Theo BBC-17 tháng 1 2017
Facebook từ chối bình luận sau khi quan chức Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam lên tiếng Facebook, YouTube cần có nghĩa vụ "hợp tác chặn thông tin xấu".
Ông Lê Quang Tự Do, Phó cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông được VietnamNet hôm 13/1 dẫn lời nói: "Các thông tin xấu, độc tràn lan hiện nay trên mạng xã hội, gây nhiễu loạn, sai, xuyên tạc, bịa đặt cung cấp gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh - chính trị, trật tự an toàn xã hội, thậm chí đe doạ đến lợi ích quốc gia."
"Đối với thông tin xấu đe dọa đến lợi ích quốc gia, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội Việt Nam thì chúng ta có biện pháp để ngăn chặn ngay, sau đó mới yêu cầu họ có biện pháp khắc phục."
"Hiện chúng ta đang cần cơ chế phối hợp với các doanh nghiệp, tổ chức nước ngoài khi cung cấp các dịch vụ, đặc biệt như dịch vụ mạng xã hội và các trang web vào Việt Nam."
"Họ phải phối hợp với Việt Nam để xử lý các thông tin xấu độc đó. Thông tư 38 giải quyết vấn đề này."
Trang mạng này nói trong tiêu đề bài báo rằng ông Tự Do ám chỉ "họ" ở đây cụ thể là Facebook và YouTube.
Thông tư 38 quy định chi tiết về việc cung cấp thông tin công cộng qua biên giới nhằm "quản lý chặt chẽ hơn các quy định về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước."
Hôm 17/1, BBC nhận được email phản hồi của bà Đào Thùy Linh, công ty T&A Ogilvy, đơn vị đại diện truyền thông cho Facebook tại Việt Nam.
"Chúng tôi cảm kích vì quý đài hỏi ý kiến của chúng tôi về sự việc liên quan Thông tư 38 gần đây của Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam," email viết.
"Tuy nhiên, chúng tôi không có bất kỳ ý kiến hoặc thông tin để chia sẻ vào thời điểm này."
'Mạnh miệng'
Trả lời BBC từ TP Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Hồng Phúc, một chuyên gia công nghệ thông tin, nói: "Mỗi lần có một quan chức truyền thông mới lên thì lại có phát biểu mạnh miệng về việc chặn thông tin xấu trên mạng."
"Thông tin xấu ở đây có thể hiểu là những nội dung mà lãnh đạo Việt Nam xem là nhạy cảm, không muốn thấy trên mạng xã hội."
"Tuy vậy, những nội dung này không được các hãng Facebook hay Google [hãng thâu tóm YouTube] tạo ra mà do người dùng và được hiển thị theo thuật toán riêng của các hãng."
"Vì thế, chính quyền muốn chặn nội dung thì buộc các hãng phải thay đổi thuật toán."
"Điều này khó về mặt kỹ thuật."
"Hơn nữa, thị trường Việt Nam quá nhỏ bé không đủ giá trị thương mại như Trung Quốc để những hãng này phải làm theo yêu cầu đó."
"Mặt khác, cũng cần lưu ý rằng đến nay, cả Facebook lẫn Google đều không có văn phòng chính thức ở Việt Nam mà chỉ thông qua một số cá nhân nên mức độ chế tài họ rất ít."
Trao đổi với BBC từ Hà Nội, ông Nguyễn Đình Hà, luật gia, cựu ứng viên tự đề cử đại biểu Quốc hội, nói: "Theo tôi, Thông tư 38 chỉ mang tính quản lý hành chính trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam, chứ khó có hiệu lực với các hãng có trụ sở ở nước ngoài, không đặt máy chủ trong lãnh thổ Việt nam như Facebook, Google trên thực tế."
"Có thể quan chức đưa ra thông tin này chủ yếu để tạo cái cớ nhằm xử lý một số cá nhân hoạt động dân chủ đang có tài khoản Facebook và YouTube."
"Cơ quan an ninh và Ban Tuyên giáo biết những người này và muốn các hãng tác động đến tài khoản mạng xã hội của họ để chặn những post và clip bị chính quyền cho là bất lợi, phản động."
"Cho nên Thông tư 38 cũng giống như Điều 258 Bộ luật Hình sự thôi."
"Đó là chưa kể xét ở khía cạnh khác, chặn thông tin của người dùng cũng là việc vi phạm nhân quyền."
Theo luật nước ngoài, tài khoản mạng xã hội thuộc nhóm bí mật đời tư của cá nhân, được bảo vệ và bất khả xâm phạm."
"Nếu muốn chặn thông tin của người dùng mạng xã hội, Việt Nam đang xâm hại quyền của khách hàng các hãng Facebook, Google."
"Tôi nghĩ chính quyền nên bãi bỏ những luật, điều mơ hồ ảnh hưởng đến quyền tự do ngôn luận của người dân."
"Thay vào đó, họ nên đối thoại để tiếp nhận những tiếng nói phản biện, đóng góp cho xã hội tốt đẹp hơn," ông Hà nói với BBC.
No comments:
Post a Comment