin tưởng hơn đài quốc gia.”
Trong ngôi nhà nhỏ nằm cuối cù lao Mỹ Tân nhoi ra sông Trà Bồng, bà Lương Thị Hồng Lan (40 tuổi), còn được gọi là Út Diệp, đang lên máy liên lạc với các đài tàu.
Ngư dân khi nghe bản tin dự báo thời tiết qua đài quốc gia thì nghe thụ động, nhưng đài bà Diệp thì họ có thể căn cứ vào tọa độ tàu đang đánh bắt để hỏi ngược lại tổng đài, từ đó có những thông tin chi tiết về tình hình sóng, gió, dự báo những ngày tới. Đó là nguyên nhân đầu tiên khiến các ngư dân phải lắng nghe và đài canh Icom bà Diệp luôn dồn dập thông tin hai chiều.
Mỗi khi dự báo thời tiết, bà đều ghi chép cẩn thận ra cuốn sổ và tổng hợp thành một bản tin hoàn chỉnh, dự báo từng khu vực nhỏ mà các tàu cá đang tập trung đông. Thông tin trên được bà phân tích và tổng hợp từ các đài duyên hải, trung tâm dự báo khí tượng thủy văn của hải quân Mỹ, Nhật, Thái Lan, Philippines và Việt Nam.
Ông Đặng Tằm, thuyền trưởng tàu cá Quảng Ngãi 90360 TS, ở huyện Bình Sơn, xác nhận với báo Thanh Niên: “Bà Diệp nói có gió là có, nói chừng đó hết gió là đúng hết gió. Mùa Đông năm rồi, đài quốc gia báo là có gió kéo dài, nhưng bà nói hết sớm thì tới giờ đó tự dưng im thinh, lặng sóng thiệt. Nhiều lần như vậy mà sao lại không tin.”
Những thời điểm thời tiết diễn biến xấu trên biển, đài Icom bà Diệp mở trực suốt ngày. Tuy nhiên, do nhà nằm ở điểm cuối của xóm Cù Lao nên thỉnh thoảng lại bị mất điện, các công ty điện thoại thì không chịu kéo dây Internet vì đường đi quá xa và toàn là nhà nghèo ít người thuê bao mạng.
Vào những ngày thời tiết xấu, điện lưới cắt ngang thì trở thành thảm họa đối với đài canh. Bà Diệp ngồi trong nhà nhìn ra bờ sông mưa tuôn trắng xóa và cầu mong có điện trở lại, còn chiếc điện thoại của bà thì liên tục đổ chuông. Đó là lúc người thân của các ngư dân từ vịnh Bắc Bộ cho đến Khánh Hòa điện hỏi: “Diệp ơi, sao tự dưng lại cắt máy?”
Ngày bình thường, bà nhận được vài chục cuộc điện thoại, còn những ngày biển động, chiếc điện thoại liên tục đổ chuông và lên tới 80 cuộc điện thoại/ngày. Các ngư dân từ biển nối sóng với đài duyên hải miền Trung để gọi điện thoại trực tiếp từ ngoài biển vào hỏi thăm tình hình, xin thông tin chi tiết: “Diệp ơi, ngó chừng gió mạnh không để ở lại đánh ráng; nếu chạy ra 30 lý nữa thì gió ra sao?…”
“Đài bà Diệp,” đi đâu cũng nghe ngư dân nói như vậy. Đối với dân chài, dùng từ “bà” để nói thay cho sự kính trọng. Cuối năm, các thuyền trưởng ở các tỉnh Bình Định, Quảng Nam, Khánh Hòa, các huyện của tỉnh Quảng Ngãi… thuê xe hơi đến thăm gia đình bà ở xóm cù lao cảm ơn “Đài bà Diệp” và chia sẻ: “Tui muốn coi cái nhà ở đâu, cái máy cỡ nào mà phủ sóng liên tỉnh, liên miền, nói gì cũng chính xác.”
Ông Nguyễn Văn Thanh, một ngư dân kỳ cựu chuyên câu mực ở Trường Sa, tâm tình: “Nghiệp đoàn nên hỗ trợ cho chị Diệp máy Icom công suất lớn hơn, vì tàu liên hệ đông quá, cỡ cả chục ngàn chứ không ít. Bà Diệp báo khu vực, từng vùng, từng tọa độ. Ai không biết thì hỏi lại. Cứ 3 giờ chiều là đôi chục ngàn chiếc chờ nghe bà Diệp lên sóng Icom.”
“Đài bà Diệp” được ngư dân tin tưởng, trông chờ đến vậy dù tất cả những nỗ lực đó đều bắt đầu từ chuyện để phục vụ cho tàu của gia đình đi đánh bắt, rồi dần dà “vác tù và hàng tổng” không lương.
Ngạc nhiên hơn khi “bà Diệp” làm thời tiết chỉ mới học xong lớp 9, vì chuyện nhà, vì cái đài Icom canh gió mà mày mò tự học và đi “học lỏm” từ những người làm thời tiết chuyên nghiệp để về “sơ chế” lại cho phù hợp với ngư dân. (Tr.N)
No comments:
Post a Comment