Ảnh: Zing News
Sau khi phỏng vấn 22,000 người trong khoảng thời gian 18 tháng từ tháng 7/2015 đến tháng 1/2017, tổ chức Minh Bạch Quốc Tế cho ra kết quả: Ấn Độ có tỷ lệ hối lộ cao nhất trong số 16 quốc gia ở Châu Á-Thái Bình Dương mà Minh Bạch Quốc Tế khảo sát, với 69% người được phỏng vấn ở Ấn Độ nói họ phải trả tiền hối lộ. Đứng thứ nhì sau Ấn Độ là Việt Nam, với khoảng 2/3 số người (tương đương 65%) đã phải hối lộ khi tiếp cận các dịch vụ công.
Kết quả của Minh Bạch Quốc Tế về tỷ lệ 65% số người phải hối lộ ở Việt Nam lại rất tương đồng với một đánh giá được công bố vào tháng 10/2013, tại cuộc hội thảo về chống tham nhũng được tổ chức ở Hà Nội với cái tên rất kêu: “Tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp, hướng tới thúc đẩy liêm chính trong kinh doanh tại Việt Nam”. Khi đó, ông Soren Davidsen, chuyên gia Ngân hàng thế giới (WB) đã cho biết 63% doanh nghiệp Việt Nam phải trả các khoản phí không chính thức, nhằm tạo ra cơ chế ngầm để được giải quyết công việc nhanh chóng; 63% doanh nghiệp nói công chức cố tình kéo dài thời gian xử lý để gây khó dễ; 79% công chức đổ lỗi cho lương thấp là động cơ để tham nhũng…
Nhưng giới quan chức “ăn của dân không chừa thứ gì” của Việt Nam vẫn cố gắng ngụy biện bằng những con số thấp hơn hẳn. Trần Đức Lượng, Phó tổng thanh tra chính phủ Việt Nam, thanh minh rằng 70% số trường hợp đưa hối lộ là do doanh nghiệp chủ động thực hiện; chỉ có 30% số trường hợp doanh nghiệp đưa hối lộ là do công chức gợi ý, nhũng nhiễu.
Thanh tra chính phủ lại là một trong những cơ quan bị công luận và người dân chỉ trích nhiều nhất, bởi trong nhiều năm qua, cơ quan này đã rất ít khi “phát hiện tham nhũng”.
Cũng tại cuộc hội thảo về chống tham nhũng ở Hà Nội vào năm 2013, ông Davidsen đã nêu ra những con số chứng minh rất rõ xu hướng “hành là chính”: nếu như năm 2005, 56% doanh nghiệp cho biết có hiện tượng kéo dài thời gian giải quyết công việc, thì năm 2012 tăng lên tới 67%. Đối với chuyện giải thích không rõ để cố tình bắt lỗi doanh nghiệp, năm 2005 khoảng 45%, thì năm 2012 tăng lên 66%. Đối với chuyện bám vào các quy định không chặt chẽ để bắt bí doanh nghiệp thì năm 2005 khoảng 39%, năm 2012 tăng lên 54%. Còn đưa thông tin hù dọa gây sức ép tăng từ 16% lên 23% vào năm 2012…
Bà Trần Thị Lan Hương, chuyên gia của Ngân Hàng Thế Giới, cũng nêu ra một kết luận chi tiết: “Các ngành, lĩnh vực tham nhũng nhất theo góc nhìn của doanh nghiệp gồm: cảnh sát giao thông; quản lý đất đai; xây dựng; hải quan; y tế và thuế…”.
Dẫn số liệu từ khảo sát tham nhũng từ góc nhìn của người dân, doanh nghiệp và cán bộ, công chức, viên chức do Thanh tra Chính phủ và WB công bố vào năm ngoái, ông Davidsen kết luận: từ năm 2005 đến năm 2012, tình trạng tham nhũng của công chức không được cải thiện, mà ngày càng tệ hại hơn.
Vô số ví dụ sống động về tham nhũng. Tập đoàn công nghiệp tàu thủy Vinashin đã trở thành tai họa cho dân nghèo Việt Nam với số nợ lên đến ít nhất 80,000 tỷ đồng, đủ xây dựng 214,000 phòng học, hoặc 53,000 trạm xá xã…
Còn trước đó nữa, không ai có thể lãng quên những vụ tham nhũng chấn động liên quan trực tiếp đến viện trợ ODA như PMU 18, Đại lộ Đông – Tây. Những vụ việc này đều có số “lại quả” ít nhất 10% giá trị hợp đồng.
Nhưng sau này đã bật ra một phát hiện có lẽ chỉ có ở Việt Nam về tỷ lệ nâng khống, đến mức trí não bình thường của con người khó mà tưởng tượng: từ việc mua lại thiết bị lặn với giá 100 triệu đồng, Tổng giám đốc Công ty Cho thuê tài chính II (thuộc Ngân hàng Agribank) Vũ Quốc Hảo đã cùng các tòng phạm “thổi” giá lên thành 130 tỉ đồng, tức gấp đến 1,300 lần, để chia chác nhau…
Một người nước ngoài xin kín tên kể lại rằng, cứ đều đặn mỗi năm một lần, ông được mời dự những cuộc hội thảo sang trọng về chống tham nhũng hoặc bàn về giải pháp chống nạn hối lộ ở Việt Nam. Rồi cứ sau mỗi lần kết thúc hội thảo, ông lại lặng lẽ vào xe hơi, lấy khăn mù xoa chà xát lòng bàn tay. Còn khi về nhà, ông vội rửa sạch bàn tay ấy bằng ít nhất hai lớp xà bông…
Lê Dung / SBTN
No comments:
Post a Comment