Phạm Đoan Trang (Danlambao) - Tháng 4/2014, trong một cuộc gặp gỡ cộng đồng người Việt ở Bắc Mỹ, tôi để ý có một người khoảng ngoài 60 tuổi, vẻ mặt khắc khổ, chỉ lừ lừ nhìn diễn giả suốt buổi mà không nói năng gì.
Tới giờ nghỉ, ông đến gần tôi, nhìn thẳng vào mặt tôi và hỏi:
- Tại sao cô đến đây được?
Tôi ngẩn ra, chưa hiểu câu hỏi là gì. Ông dằn giọng:
- Tại sao cô không bị chặn? Tại sao cô ra ngoài được? Tại sao cô sang được đây? Cô là an ninh nằm vùng phải không?
Tôi có cảm giác như bị một cái tát vào mặt. Như vậy có nghĩa là tất cả những lời chúng tôi đã nói trước đó, bằng tất cả lòng nhiệt tình và niềm tin, về tình hình Việt Nam, về những cơ hội bị bỏ lỡ, về những mong ước bị vùi dập của tuổi trẻ, về cảnh sống cực nhọc, không dám nghĩ đến tương lai của những bạn trẻ “trót” quan tâm đến xã hội... Tất cả những lời đó đều chẳng lọt vào tai người đàn ông ấy. Ông chỉ thấy một điều, rằng tôi sinh ra và lớn lên ở miền Bắc cộng sản, tôi ra được nước ngoài mà không bị an ninh chặn giữ, như vậy thì tôi là cộng sản, là an ninh nằm vùng, chỉ thế thôi.
Sau khi hỏi tôi xối xả mấy câu đó, ông quay ngoắt đi. Ông bỏ về, không dự họp nữa.
Tôi cũng tức giận không kém.
Về sau, tôi mới biết rằng trong cộng đồng mà tôi gặp hôm đó, có những người đi tù của “bên thắng cuộc” tới cả chục năm, có những người chết cả mấy đứa con trên đường vượt biên, thậm chí có người đã trở thành gần như điên loạn vì phải bất lực chứng kiến cảnh vợ con mình bị hiếp bị giết trên tàu.
* * *
Tôi cũng đã ở cùng những con người mà tấm lòng của họ, tôi chỉ có thể nói rằng nó trong vắt như kim cương. Bao nhiêu năm xa xứ, cuộc sống đã bị ép vào guồng của bên đó - ngày đi làm, tối mịt mới về nhà, xung quanh là dân Mỹ, truyền hình, sách báo và giải trí Mỹ; hàng ngày gần như chỉ nói tiếng Anh, hàng tuần phải lo doanh số cho công ty, cửa hàng mình. Nhưng họ vẫn nhớ đến Việt Nam, thậm chí chỉ nghĩ đến Việt Nam mà thôi. Họ luôn nghĩ về những người Việt ở trong nước đang phải chịu đựng một chính thể ngu dốt đến tăm tối. Càng sống đầy đủ về vật chất, càng được ăn đồ ngon, mặc quần áo đẹp (và rẻ), hít thở không khí trong lành, sống ở những căn nhà mà dân trong nước mơ đến kiếp sau cũng không thấy, v.v. họ chỉ càng thương người Việt, thương Việt Nam hơn.
Những con người đó thật sự chẳng tiếc gì với tôi. Họ nuôi tôi suốt thời gian tôi ở Mỹ, đến mức đến giờ tôi vẫn không biết động tác “quẹt thẻ” nó như thế nào. Họ cho tôi tới lọ nước lau kính mắt, bộ dây đàn guitar, thuốc thang thì đương nhiên rồi, đến cả quần áo lót cũng dúi cho tôi, v.v... Và thương tôi thế nào thì họ cũng thương những người hoạt động trong nước y như vậy. Họ không ngó đến truyền hình, báo chí Mỹ; lúc nào họ cũng chỉ chăm chú “canh Facebook” đọc tin tức quê nhà, xem có anh chị em nào bị công an bắt, đánh đập không. Nghe tin có người bị an ninh hành hung, họ khóc, chửi cộng sản một hồi, lau nước mắt, rồi lại lật đật ra phố, đi gửi tiền về cho các nạn nhân.
Nhưng họ cũng yêu cờ vàng. “Cờ về chiều tung bay phấp phới, gợi lòng này thương thương nhớ nhớ…”. Đó là cờ vàng. Với những người Việt đó, lá cờ vàng là quốc kỳ của cộng đồng hải ngoại, biểu tượng của tự do-dân chủ, của một thời đã mất ở Việt Nam mà bây giờ chúng ta phải xây dựng lại - tức là giành lại tự do cho đất nước. Ngày Tết, ngày lễ, và ngày “quốc hận 30/4”, họ treo cờ vàng khắp nơi.
Tôi biết nói gì hơn về những con người ấy? Tôi nói họ cực đoan được sao?
Họ là một phần của Việt Nam, một phần của phong trào dân chủ ở Việt Nam, và cũng là một phần của chính cuộc đời tôi.
Nếu không có họ, chắc tôi sẽ nghĩ xấu về cộng đồng hải ngoại, tôi sẽ la lối, căm ghét sự cực đoan, sẽ sợ cờ vàng, sợ “bọn phản động lưu vong”… giống như rất nhiều du học sinh khác.
Và cũng rất có thể là nếu không có họ, tôi đã chẳng về lại Việt Nam, chẳng tham gia đấu tranh làm gì. Nhưng tôi đã về, bởi vì tôi muốn họ cũng sẽ có ngày trở về Việt Nam, và tôi mong muốn sẽ được gặp lại họ - ở đâu cũng được, nhưng là khi đất nước này đã tự do.
No comments:
Post a Comment