Kính Hòa, RFA 2017-04-16
Nhà máy thủy điện Hố Hô (Hà Tĩnh) xả lũ. Courtesy of news.zing.vn
Ngày 10 tháng tư năm 2017 chính phủ Việt Nam cho hay là Bộ công thương yêu cầu Tổng cục năng lượng phối hợp với các tỉnh và thành phố rà soát lại các quy hoạch thủy điện, kiên quyết loại bỏ các dự án không có hiệu quả.
Rà soát lại các dự án thủy điện
Thạc sĩ Nguyễn Huỳnh Thuật, chuyên ngành môi trường, đang làm việc tại rừng quốc gia Nam Cát Tiên tỏ vẻ vui mừng khi nghe tin chính phủ đang rà soát lại các dự án thủy điện:
“Đó là một tin vui, một chuyện đúng đắn, nhưng mà vấn đề mình thực hiện thế nào thì còn tùy thuộc nhiều… nói chung là điều đó cũng thể hiện sự quyết tâm, một tín hiệu mừng từ trung ương. Tôi ủng hộ, nhưng mà có kiên quyết làm hay không. Những người có tiền có thể tìm nhiều cách để lách luật. Tôi chỉ sợ điều đó.”
Ông Nguyễn Huỳnh Thuật là người đã vận động thành công việc hủy bỏ hai dự án thủy điện lớn trên sông Đồng Nai, vì nếu hai dự án này được thi hành sẽ ảnh hưởng rất tai hại đến khu vực rừng quốc gia Nam Cát Tiên.
Trong bản tin ngày 10 tháng tư của chính phủ Việt Nam có nói rằng phải kiên quyết loại bỏ những dự án thủy điện không đảm bảo an toàn, ảnh hưởng xấu tới đời sống người dân.
Trong nhiều năm qua, cứ đến mùa mưa ở miền Trung Việt Nam, khi xảy ra mưa lũ cũng là đồng thời với lúc nhiều đập thủy điện ở khu vực này xả lũ, vì sợ vỡ đập, gây nhiều thiệt hại về vật chất, thậm chí làm chết nhiều người dân vùng hạ lưu. Vì lý do đó, cách đây 4 năm kỹ sư Nguyễn Văn Thạnh, sống tại Đà Nẵng đã vận động các nạn nhân của thủy điện làm đơn kiện các công ty chủ sở hữu của các đập thủy điện. Nhưng cuộc vận động không thành công, ông Nguyễn Văn Thạnh bị bắt tạm giữ, thậm chí bị đánh đập nhiều lần.
Ông Thạnh đón nhận tin rà soát lại các đập thủy điện một cách thận trọng:
“Cái này cũng khó nói, vì thực ra người ta ở trên cao người ta cũng thấy được tai họa và cũng thấy dân kêu ca. Và chủ trương của họ cũng muốn hạn chế, chấm dứt chuyện này, như từ chủ trương ở trên đưa xuống thì … Có thể họ làm ở mức độ nào đó, cũng có tiến bộ, nhưng không theo như kỳ vọng, vì ở Việt Nam có tình trạng lợi ích nhóm và thông tin không minh bạch. Ví dụ như chính phủ chẳng bao giờ có chủ trương phá rừng, nhưng chuyện phá rừng âm thầm bắt tay nhau thì chính phủ không kiểm soát được. Cuối cùng là mất hết rừng.”
Theo ông Thạnh thì trong bốn năm qua, từ lúc ông tổ chức cuộc vận động chống sự tắc trách của các nhà máy thủy điện miền Trung đến nay, vẫn không có gì thay đổi. Vào mùa lũ, kịch bản cũ vẫn lập lại, tức là hồ thủy điện xã lũ gây ra cái người ta gọi là lũ chồng lên lũ, gây nhiều thiệt hại cho dân chúng.
Thủy điện có lợi hay có hại?
Trong một bài viết đăng trên trang Năng Lượng Việt Nam vào năm 2016, Tiến sĩ Nguyễn Thành Sơn cho rằng cần phải công bằng với thủy điện, không nên qui tội rằng lũ lụt là do thủy điện xả nước, mà thủy điện chỉ xả nước khi có nguy cơ bị vỡ đập.
Trong thực tế địa lý tại miền Trung, với những dòng sông ngắn và dốc, nguy cơ vỡ đập chỉ xuất hiện vào mùa mưa lũ, và vào lúc đó vùng đất hạ lưu đã ngập đầy nước do mưa, do đó không thể tránh khỏi chuyện lũ chồng lên lũ như mấy năm qua.
Kỹ sư Nguyễn Văn Thạnh cũng đồng ý là chuyện lũ lụt là do nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng để cho một hồ thủy điện ở miền Trung, vừa có thể giữ nước phát điện kiếm lời cho chủ đầu tư vừa phải xả nước bảo vệ đập, không xả nước gây lũ, và xả nước chống hạn trong mùa khô, là một bài toán rất khó giải, và có rất nhiều rủi ro.
Trong bài viết của Tiến sĩ Nguyễn Thành Sơn, ông có đưa ra những thuận lợi và bất lợi của thủy điện đối với nền kinh tế và đối với môi trường. Trong những bất lợi do thủy điện gây ra, ông cho biết có chuyện làm thay đổi hệ thống sinh thái ven sông, làm giảm phù sa cho nông nghiệp ở hạ lưu, nhưng ông kết luận rằng thủy điện với tư cách là một nguồn năng lượng tái tạo vẫn có nhiều thuận lợi hơn là bất lợi.
Thạc sĩ Nguyễn Huỳnh Thuật có quan điểm trái lại, ông không xếp thủy điện vào các loại năng lượng tái tạo như sức gió, năng lượng mặt trời, mà nhiều quốc gia trên thế giới đang theo đuổi, và ông không ủng hộ việc xây dựng các nhà máy thủy điện vì nó gây quá nhiều bất lợi cho môi trường.
Lịch sử xây dựng thủy điện trên thế giới đã có hai trường hợp kinh điển chứng minh cho tác hại của thủy điện.
Trường hợp thứ nhất là đập sông Nil ở Ai Cập. Đập này đã cản lưu lượng nước và phù sa về đồng bằng sông Nil, tạo điều kiện cho nước biển xâm thực vào đồng bằng, và người Ai Cập đã tốn rất nhiều tiền của mà không thể giải quyết được.
Trường hợp thứ hai là hai con sông đổ ra biển Aral thuộc vùng Trung Á bị chính quyền Liên Xô cũ ngăn lại lấy nước tưới cho những đồn điền trồng bông vải. Các con đập này làm cạn biển Aral và đảo ngược cả cuộc sống của dân chúng một vùng hết sức rộng lớn.
Riêng tại Việt Nam hiện nay chưa có những nghiên cứu đầy đủ về tác động của các đập nước lớn như Sông Đà và Trị An, nhưng ngày càng có nhiều lo ngại về các đập thủy điện trên thượng nguồn sông Mekong ở Lào và Trung Quốc, một ngày nào đó sẽ kết liễu sự sống của đồng bằng sông Cửu Long.
Tuy nhiên vẫn có những khuynh hướng ủng hộ thủy điện ở Việt Nam. Ngoài bài viết của Tiến sĩ Nguyễn Thành Sơn, gần đây trên báo Người Đô Thị, người ta thấy xuất hiện ý kiến của ông Phạm Tuấn Phan, Giám đốc điều hành Ban thư ký Ủy hội sông Mekong. Ông Phạm Tuấn Phan nói rằng thủy điện không khiến dòng sông Mekong sẽ chết.
Vì thủy điện là một loại năng lượng có vốn đầu tư rẻ tiền, Kỹ sư Nguyễn Văn Thạnh nói:
“Trong điều kiện Việt Nam, theo tôi nghĩ thì tôi vẫn ủng hộ các dự án thủy điện, nhưng Việt Nam nên minh bạch những thành phần đánh giá môi trường ra cho người dân người ta bàn luận. Thứ hai nữa là người ta phải rõ ràng giữa chuyện lợi của nhà máy thủy điện và chuyện thiệt hại như là mất rừng, hay chống lũ, để cho nó điều hòa lợi ích. Không nên vì lợi ích cục bộ của một nhóm mà ảnh hưởng đến toàn xã hội. Thì đó sẽ là điều tốt cho Việt Nam.”
Ông Thạnh nói thêm là rất dễ có những chuyện câu kết giữa doanh nghiệp và các cán bộ có thẩm quyền bằng cách là các doanh nghiệp mời những cán bộ đó giữ cổ phần trong doanh nghiệp.
Về chuyện đánh giá tác động môi trường, Thạc sĩ Nguyễn Huỳnh Thuật từng nói với đài RFA rằng những qui trình đánh giá tác động môi trường ở Việt Nam đều có đủ nhưng chỉ là hình thức, ông không biết là hiện nay chuyện đó có giảm đi hay chưa:
“Chúng ta cần học hỏi những mô hình đánh giá tác động môi trường hoàn hảo từ nước ngoài. Phải có một báo cáo đánh giá tác động môi trường chuẩn mực, rồi phải có một ban độc lập thì chúng ta mới làm được, chứ còn hiện bây giờ thì mức độ độc lập ở Việt Nam còn rất là thấp.”
Với định chế chính trị xã hội của Việt Nam hiện nay là tập trung quyền lực, chuyện những tổ chức độc lập tham gia đánh giá tác động môi trường cho các dự án thủy điện là một điều rất khó khăn.
Trong một qui trình bình thường và độc lập, qui trình đó phải có sự tham gia của người dân địa phương và một dự án thủy điện có thể bị hủy bỏ vì có nhiều điều bất lợi.
Vào ngày 12 tháng tư năm 2017, ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi và Bộ công thương Việt Nam cho phép tái khởi động dự án thủy điện Trà Khúc 1 của tỉnh này, mặc dù trước đó tin từ mạng Việt Nam Thời báo cho hay là có đến 71 ngàn dân địa phương mong muốn hủy bỏ dự án này.
No comments:
Post a Comment