Xã luận bán nguyệt san Tự do Ngôn luận - Hôm 18-10, tại Hà Nội đã tổ chức “Hội thảo khoa học quốc gia ‘Sửa đổi lối làm việc - Những vấn đề lý luận và thực tiễn’” nhân kỷ niệm 70 năm ra đời cuốn “Sửa đổi lối làm việc” (10-1947) của Hồ Chí Minh. Phó Giáo sư Nguyễn Trọng Phúc, cựu viện trưởng Viện Lịch sử Đảng nhân dịp này cho biết: “Trong tác phẩm ‘Sửa đổi lối làm việc’, Chủ tịch HCM đã tổng kết kinh nghiệm và đề ra nội dung căn bản, toàn diện về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Hồ Chủ tịch thẳng thắn cho rằng trong Đảng đã xuất hiện những thứ bệnh nguy hiểm như tham lam, lười biếng, kiêu ngạo, hiếu danh, thiếu kỷ luật, óc hẹp hòi, óc địa phương, hữu danh vô thực, kéo bè kéo cánh, chủ nghĩa cá nhân... Những tật bệnh đó khiến Đảng xệch xoạc, ý kiến lung tung, kỷ luật lỏng lẻo, công việc bê trễ, chính sách không được thi hành triệt để, Đảng xa rời dân chúng”.
Nhắc lại những lời ấy, dĩ nhiên cựu quan chức Viện Lịch sử đảng nhắm tới tình trạng suy thoái đạo đức ngày càng tăng tốc trong toàn đảng, kéo theo trong toàn xã hội, bất chấp phong trào “Học tập tấm gương đạo đức HCM” đã được đảng phát động hơn cả chục năm rồi với không biết bao tiền của! Kết luận, ông Nguyễn Trọng Phúc đề nghị: “Để huấn luyện được cán bộ, tôi đề nghị lập Viện Đạo đức học, trực thuộc Học viện Chính trị Quốc gia HCM. Viện này sẽ dạy cán bộ đạo đức và những chuẩn mực đạo đức trong Đảng. Giảng viên thì phải tuyển chọn những người mẫu mực về để giảng dạy”.
Đề nghị này đã gây ra một trận bão dư luận. Hôm 19-10-2017, trả lời BBC từ Hà Nội, ông Nguyễn Khắc Mai, cựu Vụ trưởng Nghiên cứu, Ban Dân vận Trung ương đảng, nói: “Bàn về vấn đề đạo đức của người dân và quan chức là quan tâm lớn của toàn xã hội vì đạo đức hiện nay suy đồi lắm. Tuy nhiên, việc thành lập một viện về đạo đức để giải quyết những vấn đề trầm kha như vậy như dán cao chữa bệnh ung thư, vừa tốn kém, vừa hời hợt và chỉ mang tính hình thức. Tôi phản đối đề xuất này. Lâu nay, các đảng viên, nếu họ muốn thực sự học về đạo đức thì đã có Điều lệ Đảng. Trước những bức xúc của xã hội về đạo đức cán bộ suy thoái trầm trọng mà giải pháp là cho thành lập viện đạo đức mang tính hình thức như thế theo tôi chỉ nhằm để đánh lừa, ru ngủ công luận mà thôi”. Tuy nhiên cũng có người bày tỏ hy vọng. Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia HCM Nguyễn Xuân Thắng đánh giá cao đề xuất của PGS Phúc. Ông cho biết: “Hiện các lớp bồi dưỡng, phần lớn đảng viên rất tốt, nhưng một số chưa bỏ thói hư tư lợi, kiêu ngạo, xa hoa, bè phái, và có nguy cơ lây lan. Việc quan trọng là phải nhận ra, có cơ chế, chế tài để tự gột rửa, như Tổng bí thư nói nếu đã nhúng chàm phải tự gột rửa.” (x. Tiền Phong, 18-10-2017)
Vấn đề là có thể dạy được đạo đức đúng nghĩa cho người cộng sản không? Hay nói cách khác, người cộng sản đúng nghĩa có chịu học sống đạo đức không?
Trong thế kỷ 20, ba nhà tâm lý học (đúng ra là phân tâm học) hàng đầu: Sigmund Freud, Gustav Jung, Alfred Adler đã khám phá ra trong con người có 3 bản năng quan trọng: truyền sinh, sinh tồn và quyền lực. Đây là những động lực cần thiết cho cuộc sống của mỗi cá nhân và toàn thể nhân loại: bản năng sinh tồn thúc đẩy con người tìm mọi cách để sống còn, bản năng truyền sinh thúc đẩy con người làm sao để tiếp tục tồn tại sau khi mình đã khuất, bản năng quyền lực thúc đẩy con người tìm đủ phương để bản thân được tôn trọng và ảnh hưởng của mình được công nhận. Nhưng khổ nỗi, ba bản năng ấy dễ lồng lộn lên: người ta có thể vì sinh tồn mà giết nhau do giành giật của cải, người ta có thể bị bản năng truyền sinh thúc đẩy đi tìm lạc thú nhục dục bằng cách cưỡng hiếp, đa dâm sa đọa, người ta có thể vì ham quyền lực mà thống trị và đàn áp tha nhân. Các tôn giáo, từ hàng ngàn năm, đã ý thức được mối nguy này, nên đã dùng nhiều phương cách để chế ngự, điều khiển ba động lực đó. Điều này thấy rõ trong cuộc sống các nhà tu hành vốn luôn tập luyện để sống khó nghèo, khiết tịnh và vâng phục.
Trong ba bản năng ấy, mạnh nhất là lâu dài nhất vẫn là bản năng quyền lực (vì vẫn có những kẻ tự nhiên ưa sống giản đơn và ít mơ tưởng chuyện dục tình). Ngoài ra, thỏa mãn được bản năng này cách vô độ (nghĩa là nắm được quyền thống trị trên nhiều người) thì sẽ dễ thỏa mãn hai bản năng còn lại. Những tên bạo chúa, những nhà độc tài trong lịch sử nhân loại là minh chứng hùng hồn cho chuyện đó. Và cái chế độ làm môi trường thuận lợi nhất cho việc cổ vũ, tung hoành và thỏa mãn bản năng quyền lực (rồi tạo điều kiện cho hai bản năng kia) chính là chế độ toàn trị độc tài và duy vật vô thần cộng sản. Toàn trị độc tài cộng sản nghĩa là thu tóm hết mọi sức mạnh chính trị, mọi tài nguyên đất nước và mọi tâm ý công dân vào trong tay đảng, trong tay bộ chính trị đảng, thậm chí trong tay “người số một” (kiểu nói của Stalin) của bộ chính trị. Và một khi chẳng còn có người nào, tập thể nào, tổ chức nào, đảng phái nào tranh giành được quyền lực với mình (đang khi trong lương tâm chẳng hề có ông Trời, ông Chúa, ông Phật nào cả) thì mình có thể thỏa mãn mọi ham muốn vật chất và ham mê tình dục, dù có thể gây khốn khổ cho đồng bào và đất nước. Mao Trạch Đông của Trung Quốc, Tito của Nam Tư, Fidel Castro của Cuba và Hồ Chí Minh của Việt Nam… là những điển hình. Lực lượng đảng viên, cán bộ, quan chức đang là các “ông trời con”, các “tư bản đỏ”, các “kẻ hái hoa” tại Việt Nam hiện thời là những minh họa sống động. Đạo đức của họ nằm ở chỗ nào?
Có người sẽ nói: Đạo đức của họ là đạo đức cách mạng, đạo đức xã hội chủ nghĩa, như chính “bác Hồ” (cả bác Mao nữa) đã dạy lẫn nêu gương và bao nhiêu “học trò xuất sắc” của Bác đang tiếp nối. Tổng kết lịch sử các đảng Cộng sản trên toàn thế giới kể từ 100 năm nay, đạo đức đó có thể tóm gọn trong hai nguyên tắc, hai lề luật cơ bản: cứu cánh biện minh cho phương tiện, và mọi cái gì có lợi cho đảng, cho cách mạng cộng sản đều tốt hảo. Thành thử nhân loại kể từ 1917 đến nay đã chứng kiến được sự tung hoành của bạo lực và gian dối, đàn áp và lường gạt, cướp của và giết người (ít nhất 100 triệu) trong những đất nước đặt Lenin, Stalin, Mao Trạch Đông, Kim Nhật Thành, Tito, Fidel Castro, Jivkov, Hồ Chí Minh làm gương mẫu cho phẩm hạnh, trong những quốc gia dày đặc biểu ngữ “Đảng là đạo đức, là văn minh” dựng bên những mảnh ruộng của nông dân bị cán bộ cướp, bên những khu ổ chuột của công nhân bị tư bản đỏ bóc lột, bên những ngôi chùa bị nhà nước san bằng, bên những giáo xứ bị Hội Cờ đỏ xông vào chửi bới, đánh đập, phá hoại. Đang khi đạo đức tự nhiên và đạo đức tôn giáo đều dạy yêu thương con người và vạn vật, an hòa với tha nhân và xã hội, tôn trọng sự thật và công lý…
Có người tiếp tục bào chữa: đảng vẫn có cách để dạy đạo đức cho đảng viên đấy chứ. Đó là “bác Hồ” -noi theo sáng tạo và gương mẫu của Lênin- đã coi tự phê bình và phê bình là “thứ vũ khí thần diệu để đảng thường xuyên trong sạch, vững mạnh”. Nhân vật khai sinh ra chế độ VC này thậm chí còn ví von: “Đảng cách mạng cần tự phê bình và phê bình như ta cần không khí”, vì vậy mà “mỗi cán bộ, đảng viên phải tự kiểm điểm, tự phê bình, tự sửa chữa như mỗi ngày phải rửa mặt. Được như thế thì trong đảng sẽ không có bệnh và đảng sẽ khoẻ mạnh vô cùng”. Lê Duẩn thì tỏ ra “mộc mạc và thẳng thắn” hơn nữa: “Nhà nước ta là nhà nước xã hội chủ nghĩa, nhà nước do dân và vì dân chứ không phải là nhà nước tư bản của giai cấp tư sản. Chúng nó cần pháp luật để cai trị bóc lột nhân dân còn chúng ta là nhà nước XHCN, chúng ta không cần pháp luật. Chúng ta chỉ cần phê bình và tự phê bình là đủ.” Còn đương kim TBT Nguyễn Phú Trọng thì khẳng định: “Kiểm điểm, tự phê bình và phê bình là khâu mấu chốt, cực kỳ quan trọng” trong công tác “xây dựng đảng””. Nên sau 2 năm nắm quyền khoá đảng XI, ông ta đã triệu tập Hội nghị Trung ương 4 và ra Nghị quyết ngày 16-1-2012 gọi là “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Nhưng sau 5 năm khua chiêng đánh trống, Tổng Trọng lại cũng bẽ bàng như những kẻ tiền nhiệm nên buộc lòng phải dốc tâm vào Hội nghị Trung ương 4 khoá XII để ra Nghị quyết ngày 30-10-2016 “Về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa” trong nội bộ.” Nhưng tình trạng nước đổ đầu vịt đã khiến Bác Lú nhà ta, mới đây thôi (03-10), lại phải ra Quyết định số 99-QĐ/TW nhằm “thực hiện những nội dung, hình thức công khai để nhân dân biết, góp ý và giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện, giữ vững lập trường tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống của cấp uỷ, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên”.
Nhưng làm sao thực hiện tất cả những điều trên bằng việc phê và tự phê, khi vì vô thần, lương tâm của đảng viên không được Đấng Tối cao nào dò xét, nhắc nhở; khi vì duy vật, họ chỉ coi việc thụ hưởng của cải vật chất quan quan trọng hơn việc tô bồi những giá trị tinh thần; khi vì độc tài, họ không bị buộc phải chịu trách nhiệm trước nhân dân và các thế lực chính trị khác; khi vì toàn trị, họ coi mọi cái khác, từ con người đến tổ chức, từ văn hóa đến giáo dục, từ khoa học đến kinh tế chỉ là công cụ giúp đảng trường tri. Lừa dối, lợi dụng, thanh toán, thậm chí thanh trừng nhau trong đảng và giữa các đảng cộng sản với nhau thì ai còn lạ gì. Hiện nay cũng có nhiều đảng viên cúng bái, cầu khẩn thần phật, nhưng đó là thứ tôn giáo duy vật và duy lợi: mong được phù hộ cho thăng quan tiến chức, làm tội ác khỏi sa lưới pháp luật, chơi bời khỏi dính aids hay sida…
Người Cộng sản muốn sống đạo đức thì cần có luật bên ngoài và luật bên trong. Luật bên ngoài là luật pháp, nhưng không phải thứ luật pháp viết theo ý đảng và kẻ duy nhất giữ luật chính là nhân dân, cũng không phải là thứ luật pháp của phe mạnh nhất trong đảng như đã xảy ra nhiều lần tại các quốc gia CS. Luật pháp này phải phát sinh từ cơ chế tam quyền phân lập, có sự theo dõi từ việc biên soạn đến việc thực hành do nhân dân và do lập pháp, tư pháp, hành pháp độc lập. Luật bên trong chính là tiếng lương tâm, được hướng dẫn bởi niềm tin tôn giáo (và như thế các Giáo hội phải được tự do hành đạo và truyền đạo). Bằng không đạo đức và những chuẩn mực đạo đức được dạy tại Viện Đạo đức học, trực thuộc Học viện Chính trị Quốc gia HCM như PGS Phúc đề nghị, rốt cục cũng sẽ chỉ là thứ đạo đức cách mạng với hai nguyên tắc phi đạo đức nói trên. Và cũng sẽ chỉ là một sự lừa bịp nhân dân, theo kiểu: Đồng bào hãy vững lòng để đảng cai trị và vững tâm tin rằng đảng viên chúng tôi sẽ từ từ nên “đạo đức”, y như hãy tin chắc là sang thế kỷ 22, xã hội chủ nghĩa tốt đẹp sẽ thành tựu!!!
Xã luận bán nguyệt san Tự do Ngôn luận số 278 (01-11-2017)
No comments:
Post a Comment