Sunday, January 15, 2017

Ý tưởng ‘gộp Tết tây với Tết ta’: ĐBQH lên tiếng

Theo Người đưa tin-15-01-2017
 Nhiều ý kiến ĐBQH phản đối ý tưởng gộp Tết tây với Tết ta. ĐB Lưu Bình Nhưỡng cho rằng: “Tết Nguyên đán là bản sắc văn hóa, phong tục, tập quán ngàn đời, không phải ngày nghỉ đơn thuần”.
Ý tưởng ‘gộp Tết tây với Tết ta’: ĐBQH lên tiếng
Dư luận xã hội đang “nóng” lên chuyện gộp Tết tây với Tết ta. Ý tưởng gộp Tết Nguyên đán cổ truyền với Tết tây dương lịch đang tạo ra một diễn đàn tranh luận sôi nổi. Có ý kiến đồng tình nhưng cũng có những ý kiến phản đối gay gắt.
Trao đổi với PV, nhiều đại biểu Quốc hội thẳng thắn bày tỏ sự không đồng tình với ý tưởng này và cho rằng, Tết Nguyên đán còn mang nhiều ý nghĩa về mặt văn hóa, tâm linh, không thể gộp vào Tết tây một cách dễ dàng được.
ĐB Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, ý tưởng đó là điều không thể chấp nhận được. “Tết tây là Tết tây mà Tết ta là Tết ta, làm sao gộp hai cái Tết hoàn toàn khác nhau vào một được. Ai nghĩ đến việc gộp 2 cái Tết lại với nhau là không đúng”, ĐB Bùi Sỹ Lợi nêu quan điểm.
ĐB Bùi Sỹ Lợi cũng cho rằng, dịp Tết tây, chúng ta có nghỉ hay không là việc khác, tại sao phải suy nghĩ đến việc gộp lại? “Nếu muốn gộp 2 cái Tết đó vào với nhau thì tại sao không gộp tất cả những ngày lễ, tết vào làm một luôn”, ông Lợi bày tỏ sự không đồng tình với ý tưởng gộp Tết tây vào với Tết ta.
ĐB Bùi Sỹ Lợi phân tích thêm, Tết tây là dịp nghỉ lễ tính theo năm dương lịch. Còn ở Việt Nam, truyền thống từ xa xưa, hàng nghìn năm của cha ông để lại là ăn Tết theo lịch âm. Việc nghỉ Tết tây hay không lại là việc khác. Nếu bỏ Tết ta là quay lưng lại với truyền thống. Kể cả hỏi trẻ con, chúng cũng không đồng tình. “Nhập hai cái Tết lại với nhau đâu phải điều dễ dàng”, vị ĐBQH nói.
ĐB Bùi Sỹ Lợi cũng nêu ý kiến, không nên ngụy biện lý do Tết ta kéo dài ảnh hưởng đến nền kinh tế, khiến kinh tế trì trệ để gộp Tết tây với Tết ta. “Tại sao nhiều nước họ nghỉ dài ngày nhưng kinh tế vẫn phát triển. Vấn đề ở đây là năng suất lao động chứ không phải kéo dài thời gian làm việc”, ĐB Bùi Sỹ Lợi nhìn nhận.
%image_alt%
ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng.
Đồng tình với quan điểm phản đối ý tưởng gộp Tết ta vào Tết tây, ĐB Lưu Bình Nhưỡng, Ủy viên thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng: “Tết Tây là một dấu mốc thời gian chung trên toàn thế giới, không thể so sánh rồi gộp với Tết cổ truyền của dân tộc ta được.
Tết cổ truyền là Tết đã có từ ngàn đời của Việt Nam. Tết cổ truyền không chỉ đơn thuần là ngày nghỉ mà còn là Tết của toàn dân tộc, là dịp sum họp gia đình, ngày để người đi xa có dịp về gần. Giữa vấn đề phong tục tập quán và dấu mốc thời gian của đời sống xã hội loài người là hoàn toàn khác nhau, không thể gộp vào nhau được.
Chúng ta đừng nghĩ đơn giản rằng, cứ gộp 2 cái Tết vào là được. Tại sao không gộp tất cả những ngày lễ, tết trong năm và trên thế giới vào làm một, là bởi mỗi ngày lễ, tết như thế đều mang bản sắc riêng. Như Tết Nguyên đán còn mang hồn cốt, đặc trưng riêng của dân tộc Việt Nam, là bản sắc văn hóa, phong tục, tập quán làm sao bỏ được.
Nếu gộp vào thì không còn ý nghĩa Tết cổ truyền nữa. Điều quan trọng là chúng ta phải hiểu được ý nghĩa ngày Tết truyền thống của dân tộc và những giá trị sâu trong nó. Cá nhân tôi không đồng tình với ý tưởng gộp Tết tây với Tết ta”.
Cũng theo ĐB Lưu Bình Nhưỡng: “Đừng nghĩ gộp vào chỉ để nghỉ dài hơn. Tết Nguyên đán còn là văn hóa, là bản sắc, là tâm linh người Việt. Chúng ta đừng nghĩ đó chỉ là một dịp nghỉ ngơi đơn thuần.
Tôi không nghĩ nghỉ Tết âm lịch dài ngày sẽ khiến kinh tế trì trệ. Vì nhìn rộng ra, Tết cũng là thời điểm kích cầu kinh tế. Tất nhiên cái gì cũng có hai mặt, nhưng nếu chưa phù hợp có thể điều chỉnh, không thể gộp Tết ta với Tết tây. Như thế là vô lý”.

Dương Thu

No comments:

Post a Comment