HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Chỉ trong ba tháng đầu năm nay, có 10 tàu vận tải biển của Việt Nam bị giới hữu trách hàng hải ngoại quốc tạm giữ vì vi phạm an toàn hàng hải và các quy định về môi trường.
Theo báo điện tử VNExpress, ông Nguyễn Vũ Hải, phó cục trưởng Cục Đăng Kiểm, cho biết tàu biển Việt Nam bị giới hữu trách về hàng hải của các quốc gia Á Châu-Thái Bình Dương lưu giữ trong quý I năm 2017 có chiều hướng tăng so với năm trước.
Các quốc gia này đã tổ chức 214 lượt kiểm tra tàu vận tải biển của Việt Nam và có 10 tàu bị lưu giữ do vi phạm nghiêm trọng các quy định về an toàn hàng hải (thiết bi báo cháy-chống cháy trên tàu bị hư hỏng, các trang bị hoặc thiết bị cứu sinh bị thiếu hoặc hư…) và bảo vệ môi trường. Các tàu biển này buộc phải sửa chữa, thay thế, bổ túc cho đúng quy định hàng hải.
Cơ quan này chỉ cảnh báo, trong ba năm vừa qua, tỷ lệ tàu vận tải biển của Việt Nam bị tạm giữ ngày càng cao. Cũng vì vậy, đội tàu vận tải biển Việt Nam có thể sẽ bị đưa trở lại vào danh sách đen.
Cơ quan này không giải thích tại sao những tàu bị giới hữu trách về hàng hải của các quốc gia khu vực Á Châu-Thái Bình Dương tạm giữ có thể qua mặt cơ quan này để nhổ neo ra khơi, thực hiện các chuyến hải hành.
Đội tàu vận tải biển Việt Nam đang hoạt động trên các tuyến hàng hải quốc tế hiện có 462 chiếc, qua lại chủ yếu tại các vùng biển thuộc khu vực này.
Ngoài việc bị tạm giữ, từ đầu năm đến nay, các tàu vận tải biển của Việt Nam còn đối diện với nhiều dạng rủi ro khác.
Chẳng hạn chỉ trong vòng nửa tháng từ trung tuần Tháng Hai đến thượng tuần Tháng Ba vừa qua đã có hai tàu vận tải biển của Việt Nam bị hải tặc tấn công.
Cũng theo VNExpress, ngày 19 Tháng Hai, khi vận chuyển xi măng đến Philippines, tàu Giang Hải của Công Ty Vận Tải Biển Quốc Tế, có trụ sở tại Hải Phòng, bị cướp biển khống chế ở vùng biển ngoài khơi Philippines. Ngày 20 Tháng Hai, sau khi phá hỏng toàn bộ thiết bị liên lạc, cướp biển rời khỏi tàu, mang theo bảy người trong thủy thủ đoàn 17 người, bao gồm cả thuyền trưởng, hai thuyền phó, hai thợ máy. Sau đó, những thủy thủ còn lại tìm thấy thi thể của hai trong bảy người. Cho đến nay, chưa có thêm thông tin nào về số phận của năm người còn lại.
Đến ngày 5 Tháng Ba, tới lượt tàu vận tải MV Phu An bị hải tặc tấn công ở ngoài khơi đảo Pulau Boan, thuộc bang Sabah, Malaysia, khiến thuyền trưởng MV Phu An vừa cho tàu chuyển hướng, vừa gửi tín hiệu cầu cứu. Nhờ Hải Quân Malaysia xuất hiện kịp thời, MV Phu An may mắn thoát khỏi tay hải tặc.
Khoảng ba tuần sau, rạng sáng 28 Tháng Ba, tàu Hải Thành 26, trọng tải 3,000 tấn, với thủy thủ đoàn có 11 thành viên, đang chở clinker từ Hải Phòng đến Cần Thơ thì bị đâm gãy làm đôi rồi chìm ngay lập tức tại vùng biển cách thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận, khoảng 9 hải lý và cách thành phố Vũng Tàu khoảng 44 hải lý.
Lực lượng Tìm Kiếm-Cứu Nạn của Việt Nam chỉ vớt được hai thành viên trong thủy thủ đoàn (một là thuyền trưởng, một là sĩ quan giám sát trên boong) trôi giạt trên biển. Năm ngày sau họ mới tìm đủ thi thể chín thành viên mất tích bị kẹt trong lòng con tàu chìm. Giới hữu trách Việt Nam xác định thủ phạm đâm chìm tàu Hải Thành 26 là tàu Petrolimex 14 thuộc Tập Đoàn Dầu Khí Việt Nam. (G.Đ.)
No comments:
Post a Comment