Hòa Ái, phóng viên RFA 2017-11-01
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh phát biểu về xử lý 12 dự án thua lỗ trước Quốc Hội sáng 1/11/2017.Courtesy: chinhphu.vn
Nhiều vụ việc xảy ra trong thời gian gần đây liên quan đến các cơ quan thẩm quyền của Nhà nước, mà công luận cho rằng những cơ quan này không thực thi đúng pháp luật, từ địa phương cho tới trung ương.
Không tuân thủ pháp luật?
Hội Nhà báo Việt Nam vào ngày 30 tháng 10 lên tiếng về vụ việc nữ nhà báo Dương Hằng Nga bị Công an thành phố Đà Nẵng cấm xuất cảnh 3 tháng. Theo Công an Đà Nẵng thì biện pháp cấm xuất cảnh đối với bà Dương Hằng Nga là đúng quy định do đã nhận đơn của ông Phan Văn Anh Vũ khiếu nại bà Nga viết 8 bài báo, đăng trên Tạp chí Giao thông Vận tải xúc phạm lợi ích hợp pháp của công ty và danh dự cá nhân.
Ông này được nhiều người biết đến với biệt danh “Vũ Nhôm”, một nhân vật được truyền thông trong nước nhắc tên trong vụ “doanh nghiệp tặng xe bất thường” cho ông Bí thư Thành ủy Đà Nẵng- Nguyễn Xuân Anh khiến ông bị mất chức. Dân chúng địa phương cũng gọi ông Phan Văn Anh Vũ là “mafia của Đà Nẵng” vì dính líu các phi vụ làm ăn liên quan khu biệt thự ở bán đảo Sơn Trà hay khai thác gỗ…
Đài Á Châu Tự Do ghi nhận dư luận thắc mắc phải chăng Công an thành phố Đà Nẵng bị thao túng bởi đại gia “Vũ Nhôm”. Thêm một trường hợp khác mà dư luận cũng đặc biệt quan tâm là thông tin Cục trưởng Cục Chống tham nhũng-Thanh tra Chính phủ, ông Phạm Trọng Đạt nói với truyền thông trong nước rằng biện pháp kỷ luật đối với sai phạm của ông Phạm Sỹ Quý, nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên-Môi trường tỉnh Yên Bái là nghiêm minh và đúng pháp luật.
Tôi nghĩ rằng Đảng Cộng Sản Việt Nam là một tổ chức vi phạm luật hết sức nghiêm trọng. Những luật do Quốc Hội Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam đưa ra, mà Quốc Hội cũng được tạo ra từ bên trong của Đảng Cộng Sản, nhưng họ vẫn bất chấp những chuyện như vậy...Có rất nhiều các sự vi phạm khác của các cơ quan và các quan chức Nhà nước, từ trung ương cho đến cấp phường-xã-thôn
-TS Nguyễn Quang A
Ông Phạm Sỹ Quý bị thanh tra tài sản trước áp lực của công chúng đòi hỏi cần minh bạch tài sản của ông có hợp pháp hay không, trong đó bao gồm biệt phủ nguy nga tọa lạc trên khu đất rộng hơn 1,3 héc-ta.
Vào ngày 27 tháng 10, qua kết quả thanh tra, ông Phạm Sỹ Quý bị kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo với thông báo rằng ông này đã nhận ra khuyết điểm và được điều động đảm nhiệm chức vụ Phó Văn phòng Hội đồng Nhân dân tỉnh Yên Bái, vị trí tương đương phó giám đốc sở.
Sau các lần trì hoãn công bố kết luận thanh tra tài sản và sai phạm của ông Phạm Sỹ Quý, dư luận đón nhận thông tin mức kỷ luật thi hành đối với ông cùng sự thất vọng không chỉ riêng trường hợp cá nhân của ông Quý mà là sự phẫn nộ vì cho rằng các cơ quan Nhà nước không thi hành đúng quy định luật pháp qua các vụ việc xảy ra, điển hình gồm hai vụ kể trên.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển IDS nói với RFA ông từng có nhiều bài viết cũng như nhiều lần lên tiếng trong thời gian dài rằng những người vi phạm pháp luật nghiêm trọng nhất từ trước đến nay ở Việt Nam chính là các cơ quan và các quan chức Nhà nước. Tiến sĩ Nguyễn Quang A nêu lên một trường hợp mà ông khẳng định là vi phạm pháp luật:
“Tôi nghĩ rằng Đảng Cộng Sản Việt Nam là một tổ chức vi phạm luật hết sức nghiêm trọng. Những luật do Quốc Hội Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam đưa ra, mà Quốc Hội cũng được tạo ra từ bên trong của Đảng Cộng Sản, nhưng họ vẫn bất chấp những chuyện như vậy.
Tôi chỉ đơn cử trong Luật Chống tham nhũng quy định rõ ràng Thủ tướng là Trưởng Ban chống tham nhũng. Rồi một thời gian, ông Nguyễn Phú Trọng thấy ông Nguyễn Tấn Dũng là một ông trùm tham nhũng mà làm Trưởng Ban chống tham nhũng thì ông Trọng cũng chẳng cần đợi Quốc Hội sửa luật gì cả và Đảng của ông Trọng lấy luôn cái chức ‘Trưởng Ban chống tham nhũng’, gọi là của Đảng nhưng thực sự triệt tiêu tổ chức chống tham nhũng của chính quyền. Và đây là một sự vi phạm pháp luật hết sức trắng trợn. Còn có thể kể ra rất nhiều các sự vi phạm khác của các cơ quan và các quan chức Nhà nước, từ trung ương cho đến cấp phường-xã-thôn.”
Đứng trên pháp luật?
Một vụ việc xảy ra ở thôn Sơn Tây, thuộc tỉnh Phú Yên đang thu hút sự chú ý của dư luận mà Báo mạng Dân Trí đưa tin vào chiều ngày 31 tháng 10, cho biết bà Thẩm Thị Linh, Bí thư Chi bộ thôn nói rằng việc làm của bà và Trưởng thôn Phạm Văn Quảng là không sai khi có mặt để chặn xe cưới của người dân đòi 3 triệu đồng tiền đóng góp làm đường xây dựng nông thôn mới.
Gia đình bị chặn xe cưới tố cáo bà Linh và ông Quảng cùng một nhóm người có thái độ hành xử xúc phạm danh dự củ gia đình họ và yêu cầu chính quyền địa phương phải xin lỗi gia đình. Tuy nhiên, bà Bí thư Chi bộ thôn Sơn Tây tuyên bố nếu bị buộc phải xin lỗi thì sẽ từ chức, qua lời đề nghị “làm sai thì xin lỗi” của ông Trịnh Lâm Hải, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Sơn Thành Tây.
Hồi cuối tháng 9 vừa qua, dư luận cũng xôn xao trước thông tin Công an phường Tam Bình, quận Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh đưa hai cô gái vào Trung tâm Hỗ trợ Xã hội do không mang theo giấy tờ tùy thân khi đi uống cà phê. Mặc dù phía Công an phường Tam Bình và gia đình thuật lại vụ việc có nhiều chi tiết không trùng khớp với nhau, nhưng Giám đốc Sở Lao động-Thương binh-Xã hội thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu làm thủ tục cho 2 cô gái này về nhà, sau một tuần bị giữ trong Trung tâm Hỗ trợ Xã hội.
Khi nào Đảng vẫn đứng trên pháp luật, Đảng chỉ huy pháp luật thì chắc chắn không thể nào có được sự gọi là minh bạch và rõ ràng để mà xử lý tham nhũng hết
-Ông Nguyễn Trung Dân
Qua những trường hợp mà chúng tôi đề cập, không chỉ dư luận mà giới quan sát tình hình Việt Nam cho rằng các cơ quan thực thi pháp luật tại Việt Nam không tuân thủ pháp luật, thậm chí đội ngũ nhân viên công quyền ngày càng tham nhũng quyền lực. Và một minh chứng rõ ràng nhất qua báo cáo của Chính phủ về hình thức xử lý kỷ luật đối với những lãnh đạo cốt cán của các tập đoàn kinh tế nhà nước bị thua lỗ, bao gồm Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Hóa chất (Vinachem), Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex)…là cách chức, phê bình nghiêm khắc và kiểm điểm rút kinh nghiệm.
Ông Nguyễn Trung Dân, nguyên Phó Tổng Biên tập phụ trách Báo Du Lịch từng lên tiếng với RFA rằng:
“Khi nào Đảng vẫn đứng trên pháp luật, Đảng chỉ huy pháp luật thì chắc chắn không thể nào có được sự gọi là minh bạch và rõ ràng để mà xử lý tham nhũng hết.”
Chúng tôi xin kết thúc bài viết này với chia sẻ của một công dân Việt Nam và cũng là cư dân mạng rằng tình trạng từ quan chức lãnh đạo cấp thôn như bà Thẩm Thị Linh cho đến đồng chí X, lãnh đạo cấp trung ương hành xử không theo đúng pháp luật chẳng có gì khó hiểu cả. Lý do là vì họ được dung túng, cho phép và khuyến khích ngầm từ Đảng Cộng sản Việt Nam, tổ chức lãnh đạo cao nhất của quốc gia.
No comments:
Post a Comment