Monday, June 26, 2017

‘Chiều nay Singapore có mưa ngập không?’

Nguyễn An Nam 
Theo Người Việt-26-06- 2017
Bức ảnh nổi tiếng về ngập lụt trên đường phố Sài Gòn được cư dân mạng truyền nhau và đặt tên “Hồ Chí Minh thất thủ.” (Hình: Zing)
Đó là một câu nói mà gần đây cư dân mạng thường hỏi nhau, hàm ý “đá đểu” phát ngôn hô hào mới đây của một lãnh đạo “TP.HCM” – đại ý – “trung tâm TP.HCM phải trở thành Singapore thu nhỏ.”
Câu hỏi đầy hài hước trên được lặp đi lặp lại vào mùa mưa năm nay, khi chỉ vài cơn mở đầu mùa, nhiều tuyến đường tại “TP.HCM” đã bị nhấn chìm trong nước. Những dòng xe kẹt cứng, nước ngập đến kính xe hơi, nước xô đổ những chiếc xe chết máy tiến thoái lưỡng nan trong đám tắc nghẽn… đang là cảnh tượng thường ngày ở thành phố lớn, hiện đại nhất nước. Giao thông vốn đã tệ hại, càng trở nên thất thủ chỉ cần một cơn mưa lớn đổ xuống.
Người dân sống ở “TP.HCM” từ lâu, tự vùng vẫy thích nghi với hoàn cảnh, không cách nào khác khi họ cảm nhận được rằng, những giải pháp “chống ngập” chắp vá của chính quyền không đem lại hiệu quả thực tế đáng kể.
Ngay trên chính con đường Nguyễn Hữu Cảnh, nơi đang mọc lên những tòa cao ốc chung cư luxury, giá hàng trăm triệu đồng mỗi mét vuông, cảnh ngập và kẹt nghẽn đường sá vẫn diễn ra ngày càng trầm trọng. Tính tương phản trên bức tranh quy hoạch phát triển đô thị thiếu nền tảng căn bản đang phơi bày ngày càng rõ rệt.
Còn nhớ sau trận mưa lớn hồi cuối năm 2016, bên trong tòa nhà Bitexco 68 tầng kiêu hãnh bên sông Sài Gòn như một biểu tượng mới của thành phố hiện đại, nước đổ như thác, nhiều nhân viên văn phòng làm việc trong tòa nhà này một phen hốt hoảng.
Những dự án bất động sản lớn lấn sông vẫn đang được cấp phép diễn ra ngay tại “mặt tiền” sông Sài Gòn, ở vùng tiêu thoát nước của thành phố là Nhà Bè và quận 7 mặc cho các chuyên gia môi trường, giới khoa học độc lập lên tiếng cảnh báo. Một khi bàn tay mờ ám của các ông chủ bất động sản và những “đại gia đỏ” ra tay phù phép, những gì gọi là phản biện, báo động của giới nghiên cứu độc lập trở nên yếu ớt hơn bao giờ hết.
Những tờ báo quốc doanh sẵn sàng gỡ bài vì áp lực kinh doanh quảng cáo hay vì những tin nhắn từ phía lãnh đạo quản lý. Ai cũng biết phía sau những dự án can thiệp thô bạo đến môi trường và di sản văn hóa đô thị, là những cái bắt tay liên minh ma quỷ – đôi bên cùng có lợi – của thế lực kinh tế và thế lực cầm quyền.
'Chiều nay Singapore có mưa ngập không?'
Cảnh ngập lụt sau mưa ở “TP.HCM” đã trở thành cơm bữa. (Hình: Dân Trí)
“TP.HCM phải trở thành Singapore thu nhỏ” là khẩu hiệu được các lãnh đạo thốt ra đầy hào hứng trong bối cảnh thực hiện một số biện pháp “lập lại trật tự đô thị” trên các tuyến vỉa hè trung tâm, mà ai cũng biết, sau lời kêu gọi ấy, sinh kế của người dân nghèo là thành phần chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi các biện pháp này chỉ mang tính “dẹp” không mang tính “tái ổn định.”
Tương tự như thế, đã có khẩu hiệu “nếu làm thung lũng Silicon tại Việt Nam, thì phải ở TP.HCM” từ vị tân bí thư “TP.HCM” trong cuộc gặp gỡ với 80 thanh niên tiêu biểu của thành phố này hồi Tháng Năm vừa qua cho thấy những ý tưởng to tát viển vông cứ mặc sức được tuôn ra làm nóng truyền thông nhưng thực tế thì có thể đoán biết trước, đâu lại vào đó.
Trong khi lãnh đạo hô khẩu hiệu thành phố mình phải chấn chỉnh, lập lại trật tự để văn minh hơn thì những người bị ảnh hưởng bởi các cơn “chấn chỉnh, lập lại trật tự” duy ý chí này là cư dân tầng lớp thấp, nhóm người dễ bị tổn thương trong xã hội chứ không thấy rõ có sự chấn chỉnh, cải thiện trong từng chi tiết, cấu trúc bộ máy và tầng lớp có quyền lực kinh tế.
Bởi không rõ tự bao giờ, ở xứ này, cái nhếch nhác của người nghèo thì dễ thấy và dễ đổ tội hơn cái bê bối phá hủy văn minh trên diện rộng của kẻ có tiền, có quyền. Phải chăng thực tế đó có lý để xảy ra trong một xã hội hỗn độn, bỏ qua nguyên tắc thượng tôn pháp luật!
Muốn “TP.HCM” trở thành Singapore, nếu người dân thấp cổ bé miệng được phát ngôn, hẳn họ sẽ nói rằng, cái ưu tiên chấn chỉnh không phải là những gánh hàng rong một nắng hai sương trên đường phố, mà là những tiêu cực bên trong bộ máy, xây dựng một bộ máy quản lý xã hội công minh, sáng tạo, có kỷ cương và thực sự phục vụ người dân.
Nhưng thôi, trong một bối cảnh mà mỗi người dân tự biết cách nương theo thế sóng để lướt qua từng ngày, thì đó là một hỏi đòi quá xa xôi. Xây dựng năng lực tự vẫy vùng trong điều kiện bất an là một cách thế được nhiều người chọn. Cũng dễ hiểu, rồi đây người ta sẽ truyền miệng với nhau về những vùng rốn ngập phải tránh trên đường từ công sở về nhà, cách thức làm sao để xe không chết máy khi đường ngập nước…
Những lời than thở về phẩm chất cuộc sống cũng sẽ phải tan theo từng khốc liệt mưu sinh, không cách nào khác. Một số ít cũng có thể chọn sự giễu nhại như một giải pháp thắng lợi tinh thần để kinh qua cảm giác thất thủ trước hoàn cảnh.
“Chiều nay Singapore có mưa ngập không?”, câu đá đểu tự bao giờ, trở thành lời chất vấn hoàn cảnh đầy cay đắng!

No comments:

Post a Comment