HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Đầu tư với số tiền khổng lồ, khởi công từ năm 2008 để cải tạo, nâng cấp hệ thống cấp thoát nước, song chỉ qua một cơn mưa lớn, Hà Nội đã bị ngập sâu.
Chiều tối 19 Tháng Sáu, cơn mưa lớn đã khiến nhiều quận nội thành Hà Nội ngập nặng, giao thông tê liệt. Khu vực phố cổ là nơi rất ít khi bị ngập nhưng nhiều nơi tại đây cũng ngập sâu 50-70 cm, khiến sinh hoạt của hàng vạn gia đình bị đảo lộn.
Giải thích về tình trạng này với báo Người Lao Động, ông Lê Vũ Quảng Sương, phó tổng giám đốc công ty Thoát Nước Hà Nội, cho biết do cơn mưa trên có vũ lượng lớn từ 70-100 mm, riêng quận Hoàn Kiếm lên tới hơn 138 mm. Trong khi đó, hệ thống thoát nước mưa của nội thành Hà Nội chỉ có thể đáp ứng 310mm cho hai ngày, hoặc 50mm trong hai giờ, do vậy việc xảy ra ngập úng là bất khả kháng.
Riêng khu phố cổ, do là điểm tập trung kinh doanh nên có nhiều rác thải, khi mưa rác theo dòng nước đổ vào các hố ga thoát nước làm nghẽn miệng cống khiến nước rút chậm, gây ngập úng. Mặc dù tại thời điểm đang mưa, cửa cống thủy lợi ở các hồ Thành Công, Giảng Võ, Bảy Mẫu, Đống Đa và đập Thanh Liệt đều được mở. Trạm bơm Yên Sở và các trạm bơm khác cũng được vận hành tiêu thoát nước trên hệ thống.
Đại diện Phòng Cảnh Sát Giao Thông Hà Nội cho biết cơn mưa gây ngập nghiêm trọng, ảnh hưởng đến giao thông. Mặc dù công an đã huy động tối đa quân số tham gia phân luồng giao thông để chống tắt nghẽn, nhưng vẫn không thể đáp ứng được.
Trước đó, theo thống kê của công ty Thoát Nước Hà Nội, toàn thành phố chỉ có 18 điểm “có nguy cơ úng ngập khi mưa lớn bất thường.” Tuy nhiên, qua cơn mưa tối 19 Tháng Sáu, công ty này cho biết, ngoài 18 điểm ngập úng trên đã xuất hiện thêm 20 điểm ngập mới.
Ông Sương cho biết thêm, dù giai đoạn 2 của kế hoạch thoát nước Hà Nội cơ bản hoàn thành nhưng lượng mưa vượt gấp nhiều lần năng lực thoát nước thì tình trạng ngập nặng, ngập sâu vẫn có thể xảy ra ở nhiều khu vực nội thành.
Trong khi đó, tin cho biết, dự án thoát nước Hà Nội giai đoạn 2 là dự án trọng điểm của Hà Nội, sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi của chính phủ Nhật, được khởi động từ năm 2006 với tổng vốn đầu tư hơn 6,000 tỷ đồng, nhưng đến cuối năm 2008 mới bắt đầu khai triển thi công. Lẽ ra năm 2014 đưa vào sử dụng nhưng trong quá trình khai triển bị vướng mắc về giải tỏa mặt bằng nên chậm tiến độ thi công và đội vốn lên hơn 8,000 tỷ đồng. (Tr.N)
No comments:
Post a Comment