Nhiều doanh nghiệp Việt Nam chỉ muốn nhỏ mãi, để “vô hình” trước mắt các cơ quan kiểm soát của nhà cầm quyền CSVN, bao gồm thanh tra và thuế vụ.
Đó là ý kiến của ông Vũ Thành Tự Anh thuộc chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright ở Sài Gòn. Theo báo VietNamNet Bridge hôm Thứ Bảy 15/04, chuyên gia kinh tế này tin rằng, nền kinh tế Việt Nam cần một tầng lớp doanh nghiệp cỡ vừa, để làm cầu nối giữa các doanh nghiệp nhỏ và các tập đoàn lớn. Hiện nay số doanh nghiệp vừa chỉ chiếm khoảng 2% tổng số doanh nghiệp trong nước, không thể làm cầu nối giữa khối 96% doanh nghiệp nhỏ và khối 2% tập đoàn lớn.
Theo ông Anh, nguyên do là môi trường kinh doanh ở Việt Nam hiện nay vẫn chưa thuận lợi đối với các doanh nghiệp vừa. Chuyên gia này chỉ rõ, chính các thứ “phí bôi trơn”, tức các khoản lo lót nộp cho guồng máy công quyền để làm thủ tục giấy tờ, đã làm các chủ doanh nghiệp nhỏ nản lòng. Trở thành doanh nghiệp cỡ vừa có nghĩa là họ sẽ phải có giấy phép, và trở thành đích nhắm cho các thanh tra viên, cơ quan thuế vụ và cả những cơ quan tiện ích địa phương như cứu hỏa.
Theo một báo cáo của Phòng Thương Mại Và Công Nghiệp Việt Nam VCCI, hai phần ba các doanh nghiệp cho biết đã phải bỏ ra từ 5 đến 10% doanh thu để làm “phí bôi trơn”. “Phí bôi trơn” ở Việt Nam không ngừng tăng trong các năm qua. Tỉ lệ doanh nghiệp trả “phí bôi trơn” đã tăng từ 50% vào năm 2013 lên tới 66% vào năm 2016. Trong khi đó, trong giai đoạn từ 2014 đến 2016, có từ 9 đến 11% các doanh nghiệp cho biết “phí bôi trơn” chiếm hơn 10% tổng doanh thu của họ, cao hơn con số 6 đến 8% của giai đoạn 5 năm trước đó. Theo ông Nguyễn Thành Tự Anh thuộc chương trình Fulbright, đây chính là lý do hầu hết doanh nghiệp nhỏ ở Việt Nam không muốn lớn lên để trở thành doanh nghiệp vừa.
Huy Lam / SBTN
No comments:
Post a Comment