HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Dự án “Luật Trách Nhiệm Bồi Thường Của Nhà Nước (sửa đổi)” tiếp tục quy định người bị oan phải có đơn mới được xin lỗi. Điều này khiến không chỉ nhiều người dân mà cả đại biểu Quốc Hội cũng phản ứng mạnh.
Nói với báo Pháp Luật TP.HCM ngày 1 Tháng Sáu, ông Hàn Đức Long, quê Bắc Giang, bị ngồi tù oan 11 năm với mức án tử hình, cho biết: “Tôi không bao giờ đồng ý với việc người bị oan phải làm đơn thì mới được xin lỗi. Chẳng hạn như tôi từ một người vô tội bỗng dưng chịu 11 năm ngồi tù với bản án tử hình oan, rồi sau đó bắt tôi phải có đơn để được xin lỗi là điều không hợp lý.”
“Khi tôi bị bắt, họ bắt công khai, cả làng cả nước biết tôi là kẻ giết người, hiếp dâm. Vậy khi tôi được minh oan thì phải công khai xin lỗi. Với tôi, xin lỗi công khai vô cùng quan trọng, nó lấy lại danh dự cho tôi và dòng họ tôi. Thời điểm được về nhà, dân làng cho rằng tôi mới chỉ được tạm tha, có thể bị bắt bất cứ lúc nào,” ông nói tiếp.
“Ở vùng nông thôn, nhất là những nơi như nhà tôi, hiểu biết pháp luật rất kém. Khi được tự do, tôi biết đến ông Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang) cũng là người bị oan và được nhà nước tổ chức xin lỗi công khai. Khi đó tôi cứ nghĩ rằng mình cũng sẽ tự được như vậy nên cứ chờ. Đến khi có luật sư tư vấn rằng phải có đơn đề nghị xin lỗi thì mới được xin lỗi. Lúc này tôi mới vỡ lẽ,” ông chua chát nói.
Trường hợp ông Mai Văn Hà, người bị Viện Kiểm Sát huyện Bắc Bình, Bình Thuận, truy tố oan khá hy hữu. Ông cho biết đã nhận 330 triệu đồng bồi thường cho 21 tháng bị giam oan, và dù đã làm đơn để được xin lỗi nhưng, “Sau đó tôi chờ mãi mà vẫn chưa thấy họ thực hiện. Đến đầu năm 2017, họ mới mời tôi lên xuống nhiều lần để đặt vấn đề xin lỗi. Do thấy đi lại quá tốn kém tiền bạc, thời gian nên tôi chấp nhận khỏi xin lỗi. Lần này họ yêu cầu tôi làm lá đơn khác xác nhận không yêu cầu xin lỗi.”
Tương tự, bà Huỳnh Thị Tú Anh trước đây bị Viện Kiểm Sát thành phố Phan Thiết, Bình Thuận, truy tố, phê chuẩn lệnh bắt giam oan hơn 15 tháng về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nhưng dù bà đã làm đơn yêu cầu xin lỗi vẫn chưa được thực hiện. “Trước khi bị bắt giam, tôi là chủ doanh nghiệp, chủ cơ sở cá hấp với hơn 30 công nhân ở thị xã La Gi. Ra tù, muốn vực dậy cơ sở nhưng vô cùng khó khăn vì nhiều người vẫn cho rằng tôi phạm tội lừa đảo nên quay lưng, không thèm làm ăn. Tại sao họ không tổ chức xin lỗi tôi ngay để tôi còn làm ăn mà lại đề nghị viết đơn yêu cầu xin lỗi rồi để đó?” bà bực tức nói.
“Tôi ớn mấy ông bà làm luật lắm! Họ để cho mình yên là khỏe rồi. Đấu với họ đau đầu quá!” bà Trần Thị Huệ (huyện Bình Chánh, Sài Gòn) bực tức khi nói về việc phải làm đơn yêu cầu công khai xin lỗi và bồi thường oan thì mới được xin lỗi. Chính vì lẽ đó, dù đã gần một năm trôi qua nhưng tới nay bà vẫn chưa làm đơn yêu cầu.
Chuyện của ông Nguyễn Thanh Hải (xã Tân Hào, Giồng Trôm, Bến Tre) còn thê thảm hơn. Ông được tòa tuyên không phạm tội giết người từ năm 1988 nhưng đến nay ông vẫn chưa được xin lỗi. “Sau khi được trả tự do, những năm đầu tôi phải nằm một chỗ, khi gượng dậy làm được chút việc thì sức khỏe kém, cứ nhớ đó quên đó. Vất vả mưu sinh vì đói nghèo, hiểu biết pháp luật có hạn, lại không ai chỉ vẽ nên tôi không biết mần (làm) đơn yêu cầu xin lỗi, bồi thường. Đến lúc biết ra thì đã hết thời hiệu,” ông nói.
Ông khẳng định, đáng lẽ tòa án tỉnh Bến Tre khi biết bản án kết tội ông đã bị tòa phúc thẩm sửa thì phải chủ động xin lỗi ông như lẽ thường ai sai phải chủ động xin lỗi. “Tôi chỉ mong tòa án công khai xin lỗi tôi trước bà con lối xóm một tiếng để tôi không còn mang tiếng là kẻ giết người, để con cháu tôi khỏi bị điều tiếng mà cũng không được,” ông nói như khóc.
Cùng với phản ứng của người dân, nhiều đại biểu Quốc Hội cũng cho rằng người bị oan, sai đã chịu đủ cơ cực vì lỗi cơ quan công vụ gây ra. Khi phục hồi danh dự lại bắt họ có đơn mới được xin lỗi là vô lý.
Bà Nguyễn Thị Thủy, đại biểu Bắc Kạn, cho rằng, “Điều này là chưa phù hợp. Bởi vì ở đây không phải là cá nhân bị thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự mà cá nhân đã bị cơ quan tố tụng làm oan trong quá trình giải quyết vụ án. Do đó, phục hồi danh dự cho người bị oan phải là trách nhiệm công vụ chứ không phải quan hệ dân sự.”
Theo bà, việc bắt người, còng tay trước sự chứng kiến của xóm giềng, đồng nghiệp rồi sau này bị oan mà phải có đơn yêu cầu thì mới được xin lỗi là không ổn.
Ông Lưu Bình Nhưỡng, ủy viên thường trực Ủy Ban Về Các Vấn Đề Xã Hội của Quốc Hội, cho hay không phải tất cả người dân đều hiểu được quyền của mình, đặc biệt là người có trình độ văn hóa thấp, ở vùng sâu, vùng xa. Vì vậy trách nhiệm phổ biến pháp luật là của nhà nước. (Q.D.)
No comments:
Post a Comment