HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Chính phủ Việt Nam vừa họp với đại diện các hiệp hội, tập đoàn, tổng công ty nhà nước để “tìm giải pháp ép nền kinh tế đạt chỉ tiêu tăng trưởng.”
Cuộc họp vừa kể diễn ra sau khi các số liệu thống kê cho thấy mức độ tăng trưởng GDP trong cả quý 1 năm 2017 chỉ đạt 5.1% so với cùng kỳ năm ngoái. Khả năng năm nay sẽ giống năm ngoái: Mức độ tăng trưởng GDP của kinh tế Việt Nam không đạt mức mà Quốc Hội đề ra (6.7%) được xem là rất lớn.
Theo tường thuật của tờ Tuổi Trẻ, ông Trịnh Đình Dũng, một trong các phó thủ tướng, người chủ trì cuộc họp vừa kể, nhấn mạnh: “Tăng trưởng kinh tế có ý nghĩa rất quan trọng.” Ông Nguyễn Xuân Cường, bộ trưởng Nông Nghiệp-Phát Triển Nông Thôn, giải thích cặn kẽ hơn, nếu tăng trưởng kinh tế không đạt mục tiêu đã đề ra thì sẽ gây ra rất nhiều hậu quả tai hại, sức ép đối với nợ nần sẽ tăng lên.
Giải pháp duy nhất được đề ra qua cuộc họp là cho phép khai thác thêm dầu thô. Bộ Công Thương ước tính, nếu khai thác thêm một triệu tấn dầu thô (hiện là 12.28 triệu tấn) và giá dầu thô trên thị trường thế giới ở mức $55/thùng thì tổng doanh thu cả năm sẽ khoảng 450,000 tỷ đồng, tăng thêm so với dự tính khoảng 12,000 tỷ đồng.
Tuy nhiên không ai dám chắc giá dầu thô trên thị trường thế giới sẽ ổn định ở mức mà chính phủ Việt Nam mong muốn. Vài năm gần đây, một trong những lý do khiến Việt Nam không cân đối được ngân sách, bội chi, phải vay mượn để chi tiêu là vì giá dầu thô trên thế giới liên tục sụt giảm.
Trong khi giới hữu trách Việt Nam loay hoay “tìm giải pháp ép nền kinh tế đạt chỉ tiêu tăng trưởng” thì Tổng Cục Thống Kê lưu ý, muốn tăng trưởng kinh tế năm nay đạt chỉ tiêu mà Quốc Hội đề ra thì mức độ tăng trưởng GDP của quý 2 tối thiểu phải là 6.2%, quý 3 phải 7.3% và quý 4 phải 7.5%.
Nói cách khác, từ nay đến cuối Tháng Sáu, nông nghiệp phải tăng trưởng hơn 3%, tăng trưởng của công nghiệp phải hơn 7%, tăng trưởng của dịch vụ cũng phải hơn 7%.
Đó là chuyện bất khả thi vì hiệu quả hoạt động của cả nông nghiệp, công nghiệp lẫn dịch vụ đều đang suy giảm.
Quý vừa qua, mức độ tăng trưởng của nông nghiệp chỉ có 2.1%, mức độ tăng trưởng của công nghiệp chỉ có 3.85% – đây là mức thấp chưa từng thấy trong vòng sáu năm vừa qua.
Tường thuật của tờ Tuổi Trẻ cho thấy, ngay cả khi chính phủ Việt Nam rất muốn thì cũng khó mà tìm ra giải pháp để “ép” kinh tế Việt Nam đạt chỉ tiêu tăng trưởng.
Chẳng hạn khi ông Dũng yêu cầu ông Đặng Thanh Hải, tổng giám đốc Tập Đoàn Than-Khoáng Sản Việt Nam (TKV), “tăng sản lượng than khai thác” giống như Tập Đoàn Dầu Khí Việt Nam (tăng sản lượng khai thác dầu thô), ông Hải thú thật, “tăng sản lượng không phải là khó, mà cái khó là không tiêu thụ được,” do chính phủ đồng ý miễn thuế nhập cảng cho than nhập cảng của ngoại quốc nên than của TKV không cạnh tranh được.
Tương tự, sau khi nghe phó thủ tướng hỏi có thể nâng mức độ tăng trưởng của ngành da giày lên hay không, ông Diệp Thành Kiệt, phó chủ tịch Hiệp Hội Da Giày Việt Nam, cho biết sản lượng của các doanh nghiệp ngoại quốc chiếm đến 81% giá trị nên mức độ tăng trưởng của ngành phụ thuộc vào khối doanh nghiệp này.(G.Đ.)
No comments:
Post a Comment