Wednesday, March 29, 2017

ASEAN – Trung Quốc họp về Bộ Quy Tắc Ứng Xử trên Biển Đông

Ngày 19 Tháng Giêng 2017, người dân tại Hà Nội tưởng niệm 74 tử sĩ VNCH đã nằm lại trên biển Hoàng Sa sau trận hải chiến với hải quân Trung Quốc ngày 19 Tháng Giêng 1974. (Hình: Getty Images)
PHNOM PENH (NV) – Các nước ASEAN họp với Trung Quốc tại thủ đô Phnom Penh, Cambodia, với hy vọng đạt được những thỏa thuận về bản dự thảo sơ khởi của Bộ Quy Tắc Ứng Xử Trên Biển Đông.
Cuộc họp diễn ra vào các ngày Thứ Tư 29 và Thứ Năm 30 Tháng Ba 2017 theo sự đề nghị của Trung Quốc cho một Bộ Quy Tắc Ứng Xử (COC) vốn đã bị trì hoãn suốt 15 năm qua vì sự chống đối từ Bắc Kinh, không muốn thảo luận cho tới khi họ đã cài cắm được những căn cứ quân sự khổng lồ trên Biển Đông.
Tuy là thủ phạm trì hoãn thảo luận cho Bộ Quy Tắc Ứng Xử trên Biển Đông, tờ Hoàn Cầu Thời Báo viện dẫn lời Li Kaisheng (Lý Khải Sinh) của Viện Hoa Học Xã Hội ở Thượng Hải tuyên truyền rằng Bắc Kinh đã thúc đẩy dự thảo sau cùng của bộ Quy Tắc Ứng Xử từ năm 2013 đến nay.
Vì quyền lợi và chủ đích khác nhau, bao nhiêu lần họp trước đều không có kết quả. Nay bản dự thảo này, nếu đạt được, có thể giảm bớt căng thẳng hay không khi mà âu lo về tham vọng bá quyền bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông vẫn còn nguyên đó.
Bộ Quy Tắc Ứng Xử trên Biển Đông bao gồm các mặt từ ngăn ngừa và giảm thiểu ảnh hưởng do các thảm họa thiên nhiên và tai nạn, cấp cứu trên biển, bảo vệ môi trường, nghiên cứu sự đa dạng của hải dương, khảo cứu khoa học, an toàn hàng hải.
Vấn đề an toàn hàng hải là mấu chốt của các bất đồng vì khi đã trở thành một thỏa thuận quốc tế và có hiệu lực, ràng buộc các nước thuân theo. Nó sẽ kềm chế các hành động của các nước có tranh chấp hầu duy trì sự ổn định và anh ninh trong khu vực. Tuy nhiên, nếu lời lẽ vẫn chỉ rất tổng quát và mơ hồ trong khi Bắc Kinh vẫn cả quyết chủ quyền lãnh thổ của họ trên Biển Đông theo hình “Lưỡi Bò”, dù đã bị Tòa Trọng Tài Quốc Tế bác bỏ, nó sẽ để ngỏ cho Bắc Kinh giải thích thỏa hiệp theo chủ trương của họ mỗi khi có hành động gì bị các nước khác chống đối.
Bắc Kinh từng ngang ngược chống chế cho hành động bồi đắp 7 đảo nhân tạo tại quần đảo Trường Sa là họ có quyền làm bất cứ gì trong phạm vi chủ quyền lãnh thổ của họ “có từ cổ xưa” dù mới cướp của Việt Nam từ thập niên 1980.
Tháng trước, vào các ngày 20 và 21 Tháng Hai 2017, Hội nghị thu hẹp cấp bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đã được tổ chức tại Philippines, nước hiện đang làm chủ tịch luân phiên Hiệp hội các nước ASEAN.
Trong hội nghị này, các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đã âu lo về diễn tiến tình hình trên Biển Đông có thể làm gia tăng căng thẳng và suy giảm lòng tin giữa các nước với nhau. Họ đồng thời kêu gọi các bên không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, phù hợp với luật pháp quốc tế.
Sau cuộc họp vừa kể, ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay nói với báo chí là ông tin tưởng dự thảo khung cho Bộ Quy Tắc Ứng Xử trên Biển Đông hy vọng đạt được khoảng giữa năm nay hay ít lâu sau đó vì “tất cả các bên gồm cả các thành viên ASEAN và Trung Quốc đều thúc đẩy mạnh”.
Bên lề cuộc họp quốc hội Trung Quốc, ngày 8 Tháng Ba 2017, Ngoại trưởng Vương Nghị khoe rằng “Cuối tháng Hai vừa qua, nhóm làm việc chung Trung Quốc – ASEAN đã đạt tiến bộ rõ ràng trong việc tham vấn và đưa ra dự thảo khung đầu tiên Bộ quy tắc ứng xử trên Nam Hải” mà ông ta nói “Cả Trung Quốc và tất cả các nước Asean đều rất hài lòng” về bản dự thảo.
Trong khi ASEAN và Trung Quốc họp tại Cambodia cho một Bộ Quy Tắc Ứng Xử, tin mấy ngày qua cho hay hoạt động xây dựng các cơ sở, tòa nhà cho các căn cứ quân sự mà Trung Quốc xây dựng tại các đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa đã hoàn tất, đặc biệt là tại ba đảo nhân tạo có phi trường cỡ lớn.
Các loại vũ khí từ máy bay chiến đấu, máy bay ném bom đến các loại hỏa tiễn phòng thủ cũng như tấn công tầm xa có thể mang tới đây để Bắc Kinh khống chế khu vực Biển Đông.
Nhiều nhà phân tích thời sự từng báo động Bắc Kinh sẽ có thể tuyên bố thiết lập “Vùng Nhận Dạng Phòng Không” trên Biển Đông khi các căn cứ quân sự của họ tại Trường Sa đã trang bị đầy đủ, sẵn sàng tác chiến. (TN)

No comments:

Post a Comment