Nguyễn Bá Chổi (Danlambao) - Hàng năm cứ vào cuối Tháng Tư, khi cờ đỏ, phướn đỏ cùng với những băng đỏ rực màu máu ngoài đường trương lên nhiều hơn, và trong không gian nhao nhác lên khác thường tiếng loa phường oang oang “Đại thắng mùa xuân 75”, lòng tôi lại sôi sục nhớ tới ngày tôi đi chạy giặc.
Tôi không thể nào quên được những cảm giác đen như hang Pắc Bó trong buổi sáng hôm ấy, vì chính từ đây mà tôi bắt đầu bị “Đôi dép râu dẫm nát đời trai trẻ... Nón tai bèo che khuất nẻo tương lai”.
Những ý tưởng ấy tôi chưa lần nào ghi lên giấy, vì viết ra những gì mình suy nghĩ theo “tư tưởng bác Hồ” không có gì quý hơn độc lập tự do là thằng cháu làm theo lời bác dạy này sẽ chết ngay với các đồng chóe cắt mạng của boác.
Nay đã luống tuổi rồi, tôi không tài nào nhớ hết, nhưng mỗi lần bị cái loa trước ngõ chỏ vào nhà bốc phét không biết mệt về “Ngày Giải Phóng”, lòng tôi lại nóng bừng lên do vết Phỏng...; mặc dầu tôi đã hết sức phấn đấu chữa trị bằng thuốc Cáo (cao Sắc)-đơn-hoàn-tán nhãn hiệu cầu chứng tại tòa xã hội chủ nghĩa NQ.36 HGHH ròng rã 42 năm, song “nó” chẳng những không chịu “bắt da” mà ngày càng nở hoa toét loét rồi biến thành di căn, lăn tăn khắp “vùng Dải Phóng”; giờ đây tôi chỉ còn chút tia hy vọng, là chờ đến ngày đi chầu ông bà ông vải, may ra mới “có khả năng” hết hội chứng... Hồ thương (bệnh Hồ...).
Buổi mai hôm ấy, một buổi mai đầy khói mù từ những đám cháy nhiều nơi do hỏa tiễn giặc rót suốt đêm qua vào thành phố xưa nay êm ả - ngoại trừ lần Tết mậu Thân 1968. Mẹ tôi hối hả chụp tay tôi dẫn chạy về hướng Chùa Khải Đoan. Con đường Quang Trung tôi đã quen đi lại cả tỷ lần, nhưng lần này tự nhiên tôi thấy lạ. Cảnh vật chung quang tôi đều thay đổi; không phải do lòng tôi thay đổi, mà chính vì thành phố đang bị đổi chủ.
Tôi không còn thấy những chú lính trong bộ quân phục lúc nào cùng tươm tất, đầu đội cái mũ bê-rê đen lệch một bên, chân mang giày cổ cao bóng loáng, áo quần ủi hồ thẳng tắp; trông rất lịch sự, và các chú ấy hay tươi cười với những người dân đi ngược chiều mỗi khi xuống phố. Thay vào đó, hôm nay lố ngố những người ăn mặc lạ kỳ: họ đội cái thứ gì trên đầu trông giống như cái cối lật úp, lại có thứ thì y hệt cái tai bèo nhèo; áo quần thì thùng thình thụng thịnh, họ mặc mà cứ như bơi trong đống vải; chân thì mang dép tua tủa những râu; thỉnh thoảng tôi thấy có người bịt mồm bằng cái gì giống hệt như cái nịt ngực của mẹ và của chị tôi; chỉ có điều họ hoàn toàn ai cũng như ai ở chỗ bộ mặt gằm ghè, tay lăm le súng AK đầu cắm lưỡi lê nhọn hoắc, họ vừa đi vừa chỉa vào đám đông dân chúng, và dị nhất là họ nói như nói tiếng nước lạ; tôi nghe, “hiểu chết liền!”.
Dọc đường, khi thấy mấy cô cậu nhỏ trạc tuổi hốt hoảng gọi tên nhau, tôi mới sực nhớ tới cô bạn học cùng xóm và đảo mắt tìm kiếm khắp nơi nhưng không thấy, và cũng chính từ buổi sáng giặc vào thành phố thân yêu ấy đến nay đã 42 năm, tôi chẳng những không được gặp lại, mà biệt luôn tăm tích người bạn thân ái ngày xưa còn bé; để tôi vẫn mãi ân hận đến nay về buổi mai hôm ấy trong cơn hoảng loạn, tôi đã không nhớ sang rủ bạn cùng đi chạy giặc như mỗi buổi sáng tôi sang nhà rủ em đi học suốt bao năm qua (1).
Viết đến đây, bất chợt tôi “tự diễn biến, tự chuyển hóa” ra rằng, kể lại cho hết chuyện tôi đi chạy giặc 75, phải mất cả cuốn sách dày, mà ở đây thì khuôn khổ có hạn, nên tôi không thể kể “đúng quy trình” đã định như người ta “xả lũ”. Tôi chỉ biết ghi lên đây lòng cảm tạ Ơn Trên đã phù hộ gia đình tôi, sau một tháng rưỡi tròi chạy giặc, vẫn còn nguyên vẹn khi đến Thủ đô Sài Gòn, trong khi hàng trăm ngàn người đã bỏ mạng vì đói khát, bệnh tật, thú dữ, nhưng hầu hết chết vì đạn pháo của giặc. Trong đó có chuyện một người mẹ, một tay ôm đứa con nhỏ, tay kia gói gia sản chạy giặc từ Cao Nguyên, khi đến được Nha Trang (hay Tuy Hòa lâu ngày tôi không còn nhớ rõ) trên tay bà chỉ còn túi đồ: trong cơn hoảng loạn do giặc bắn và pháo xối xả vào đoàn người bà mẹ đã quẳng đi đứa con mà bà cứ nghĩ là bà quăng túi đồ để còn sức ôm con mà chạy giặc (2).
---
Ngày đó, chạy giặc thì chạy nhưng lòng tôi vẫn ấm ức thắc mắc, không hiểu nổi chuyện đã gọi là “Giải Phóng” thì cớ sao quân ấy (“Giải Phóng”) đi đến đâu là đồng bào mình tức thì bỏ của chạy lấy người trối chết khỏi nơi đó và đi về phía Quốc Gia mà Cắt mạng gọi là “Ngụy”. Sau này đối đầu vơi thực tế, tôi mới bật ngửa té ra, thì, sông có thể cạn núi có thể mòn, nhưng chạy mặt giặc CS là phản ứng tự nhiên và tất yếu của những ai còn muốn sống “sao được cho ra cái giống người” như lời cụ Tú Xương.
Tôi tưởng chạy giặc như vậy là đã xong, nhưng nào có xong đâu. Chạy cho cố rồi vẫn không thoát được cái số sống trong lòng giặc. Đã 42 năm!
15/4/2017
__________________________________
Ghi chú:
(1) Tác giả xin mượn một “tình tiết” trong bài Ban Mê Thuột - Ngày 10 tháng 3, một cuộc đời đã mất của Tác giả Vũ Đông Hà;
(2) Theo một tin phóng sự của Nhật báo Sóng Thần ngày đó.
No comments:
Post a Comment