*
Có thể nói Việt Nam là một quốc gia có vô số những ý tưởng, những đề xuất nhằm thay đổi, vinh danh, hay thậm chí chỉ để khoe mẽ với thiên hạ. Dẫu cho những ý tưởng, đề xuất này nọ mà cộng sản đưa ra nhằm mục đích gì đi nữa thì cuộc sống của người dân Việt vẫn không thay đổi theo chiều hướng tích cực. Nó gần như đã trở thành một thứ “tư duy bệnh hoạn” trong cách cai trị của nhà cầm quyền cộng sản. Cũng có thể xem đây là một chiêu trò lèo lái dư luận trước, trong và sau khi diễn ra sự kiện do cộng sản “ấp ủ”.
Thứ tư duy bệnh hoạn ấy của quan chức cộng sản đã lây lan sang những kẻ thừa tiền trong dân, (do cấu kết làm ăn với quan chức nhà sản). Những kẻ ấy cho rằng những tượng đài nghìn tỷ, những đợt bắn pháo hoa vào dịp lễ, tết, những tô hủ tiếu khủng, những chiếc bánh trưng, bánh dày khổng lồ... là thứ cần thiết. Trong khi hàng trăm, hàng ngàn, thậm chí hàng triệu con người đang khốn khổ vì đói, vì nghèo. Cái nghèo, cái đói ấy không tự nhiên đến với họ, nó được “tạo” ra bởi bè lẽ cộng sản cấu kết doanh nghiệp trong nước hay những tập đoàn kinh tế của “nước lạ” để cướp những gì có thể cướp của người dân.
Ngày 28/03/2017, có chủ đích, hàng loạt trang báo của ban tuyên giáo cộng sản đồng loạt đăng bài viết có tiêu đề: “Đề xuất đúc tượng rùa vàng 10 tấn tại hồ Hoàn Kiếm”. Người đưa ra ý tưởng này là Tạ Hồng Quân, được cho là "một công dân" Hà Nội.
"Công dân" mang tên "Hồng Quân" này đã trình UBND Hà Nội đề án và cho biết đây là điều ông đã ấp ủ từ năm 2011. "Công dân" Quân đề xuất tượng rùa vàng sẽ được thực hiện bằng chất liệu đồng và vàng nguyên chất. Rùa vàng hồ Hoàn Kiếm sẽ có chiều dài 2,5 mét, chiều cao 3,5 mét và có trọng lượng từ 6-10 tấn. Dự kiến thời gian thực hiện tượng rùa vàng mất khoảng hai năm. Kinh phí thực hiện sẽ không sử dụng ngân sách nhà nước mà sẽ huy động bằng hình thức xã hội.
Hà Nội ngàn năm văn hiến với lịch sử hào hùng trong công cuộc chống lại sự xâm lược của kẻ thủ phương Bắc. Truyền thuyết Lê Lợi sau khi đánh đuổi giặc Minh đã hoàn trả gươm thần cho thần Kim Qui cũng từ đó mà có. Đó là một câu chuyện tâm linh đã gắn liền với tư duy người dân Thủ Đô. Hồ Hoàn Kiếm với hình ảnh Tháp Rùa cũng đã trở thành biểu tượng của Hà Nội. Nếu nói về biểu tượng thì Việt Nam không hề thiếu những công trình lâu đời xứng tầm trở thành biểu tượng của quốc gia. Vấn đề là cộng sản sau khi cướp và nắm chính quyền chỉ chuyên chăm phá hoại những di tích, đập bỏ những biểu tượng đã gắn liền với dân tộc. Điển hình mới nhất là hành vi đập phá tòa nhà làm việc của chính phủ vốn là một di tích lịch sử gần 100 năm. Thay vào đó cộng sản liên tục đề xuất phải xây dựng những thứ mới mẻ mang nặng tư duy của gã nhà nghèo thích khao trương.
Không biết "Hồng Quân" này là quân cờ nào của các quan chức cộng sản, nhưng đã đưa ra một đề án có phần gây sốc rất quen thuộc của cán bộ: “hiện tại Việt Nam đang thiếu một biểu tượng nhận diện. Nếu bạn sang Singapore thì sẽ bắt gặp biểu tượng sư tử hóa rồng, đến Pháp sẽ thấy có biểu tượng Eiffel, đến Mỹ sẽ thấy tượng Nữ thần tự do... vậy còn biểu tượng nhận diện của Việt Nam là gì?”.
Không biết "Hồng Quân" đã đi đến bao nhiêu nước, hiểu được thế nào về văn hóa, lịch sử, kinh tế... của các nước. Nếu hiểu có lẽ đã không dám so sánh Việt Nam với các nước ấy. Bởi lẽ những biểu tượng của họ được xây dựng từ lịch sử hình thành và phát triển lâu đời, từ nền kinh tế vững chắc mà quốc gia họ có được. Còn Việt Nam hiện tại vẫn là một trong những quốc gia có nền kinh tế kém nhất thế giới, xếp sau cả Campuchia. Dẫu cộng sản muốn xây dựng biểu tượng gì đi nữa thì đó cũng không phải là thứ để nhìn vào khi đánh giá một quốc gia.
Nếu ý tưởng ấp ủ bao lâu của "Hồng Quân" đem lại sự ấm no, thịnh vượng cho dân tộc, cho quê hương và cho những mảnh đời khó khăn thì ắt hẳn đó là điều tốt. Tuy nhiên ý tưởng mà ông đề xuất lại mong muốn những cái nhìn mơ hồ từ sự sĩ diện hão huyền của một đất nước mà người dân đang gồng mình với món nợ công không lồ do nhà cầm quyền “trao tặng”.
Tạ Hồng Quân là người như thế nào mà có thể huy động nguồn lực xã hội để xây dựng rùa vàng hàng tấn? Tại sao báo chí nhà sản lại đồng loạt đăng bài về ý tưởng của một "công dân" mà không hề cho biết "công dân" đó hình hài ra sao, làm ăn như thế nào mà chỉ đơn thuần đó là một cái tên rất là Hồng Vệ Binh và cái tên đó được biết là ở Hà Nội. Phải chăng ý tưởng xây dựng biểu tượng rùa vàng là một trong những động thái dọn đường của các quan tham với ý đồ huy động vàng và ngoại tệ trong dân? Và muốn có biểu tượng rùa vàng thì phải xây dựng một “biểu tượng” ảo, hay chính xác hơn là "cò mồi ảo" là Tạ Hồng Quân?
30.03.2017
No comments:
Post a Comment